Nhà văn Bulgacov và các tác phẩm

05:15 CH @ Thứ Sáu - 29 Tháng Giêng, 2010

Mikhail Afanasievitr Bulgacov (М. А. Булгаков) sinh năm 1891 mất năm 1940 là một trong những nhà văn lớn nhất và kỳ bí nhất của nước Nga.

Nhà văn Nga Leonid Lens khẳng định: “Bulgacov – nhà văn đáng sống và sẽ sống chừng nào còn tồn tại văn học Nga”. Mối quan tâm đối với sự nghiệp sáng tác của Bulgacov mỗi ngày một tăng ở Nga và nhiều nơi trên thế giới, tính “thời sự” của cuộc đời và tác phẩm của ông không hề giảm. Ông là một trong những nhà văn có tác phẩm được đưa lên và được đọc nhiều nhất trên mạng Internet.

Ông bắt đầu văn khi đang học, những năm nội chiến tại Nga một số vở kịch của ông được diễn tại mặt trận. Đầu năm 1925, tiểu thuyết Bạch vệ của ông ra mắt bạn đọc và được viết thành kịch bản Những ngày của anh em Turbin. Tác phẩm phản ánh khách quan quá trình tan rã của Bạch vệ và số phận bi kịch của tầng lớp tri thức Nga chọn lầm con đường lịch sử.

Tuy nhiên, từ năm 1929, ông bị buộc tội qua các kịch bản, ông đã đứng về phía Bạch vệ, bôi nhọ cách mạng, các vở kịch bị cấm biểu diễn, các bài báo sách đều bị hủy in. Trong tình cảnh túng quẫn, tháng 3 năm 1930, ông đã gửi Chính phủ Xô viết một lá thư: “… Tôi xin Chính phủ Liên xô lưu ý rằng tôi không phải là một nhà hoạt động chính trị, mà là một nhà văn, toàn bộ tác phẩm của tôi, tôi đã trao cho sân khấu Xô Viết (…) Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi có nghĩa là bị chôn sống (…) Nếu những gì tôi viết không đủ sức thuyết phục và tôi buộc phải chung thân im lặng ở Liên Xô, tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết cho tôi việc làm theo nghề nghiệp ở nhà hát với tư cách đạo diễn…”.

Cuối những năm 20 đến khi ông mất, hàng loạt tác phẩm của ông đã ra đời: 14 vở kịch, văn xuôi Molier (truyện danh nhân), Tiểu thuyết sân khấu (Những ghi chép của người quá cố) và tác phẩm Nghệ Nhân và Margarita.

Các sáng tác nghệ thuật nổi tiếng của ông là tiểu thuyết bất hủ Nghệnhân và Margarita (1928, được viết đi viết lại bảy lần), Trái tim chó (1925), Những quả trứng định mệnh (1925) và nhiều chuyện ngắn và vở kịch Puskin của ông.

1. Những quả trứng định mệnh là truyện giả tưởng – hài hước của ông. Nhân vật chính là nhà động vật học thiên tài Persicov. Ông phát minh ra một tia sáng đỏ kỳ diệu có tác dụng kích thích sự phát triển và sinh sản của các loài sinh vật cấp thấp. Nhưng chưa được nghiên cứu và kiểm nghiệm, cái phát minh vĩ đại đó trong tay những kẻ thừa nhiệt tình hành động nhưng vô học. nó đã biến thành tai họa khủng khiếp: đáng lý làm nở ra những con gà cho nước cộng hòa vừa bị nạn dịch hủy diệt thì lại sinh ra vô vàn những đàn rắn và cá sấu khổng lồ suýt nữa tàn phá tất cả các làng mạc và thành phố. Sự nóng vội duy ý chí, bất chấp mọi tri thức khoa học và kinh nghiệm lịch sử, chỉ căn cứ đơn thuần vào các động cơ chính trị-xã hội, không chỉ khiến cho đất nước rơi vào thảm họa mà còn là nguyên nhất giết chết thiên tài. Một phát minh kỳ diệu bị cưỡng đoạt không thể mang lại điều tốt đẹp mà có thể trở thành định mệnh tại hại.


2. Trái tim chó cũng là truyện ngắn của Bulgacov viết với sự sáng suốt, tỉnh táo, sớm cảnh báo nguy cơ những dạng người mang tâm lý chó đang lây lan rộng khắp xã hội.

Nhà bác học xuất chúng Preobrajenski qua thí nghiệm kết hợp thể xác chó hoang với tuyến yên não người tạo nên sinh vật có thể xác người, dùng ngôn ngữ của người. Ông hy vọng cải biến nó thành người có trí tuệ. Nhưng khi vừa có chỗ đứng trong cộng đồng, sinh vấn đó trở thành mối đe dọa. Sai lầm cơ bản là nhà bác học đã cấy não của Klim Trugunkin, kẻ lưu manh trộm cắp, rượu chè, dối trá vào cơ thể chó. Sarikov – sinh vật tiếp thu ý thức của Klim không đại diện cho loài người nói chung. Hắn không có điểm chung của người vô sản, nguồn gốc hắn phô ra để đòi hỏi các đặc quyền đặc lợi. Hắn là điển hình những gì xấu xa, thấp hèn của tầng lớp vô sản lưu manh, cái phần bản năng tối tăm trụy lạc trong cuộc sống quần chúng. Cách mạng đã giải phóng những khả năng sáng tạo kỳ diệu của người lao động nhưng cũng kích thích những bản năng thấp hèn. Chúng có khả năng tha hóa, phá hoại thậm chí giết chết những lý tưởng cách mạng. Nhờ phép màu khoa học, Sarikov đã dùng khả năng ngôn ngữ để làm những điều đốn mạt nhất – chửi rủa, dối trá, vu khống, đòi hỏi và trốn tránh nghĩa vụ. Qua truyện ngắn, tác giả đặt ra vấn đề cấp bách, thời sự: trách nhiệm của nhà khoa học đối với các phát minh của mình. Mỗi sự tìm tòi, phát minh đều phải đặt dưới sự kiểm soát của trách nhiệm đạo đức. Vượt khỏi tầm kiểm soát thì nó sẽ đe dọa sự tồn tại các giá trị đạo đức loài người đạo tạo nên, đe dọa sự tồn tại chung của nền văn minh nhân loại.


3. Nghệ nhân và Margaritađược bắt đầu viết năm 1928, trong 12 năm với tên ban đầu dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ. Khi qua đời, vợ ông cùng bạn bè đã lược bỏ, đánh máy, ghép trọn vẹn thành tác phẩm. Năm 1973, tác phẩm được xuất bản đầy đủ lần đầu tiên bằng tiếng Nga. Sau đó nó được dịch sang các thứ tiếng và đưa lên sâu khấu thành kịch nói, nhạc kịch, phim truyền hình, phim truyện… Khắp nơi bùng nổ những tranh luận về tư tưởng, bút pháp… của tác phẩm văn học mang tính triết học này. Người ta nhận thấy đây là miền đất hấp dẫn, bí ẩn vô tận cho các cuộc khám phá. Tác phẩm thể hiện thiên tài tuyệt diệu của Bulgacov như một nhà văn trào phúng, giả tưởng và hiện thực.

Sự kiện xảy ra tại Moskva những năm 20-30, thời kỳ sau chính sách Kinh tế mới. Đám khán giả hám sống phè phỡn, tham lam, trụy lạc trong buổi biểu diễn ảo thuật tại nhà hát Tạp kỹ. Chuyện về ông Chủ tịch Hội đồng nhà cửa Nikanor Ivanovich thiển cận, hay ăn hối lộ. Chuyện trào phúng về ban phụ trách nhà hát Tạp kỹ, cửa hàng dành cho người nước ngoài, Ủy ban biểu diễn. Chuyện về Chủ tịch hội nhà văn Berlioz, tổng biên tập tạp chí lớn, dung túng cho các nhà phê bình, vu khống, tuyên truyền học thuyết “sau khi đầu bị cắt, cuộc sống con người cũng chấm dứt, con người biến thành tro bụi và đi vào cõi vô sinh”. Thực chất là thái độ tự mãn duy lý mang danh “duy vật”, toan tính “lên kế hoạch” và “điều hành” mọi hình thức của cuộc sống, phủ nhận mù quáng, thô bạo và ngu dốt tất cả những gì không nằm trong công thức sơ lực đưa từ trên xuống. Mục đích của Berlioz không phải phê phán, mà xóa bỏ các giá trị đạo đức và thẩm mỹ truyền thống nhân loại đã đạt được qua phát triển. Bulgacov quyết liệt chống lại học thuyết giáo điều, thực chất là ngu dân đó, bởi nó làm nảy sinh thái độ sống thực dụng thô bạo, biến cuộc đời con người thành sự tồn tại thiển cận, nghèo nàn về tinh thần.

Cùng nhóm sự kiện và nhân vật trào phúng là các nhân vật ma quái: chúa quỷ Satan Voland và đoàn tùy tùng. Chỉ ba ngày đêm đến “du lịch” Moskva, nhóm này đã quấy đảo, dồn hút lên bề mặt cuộc sống tất cả những gì xấu xa, ác độc, rọi vào đó những luồng sáng khuếch đại gay gắt đến mức bạn đọc không phải ai cũng chấp nhận nổi.

Hình tượng “nghệ nhân” trong tác phẩm cũng là “cái tôi thứ hai” của tác giả. Qua hình tượng này, tác giả tự bộc bạch mình một cách sâu sắc, trung thực, đầy đủ những quan niệm của ông về nghệ thuật. Mặc dù căm ghét cuốn tiểu thuyết đã mang lại cho mình, Nghệ Nhân cũng phải nói lời phán quyết giải thoát quan tổng trấn Poti Pilat. Những đau khổ phải gánh chịu trong đời không làm chết đi được bản chất cao thượng, nhân đạo trong người nghệ sĩ. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, “món nợ” của người nghệ sĩ, của nghệ thuật trước cuộc đời.

Bên cạnh Nghệ Nhân là nàng Margarita, người vợ yêu quý. Margarita là hiện thân của tình yêu vô bờ bến, vì tình yêu chấp nhận tất cả. Để cứu người tình, nàng sẵn sàng trở thành phù thủy, đi cùng quỷ sứ. Nàng là thần hộ vệ của Nghệ Nhân, giống như tình yêu là thần hộ mệnh của nghệ thuật – cặp bài trùng làm nên số phận.

Nhóm sự kiện thứ ba là sự kiện tôn giáo với hai nhân vật chính là Poti Pilat và Iesua, được Bulgacov viết dựa theo cuộc đời và cái chết của chúa Giesu. Ponti Pilat, quan tổng trấn tàn bạo xứ Guidea, là kỵ sĩ Ngọn giáo vàng từng là chiến tướng không hề biết sợ trong trận mạng, đã một lần tỏ ra hèn nhát, không vượt qua hòn đá thử vàng thể hiện sự hèn nhát về mặt đạo đức khi tuyên án tử hình Iesua. Hành động đó được Bulgacov khái quát lên: con người càng có uy quyền lớn thì càng phải có trách nhiệm đạo đức trước lý tưởng nhân đạo; nếu không bị kiểm soát bởi cái trách nhiệm cao cả đó, quyền lực sẽ biến thành độc đoán, sức mạnh sẽ trở nên bất lực, con người sẽ vượt qua ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác, bỏ qua lẽ phải và chân lý để đứng hẳn sang phía cái Ác, hàng ngàn năm không được lương tâm tha thứ.

Bulgacov đã đưa ra vấn đề vĩnh cửu nhưng luôn là thời sự về trách nhiệm của cá nhân trước lịch sử, trước cuộc đời. Ponti Pilat và Iesua là hai quan niệm sống đối cực nhau. Nếu Iesua tin tưởng tuyệt đối rằng thế giới được xây dựng trên cơ sở của cái Thiện, rằng mọt người đều nhân từ, thì Ponti Pilat ngược lại, cho rằng bản chất con người là độc ác, rằng cái Thiện sẽ không bao giờ chiến thắng. Bản thân cuộc đời đã không khẳng định cả hai quan điểm cực đoan đó. Iesua bị chính “những con người nhân từ” phản bội, đánh đập, xử hình; nhưng đồng thời vẫn không cái ác, cái xấu xa, cái đểu giả nào có thể loại trừ được cái tốt, cái thiện khỏi cuộc đời. Cho đến phút chót, Iesua vẫn không thôi chăm lo đến người khác; và chính cái lòng thiện vô cùng tận đó đã làm lung lay những hoài nghi của Ponti Pilat, khiến ông ta không thể sống yên, cũng phải làm một cái gì đó để chuộc lỗi lầm. Tác giả tiểu thuyết khẳng định: cái Ác và cái Thiện cùng tồn tại trong đời. Nhưng sự tồn tại đó không phải do những thế lực siêu phàm nào chi phối, mà do sự lựa chọn hành động của chính bản thân mỗi người (Ponti Pilat có thể tha hay tử hình Ieasua). Sự lựa chọn đó chỉ phụ thuộc vào các nguyên tắc đạo đức nằm trong quan điểm sống của từng người, sự lựa chọn đó tự do đối với hoàn cảnh. Nhưng một khi con người được tự do lựa chọn hành động, thì chính con người phải chịu trách nhiệm trong các hành động của mình, và không có gì – số phận, hoàn cảnh sống – có thể biện minh cho cái Ác được tiến hành.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: