Đánh thức lòng tự trọng bị xúc phạm

03:51 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2003

Xã hội cần ứng xử với sinh viên với tư cách là “con người có giáo dục”, tức là “con người sẽ quyết định khả năng hoạt động của xã hội. Con người này cũng là hiện thân của các giá trị, niềm tin và trách nhiệm của xã hội. Để nhận được sự ứng xử đó, sinh viên phải tỏ rõ mình chính là “con người có giáo dục”.

“Mặc dầu chúng ta được một tinh thần mới phục sinh hướng dẫn thì những câu trả lời dù sao cũng phải xuất phát từ chính chúng ta ” (J.Naisbitt). “Chúng ta”, tôi muốn nghĩ đến các bạn sinh viên, một chủ thể có sứ mệnh cao cả, một “nguyên mẫu xã hội” theo cách nói của các nhà xã hội học, họ phải là “hiện thân của các giá trị”.

Đây không là chuyện tự tô vẽ, thổi phồng mà là xã hội cũng như sinh viên phải tự ý thức được điều đó cũng như thực sự hiểu rõ sức mạnh của văn hoá, của tri thức và vai trò của tri thức trong nền kinh tế tri thức đang ngày càng lộ dần sức cuốn hút và tác động của nó.

Liệu có phải là quá sớm để đặt vấn đề nói trên khi chúng ta đang đối diện với tầng tầng lớp lớp những khó khăn về kinh tế và xã hội trước thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?

Khi đi vào thời đại của những bước tiến như vũ bão của khoa học và công nghệ thì vấn đề giáo dục và đào tạo lại càng là bức xúc hàng đầu. Và chỉ khi xã hội cảm nhận được sâu sắc sự bức xúc ấy thì vấn đề "con người có giáo dục” - hiện thân của giá trị, niềm tin và trách nhiệm xã hội - mới có thể định hình và phát huy tác dụng.

Nhưng trước khi nói đến nhận thức của xã hội, có lẽ trước hết phải là nhận thức của sinh viên về sứ mệnh cao cả của chính mình.

Có một nghịch lý thật oái oăm: ngay trên con đường mang tên một nhà khoa học, một nhà giáo dục và là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ trí thức và sinh viên, giáo sư Tạ Quang Bửu, các "chợ phao thi” lưu động vẫn nhộn nhịp!

Và chua chát hơn, con đường mang tên cố Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN lại nằm gần kề trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm nay! Mà rồi không chỉ "chợ phao", có hẳn một đường dây thi hộ với những "gà” chuyên nghiệp với những biểu giá rành rọt do các "ông trùm" của nghiệp vụ thi hộ này đưa ra với thủ thuật tinh vi, đánh vào sự háo danh của các bậc cha mẹ đang "ăn nên làm ra” trên "chính trường" hoặc "thương trường" muốn có những cậu ấm, cô chiêu được dán nhãn mác sinh viên cho dù 100% là dỏm!

Trong một điều tra của Viện Tâm lý học thì có đến 97,5% trong diện khảo sát thừa nhận có hiện tượng quay cóp, 94,3% trả lời là có hiện tượng mua bán điểm trong trường đại học với 42% cho là hiện tượng này rất trầm trọng.

Ai mua, ai bán? Thật đáng xấu hổ cho "nguyên khí quốc gia” khi nêu lên câu hỏi đó. Quả là đáng phẫn nộ khi nói lên "nhu cầu” mua và bán trong cổng trường của những giảng đường đại học vốn là chốn tôn nghiêm không chỉ đối với những thanh niên vừa qua 12 năm được giáo dục và đào tạo trong nhà trường phổ thông mà còn trong tâm lý xã hội, một xã hội vẫn chưa phôi pha hết truyền thống trọng học vấn hiền tài.

Ở chốn tôn nghiêm đó mà chuyện "đi thầy" trở thành một nỗi ám ảnh đối với những sinh viên nghèo, và tôi chắc chắn cả đối với những sinh viên biết tự trọng, song "nếu không đi thầy” thì điểm thấp, không được cấp bằng tốt nghiệp loại khá, rồi sẽ khó xin việc làm

Đây là một nỗi đau không của riêng ai. Hơn thế nữa, một nỗi nhục. Tôi nhớ đến một đòi hỏi của C. Mác: "Cần phải làm cho sự nhục nhã càng nhục nhã hơn nữa bằng cách công bố sự nhục nhã ấy..., cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ phải nhảy múa lên bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của chính bản thân chúng". Đó là những âm điệu gì vậy? Âm điệu của lòng tự trọng bị xúc phạm.

Phải đánh thức trong sinh viên, đương nhiên - quan trọng hơn nữa là những người thầy dạy sinh viên, họ là tấm gương để học trò của họ soi vào - lòng tự trọng để tạo nên sức mạnh chống trả lại những hành vi đáng xấu hổ đó. Và tôi muốn nhắc tiếp đòi hỏi của C.Mác: "Xấu hổ là một sự phản khích hướng vào nội tâm. Và nếu toàn thể quốc dân cùng thật sự biết xấu hổ thì cả dân tộc sẽ trở thành sư tử”.

GS. Tương Lai (Bài đăng trên Sinh viên với tên gọi Ứng xử sinh viên)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: