Sa sút đạo đức, nỗi đau xã hội
Những clip video của những tay quay không chuyên nghiệp được tung lên mạng về “nữ sinh đánh nhau” đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Và rồi các báo liên tục đưa tin về bạo lực học đường: Một học sinh lớp 10 dễ dàng đâm chết bạn với một con dao thủ sẵn trong cặp sách vở.
“Sáu vụ đánh “hội đồng” trong 9 ngày, từ ngày 10-3 tại Hà Nội, 17-3 tại Bình Dương và tại Gia Lai ngày 19-3” [báo Tuổi Trẻ ngày 21-3-2010]; “thêm một clip “tra tấn” bạn học tại trường Lê Quý Đôn ở quận Hà Đông - Hà Nội: Nạn nhân bị bạn học kéo tóc, dùng giày cao gót đạp vào mặt, vào lưng, vào đầu… đánh ngoài hành lang chưa hả, nữ sinh này vẫn kéo xềnh xệch bạn vào trong lớp đánh tiếp. Đứng xem màn “tra tấn” này là rất nhiều nam nữ sinh mặc đồng phục, mang phù hiệu trường Lê Quý Đôn…” [báo Người Lao Động ngày 24-3-2010].
Chỉ cần gõ từ khóa “nữ sinh đánh nhau” vào trang web tìm kiếm Google, trong 0,36 giây đã cho ra hơn 2 triệu kết nối liên quan
Sẽ kinh hoàng hơn nếu gõ vào mục tìm kiếm của Google cụm từ “nữ sinh đánh nhau” sẽ nhận được chằng chịt những thông tin về “chuyên mục” đau lòng này. Càng kinh hoàng hơn nữa với con số sau đây: 96,7% số học sinh được hỏi cho rằng ở trường có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, 64% nữ sinh thừa nhận từng có hành vi ấy; 57,3% số nữ sinh đã từng đánh nhau cho rằng “hành vi đó là bình thường” và 39,6% cho là “chấp nhận được”! Đây là con số đưa ra từ một cuộc khảo sát có trách nhiệm tại hai trường THPT tại quận Đống Đa của thủ đô [báo Thanh Niên ngày 25-3-2010].
Và, đâu chỉ học sinh, một nữ giáo viên cùng với người yêu treo cổ tự tử tại một nhà nghỉ ở Buôn Mê Thuột sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh, trước đó mấy ngày cô giáo này vẫn dạy học bình thường! [báo Thanh Niên ngày 23-3-2010].
Nhưng chắc chắn là không bình thường khi số người đến khám các chứng bệnh về tinh thần mỗi tháng tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM bằng số bệnh nhân của cả năm cách đây 10 năm! Nguyên nhân nào dẫn đến việc 400 bệnh nhân tâm thân phải nhập viện mỗi ngày so với 70 người chỉ cách đây 5-10 năm tại bệnh viện này? [báo Người lao động ngày 26-3-2010].
Rồi những con số sau đây đang nói lên điều gì : 25% gia đình có bạo lực tinh thần và 30% gia đình có bạo lực cưỡng ép quan hệ tình dục! Đây là kết quả khảo sát tại sáu tỉnh thành ở Việt Nam của Dự án AECID [Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha] do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cần Thơ thực hiện [báo Người lao động ngày 23-3-2010].
Bạo lực gia tăng là nỗi đau không của riêng ai, dù là bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực ngoài đường phố… thì cũng đều là những vết thương cứa vào cơ thể xã hội. Những vết thương ấy nếu không được kịp thời chữa trị bằng những liệu pháp vừa mang tính cấp cứu, vừa có tính cơ bản lâu dài, thì di lụy của chúng sẽ thật khó lường.
Xã hội là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa người và người. Vì thế, suy rộng ra, khi mối quan hệ giữa người với người được thực hiện bằng bạo lực thì vào lúc ấy, tính người đã bị đánh mất, thay vào đó là ứng xử của loài thú cào cấu, cắn xé lẫn nhau để khẳng định sự tồn tại của mình! Sử dụng bạo lực trong mối quan hệ giữa người và người trong xã hội, trừ những trường hợp phải trấn áp và trừng trị kịp thời những kẻ đang thực hiện hành vi thú tính gây tổn thương cho người lương thiện, tức là đã tự hạ thấp hoặc đánh mất nhân cách của chính mình, làm tổn thương đến cộng đồng.
Điều này phải được dạy cho trẻ con ngay từ trong gia đình, từ các lớp mầm non, cho đến tuổi trưởng thành. Không phải dạy bằng lý thuyết, mà bằng hành vi và ứng xử của người lớn, bằng những thói quen ứng xử hằng ngày giữa trẻ với trẻ, trở thành tập quán được định hình trong cộng đồng. Đừng quên rằng “có thể nói sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”, đó là lời nhắc nhở của học giả đáng kính Nguyễn Khắc Viện.
Dẫn ra điều này để nói rằng, những hiện tượng vừa nói ở trên không hề ngẫu nhiên, mà là hệ lụy của cả một quá trình sống trong một môi trường xã hội đang có quá nhiều vấn đề, mà ánh phản chiếu trung thực của nó là sự xuống cấp đau lòng của hệ thống giáo dục và đào tạo. Nói là ánh phản chiếu với hàm ý rằng: ngành giáo dục đào tạo không thể không chịu trách nhiệm về sự kiện đau lòng nói trên.
Song chỉ quy tội cho sự yếu kém và bất cập của hệ thống này thì chưa đủ, mà nếu chỉ thế, thì không thể đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Phải đặt hệ thống này vào trong hệ thống lớn hơn với những bất cập ở tầm vĩ mô, để không thể không phân tích một cách trung thực thẳng thắn với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc chỉ ra những sự thật vốn thường được né tránh và kiêng kỵ. Đã đến lúc phải vượt qua sự né tránh đó.
Xin chỉ dừng lại về hiện tượng tự sát của cô giáo và người yêu vừa dẫn ra ở trên với những nguyên nhân, nói ra thì thật nhẫn tâm, nhưng quả là “lãng nhách” chẳng đâu vào đâu. Nói “lãng nhách”, là để nói về động cơ đẩy tới sự kết thúc mạng sống của con người một cách quá dễ dàng, nhưng đằng sau động cơ trực tiếp thúc đẩy con người tìm đến cái chết là cả một quá trình cá nhân ấy đã tách rời khỏi các giá trị và các mong đợi được chia sẻ bởi những người xung quanh họ.
Khi một thành viên xã hội đã bị nhạt nhòa hoặc đã mất đi trong họ cái chuẩn mực mà dựa vào đó, những hành vi và những mong đợi của họ được điều chỉnh, khi mà niềm tin xã hội, niềm tin vào cuộc sống đã bị mất đi thì chính đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành động bất ngờ, khó lường được xem là “lãng nhách” nói trên!
Theo quan niệm thông thường, tự tử là một trong những hành động có tính cá nhân nhất thì, với Emile Durkheim, tác giả của công trình nghiên cứu kinh điển về “Tự tử” ra đời năm 1897: ngay trong hành động đơn độc và cá nhân này vẫn có cái gì đó nằm ngoài ý thức cá nhân, đó là “xã hội”. Chính “xã hội” không chỉ là một nhân chứng cho hiện tượng đơn độc và cá nhân nói trên, mà còn là “người điều khiển tấn bi kịch này”!
Đặc trưng của các sự kiện xã hội là chúng phát huy một sự cưỡng bức đối với các cá nhân. Các nguyên nhân của các hiện tượng xã hội phải được tìm về trong môi trường xã hội. Durkheim cho rằng: “các xã hội có những thực tế của chúng không thể quy về các hành động và động cơ của các cá nhân, mà là các cá nhân đều do các môi trường xã hội nhào nặn”. Vì thế, “nguồn gốc đầu tiên của mọi quá trình xã hội có một tầm quan trọng nào đó phải được tìm kiếm trong sự cấu tạo của môi trường xã hội bên trong”.(*)
Đưa ra quan điểm của Durkheim nhằm dẫn đến một khuyến cáo: cần phân tích một cách thấu đáo cấu trúc xã hội, môi trường xã hội đang bị xáo trộn dữ dội với những biến thái phức tạp để tìm ra nguyên nhân của các hiện tượng xã hội đang là nỗi bức xúc nói trên. Có nghĩa là, phải xem những chuyện “nữ sinh đánh nhau”, rồi bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực đường phố, bệnh tâm thần tăng cao, tự tử… là những hiện tượng xã hội với nhận thức rằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của kinh tế.
Đã quá muộn để nói rằng, trong một thời gian khá dài, mục tiêu xã hội chưa được nhìn nhận một cách đúng mức để lấy đó làm điểm quy chiếu cho việc đánh giá đúng sai của Cương lĩnh và Chiến lược phát triển đất nước. Có thể trong câu chữ, trong các mệnh đề mang tính kêu gọi, từ những Nghị quyết của Đảng, các văn bản của Nhà nước thì vẫn có, thậm chí rất thuyết phục, song trong chỉ đạo thực hiện, trong hành động cụ thể, thì lại quá yếu kém, bất cập bởi nhiều nguyên nhân.
Vì thế, phải nhìn cho ra, từ những hiện tượng xã hội bức xúc nói trên là những chỉ báo sống động và trung thực về hệ thống giá trị đang bị xáo trộn, những chuẩn mực xã hội đang bị chao đảo, kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội [infrastructure socio-psychologique ] chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo để vừa cải tạo nhằm khắc phục những khuyết tật, vừa có chiến lược xây dựng một cách cơ bản tương thích với mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh của thời đại.
Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật cho dù đó là một sự thật đau lòng về bạo lực gia tăng. Đây là nỗi đau không của riêng ai, nỗi đau xã hội!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh