Phía sau mỗi con người ta
Khi anh lăng mạ một người, tức là anh đang trút toàn bộ bực tức lên người đó, anh chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang trừng phạt cái kẻ ấy, trừng phạt một cách cụ thể, trực tiếp và chả ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới cả. Nhưng anh quên mất rằng kẻ mà anh đang xúc phạm, đang giày xéo kia cũng có một gia đình, có vợ, có con, có cháu chắt nữa. Kẻ đó đang là trụ cột cho cả gia đình, đang là thần tượng của vợ con anh ta, là niềm tự hào của bố mẹ anh ta, anh em ruột thịt của anh ta. Vậy mà trong cơn tức giận, anh đã không ngại ngần hủy hoại nhân phẩm và danh dự của người đó. Có thể anh không ý thức được rằng anh sẽ làm tổn thương cái thế giới phía sau cái kẻ mà anh trừng phạt nhưng rõ ràng là anh đã làm được việc đó, một cách tàn nhẫn. Và đấy thực sự là một tội ác.
Tôi đã chứng kiến một vị sếp mắng một cô văn thư vì cô ấy không hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn. Ông ta mắng cô ấy sa sả giữa cuộc họp toàn cơ quan đến mức cô gái đã phải ôm mặt khóc. Ở cơ quan, cô gái chỉ là một nhân viên quèn, nhưng ở nhà cô ấy là mẹ của hai đứa trẻ, vợ của một người đàn ông. Sau cuộc họp tức tưởi, cô gái vẫn trở về nhà như mọi khi, ghé qua chợ mua thức ăn chuẩn bị cho bữa chiều của gia đình. Cô ấy vẫn phải niềm nở với hai đứa con, vẫn phải dịu dàng với chồng. Tóm lại là cô ấy phải giấu biệt những giọt nước mắt tủi hổ của mình để làm tất cả những gì cần làm cho cái gia đình nho nhỏ của cô ấy. Nhưng sự tổn thương thì vẫn còn đó. Buổi tối, hai đứa trẻ gối đầu lên hai cánh tay mẹ nghe kể chuyện cổ tích và chúng nhận ra rằng hôm nay mẹ chúng kể chuyện không mạch lạc nữa. Câu chuyển có vẻ ngắc ngứ, đứt quãng. Chúng không biết vì sao lại như vậy. Nếu hai đứa con biết mẹ chúng bị sếp mắng trước cơ quan thì chúng sẽ như thế nào? Chúng có nghĩ cuộc sống là khủng khiếp không? Nếu vợ của vị sếp ấy cũng bị đem ra giữa cuộc họp mắng nhiếc như thế, vị sếp ấy nghĩ sao? Mà lấy gì làm chắc trong khi vị sếp ấy đang nhiếc mắng nhân viên của mình thì cùng thời gian ấy vợ anh ta lại không bị “đấu tố” y hệt thế.
Một nhà thơ danh tiếng từng nói: “người là thức ăn của người”. Chúng ta “xài” danh dự, nhân phẩm của nhau một cách bình thản, chả hề nghĩ ngợi. Lỗi ấy là do chúng ta, cuộc sống đâu nhất thiết bắt phải như thế?
Đôi ba lần, cả vô tình lẫn cố tình, tôi xúc phạm vài ba người. Có lần, do sơ ý mà thành xúc phạm đồng nghiệp, người ấy phản ứng bằng cách xúc phạm lại tôi. Sự tức giận làm tôi mờ mắt và nhủ là thế cần phải trừng phạt, cần phải cho kẻ đó biết tay, cần phải… Người ấy liên tiếp bị xúc phạm nặng nề. Nhưng sau đó tôi không thấy nhẹ nhõm. Tôi bần thần như kẻ vừa đánh mất một cái gì ở trong con người mình, tôi đang bị hao khuyết đi, về tất cả các khía cạnh. Một chiều, khi mệt mỏi từ cơ quan trở về nhà, đột nhiên tôi nhận ra rằng mình thực sự là kẻ tàn nhẫn bởi vì người mà tôi xúc phạm cũng là chủ một gia đình như tôi. Nếu tôi bị người ta xúc phạm như tôi xúc phạm người ta thì tôi sẽ nhìn vào mắt con tôi thế nào? Và bây giờ tôi vẫn nợ người ấy một lời xin lỗi mặc dù có thể người ấy không cần tới nó.
Phía sau bất kỳ một con người bình thường nào cũng là cả một thế giới nhạy cảm.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh