Cái thắng bên trong
Sống trên đời chúng ta được mưu cầu hạnh phúc.Hạnh phúc là một thứ trời ban cho ta, không phải xin ai, nhưng phải tạo lập.Thế nào là hạnh phúc thì đó là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời làm mọi người hài lòng. Ước mong hạnh phúc của chúng ta có các mức độ khác nhau; nhưng khi chúng ta đòi hỏi cao quá, khiến việc làm của ta gây thiệt hại cho mình hay cho người khác thì được gọi là dục vọng, là lòng tham. Để giúp ta tránh cái đó, và cũng để hưởng hạnh phúc, các lãnh tụ tôn giáo chỉ cho chúng ta cách thức, hay con đường, để xử với chính mình và với người khác.
Suy xét về lời dạy của các Ngài để làm sao có hạnh phúc, tôi nghiệm ra rằng cho cùng một mục đích các Ngài chỉ cho ta cách làm khác nhau. Xin lấy một tình huống để so sánh. Anh Ba làm vỡ cái bình hoa bằng pha lê của tôi. Bình đẹp lắm, cô bạn gái tặng, và tôi rất thích nó! Bây giờ nó vỡ rồi! Tôi phải đối xử với anh Ba như thế nào đây? Luật pháp cho tôi quyền đòi anh ấy đền một cái bình khác.Thế nhưng các tôn giáo dạy khác.
Nếu theo đạo Phật, tôi được dạy hãy nhìn vào cái bình kia, mà không vào anh Ba, và nghĩ là mọi sự vật trên đời này đều trải qua bốn giai đoạn: thành – trụ – hoại – không. Nay cái bình ấy vỡ vì nó đã đến giai đoạn 3, là hoại. Ở đó tự nó, nó sẽ vỡ không cần anh Ba quơ tay vào. Nghĩ như thế tôi sẽ không còn căm giận anh Ba nữa. Anh ấy chẳng có lỗi gì. Chuyện đền bù theo luật pháp không còn quan trọng.
Nếu theo đạo Thiên chúa, tôi được dạy rằng anh Ba là anh em của tôi; tôi phải yêu anh ấy như chính mình. Tôi nhìn vào anh Ba. Lấy chính mình, nếu như tôi có làm vỡ cái gì của ai, tôi cũng mong họ không bắt tôi đền. Vậy anh Ba làm vỡ cái bình của tôi, tôi cũng không được bắt anh ấy đền. Suy nghĩ ấy cũng làm tôi không căm tức anh Ba nữa. Một đạo dạy nhìn vào cái bình, đạo kia dạy nhìn vào người; nhưng đều đưa đến một hiệu quả! Ta không phải tức giận ai thì đó là một hạnh phúc. Và đó là sự tha thứ. Nó nằm trong lòng ta, là “cái thắng” bên trong ta.
Chúng ta, mỗi người, đều có những khiếm khuyết, những lần sai phạm, bởi vì trong cuộc sống ta cần nhiều thứ, có nhiều nhu cầu. Abraham Maslow đã phân tích các nhu cầu ấy và thấy chúng chuyển dịch từ thấp lên cao theo năm bậc, hết bậc nọ đến bậc kia. Đó là nhu cầu:
(i) sinh lý ( ăn uống, nghỉ ngơi, chữa bệnh…);
(ii) an toàn ( sợ thất nghiệp, trộm cắp…);
(iii) tình cảm và được chấp nhận yêu đương, bạn bè, hội đoàn…);
(iv) được tôn trọng (được khen, được chú ý…);
cuối cùng được diễn đạt bản thân ( giác ngộ, đắc đạo).
Bốn nhu cầu đầu cần cho sự sinh tồn. Chỉ đến khi đạt đến nhu cầu bậc 5 người ta mới cảm thấy trọn vẹn ý nghĩa làm người của mìn. Ở bậc đó họ là người có tên tuổi.
Để cho các nhu cầu từ bậc 1 đến bậc 4 được thỏa mãn, chúng ta phải tự làm một mình hay nhờ vả người khác. Những khi ấy chúng ta dễ dàng làm buồn lòng nhau, theo nhiều cách, khi vô tình, lúc cố ý. Nhu cầu ở bậc 1 và 2 đòi hỏi nhiều vật chất; bậc 3 và 4 đòi hỏi hành vi và có đi có lại. Chẳng hạn yêu đương thì “phải có nhau”; muốn được khen phải làm tốt…
Khi tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của mình, mỗi người có thể có những động lực khác nhau; nhưng tựu trung lại có hai cái chính: làm vì mình – hay làm vì người.
Xin bàn sâu hơn về hai cái này. Mục đích cuối cùng của mọi người khi làm một việc gì là để sao có lợi cho mình, lợi đó có thể là vật chất hay tinh thần; ít người làm không; và dù có làm không thì cuối cùng cũng được khen ngợi, được nhớ ơn, dẫu mình không màng đến. Sở dĩ vậy là vì mỗi người trong chúng ta đều muốn được người khác nhìn nhận, và không muốn lòng mình bị áy náy với ai. Thậm chí, khi bị ngã mà được nâng dậy, thì không có thể làm gì được, ta vẫn sẽ nói cám ơn. Nhận được lời cám ơn, thì đó cũng là một mối lợi. Ta hiểu mối lợi rộng như thế vì đó là sự thật trong cuộc đời. Các nhà kinh tế cổ điển Anh coi con người là một người kinh tế (homo economicus)! Khi sống ta tìm mối lợi, nhưng làm cách nào để có? Xin giải trình.
Bạn gặp một người túng thiếu, anh A, và có thể cho anh ta vài đồng bạc. A sẽ được món kia, còn bạn được khen là người tốt. Vào trường hợp này, bạn có hai cách làm. Cách thứ nhất, bạn biết A đang thiếu, nhưng cũng biết A có mặc cảm là nghéo khổ và thường xấu hổ trước mặt người khác. Khi làm, bạn muốn tránh cho A không bị mặc cảm hay thấy xấu hổ. Bạn nghĩ đến lợi ích của A. Vậy bạn sẽ tìm cách đưa kín đáo, nói lời thắm thiết với A. Bạn đã làm vì người. Cách thứ hai, bạn muốn nhiều người biết mình tốt, muốn làm cho mình nổi. Bạn cũng đưa quà cho A nhưng sẽ nói oang oang, vừa khoe vừa đưa. Bạn chẳng hề nghĩ đến sự Xấu hổ của A. Bạn làm vì mình. Câu chuyện một công ty nào đó đấu giá mua bộ Tứ Linh 47 tỉ rồi biến luôn là cách làm này đấy. Nhưng nó xấu xa ở chỗ lợi dụng đấu giá từ thiện để lấy tiếng. “cái Thắng bên trong bị đứt”! Đến đây ắt có câu hỏi làm sao để có cái thắng kia?
Thưa nó được “lắp ráp chầm chậm” từ khi ta còn bé. Lúc ấy ta thường ăn tham; thấy trong mâm có món mình thích thì cứ gắp lia lịa, chẳng nghĩ đến ai! Mẹ ta khi ấy sẽ nắm tay ta lại và bảo “ còn để cho người khác nữa chứ”. Vâng, đấy là bộ phận đầu tiên của cái thắng. Lớn lên, mẹ sẽ không giữ tay ta nữa mà bà chị sẽ lêu lêu để ta ngượng ngập. Sự xấu hổ chính là cái thắng bên trong ta. Và nó sẽ to dần. Nhiều tuổi hơn nữa ta sẽ được dạy bảo để sự xấu hổ biến thành sự tiết độ, hay sự tự chế. Tiết độ được định nghĩa từ xưa trong tiếng Hy Lạp là “sự chừng mực trong việc làm, trong suy nghĩ và trong cảm xúc”. Nó là đức hạnh, hay nhân đức, đã được nhìn nhận liên tục qua thời gian, trong các nền văn hóa khác nhau và là một trong bốn đức hạnh căn bản ( khôn ngoan, công bình, can đảm ) vì không có nó thì không giữ được các đức hạnh khác; bởi lẽ con người không tự kiểm soát mình được thì không thể giữ các đức tính kia. Để cho trẻ con thấm nhuần, giáo lý đạo Thiên Chúa dạy ác em bảy tội gốc – hay bảy mối tội đầu. Đó là: kiêu ngạo, hà tiện,dâm dục,giận hờn, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng. Phật giáo cũng có ngũ giới dành cho những ai phát nguyện tuân giữ tùy theo sức của họ. Tất cả cũng chỉ nhắm làm cho con người biết tự mình ngăn cản mình, không cần ai nhắc nhở, không sợ ai phê bình. Và từ xa xưa Platon đã nói: “Tiết độ không gì khác hơn là một trật tự, một cái phanh mà người ta đặt cho khoái lạc và đam mê của mình”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015