Đồ vật và đạo đức, luân lý
Sự xuất hiện quá nhanh của các đồ vật mới kiến người ta phải rượt đuổi theo chúng. Các đồ vật trở thành “chủ thể” của sự giàu có và điều khiển người sở hữu! Mà đồ vật tự nó không biết tới đạo lý nên cũng vô tội khi đẩy các ông bà chủ của chúng tới chỗ vô đạo, vô luân, thành tội phạm hay vướng cảnh lao tù.
Jean Valjean trong “Những người khốn khổ”của V.Hugo đi tù vì ăn cắp một ổ bánh mỳ. Tổ tiên của nhiều người Úc hiện nay cũng từng là những “tội phạm” cỡ đó bị đầy đi nơi tận cùng thế giới. Ở ta, ở nhiều nước châu Á và các nơi khác nữa, ăn cắp một con gà hay một tấm vải từng có thể bị chặt tay. Anh Chí hóa ra Chí Phèo vì nghèo khổ và anh ta thấy đời quá bất công. Anh ta làm một khởi nghĩa mini vô chính phủ.
Người ta, cá nhân hay cả một cộng đồng, đều cần một số đồ vật nào đó để thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu, bảo đảm sự sinh tồn của mình (ăn, mặc, ở). Những hành động để có được các đồ vật tối thiểu ấy – cái bánh, con gà, mảnh vải, túp lều - không theo những quy ước ứng xử đang hiện hành bị coi là vi phạm đạo đức, và có khi là phạm pháp. Thực tế đó dẫn tới hai thay đổi. Một là thay đổi chuẩn đạo đức: dân ta cướp kho thóc Nhật là việc làm chính đáng. Robinwood chuyên cướp nhà giàu chia đồ vật cho người nghèo được coi là làm việc tốt. Hai là pháp luật phải thay đổi để đảm bảo quyền “mưu cầu hạnh phúc” của mỗi người. Sao cho những người không có cơ hội có được các đồ vật tối thiểu nay có cơ hội nhận được các đồ vật ấy.
Một căn bản của tiến hóa xã hội, làm cho xã hội văn minh lên là sự phong phú lên, sự bành trướng của thế giới đồ vật. Khi không chết đói thì bắt đầu xuất hiện lòng tham. Lòng tham chính là đối tượng số một của đạo đức và mọi rao giảng luân lý. Kẻ sắp chết đói đòi ăn thì không phải tham. Nhưng khi no rồi, đủ rồi mà đòi thì là tham. Tôn giáo, đạo đức, luân lý học luôn cố dạy người ta chế ngự lòng tham, gọi nó là “giặc”. Nhưng lòng tham còn có gốc rễ nữa ở bản chất người - là những sở dục cần tự áp chế. Vốn bản tính con người là con vật biết lo cho ngày mai (tham để tích trữ) và biết rèn giũa nâng cấp sự hưởng thụ các đồ vật tìm thấy hay được làm ra để thỏa mãn các sở dục (khoái cảm ngũ quan) ngày càng được nâng cấp của mình. Vì vậy các mức chuẩn đói, chuẩn nghèo, chuẩn mức sống tối thiểu cũng được nâng lên. Không ăn cắp một ổ bánh nữa mà ăn cắp, cướp cái xe máy hay sợi dây chuyền vàng!
Thông báo về tham nhũng, lừa đảo, về sự tiêu xài vô độ, những sự chiếm đoạt thế giới đồ vật một cách vô luân, sự sa ngã vô đạo đức của một bộ phận cộng đồng mới giàu, mới phất lên nhanh luôn tràn ngập trên truyền thông ở mọi xã hội đang “chuyển đổi”. Con người làm ra đồ vật và làm ra cả những nhu cầu về các đồ vật đó. Sự xuất hiện quá nhanh của các đồ vật mới kiến người ta phải rượt đuổi theo chúng. Các đồ vật trở thành “chủ thể” của sự giàu có và điều khiển người sở hữu! Mà đồ vật tự nó không biết tới đạo lý nên cũng vô tội khi đẩy các ông bà chủ của chúng tới chỗ vô đạo, vô luân, thành tội phạm hay vướng cảnh lao tù như Jean Valjean! Bi kịch đạo đức, luân lý xảy ra do nhân cách và năng lực chế ngự, sử dụng, hưởng thụ đồ vật quá thấp so với chính các đồ vật! Tông xe Lexus vào quán làm chết người vì không am hiểu luật giao thông! Máy tính chỉ để xem sex, chơi game, cá độ v.v
Một người bạn tôi mở các lớp “Học hưởng thụ” cho các anh chị em mới giàu và con cái họ, rất đắt hàng. Điều đó rất cần thiết. Tất nhiên cách tốt nhất để nâng nhân cách, năng lực lên ngang tầm với đồ vật - của cải là đi học. Nhiều phụ huynh nhắm mắt “tống” tất cả đám hậu sinh đi du học. Hy vọng nếu không học được gì thì cũng không hư hỏng như ở nhà! Nền tảng đạo đức luân lý nơi tầng lớp giàu thường chỉ được củng cố sau hai ba đời là vì vậy, vì còn phải học. Trở nên giàu đã khó nhưng làm người giàu chân chính còn khó hơn!
Một phần cấu thành của đạo đức và luân lý là sự công bằng mà cụ thể nhất là công bằng trong chiếm hữu, sử dụng các đồ vật hay cơ hội để chiếm hữu và sử dụng chúng. Sự phân cách giàu nghèo vừa sâu vừa rộng vừa quá nhanh khiến số đông thua thiệt trở thành nghèo phải đặt dấu hỏi đạo lý còn hay không? Ai là kẻ đã đánh cắp hay phá hủy chúng? Vợ chồng nông dân chưa già lắm thất nghiệp ngồi xỉa răng tủi hờn nhìn ra sân golf vốn là ruộng vườn của họ mà từ nay vĩnh viễn họ không còn được “bén mảng” tới nữa. Trong lòng thì lo cho lũ con vất vả nơi các nhà trọ, khu công nghiệp hay lang thang đâu đó trong đô thị. Tỷ lệ người giàu lên trong 15 năm qua là bao nhiêu? Giả dụ là 5% dân số thì điều đó có nghĩa là 95% dân số sẽ vĩnh viễn không được bén mảng tới 200km bờ biển đẹp nhất của Tổ quốc nữa vì chúng đã được bán - mua làm resort!
Khi hai đầu mút của đường căng nghèo - giàu càng xa ra thì đạo đức luân lý càng bị thách thức phân hủy và phân hóa mà bề ngoài sẽ làm người ta ca thán chung chung là “phong hóa suy đồi” nhưng thực chất là xung đột quyền lợi quá căng thẳng phải giải quyết gấp. Và xã hội thay đổi nhanh thì cũng cần điều chỉnh nhanh các chuẩn luân lý và đạo đức. (Cố nhiên luân lý và đạo đức có tính phổ quát và những hạt nhân vĩnh cửu bất di bất dịch của nó.) Và để trợ giúp bảo vệ đạo đức và luân lý - có điều chỉnh chuẩn - cần có luật pháp điều hòa, quy ước hành vi của thành viên xã hội với các đồ vật và với nhau!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá