Chúng ta không vô can
LTS: Trong số báo trước, tác giả Tương Lai đã đề cập đến vấn đề “sa sút đạo đức”, và gọi đó là một “nỗi đau xã hội”. Ông nhấn mạnh, để xảy ra nỗi đau này, chúng ta không hề vô can! Bài viết sau đây làm rõ hơn những liên quan trách nhiệm từ gia đình đến trường học và cả luật pháp.
Xã hội có trước khi chúng ta sinh ra. Những bức tường xã hội đã có sẵn trước khi chúng ta ra đời, nhưng rồi cũng do chính chúng ta bồi đắp thêm lên. Chúng ta bị đóng khung trong xã hội [cũng có thể nói bị “giam cầm” trong xã hội] bằng chính sự hợp tác tự nguyện của chúng ta.
Chúng ta đâu có được chọn lựa, cũng như con cái đâu có quyền chọn cửa để sinh ra. Nếu con cái không có quyền chọn lựa cha mẹ, thì cha mẹ cũng vậy! Cho dù y học hiện đại đang tạo ra những điều kiện mới giúp phần nào cho sự quyết định sinh con, nhưng nếu có như vậy, thì sự tác động ấy cũng cực kỳ hạn chế, tất cả vẫn tùy thuộc vào “ân huệ” của tạo hóa. Và bất luận thế nào, đứa con cũng là báu vật của một đời người, báu vật của một gia đình, không gì thay thế được.
Cho nên, tuy không có quyền chọn lựa, song cha mẹ lại hoàn toàn phải chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái nên người. Vì thế, nếu ai đó tự biện hộ cho sự thiếu quan tâm giáo dục con cái bằng câu thành ngữ quen thuộc “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” chỉ là một cách buông xuôi vì dù muốn dù không thì vẫn “con dại cái mang”. Thế nhưng, để cho một đứa trẻ “nên người”, không thể chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình, mà còn phải là trách nhiệm của xã hội với những thiết chế đã định hình, trong đó, trước hết là nhà trường, tiếp đó là những cộng đồng gần gũi với quá trình “nên người” ấy của đứa trẻ.
Nói “chúng ta không vô can” trước “nỗi đau xã hội” như đã trình bày ở số báo trước là trên ý nghĩa ấy.
Những nạn nhân và những thủ phạm trong các hành vi bạo lực học đường đang làm bức xúc dư luận xã hội không tự trên trời rơi xuống. Những tay quay phim không chuyên hào hứng chớp lấy những cảnh bạo lực tàn bạo để đưa lên phim, và ngay cả những “khán giả” bất đắc dĩ hoặc tự nguyện, xem ra cũng đều là thủ phạm hoặc nạn nhân. Có lẽ đúng hơn là cả hai! Gia đình không thể lẩn tránh trách nhiệm trước “nỗi đau xã hội” đó.
Những thủ phạm và nạn nhân của bạo lực ấy chỉ khác nhau ở cái tổ ấm gia đình được tạo dựng trong căn hộ tồi tàn chật chội hay trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường, nhưng lại tuyệt đối giống nhau là đều được sinh ra trong một gia đình [loại trừ những cá biệt ngay đến điều đó cũng không có].
Đã có một số bài báo cho biết nhân thân của vài nữ sinh tham dự vào các vụ bạo lực ấy để đưa đến một nhận định hành vi hung bạo, mất hết “nữ tính” nói kia là do hoàn cảnh bất hạnh. Có thể có điều đó. Nhưng cũng không ít trường hợp cả nhà trường và phụ huynh của học sinh đâm chết bạn lại cho biết em vốn là học sinh ngoan, hiền lành, không có biểu hiện gì bất thường. Và thế rồi bố mẹ bàng hoàng sửng sốt trước sự việc xảy ra.
Chao ôi, dù là “tổ ấm” có trở thành “tổ lạnh” thì vẫn là cái “tổ”, nơi con người sinh ra và lớn lên. Chỉ có điều gia đình không phải là một ốc đảo giữa đại dương xã hội! Gia đình đang gánh chịu sự tác động dữ dội của xã hội, một xã hội đang chuyển mình với bao chuyển đổi. Gia đình vừa hút vào mình những dưỡng chất cũng như những độc chất từ xã hội đồng thời với việc đưa vào xã hội những hay dở, tốt xấu của riêng mình. Tuy rằng lọt lòng mẹ, con người đã có sẵn một xã hội như vừa nói. Thế nhưng, theo Hégel, chính “con người tự sản sinh ra mình”. Bằng cách nào? Bằng xã hội, trong xã hội. Nói chính xác hơn: trong quá trình xã hội hóa [với ý nghĩa vốn có của chuyên ngành xã hội học chứ không phải theo cách dùng tràn lan hiện nay] bằng hoạt động thực tiễn. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người làm biến đổi đời sống xã hội và đồng thời cũng định hình chính mình. Khởi đầu cho quá trình đó là từ gia đình. Trên ý nghĩa đó, gia đình là một bộ phận không thế tách rời của xã hội, là một khâu trong chuỗi tiến trình “xã hội hóa” của con người để trở thành một thành viên của xã hội.
Bởi vậy, xét đến cùng, những hành vi bạo lực, cho dù là bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực sân cỏ, bạo lực đường phố… thì nguyên nhân vẫn phải truy tìm về xã hội, về môi trường xã hội đang có quá nhiều vấn đề. Hãy chỉ gợi lên sự tương tác giữa đô thị, nơi xảy ra nhiều hơn những hiện tượng bạo lực, với nông thôn.
Một nông thôn rộng lớn đang đối diện với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa với bao thách thức nghiệt ngã. Chỉ riêng nạn mất đất nông nghiệp khi mà tỷ lệ đất canh tác trên đầu người đã quá thấp, tất yếu đẩy tới thừa lao động vốn là căn bệnh trầm kha của nền nông nghiệp lạc hậu. Hệ lụy trực tiếp của điều này là sự xáo trộn trong gia đình cư dân nông nghiệp: những lao động chủ lực trong gia đình nông nghiệp phải lần đến các khu công nghiệp ở các đô thị để kiếm việc làm. Công việc đồng áng tại nhiều vùng nông thôn chuyển sang cho phụ nữ và người già. Đồng tiền kiếm được từ đô thị và khu công nghiệp gửi về quê nuôi sống gia đình có cái vị đắng không tiện nói ra, nhất là đối với những người chủ gia đình phải rời vợ con và bố mẹ già tha phương cầu thực.
Và rồi, một đô thị đang quá tải với việc tăng dân số cơ học do người từ làng quê đổ dồn vào kiếm việc làm khi mà cơ sở hạ tầng không sao đáp ứng nổi, đi liền với nạn vật giá gia tăng, tạo nên những xáo trộn dữ dội trong nếp sống đô thị. Điều tác động trực tiếp vào mọi tầng lớp cư dân đô thị là cảm giác bất an! Không chỉ bất an về trộm cắp cướp giật và bạo hành, mà còn là tai nạn giao thông luôn rình rập. Hãy chỉ gợi lên việc không gia đình nào dám để trẻ em cấp I một mình đến trường! Còn các cháu học sinh từ cấp II trở lên chỉ cần về học muộn là không ít gia đình đứng ngồi không yên, phải bổ đi tìm. Vì sao? Vì không còn tin vào việc con mình được an toàn trên đường phố: tai nạn giao thông, trấn lột, bị bắt nạt trong bối cảnh không thiếu người ngay sợ kẻ gian, cái thiện lép vế trước cái ác, thấy sai không dám phê phán, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy người lương thiện bị hãm hại không dám lên tiếng can ngăn vì sợ bị trả thù!
Có nhiều nguyên nhân đưa đến những ứng xử đó, trong đó, trước hết phải kể đến vai trò của pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật vốn được xem là một chỉ báo của xã hội văn minh thì còn quá nhiều bất cập, mà một trong những biểu hiện có tác động đến tâm lý xã hội là tính công minh của pháp luật. Chẳng hạn như, đã có không ít “kịch bản” được dàn dựng xoay quanh một vụ án mà những lời đồn đoán, không biết thực hư, rằng do chúng động chạm quá nhiều. Người ta sợ “rút dây thì động rừng”, cây con dễ cưa nhưng cây lớn khó chặt vì rễ nó chằng chịt, lại chui rất sâu, chỉ riêng cây đổ cũng rúng động một góc rừng! Ấy vậy mà “trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”(*) vốn là sức mạnh của luật pháp, thể hiện ý chí và khát vọng muôn đời của người dân dưới bất cứ thể chế chính trị nào. Không thực hiện được điều đó thì rồi sẽ còn có nhiều “kịch bản” điêu luyện được dàn dựng để diễn ra nghịch lý của pháp luật từng bị lên án từ xa xưa, nơi “ruồi to chui lọt, ruồi con mắc lưới”.
Khi niềm tin vào luật pháp bị phôi pha, không ít trường hợp người ta buộc phải tìm đến “luật rừng”. Thì “nữ sinh đánh nhau” là một cách tự xử theo kiểu “luật rừng” đấy thôi. Cho dù 36 thế kỷ rước đây, Hammourabi, người sáng lập Babylone, đã nói rõ “công lý xuất hiện là để ngăn chặn kẻ mạnh làm hại kẻ yếu”. Đó là một ý tưởng tuyệt đẹp cho dù nhuốm màu ảo tưởng.
Vì ở vào thời buổi nào thì vẫn có kẻ mạnh, mạnh vì quyền lực nắm trong tay và đồng tiền nằm trong túi, hai cái đó thừa sức làm lệch cán cân công lý cho dù về nguyên lý thì “pháp luật không hùa theo kẻ sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong”(**)!
Dư luận xã hội chưa hết bức xúc về vụ chó bẹc giê chủ trang trại cắn chết dã man người phụ nữ nghèo đi mót cà phê, cũng như vụ án về người đã từng được phong là anh hùng với rất nhiều tình tiết phi lý gây phẫn nộ cho những ai quan tâm đến đạo lý xã hội, và vừa rồi vụ án ấy đã buộc phải xem xét lại đã thỏa mãn phần nào sự phẫn nộ ấy.
Bức xúc, phẫn nộ, thỏa mãn hay hài lòng về thực trạng, tất cả đều có nguồn cơn của nó!
“Chúng ta không vô can” cho dù nhiều người trong chúng ta chưa có nỗi đau của những bậc làm cha làm mẹ có con trực tiếp là nạn nhân hoặc là thủ phạm của nạn bạo lực đang là “nỗi đau xã hội”, nhưng nếu chúng ta im lặng, cho dù không là “vô cảm”, trước nỗi đau đó thì lương tâm vẫn mách bảo rằng: dường như chúng ta đang là tòng phạm!
(*), (**) Hàn Phi “Hàn Phi Tử”.Tập I. NXB Văn học. Hà Nội 1990, tr.49
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh