Phải có tấm lòng chính trực
Trong kinh doanh có rất nhiều điều quan trọng liên quan tới tâm thể của người kinh doanh nhưng một trong những điều căn bản nhất mà tôi luôn nghĩ đến và gắng sức giữ gìn, đó là một tấm lòng chính trực. Chỉ khi người làm kinh doanh có một tấm lòng chính trực thì những điều mà tôi đề cập trên đây mới thực sự có nghĩa, người làm kinh doanh mà thiếu đi tấm lòng chính trực thì không bao giờ có được sự phát triển lâu dài.
Một tấm lòng chính trực, nói cách khác là một tấm lòng không bị phân tâm bởi những yếu tố như Iợi ích, tình cảm, kiến thức hay định kiến, đó là một tấm lòng đón nhận mọi vật như chúng vốn có. Người khi bị phân tâm thường không nhìn mọi vật đúng như bản chất của chúng. Nó giống như khi chúng ta nhìn sự vật qua một ống kính màu hay biến dạng. Ví dụ, khi chúng ta nhìn qua một ống kính màu đỏ, thì tờ giấy trắng cũng biến thành màu đỏ trong mắt chúng ta. Khi chúng ta nhìn qua một ống kính biến dạng thì một cây gậy thẳng tắp cũng trở nên cong queo. Như thế, chúng ta sẽ không nắm bắt được chính xác bản chất hay thực chất của sự vật. Vì vậy, khi tiếp cận sự vật trong trạng thái phân tâm, chúng ta sẽ dễ mắc sai lầm trong phán đoán và hành động.
Ngược lại, một tấm lòng chính trực giúp chúng ta nhìn nhận mọi vật đúng như bản chất của chúng, màu trắng là màu trắng, đường thẳng là đường thẳng, tựa như khi nhìn qua một ống kính không màu và không biến dạng. Nhờ đó chúng ta biết được chân tướng và bản chất của sự vật. Khi chúng ta nhìn nhận và thực hiện mọi việc với một tâm thế như vậy, chúng ta có thể giảm thiểu sai lầm trong mọi trường hợp.
Công việc kinh doanh tẩt sẽ thành công khi chúng ta tuân theo quy luật tự nhiên của trời đất, lắng nghe ý kiến của mọi người, tập hợp được trí tuệ tập thể trong công ty và làm những điều càn làm. Nếu được như vậy, công việc kinh doanh không hẳn là khó. Tuy nhiên, để làm được những điều này, người kinh doanh phải có một tấm lòng chính trực.
Tuân theo quy luật tự nhiên của trời đất, như tôi đã từng nói, giống như việc xòe ô ra che khi trời mưa vậy. Xòe ô khi trời mưa là một hành động tự nhiên thể hiện sự chính trực của lòng người. Ngược lại, nếu không xòe ô thì ấy là vì ta bị phân tâm. Và kết cục tất yếu là bị ướt. Việc kinh doanh do đó mà không thuận lợi.
Biết khiêm tốn lắng nghe ý kiến của xã hội, của tập thể và hơn nữa là của cấp dưới nghĩa là đã có được một tấm lòng chính trực. Luôn cho rằng mình đúng, mình giỏi hơn người thì không thể tiếp thu ý kiến của người khác. Không tập hợp được trí tuệ tập thể. Công việc kinh doanh sẽ chỉ được điều khiển bằng một cái đầu với trí tuệ ít ỏi của một người. Cách này thường dẫn đến thất bại.
Khi có được tấm lòng chính trực, ta sẽ nhìn rõ chân tướng sự vật. Nhờ đó, ta sẽ biết phải làm gì và không nên làm gì. Và ta cũng có được lòng dũng cảm để quyết định xem nên làm hay không nên làm. Không những thế, trong ta sẽ hình thành một tấm lòng từ bi đại lượng, nhờ đó ta có thể sử dụng hiệu quả mọi nguồn nhân lưc và vật lực vào việc kinh doanh. Ðồng thời, dễ dàng tùy cơ ứng biến một cách linh hoạt trước mọi hoàn cảnh và nảy ra những ý tưởng kinh doanh mới mẻ.
Nói đơn giản, tấm lòng chính trực giúp con người ta trở nên đúng đắn, mạnh mẽ và thông minh. Có thể nói thần thánh là những bậc cực chí về sự đúng đắn, mạnh mẽ và thông minh. Do đó, tuy con người không phải thần thánh song tấm lòng chính trực càng được trui rèn thì người ta càng gần với thần thánh hơn. Nhờ đó mà làm gì cũng thành công. Trong kinh doanh cũng vậy.
Tuy nhiên, không dễ mà có được một tấm lòng chính trực. Trong con người có đủ tình cảm yêu ghét và vô vàn ham muốn. Những thứ đó đã định hình sẵn trong mỗi con người nên việc tận diệt chúng là bất khả. Và lại, nếu mất đi những thứ đó thì con người không còn là con người nữa.
Vì vậy, dễ bị dao động bởi tình cảm cá nhân hay vụ lợi cũng là một trong những bản chất của con người. Hay gần đây, học thuật và tri thức ngày một tiến bộ, có biết bao kiểu chủ nghĩa và tư tưởng ra đời khiến người ta phân tâm. Bởi vậy, không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì là chuyện nói thì dễ mà làm lại vô cùng khó. Nhưng chính vì khó nên mới đáng quý, mới cần phải nuôi dưỡng và đắp bồi.
Vậy thì làm cách nào để nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực? Chẳng hạn, tôi nghe nói rất nhiều võ tướng thời chiến quốc thường tập thiền. Tập thiền là để diệt trừ sự phân tâm, điều này cũng giống với lòng chính trực. Trong những cuộc chiến sống còn, hẳn là các võ tướng muốn lâm trận với tinh thần tập trung cao độ và không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì nên mới tập thiền.
Bản thân tôi hay suy nghĩ thế này: người ta thường nói trong môn cờ vây, không cần thầy dạy, chỉ cần đánh một vạn lần tất sẽ đạt đến nhất đẳng. Vậy thì để có được lòng chính trực cũng vậy, nếu ta luôn tâm niệm về nó trong một vạn ngày - tức khoảng ba mươi năm - rất có thể ta sẽ đạt đến nhất đẳng của lòng chính trực. Tuy mới đạt nhất đẳng, song trong bất kỳ việc gì tấm lòng chính trực của ta cũng có thể bắt đầu phát huy tác dụng, giúp ta tránh phạm phải những sai làm. Cứ như vậy, ngày nào tôi cũng tâm niệm điều này, thường xuyên xem xét lại lời ăn tiếng nói và hành động của mình để từng bước nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực.
Vì vậy, bản thân việc nuôi dưỡng và bồi đắp lòng chính trực là điều vô cùng quan trọng mà người làm kinh doanh, hơn nữa là mọi người bình thường cần phải tâm niệm thực hiện. Không có lòng chính trực, con người khó lòng đạt được sự thành công trong kinh doanh hay hạnh phúc thực sự trong đời người. Và nếu phân đẳng cho lòng chính trực thì tôi nghĩ chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu để đạt đến nhất đẳng. Đạt tới mức đó rồi, các bạn sẽ lĩnh hội và vận dụng được những điều mà tôi đã trình bày. Lòng chính trực chính là tâm thế cơ bản nhất giúp cho việc kinh doanh thành công trên mọi ý nghĩa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân