Một cách tồn tại ngược chiều gió thổi
Vương Trí Nhàn là một cây bút phê bình gây nhiều tranh luận. Trong văn giới, hình như nhiều người không có tình cảm với ông. Và, ở tuổi 68, ông cũng yên tâm với cuộc sống đơn độc, chúi vào góc riêng của mình, làm nốt những việc vốn làm dở dang. Ông không dùng điện thoại di động vì, "tự cảm thấy đã ở vào tình trạng không việc gì gấp gáp đến mức phải có mặt năm phút ngay sau một cuộc gọi".
Càng gần đến ngày khai mạc Đại hội Nhà văn, thông tin về sự kiện này xuất hiện càng nhiều. Góp ý, kiến nghị, tranh cãi, giải thích kể lể chuyện cũ chuyện mới... Không đăng được đầy đủ trên mặt báo thì đưa lên mạng. Vương Trí Nhàn cũng có blog (nhật ký điện tử), do một người em làm giúp. Blog là nơi ông bày những tác phẩm của mình, có cũ, có mới. Nhưng với Đại hội Nhà văn thì trên blog của ông chưa thấy có một dòng nào.
- Ông không theo dõi sự kiện quan trọng này và không có ý kiến gì về công việc chung?
Ông Vương Trí Nhàn: Có chứ. Hơn tuần nay, ngày nào tôi cũng để hàng tiếng đồng hồ theo dõi sự bàn luận của các nhà văn về đại hội. Chỉ có điều là các phản ứng của tôi ban đầu thường cảm tính. Nên phải chờ cho lắng xuống đã. Lúc này đây tôi chưa cảm thấy có gì để nói, nên không viết ra thôi.
Phải nói đây là tâm thế chi phối tôi mấy năm nay. Tôi thấy cách tốt nhất để tham gia vào đời sống văn học là những trang viết. Ngoài ra với cái tạng của mình, tôi không nên có mặt trong các hoạt động khác, kể cả đi họp.
- Là một người hay tìm hiểu con người hơn là tác phẩm lẽ nào ông lại bỏ qua một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất là câu chuyện nhân sự.
Đúng thế, tôi thích tìm hiểu và tự tìm cách giải thích về con người. Thí dụ về vấn đề nhân sự cho hội, tôi cho rằng viết hay là một chuyện còn quản lý hội là một việc khác hẳn. Người phụ trách hội phải có khả năng tổ chức công việc. Nhưng trong cả rừng ý kiến, thấy mọi người chẳng ai nghĩ như tôi. Không chỉ cấp trên không để ý mà anh em đồng nghiệp cũng chẳng ai để ý - trong bụng không biết mọi người bảo thế nào chứ bề ngoài là vậy. Thế thì việc gì phải vội nói lấy được?
Giao tiếp xã hội ở nước mình hiện nay khó khăn lắm. Người ta không lắng nghe nhau. Không có tiếng nói chung giữa người với người. Mọi người tưởng rằng hiểu nhau nhưng thực ra là không hiểu.
- Không hiểu hay không muốn hiểu?
Không hiểu. Mấy chục năm hậu chiến đã làm con người ta thay đổi.
- Ông có thể nói rõ hơn.
Nhiều người vẫn không hiểu về chiến tranh, không nhận thức được chiến tranh và vẫn không ý thức rằng mình làm cái gì sau khi cuộc chiến khép lại. Bảo hồn vía cả xã hội chưa thoát khỏi chiến tranh cũng không phải là quá. Ở Mỹ, những người lính sau khi trở về từ chiến trường, cảm thấy thế hệ mình vứt đi, không hòa nhập được vào xã hội lớn.
Ở Nga có bộ phim kể về những anh lính, may mắn trở về nguyên vẹn nhưng đã thành một con người khác, ngày nào cũng soạn balô rồi ném balô vào một góc nhà và ngủ ngay cạnh, chứ gần như quên hết cuộc sống bình thường. Trước năm 1975, trong Nam có nhiều nhà văn đã đi đến tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh. Ngoài Bắc có nhà văn Nguyễn Minh Châu. Khoảng thời gian năm 1973-1974, nhà văn này đã viết một số truyện ngắn về sự trở về cuộc sống bình thường không thành của những người lính.
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa (thơ Nguyễn Đình Thi) là chuyện thời xưa. Thời nay khác hẳn. Đất nước im tiếng súng, người lính tràn ngập các cơ quan, công sở, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi... Tôi nhớ có lần ngồi uống trà với ông Nguyễn Khải và ông Nguyễn Minh Châu.
Ông Khải nói: "Chiến tranh giống như ấm trà này, bao nhiêu tinh hoa rót ra hết...". Rất nhiều người tài trí và dũng cảm đã nằm xuống. Nhiều người trong số những người thừa hưởng tranh thủ kiếm chác, giành giựt, đòi trả công cho những năm tháng ở chiến trường. Nghĩa là họ vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh cũ.
Nhiều người vẫn là tù nhân của chiến tranh. Họ vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn suy nghĩ như thời chiến. Ấy là không kể nếp sống tiểu nông trì trệ và bành trướng. Người ta làm nhà bê tông bằng tư duy người làm nhà tranh tre nứa lá và đi ôtô, đi xe máy theo kiểu đi xe đạp, tức là cũng luồn lách, đánh võng, tạt ngang tạt dọc... Gần như cả xã hội vẫn vận hành bằng tư duy cũ, cái mới chỉ là lớp sơn bề ngoài. Cái cũ còn đang ngự trị nặng nề lắm.
- Đấy có phải là lý do khiến trong tập Cây bút đời người, ông chỉ bày ra chân dung một số nhà văn thuộc loại cây đa cây đề mà không có các gương mặt trẻ?
Tôi chỉ viết về những gì tôi thuộc. Vả chăng theo nhận xét của tôi, con người trong các thế hệ trước tồn tại với những đường viền rõ rệt hơn lớp trẻ hiện nay.
Sau hết người viết giỏi là người viết về các lớp người đi trước mà giải thích được khuôn mặt các lớp người đi sau. Tôi không dám nói rằng tôi làm được như thế, nhưng phê bình văn học chân chính phải như thế.
- Theo ông, bản lĩnh của người làm phê bình văn học nên được hiểu như thế nào?
Tôi nghĩ nếu tất cả những gì mình viết ra lập tức được hoan nghênh thì là thất bại. Cái mới đến với người ta bao giờ cũng khó khăn. Bản lĩnh của người phê bình là biết mình đang làm một cái gì đó và bạn đọc phải cố một chút thì mới chấp nhận được. Tôi không muốn vỗ tay giống như mọi người. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của "vỗ tay". Công việc này rất cần, nhưng có người khác làm rồi. Tôi muốn làm một cái khác, muốn đi ngược chiều gió thổi, mặc dù tôi có thể thất bại.
Ông Nguyễn Tuân bảo: "Này, chỉ có sư tử mới đi ăn lẻ, còn lại là đi ăn đàn. Liệu mà sống!". Có dám đi ăn lẻ hay không tùy thuộc vào phần "sư tử" mà mỗi người tự đánh giá trong con người mình.
- "Sư tử" trong ông no hay đói?
Đến giờ, nghĩ lại bước đường đã qua, tôi lờ mờ cảm thấy có vẻ như tôi đúng. Có những điều tôi viết ra lúc đầu bị chê ít lâu về sau lại được chấp nhận khá rộng rãi. Mới nhất là những ghi chép về ông Tô Hoài. Tôi ghi từ lâu, nhưng khi tính chuyện công bố, một thứ bản năng của người hơn bốn chục năm làm nghề thì thào vào tai tôi: "Nói gì thì nói ở Việt Nam, nhà văn vẫn được xếp hạng trên nhà phê bình".
Tức những điều tôi viết mà ông Tô Hoài không chấp nhận thì cũng xem như vứt đi. Nên trước khi công bố, tôi đưa cho ông đọc. Phải một năm sau khi nhận bản thảo, ông mới gọi tôi đến và bảo: "Cái này đăng được. Chỉ cần bỏ một, hai chi tiết riêng tư. Còn tôi không phản đối, đăng được".
Quen biết Tô Hoài hơn hai chục năm nay, tôi nhớ nhất lời ông khen tôi là "cậu này cũng loại biết thân biết phận". Tôi hiểu tính ông. Tôi hiểu cách nghĩ của ông về đời sống cũng như về văn học. Tôi biết ông có thể chấp nhận. Với ông, biên giới giữa đúng và sai là một thứ rất vớ vẩn. Chỉ có điều vui là khi công bố, tôi không nói là ông Tô Hoài đã đọc trước. Rìu búa đổ vào đầu tôi ầm ầm, cho đến khi Tô Hoài lên tiếng. Nếu tôi không lầm thì bản lĩnh của tôi trong trường hợp này là hiểu đúng nhà văn, cũng như hiểu đúng dư luận với nghĩa có những cái mới đầu người ta từ chối sau người ta lại chấp nhận.
Cái này ngoài Tô Hoài, tôi còn học được ở nhà văn Nguyễn Khải. Ông luôn biết tung ra những cái mới vào thời điểm thích hợp lại biết gồng mình chịu đòn để cuối cùng tìm được sự chia sẻ rộng rãi. Tôi không dám nói học hết được võ công của Tô Hoài, Nguyễn Khải, nhưng học được một vài miếng, thành thử từ một người vốn nhút nhát tôi đã dạn dĩ hơn.
- Vì sao ông lại chọn nghề viết phê bình?
Tôi thấy xã hội ta mắc cái thói là lý tưởng hóa người viết văn. Chứ thật ra giới cầm bút cũng đủ hạng người, có người cả đời hặm hụi mà không mấy ai biết, có người gặp may, có người "lạc đường" rồi thành nhà văn. Tôi không chắc rằng những tên tuổi bây giờ vài chục năm nữa vẫn được gọi là nhà văn. Và tôi tự nhủ là phải trông vào kinh nghiệm của lớp người đi trước chứ đừng vào hùa với chung quanh mà thành lố bịch. Sau tháng 4/1975, tôi vào Sài Gòn, thấy bác sĩ, kỹ sư người ta còn nể, chứ nhà văn thì không được xem trọng. Tôi học cái đó để nhìn lại đồng nghiệp.
Mục đích của tôi khi viết phê bình không phải là chê hay khen cá nhân, mà mô tả tình trạng của nhà văn, một kiểu sống trong hoàn cảnh đương thời. Đối với tôi, mỗi người viết văn là một kiểu làm người trong văn học. Và cái đó in dấu thời đại. Trong mỗi nhà văn đều có một khía cạnh con người Việt Nam. Tôi có lúc nói vui hình như mình là đại diện của người đời, đời gửi tôi vào sống giữa giới nhà văn để bóc mẽ cho thiên hạ biết. Hiểu người viết văn cũng là một cách để tôi hiểu người Việt Nam. Gần đây, tôi chuyển sang nghiên cứu về thói hư tật xấu người Việt và rộng ra là viết về con người Việt Nam như ta vốn có. Tôi xuất phát chậm, nhưng nhờ kinh nghiệm có trong văn học nên cũng thấy nhập cuộc được dễ dàng
- Đằng sau sự nhốn nháo bề ngoài, thực ra chất lượng nhà văn đang xuống đến đâu?
Tôi không biết phải gọi là sâu đến đâu, nhưng đại khái tạm khái quát mấy nét như sau.
Thứ nhất là lý tưởng nghề nghiệp. Thực ra xưa nay nhà văn là người rất quan trọng trong xã hội. Bây giờ người ta quên, hoặc đôi khi chỉ nói toáng lên để tự lừa mình chứ thật ra còn lâu mới xứng đáng với sự trông đợi của xã hội. Họ không thấy đau xót trước việc tác phẩm của mình bị người đọc lảng tránh. Họ tự huyễn hoặc mình bằng cách đổ cho người đọc dốt, kém, lười đọc... Nghề văn đòi hỏi sự công phu. Quách Tấn ví làm thơ giống như vẽ tranh, chứ không phải như uống rượu. Bây giờ nhiều bạn trẻ xem làm thơ như uống rượu.
Thứ hai là trình độ nghề nghiệp. Nghề viết văn giống như một nghề thủ công. Tất cả lớp học viết văn đều được đào tạo sơ sài, chủ yếu mang tính chất truyền nghề. Nền văn học của cha ông, chúng ta chỉ biết lõm bõm. Nhắc đến Nguyễn Du người ta hay nói đến Truyện Kiều. Nhưng tôi cho rằng thơ chữ Hán, nhất là những bài thơ khi ông đi sứ, là một mảng rất sâu sắc. Từ nước ngoài nhìn về nước mình, ông mới hiểu thêm về Việt Nam.
Với văn học nước ngoài giới cầm bút cũng chỉ biết lơ mơ hoặc biết khá nhiều những chi tiết lặt vặt, còn cái thần của người ta thì không biết. Đó một phần vì khá đông nhà văn hiện nay không biết ngoại ngữ, tiếp xúc với văn học nước ngoài thông qua các bản dịch. Như vậy là không đủ để hiểu về nền văn học của người ta. Chúng ta không có những chuyên gia biết kỹ về một nền văn học nào khác ngoài mình. Mà lại toàn so mình với các đại gia, văn học Trung Hoa, văn học Pháp, văn hóa Mỹ... Có ai biết gì về văn học Indonesia, Thái Lan, Miến Điện đâu...
Tôi không tin chúng ta có một nền văn học tiên tiến hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nên nhớ là hiểu người cũng là cách để soi lại mình. Tôi rất thích và đã nhiều lần nhắc lại câu thơ của Aragon, rằng Tất cả gì về anh nhờ em anh mới biết. Nó đúng trong tình yêu và cả trong văn chương.
Thời này không có những đóng góp mới trong khám phá văn hóa của ông cha, không có những tên tuổi tầm cỡ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Huyên...
- Ông viết rất nhiều chân dung nhà văn. Có khi nào những tác phẩm của mình làm ông mất bạn?
Theo kinh nghiệm riêng tôi thấy ở mình người ta làm bạn với nhau phần nhiều vì "cánh hẩu", theo kiểu "bánh ít đi, bánh quy lại", chứ không xuất phát từ sự chia sẻ về quan niệm. Nhà văn Việt Nam cũng không thoát ra tình trạng đó. Tôi có những người bạn có lúc khá thân nhưng rồi sau này không thân nữa, phần lớn cũng là do khác nhau trong quan niệm sống và viết. Một họa sĩ từng nói rằng mỗi lần ông ấy vẽ chân dung một người bạn, ông ấy đều mất bạn. Nhưng tôi không buồn. Cái gì đến thì cứ để cho nó đến. "Người có văn hóa phải có ít bạn nhưng có nhiều sách" - Trong sổ tay tôi có ghi được một câu không rõ của ai nhưng càng già càng thấy đúng như thế.
- Thói thường thì ai cũng thích được khen hơn là bị chê?
Đó chính là sự chưa trưởng thành về mặt văn hóa. Thành thử xã hội không ai phê bình được ai, mà trong làng văn người ta thường xem phê bình văn học nếu không phải một thứ son phấn thì cũng là một cục bướu thừa trên gương mặt văn học. Nguyễn Quang Sáng bảo "viết không viết được, vẽ không vẽ được, còn mỗi việc khen mà không biết làm thì còn biết làm gì".
Nguyễn Minh Châu, một người bạn và một người thầy của tôi, thì ví phê bình như con cáo đứng rình con gà là các nhà văn. Cáo bảo là gà ơi, gà ơi, gáy hay lắm. Gà sướng, gà gáy say sưa, nhưng chỉ chờ thế là cáo chồm lên xơi tái. Anh Châu nói thế vì có một thời gian dài, phê bình chuyên đóng vai chê trách quy kết dọa nạt người ta một cách lố bịch, trước khi đi vào con đường chiều nịnh nhà văn như hôm nay. Còn với tôi, phê bình là một cách phát biểu về văn học, về đời sống. Chỉ vì tôi thường đặt ra yêu cầu cao, nên mang tiếng là người hay chê và mất bạn như vừa nói ở trên.
- Người xưa bảo "giàu vì bạn, sang vì vợ". Có thể hiểu là Vương Trí Nhàn nghèo?
Tôi thấy rằng câu này chỉ là một thứ khái quát non, đúng trong trường hợp này mà không đúng trong trường hợp khác, và đúng sai là tùy theo cách hiểu của người ta về giàu nghèo sang hèn. Nếu hiểu bạn theo nghĩa chia sẻ quan niệm thì tôi cũng giàu chứ, bạn của tôi là tất cả những người đã và đang đọc tôi. Còn sang thì không. Tôi chẳng có danh vị gì. Có chăng là sự thanh thản. Có một chuyện, tôi nghĩ, bây giờ cũng có thể nói ra được. Hồi còn làm việc ở nhà xuất bản, có lần tôi được thăm dò để đề bạt làm phó giám đốc nhưng tôi từ chối. Có ba lý do. Thứ nhất, lúc ấy tôi đã 50 tuổi. Nếu trẻ hơn 10 tuổi, có thể tôi sẽ nhận.
Thứ hai, làm lãnh đạo là tôi sẽ sa thải gần hết nhân viên vì thấy không ai biết làm việc. Thứ ba là khả năng tôi trở thành kẻ cắp. Làm nhiều việc cho cơ quan nhưng lương không tương xứng, làm sao tránh khỏi ăn cắp được. May mắn là vợ tôi chia sẻ với tôi quyết định này. Trong gia đình, vợ tôi là người lo về tài chính. Nhờ vậy, tôi không phải viết để sống. Tôi không bị chi phối bởi những cuộc rượu chè, vui vầy quần tam tụ ngũ...
- Một câu hỏi cuối. Ông đã có lần kể là đọc kha khá tác phẩm và từng tìm hiểu về hoạt động văn học của một số nhà văn ở miền Nam trước năm 1975. Ông đánh giá thế nào về lực lượng này?
Nói tới văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi cho rằng không thể bỏ được văn học Sài Gòn trước năm 1975. Tại sao? Tôi tự giải thích cho tôi thế này. Sau 100 năm, muốn hiểu người Việt ở thế kỷ XX, nếu chỉ đọc miền Bắc thì không đủ. Theo tôi cần nghiên cứu thêm cho thấu đáo cả văn học miền Nam, đọc lại Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam...
Nhớ tới thế kỷ XX không phải chỉ thấy chiến công, mà còn để thấy những đau đớn của con người, lầm lạc của con người, vất vả làm người của con người, đọc để hiểu con người Việt Nam thế kỷ XX vui buồn sướng khổ như thế nào.
Văn học miền Nam trước 1975 còn mãi và có giá trị của nó. Ấy là không kể, bạn có biết không, nhìn vào văn học cả nước hôm nay, thấy có nhiều vấn đề ta đang rất bí mà văn học miền Nam trước 1975 đã đặt ra, như vấn đề văn hóa đại chúng, vấn đề ca ngợi một cách vô lối bạo lực và tính dục...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn