Một căn bệnh xã hội cần được gọi đúng tên

07:26 SA @ Thứ Bảy - 25 Tháng Chín, 2010

Một lần, cách đây cũng đã gần mươi năm, một đồng chí có trách nhiệm hỏi tôi vấn đề xã hội trầm trọng nhất, bức xúc nhất của chúng ta hiện nay là gì? Câu trả lời của tôi khiến cho đồng chí ấy trầm ngâm: "Quốc nạn tham nhũng, đại dịch HIV-AIDS, ma tuý, mại dâm, nạn buôn lậu xuyên quốc gia... là những vấn đề xã hội nghiêm trọng đang được nói đến nhiều. Nhưng theo tôi, điều bức xúc nhất, trầm trọng nhất là một lối sống tệ hại đã trở thành thói quen của không ít người, đó là thói đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo; trong hội nghị thì gật gù tán thưởng, ra quán trà thì dè bỉu, chê bai, trên diễn đàn thì cao đàm khoát luận những chuyện cao siêu, vào quán nhậu thì bàn mưu tính kế kiếm chác, lừa gạt ti tiện... Sự nguy hại khôn lường của nó chính là đã tạo ra một tập quán e ngại, lẩn tránh sự thật, chỉ thích cái nghe cái giả không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, tự đánh lừa mình bằng cái giả đã quá quen tai. Tai mình, và nhất là tai cấp trên. Dần dần, không chỉ là quen tai, mà rồi cũng quen trong hành vi ứng xử và nguy hiểm hơn nữa là quen trong một nếp tư duy. Tôi nghĩ rằng, đây là một bệnh lý xã hội trầm trọng, và kéo dài, cần phải dũng cảm gọi đúng tên, để đấu tranh khắc phục. Câu trả lời ấy tôi bật ra ngay khi được hỏi vì nó đã nung nấu từ lâu, từ những quan sát, tiếp xúc, va chạm, kiểm nhận, suy ngẫm. . .

Chuyện đạo đức giả đâu phải là mới mẻ gì mà om sòm làm vậy? Vẫn là chuyện xưa cũ cả đấy thôi. Chẳng thế mà Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã tự lỡm mình: "Ban ngày quan lớn như thẩn, Ban đêm quan lớn tần mần như ma. Ban ngày quan lớn như cha. Ban đêm quan lớn rầy rà như con". Thì cũng là một thứ đạo đức giả được thành thật phơi bày đấy chứ gì.

Nhưng để tự lỡm mình, chỉ ra được cái tếu táo của chính mình là vì con người ấy dám thật với mình, thật với đời. Và để có cái thật ấy, phải là nhân cách của người "cầm quân đến tài danh tướng, làm thơ đến bậc văn hào".

Đó chuyện đời xưa. Còn chúng ta nay đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội cơ mà. Thi hào Na-dim Hít-mét từng viết về Chủ nghĩa Xã hội: "Em hiểu không, Chủ nghĩa xã hội. Làm thế nào cắt nghĩa cho em. Đó là lúc tự do đã hóa thành muối ăn với bánh đậm đà. Thành lời thật trên môi ta nói. Thành lửa hồng trong bếp của ta" (Xuân Diệu dịch). Chủ nghĩa Xã hội đích thực đòi hỏi cái thật, nó đối lập với cái giả. Chính vì thế để cho cái giả len lỏi vào tận chân tơ kẽ tóc của cuộc sống, ngư trị trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội thì đó là một trọng bệnh lý xã hội.

Không là trọng bệnh sao được khi có người mặc sắc phục cảnh sát giao thông, với xe moto, xe Jeep của Nhà nước trang bị cho... để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn phép nước thì lại trở thành nỗi kinh hoàng của dân với nạn mãi lộ công khai và trắng trợn của họ. Báo Tuổi Trẻsố 11.4.2000 chạy một dòng tít: "Không thể dẹp được mãi lộ trong cảnh sát giao thông?" đã dẫn ra lời của một người dân: "Mãi lộ với cảnh sát giao thông ngày nay đã là chuyện bình thường đến nỗi nhiều lúc trở thành đòi hỏi trắng trợn. Xe vi phạm luật lệ giao thông chỉ cần một gói Ba số, mười ba, mười lăm ngàn đồng là xong ngay. Có những cảnh sát giao thông cầm ngay tiền, thuốc giữa chốn đông người chẳng ngại ngùng e sợ luật lệ gì cả. Tôi là một người dân đã bao lần chứng kiến cảnh này mà lòng xốn xang tự hỏi kỷ cương xã hội đâu rồi."

Không là trọng bệnh sao được khi có một dịch vụ làm "phao" rất rầm rộ và công khai để bán cho học sinh quay cóp trong các kỳ thi ở tất cả các cấp, khi cả một cấp ủy huyện nọ chuẩn bị cho những cán bộ chủ chốt của họ vào Tp. Hồ Chí Minh thi bằng Cử nhân luật đã "chu đáo" đến độ mua sẵn một máy photocopy hiện đại và một máy phát điện nhỏ chở lên xe mang đi. Để làm gì vậy? Để photocopy, hoặc dù có gần thì nhỡ đang photo bài giảng do "thầy" được thuê đi cùng làm hộ mà đúng lúc ấy bị cúp điện thì làm sao các “sĩ tử” của huyện nhà kịp nhận được bài giải mà chép! (báo An ninh thế giới). Ôi chuẩn bị thi "chu đáo" đến vậy thật có một không hai. Chẳng thế mà việc mua bằng, bán điểm, xin học hàm chạy học vị trở thành một nỗi ô nhục khiến cho vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân đâu là tiến sĩ thật, đâu là tiến sĩ rởm trở thành nỗi canh cánh trong tâm lý xã hội.

Thời cụ Nguyễn Khuyến loại "tiến sĩ giấy" "cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai. Cũng gọi ông nghè có kém ai"... với "cái giá công danh ấy mới hời" cũng đã từng bị lên án, nhung "đại trà" đến như bây giờ thì quả thật là chưa! Chưa là vì trước đây làm gì có cái cơ chế người đời “cử” trước "thi" sau. Người ta nói thi cử là tuân theo cái logic thông thường, chuẩn bị tri thức đủ để có khả năng đảm nhiệm những công việc đòi hỏi cần phải có những tri thức ấy. Và thi là để những cơ quan có thẩm quyền xác nhận thực lực của những người đã dày công chuẩn bị đón nhận những công việc mà họ có khả năng đảm nhận và mong muốn được đảm nhận. Ấy thế mà làm ngược lại với lôgic thông thường đó lại là một thực tế khá phổ biến trong việc lựa chọn và đề bạt cán bộ của ta hiện nay: cứ việc cử đã rồi nếu cần thì thi sau, đương nhiên là cũng có những căn cứ để dựa vào mà cử như quá trình công tác, lý lịch chính trị, kinh nghiệm tích lũy... Nhưng khi đã được cử rồi thì mọi chuyện thi sẽ rơi vào một tình huống khác. Vì rằng "Dứt khoát phải có thi rồi mới cử... Ngày nay, đa số cán bộ lại được cử rồi mới thi ".Thế mới có chuyện các kiểu chạy, chạy thầy, chạy hội đồng thi, chạy điểm, chạy bằng... "nhiều nhất là ở các trường kinh tế, quản trị kinh doanh, ở các lớp tại chức mở ở địa phương để cấp bằng đại học cho các quan chức củng cố ghế của họ. Bởi vậy mới có tình trạng người có bằng giả thì ngồi đấy, người có bằng thật thì thật thì thất nghiệp"(GS. Nguyễn Văn Chiển, Tạp chí Tia Sáng số 5.2000).

Bởi thế mới có những con số đau lòng: có đến 65% giám đốc và tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của xứ ta không có "khả năng đọc và hiểu được quyết toán tài chính hàng năm" cho nên mới có chủ trương "phải đào tạo lại đội ngũ giám đốc, tổng giám đốc này, nghĩa là phải giúp họ tiếp tục tồn tại và phát triển trong khi hàng vạn sinh viên được đào tạo chính quy và tốt nghiệp các trường đại học kinh tế có thừa khá năng đọc và hiệu quyết toán tài chính thì chẳng thể nào tìm kiếm việc làm được" (Báo Thanh Niên ngày 2-6).

Bởi thế mới có những chuyện thi cử đáng xấu hổ như một nghiên cứu sinh trả lời thầy hướng dẫn "thầy cứ góp ý kiến thoải mái, tôi sẽ báo thư ký của tôi nó sửa và viết lại theo đúng ý thầy". Đáng sợ hơn nữa là cái cơ chế đáng xấu hổ ấy đã thấm vào đến tuổi trẻ học đường "chạy để được giỏi' "cuộc chạy đua xin điểm để được... giỏi. Điều này diễn ra ở phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, số giáo viên đang dạy trung học phổ thông mà có con đang học lớp 12". Bài báo đưa ra kết luận: điều đó nói lên rằng danh hiệu "học sinh giỏi" mà các em ấy đang có, là không thực(Báo Lao Động ngày 1.6). Tiêm vào tâm hồn tuổi trẻ học đường cái tâm lý chạy theo cái không thực đó thì không hiểu rồi đây khi chúng đảm đương cơ nghiệp của tổ tiên, của cha anh, chúng sẽ "chạy" theo con đường nào đây?

Có những căn bệnh bệnh xã hội mà những tiến bộ của y học thế giới đã hứa hẹn những triển vọng có thuốc chữa khỏi. Căn bệnh xã hội về "chuộng cái giả mà sợ cái thật" thì không thể chờ đợi ở y học mà cứu cánh của nó lại là sự dũng cảm nhìn vào sự thật, nói đúng sự thật điều mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng cảnh báo về "tình hình nguy kịch không thể coi thường... Cần thấy hết tình hình, rút ra kết luận nghiêm khắc với ý chí cách mạng tiến công"(báo Nhân Dân ngày 15.5.1999).

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Báo động đỏ về sự dối trá

    31/03/2017Nguyễn Khắc PhêVấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người...
  • Suy ngẫm mỗi ngày

    05/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTrong bài ngắn này tôi đưa ra suy nghĩ, quan sát từ thực tiễn tư vấn của mình trong 5 năm gần đây. Ngõ hầu sửa chữa tư duy của rất nhiều nhà quản lí chưa có thói quen hay nhận thức đầy đủ, và tính được mức độ tác động của yếu tố vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời trợ giúp các nhà quản lí tổ chức vĩ mô hay vĩ mô tham khảo định hình bài toán hoạch định tương lai của tổ chức mình...
  • Giáo dục và bệnh thành tích

    19/07/2006Huỳnh Bửu SơnThành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
  • "Phao" là một bệnh dịch của xã hội

    02/07/2005Tiến sĩ Hồ Thiện HùngChuyện “phao” tràn ngập ở các hội đồng thi không còn mới mẻ, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Nếu giám thị thực thi nhiệm vụ thì có nơi xuất hiện những kẻ côn đồ hành hung cả thầy.