Bảy bước tới tha hóa

12:57 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Sáu, 2020

Xem thêm:

.

Hồi nhỏ, cũng như một số bạn bè cùng tuổi, tôi là đứa trẻ đãng trí, hay đánh mất những thứ lặt vặt: khi cái khăn mùi xoa, cái mũ, khi quyển truyện hoặc cái bút chì. Thông thường bố mẹ ở nhà cho qua không mắng mỏ gì đáng kể.

Nhưng đâu một hai lần, tôi nhớ không những bị đánh cho mấy roi cứ gọi là quắn đít, mà còn bị hỏi căn hỏi vặn:

Mẹ đã nhắc con giữ cẩn thân cơ mà.
Chạy nhảy thế nào mà đánh mất, kể lại xem nào.
Thử nhớ lại xem, con đánh rơi ở đâu? Con đã để ý đi tìm chưa?....

Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lần ấy đánh mất cái gì, chỉ đoán chắc là mấy thử đắt tiền lắm, chứ không phải ba cái đồ vớ vẩn như mọi khi. Người ta chỉ phải suy nghĩ về sự mất mát khi cái bị đánh mất được coi là quan trọng.

Liên hệ tới chuyện ngày nay:

Niềm thiết tha với cái tốt cái đẹp vốn nằm trong tâm trí chúng ta từ thuở thiếu thời, khi đang còn cắp sách đến trường.

Mấy chục năm nay, Nhà nước cách mạng cũng luôn luôn kêu gọi mỗi thành viên của xã hội gắng trau dồi đạo đức. Câu nói của thầy Mạnh "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thường được nhắc nhở vì trong một hình thức cũ, ló lại diễn tả tốt nhất nội dung chủ yếu của đạo đức mới - sự vững vàng của nhân cách. Nhưng liệu có thể nói mỗi người chúng ta đã làm được điều chúng ta mong mỏi?

Giả sử bây giờ, ra giữa buổi họp, tôi bảo ông nọ bà kia là thoái hoá biến chất, mọi người sẽ cho tôi là có hiềm khích gì đó với họ, nên mới ăn nói sỗ sàng như vậy. Nếu tôi lại mạnh mồm khái quát rằng nay là lúc không ít người trong chúng ta đang hư hỏng đi, thì người ta sẽ bảo tôi là liều lĩnh vô căn cứ, là không có cái nhìn toàn cục, không thấy "mặt tốt là chủ yếu”.

Nhưng nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, hẳn nhiều người chúng ta phải công nhận là quanh mình số người hiền lành thánh thiện ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm. Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không phải như ta mong muốn. Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật, mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ những thói xấu vẫn bị coi là không đáng kể, và dễ bị bỏ qua: Xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay qua loa vô trách nhiệm. Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên.Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng, chứ không dám nói sự thật.. Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành? So với con người lý tưởng mà ta muốn noi theo, khi bước vào đời, thì thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất.

Nay không còn là lúc sợ ai lục vấn mình như cậu bé năm xưa nữa. Nhưng có lẽ, với tư cách người có học, sống nhiều bằng ý thức, cũng nên quan sát chính mình xem xem một quá trình tâm lý như thế nào đã xảy ra, khi ta tự đánh mất một phần tốt đẹp ở con người mình như vậy.

Dưới đây là một vài nhận xét tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người gần gũi chung quanh:

1. Sự kiếm sống hàng ngàylà một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người. Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm ít tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.

2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi. Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gây thêm cho mình những phiền phức.

3. Có một điều ta thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng - "Hơi đâu gái goá lo việc triều đình" - đấy là lý lẽ của những cái đinh ốc bé nhỏ.

4. Khái quát hơn. quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy.

Mà cảm giác sống theo tập thể ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc lại càng sợ mang tiếng là chơi trội, dám khác mọi người(!).

5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa trông trước trông sau xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, và được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên thì đành ngán ngầm buông xuôi(Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ dãy dựa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống rất làn bạo).

6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ thì sau những lầm lỡ ban đầu, cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu khẩu hiệuchungchung.Cái phần suy thoái trong ta chớp ngay lấy cơ hội thuận lợi đó.Nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.

7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra "rằng quen mất nết đi rồi", có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để hóa giải, ta xoay sang cấu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần. Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ cô mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!

Khi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa.

Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa.

Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?

Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ. Nhưng trong bài báo này, tôi muốn để nghị một cách nghĩ khác: ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đang sống để lại cho các lớp kế tiếp, và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sống không giống ta, tức là ta đã trở nên hữu ích.


Chỉ cần ba bước… (Cùng “phiếm luận” với Vương Trí Nhàn)
Song Ân

Vương Trí Nhàn có phân tích 7 bước để một con người có thể "tha hóa", tôi thấy anh nói đúng cả. Nhưng có lẽ vì anh là nhà phê bình nên anh muốn "duy lý" một chút, muốn sáng suốt một chút và "giữ kẽ" một chút cho cái logic tha hóa của anh chặt chẽ, lại khỏi mang tiếng là quá khích chụp mũ tai lừa cho những người "tha hóa" kia. Nhưng tôi thấy 7 bước là hơi nhiều, sự tiến hóa thụt lùi về "tha hóa" là hơi lâu. Thực ra, có lẽ nó nhanh hơn Vương Trí Nhàn tưởng. Nhưng cãi nhau về mấy bước cũng chẳng đi đến đâu. Nếu như căn cứ vào một số chuyện tôi nghe được, biết được thì chỉ cần 3 bước là người ta đã có thể a-lê-hấp nhảy ào xuống hố. Ít nhất thì tôi cũng có căn cứ vào chuyện đời của một anh bạn tôi quen biết sau đây.

Tôi có anh bạn có cái tên khá hấp dẫn. Đó là anh Nguyễn Trong Sáng. Anh là một trí thức, ít hơn tôi vài tuổi thuộc thế hệ thời kháng chiến chống Pháp chỉ mới là cậu học sinh trong vùng tự do. Nhưng gia đình anh là một gia đình gia giáo. Ông nội anh từng đậu cử nhân, không ra làm quan mà ở nhà "làm vườn", chiều chiều cầm quạt mo đi khắp xóm ăn khoai lang luộc, uống chè tươi với nông dân và nói chuyện đạo lý làm người. Anh Trong Sáng của tôi thừa hưởng được cái gia phong ấy. Làm một chức khá ở Bộ nọ, tóc đã muối tiêu mà vẫn chưa ăn cắp của công, chưa ăn hối lộ, chưa ăn bẩn lần nào ngoại trừ mấy lần cáo ốm đưa vợ đi về quê hay điều chiếc xe công với lái xe mấy ngày làm việc gì đó cho đằng nhà vợ. Đấy là entre-nous, chỗ mày với tao, anh bộc bạch với tôi chứ chẳng ai trách cứ gì. Có thể nói, tin hay không tin thì tuỳ, nhưng cho đến ngày xẩy ra câu chuyện này thì anh vẫn được tiếng là trong sáng, như cái tên ông nội đặt cho anh vậy.

Nhờ tiếng tăm đó, cũng nhờ người liêm khiết công minh ngày càng hiếm hoi như lá mùa thu, anh được Bộ Trưởng gọi lên giao cho một việc. Chả là, có quá nhiều đơn từ tố cáo ông Tổng Giám đốc nọ và bộ sậu của ông có chuyện không minh bạch, nói rõ ra là người ta đang làm xiếc để xẻ thịt Tổng Công Ty chia nhau. Bộ trưởng bảo: "Tôi đánh giá cao ông lâu nay. Hiện nay Tổng Công ty N. đang có vấn đề. Tôi muốn ông về đó giúp tôi!”. Anh Trong Sáng của tôi biết rõ mình phải làm gì và hăng hái ra đi.

Nhưng Tổng Giám đốc Công ty N trực thuộc Bộ X là một người tinh quái. Ông biết quá rõ Bộ cử anh bạn tôi, người được tiếng là có năng lực và trong sáng này về Tổng Công ty là để "chăm sóc" mình. Và ông ta cũng biết mình phải làm gì với anh Trong Sáng của tôi.

Việc đầu tiên là ông ta đón tiếp anh Trong Sáng một cách cực kỳ hồ hởi và nồng nhiệt. Chỉ riêng việc giới thiệu phó TGĐ mới cũng đã "mỗi ngày tiệc nhỏ, hai ngày tiệc to" trong một tuần lễ ròng như Tào Tháo đãi Quan Công ngày nào. Điều ấy làm anh ngạc nhiên vì anh cứ tưởng người ta sẽ theo thói thường mà lạnh nhạt, thậm chí cô lập người mới đến. Nhưng là một con người, anh cũng không thể không cảm động. Và anh nghĩ : "Tay này cũng không đến nỗi quá quắt như lời đồn." Sau lần làm việc đầu tiên ông Tổng Giám đốc hỏi han kỹ lưỡng gia cảnh anh, thẳng thừng nói rằng bậc lương hiện nay của anh như thế là chưa xứng. “Bộ họ coi thường anh còn tôi thì không. Anh là phó của tôi, nhưng anh giỏi hơn tôi, lương anh không hơn thì ít nhất cũng phải bằng tôi!". Và chính ông chủ động làm văn bản xin Bộ tăng cho anh hai bậc lương một lúc cho xứng tài, xứng đức. Từ thâm tâm, anh cũng nghĩ rằng chuyện đó là đúng, là công bằng, lương anh cứ dẫm chân tại chỗ lâu nay là do anh quá thanh cao, con không khóc thì mẹ đâu cho bú. Mình không khóc mà nó cho mình bú, tay này có tầm nhìn xa hơn bọn tổ chức ở Bộ nhiều. Và anh nói với chị: "Có thể có chuyện tiêu cực ở đây, nhưng tay này cũng là kẻ biết người biết của". Anh chăm lo công việc được giao, đồng thời luôn nhớ lời dặn của Bộ trưởng, cũng đã vài lần can ngăn được một số việc làm của Tổng Giám đốc mà anh cho là không đúng. Không ai phản ứng gì, trái lại, anh được Tổng Giám đốc biểu dương trong các cuộc giao ban về những ý kiến "sáng suốt" của anh. Anh cũng tự khen mình: "Dù sao mình vẫn là mình, mình đã phát hiện, đã ngăn chặn được vài vụ không hay. Anh càng yên tâm hơn. Thời gian ngắn sau, Tổng Giám đốc ký một hợp đồng với Công ty nước ngoài. Anh biết trong hợp đồng đó có nhiều yếu tố bất minh. Anh định báo cáo chuyện đó với Bộ trưởng. Nhưng anh không nở bởi: " Dù sao thì ông ta cũng đối xử tốt với mình".

Không nỡ... đó là bước một

Thời gian trôi qua, một lần Tổng Giám đốc gặp anh báo tin: "Mình đã chạy cho vợ ông một chỗ ở nội thành rồi. Mình không hiểu vì sao ông lại để chị ấy phí một đời làm cô giáo cấp hai như thế? Thằng bạn chí thân của mình ở Công ty liên doanh X đã đồng ý tiếp nhận cô ấy... làm ở văn phòng, 300 ƯSD/ tháng, Ok không?" Anh ngạc nhiên và cảm động. Việc này anh không có ý định lo, chỉ tự nhủ với mình, nếu lương bà xã cứ năm ba trăm như thế mãi, liệu mình còn mãi là anh Trong Sáng được nữa không? Nhưng tay Tổng Giám đốc đã tự tìm hiểu gia cảnh, tự lo giúp để giải quyết cho anh một chuyện quá quan trọng, tức là giúp anh làm người trong sáng. Chỉ những kẻ chân tình thương yêu đồng loại mới có những nghĩa cử như thế.

Thời gian vẫn trôi qua. Cái nhìn của anh với Tổng Giám đốc đổi khác lúc nào anh cũng không hay. Chính vào lúc đó, anh nhận ra bằng sự sắc sảo của mình là ông ta và mấy người cùng cánh đang làm một phi vụ mờ ám. Nhưng ác thay, cái phi vụ này xẩy ra lúc chuyện vợ anh chuyển công tác về Công ty X gần xong. Anh muốn đưa nó ra ánh sáng lắm vì quyền lợi của Nhà nước và của Tổng Công ty. Nhưng anh cũng biết rõ, nếu làm thế thì chỉ cần một cú phôn của Giám đốc, con đường chuyển công tác của vợ anh sẽ đi đứt. Anh sẽ mất một cơ hội ngàn vàng để mãi mãi làm người trong sáng. Anh tặc lưỡi: "Vụ này đáng làm to chuyện lắm lắm, nhưng quả thật là mình không dám...". Rồi anh tặc lưỡi một cái nữa: "Cho qua! Một lần thôi, xong việc của bà xã hãng hay!".

Không dám... đó là bước thứ hai.

Vợ anh chuyển về Công ty X êm thấm. Anh thở phào. Với đồng lương khá cao của bà ấy, chắc là mình tiếp tục đứng vững được. Ngay lập tức, như người trúng số hôm trước hôm sau bị phát hiện ung thư, có một số vấn đề đặt ra cho anh từ trên trời rơi xuống bỗng chốc người ta cho hóa giá cái nhà, gần năm chục triệu đồng chưa kể sửa sang, cơi nới nhân dịp nó thành của riêng mình mãi mãi. Phải thay chiếc xe tươm tất cho vợ đi làm, vì dù sao cũng là cán bộ "liên doanh” (Đứa con đầu xin tiền học, muốn có thêm một cái bằng Đại học ngoại ngữ nữa… các thứ tiền. Anh đang lo bấn lên thì một hôm, như có phép thần, vợ anh đã xoay xở xong cả, hơn hớn khoe với anh một tập phiếu thu, biên lai. Anh hỏi, Chị nói: "Ông Tổng Giám đốc cho người mang đến, bảo là tiền thưởng của anh”.

Anh mất ngủ một đêm, rồi đến gặp Tổng Giám đốc. Ông này nói: "Đó là tiền thưởng cho vụ làm ăn hôm nọ của Tổng Công ty. Cậu mới về, nhưng mình vẫn quyết định chia cho cậu vì hoàn cảnh cậu khó khăn quá. Mình đã cho người đưa cho cô ấy". Anh chỉ còn biết cảm ơn rồi ra về. Lại một đêm không ngủ. Anh xọm hẳn người đi chỉ còn biết tự bào chữa cho mình: " Lần này thì thật sự mình không thể, không thể..."

Không thể, đó là bước thứ ba

Và nghe chuyện anh, tôi hiểu được thế nào là sự vô thường của cuộc đời. Anh Trong Sáng của tôi! Anh đã không nỡ thì sẽ không dám và cuối cùng là không thể được rồi. Và cũng chỉ cần ba bước thôi, anh đã tự đánh mất bản thân mình, đã tha hóa.

Vì anh đâu phải Quan Vân Trường qua 5 cửa ải chém đứt đầu 6 tướng của Tào Tháo?

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cá nhân và cộng đồng

    02/05/2019Người ta khuyên chúng tôi hãy phát triển mình như những cá nhân, bồi dưỡng những phẩm chất riêng của mình, và đẩy mạnh an sinh cá nhân. Ở đây không có một xung đột giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân sao? Cái nào phải được ưu tiên – cá nhân hay quốc gia?
  • Đôi điều về trách nhiệm cá nhân

    14/11/2018Nguyễn Ngọc BíchTrước các tổn thất vô hình và hữu hình mà xã hội đã chịu, vấn đề trách nhiệm cá nhân đang được công luận nêu lên. Qua hai lý do trình bày dưới đây, độc giả có thể chia sẻ lo ngại của tôi rằng vấn đề này còn phải mất nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
  • Vần đề tài và tật

    15/09/2018Trường GiangBáo Kiến thức ngày nay có đăng bài không ký tên tác giả với nhan đề rất hấp dẫn "20 biểu hiện của nhân tài". Song đọc kỹ nội dung bài viết, tôi thấy đây không phải là những biểu hiện của người tài và càng không phải là cách của người tài....
  • Sống thứ sinh: Nguồn gốc sự bất hạnh của con người

    04/06/2018Trích đoạn sau nằm trong tiểu thuyết Suối nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand, ở đó bà khắc hoạ chân dung, cuộc đấu tranh, và chiến thắng của những con người thực sự - người chỉ công nhận năng lực tư duy độc lập như động lực duy nhất cho hành vi cá nhân – với xã hội những người sống dựa vào ánh sáng của người khác...
  • Các giá trị Đạo đức

    21/05/2018Nguyễn Trần BạtVai trò định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ...
  • Lương tâm là gì?

    05/04/2018Lương tâm, như từ này cho thấy, là sự ý thức. Nó là loại ý thức đặc trưng – ý thức đạo đức, một cảm thức nội tại về cái đúng và cái sai. Và nó là ý thức có sức mạnh bắt buộc. Chúng ta cảm thấy bị nó thúc ép. Nó ra lệnh cho chúng ta. Nếu chúng ta không vâng phục nó, chúng ta cảm thấy ăn năn hay lo sợ. ...
  • Danh - Giá

    10/11/2016Hà Huy KhoáiNgười “danh giá” trước hết phải là người có “danh”, nhưng hình như cái “danh” nào cũng có “giá” của nó cả! Cụ Nguyễn Công Trứ ngay từ khi còn rất trẻ đã viết câu thơ nổi tiếng: Đã mang tiếng đứng trong trời đất Phải có danh gì với núi sông. Ngẫm ra, ý muốn được lưu danh cũng là thói thường của người đời vậy!
  • Làm bổn phận của mình

    10/11/2015Dr. Mortimer, J. Adler... không có vấn đề nào thiết yếu trong luân lý hơn là vấn đề giữa đạo đức học về bổn phận và đạo đức học về khoái lạc hay hạnh phúc. Theo nguyên lý đạo đức về bổn phận , mỗi hành vi sẽ được phán đoán tùy theo nó tuân thủ hay bất tuân luật lệ, và sự phân biệt đạo đức cơ bản là giữa cái đúng và cái sai. Nhưng ở đâu sự khoái lạc hay hạnh phúc là chủ yếu, thì sự phân biệt cơ bản sẽ là giữa thiện và ác...
  • Người ta nghèo đi có thể là vì tiền

    12/04/2015Nguyễn Tất ThịnhĐã từ rất lâu người ta biết rằng Tiền là cực kì quan trọng, là thước đo của giá trị trong sự trao đổi của thị trường, dường như là cái có thể mua được mọi thứ đến cả Tiên cả Phật, làm người ta mạnh bạo lên…
  • Cần biết xấu hổ

    02/11/2014Nhà thơ Hải NhưNhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta có nên "báo động” với nhau về một lớp người đã không còn biết liêm sỉ, không còn biết xấu hổ?
  • Áp lực để khó từ chức?

    24/11/2010Lương Bích Ngọc - Ngọc NhungRất nhiều người cảm thấy khó khăn trước sự lựa chọn: NÊN hay KHÔNG từ chức? Vậy đâu là những lực cản chính? Làm thế nào để việc từ chức được coi là bình thường từ phía người phải từ chức và dư luận xã hội?
  • Giá trị đạo đức- giá trị bản thân và giá trị xã hội

    11/03/2006Ngô ToànĐạo đức là một hệ thống giá trị, một hiện tượng xã hội mang tính chuẩn mực, thể hiện mệnh lệnh, đánh giá rõ rệt...
  • Vẫn là chuyện nuôi dưỡng con người

    16/01/2006GS. Tương laiNhững ngày cuối cùng của năm 2005 lùi vào phía sau để lại dư vị đắng tai ác của vụ bán độ bóng đá. Giờ đây, việc xử phạt nghiêm khắc số cầu thủ bán độ là cần nhưng cần hơn gấp nhiều lần là phải chỉ ra được môi trường sống đã nuôi dưỡng và đẩy những cầu thủ trẻ của chúng ta trượt dài trên con đường tha hóa...
  • Trước hết, đạo lý!

    03/12/2005Nguyễn Mạnh HàoThiết kế và thực hiện dần cho nhân dân cả nước một lối sống lành mạnh, tốt đẹp, vui tươi – một lối sống bắt rễ sâu thẳm vào văn hóa truyền thống dân tộc, nhờ đó gia tăng bản lĩnh hội nhập hấp thụ tinh hoa thế giới, là một vấn đề cực kỳ bức thiết và trọng đại mà tiếp cận trước tiên và cơ bản nhất là tiếp cận đạo lý của các thế hệ Việt Nam đã đúc kết và từng trải cho đến hôm nay...
  • Thương hiệu cá nhân - Tại sao không ?

    25/11/2005Ths. Lê Hoàng TùngNgày nay, khái niệm thương hiệu không chỉ gắn với sản phẩm mà có thể gắn vời bất kỳ chủ thể nào: tổ chức, địa đanh... thậm chí cả con người...
  • Để chống lại sự "hạ cấp và phàm tục" trong đời sống văn hóa

    17/08/2005Tương LaiKhi đòi hỏi cần tạo cho được thật nhiều “mô hình thuyết phục”, những mô hình về đạo đức và văn hóa (*), tôi muốn nói thêm về “trách nhiệm nắm chắc các chuẩn mực văn hóa và điều chỉnh nó trong đời sống xã hội bằng các mô hình thuyết phục”...
  • Nhân cách trẻ

    27/01/2004Mỗi thế hệ có một quan niệm của mình về nhân cách. Lớp già và lớp trẻ nhiều khi “xung khắc” cũng một phần vì nghĩ về nhân cách khác nhau, về ứng xử khác nhau. Nhân cách có nét chung phổ biến mà cũng có nét riêng đặc thù của mỗi lớp người, mỗi thành phần, thậm chí mỗi cá nhân...
  • Chữ tín không quan trọng

    11/11/2003Người Việt Nam mạnh về nghĩa mà yếu về tín. Lời ấy dễ khiến người nghe giật mình vì sự nặng lời. Ai cũng cảm thấy mình như là bị "sốc", mặc dù vẫn lờ mờ hiểu rằng điều đó không phải là không có lý.
  • Về “con người có giáo dục”

    11/02/2003Đẩy lùi thế kỷ XX, cái “thế kỷ ngang ngạnh, cái thế kỷ nổi loạn” như có người đã đặt tên, loài người bước vào thế kỷ XXI dường như còn “ngang ngạnh” hơn, “nổi loạn” hơn ! Hai năm đã trôi qua trong những sự biến “ngang ngạnh”, “nổi loạn” với những sắc thái mới.
  • xem toàn bộ