Người viết trẻ và những chiếc áo quá cỡ
Với một số người viết trẻ, họ được ban phát lời khen một cách dễ dãi, tùy tiện, thậm chí họ phải nhờ người khác ban khen, điều này làm cho việc đánh giá họ không chính xác. Không chỉ vậy, có sự nhập cuộc của truyền thông, tài năng của một số người viết đã được thổi phồng lên gấp nhiều lần so với tài năng thực sự.
Từ một người vô danh, anh ta bỗng nhiên nổi tiếng, trở thành một nhà văn được báo chí săn đón. Lúc đó, anh ta nghĩ mình đã là nhà văn lớn, vênh váo và ngồi nghĩ ra cách làm sao trả lời báo chí cho bớt kệch cỡm.
1. Một đứa trẻ, chắc chắn không thể mặc được áo của người lớn. Cũng như những người chưa viết được những tác phẩm cho ra hồn thì không thể gọi là nhà văn, họ chỉ nên được gọi là cây bút. Đối với những người viết trẻ, vốn đã tham gia nhiều vào đời sống văn học, lại viết thường xuyên, in ấn nhiều, thì có thể được gọi là nhà văn trẻ. Thế nhưng, không ít người sáng tác đã được giới truyền thông tặng cho những chiếc áo quá khổ.
Họ được khoác cho cái mác "nhà văn", mặc dù chẳng đáng. Hơn nữa, người viết đó được ca ngợi quá mức, vượt xa nhiều lần tài năng của họ, điều này chẳng giúp người viết đó sung sướng được bao nhiêu, nhưng sẽ sớm giết họ khi đã làm cho họ ngộ nhận quá mức. Gần đây, báo chí lại đi ca ngợi vô lối những cuốn sách chất lượng quá kém, mà khi hỏi người ca ngợi đã đọc cuốn đó chưa thì chỉ nhận được cái lắc đầu.
Một số người viết trẻ từng chơi blog đã đọc được những lời chửi bới bậy bạ của cô gái tên Vũ Phương Thanh trên blog cá nhân của cô, bất kể cô này vui hay buồn. Dường như blog là thứ để Thanh xả ra những bực dọc, những chán nản, hay cả những niềm vui ở đời sống thực.
Theo lời một blogger, đọc những gì Vũ Phương Thanh viết trên blog thì thấy cô có cá tính, nhưng lời lẽ phần nhiều thô tục. Thực chất, Thanh là cô gái học hành chưa đến nơi đến chốn ở Hà Nội, một mình vào Sài Gòn kiếm sống. Khi phong trào chơi blog nổi lên thì cô cũng "nhào dzô" và nhanh chóng trở thành một hot-blogger nhờ… sự ngỗ ngược.
13 entry trên blog được cô tụ tập lại, được Công ty Sách Bách Việt in thành tập và phát hành. Nó được gọi là tập truyện ngắn, với tên "Cho em gần anh thêm chút nữa", Thanh lấy bút danh là Gào. Ngay lập tức, đã có không ít báo "xông" vào ca ngợi Gào, giống như một hiện tượng.
Đây là một đoạn trích từ bài giới thiệu của tác giả Gia Bách trên báo An ninh thủ đô và được nhiều mạng khác post lại: "Mười một câu chuyện còn rất trẻ, giọng văn đôi khi táo bạo, đôi khi bất cần và có thể khiến người đọc hơi rùng mình vì những gì mà người trẻ đang làm nhưng như Gào nói, truyện của cô thiên về cảm xúc, viết về nỗi đau của người phụ nữ. Nó không thời thượng, không hời hợt, không sến, nó được yêu thích bởi vì được đi ra từ đời thật, từ những gì cô chứng kiến ở bạn bè, hay được nghe kể lại”.
Khi viết phần giới thiệu này, tôi cam đoan tác giả Gia Bách đã không đọc, mà chỉ cố tình "nghe nói" rồi viết bừa. Chính xác, tập truyện của Gào gồm 13 truyện chứ không phải chỉ có 11. Lời giới thiệu sách Gào đã viết rất rõ. Đọc những gì Gia Bách ca ngợi Gào, tôi thấy anh chỉ khen lấy được, chỉ để có bài và cũng chẳng biết khen như vậy có lợi cho Gào hay không. Xin Gia Bách hãy đọc truyện của Gào đi rồi hãy viết.
Một thời gian dài, báo chí ca ngợi tác phẩm "Chuyện tình New York" của Hà Kin. Mặc dù Hà Kin đã thanh minh ngay đầu cuốn sách: "Tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học, trong đó chỉ có những câu chuyện và bài học cuộc sống thực tế tôi cóp nhặt và muốn chia sẻ".
Thế nhưng, người ta vẫn cố gắng coi đó là một "hiện tượng văn học mạng", để đẩy nó thành một cuốn sách bán chạy và được đổi bìa, tái bản đến lần thứ ba. Hà Kin từng tâm sự, cô chỉ đơn giản muốn kể lại một thời "yêu thương" và "dữ dội" của mình, nhưng khi ca ngợi, người ta đã biến nó thành một… tiểu thuyết.
Ai có thể tưởng tượng nổi, những lời lẽ sau được "thở" ra từ miệng một cây bút nữ, khi cô này được phỏng vấn trên báo: "Ngay như bạn trai tôi, anh ấy cứ đọc truyện của tôi lại shock nặng và ghen tuông vài ngày. Sau đó anh ấy cho rằng quá khứ của tôi có đến một nửa số đàn ông Việt Nam… Tôi viết và tôi thích thú với việc quan sát của mình. Tôi thích nhìn ngắm tôi trong gương, thích nói chuyện với tôi trên giường ngủ, ngoài đường phố, bên cốc rượu, trong quán bar, trong những nụ hôn của người yêu... Tôi đã thấy và đang thấy tôi khác với ngày hôm qua, ngày hôm kia. Bên cạnh đó, tôi nhìn ngắm cơ thể và hành động của người trẻ, lắng nghe tiếng nói của người trẻ để thấy họ đang làm gì và ra sao". Đó là lời của tác giả Từ Nữ Triệu Vương mà một thời, báo chí đã ca ngợi hết lời, dự báo một tác giả quậy phá chẳng những ở đời thực mà còn cả văn chương, nhưng giờ, cô đã lặn mất tăm chẳng thấy viết văn nữa.
Còn rất nhiều tác giả, được tung hô, được ban những lời khen "bốc giời", bởi những người cố tình làm cho văn học lâm vào tình trạng vàng thau lẫn lộn. Cũng có thể họ chỉ tìm cách bán báo, hoặc điều gì đó mà hết lời ca ngợi một tác giả với những tác phẩm mà mình chưa từng đọc, chưa từng hiểu, để rồi họ ngộ nhận, không thể nào sáng tác. Hoặc tác phẩm mà họ vừa được ca ngợi chỉ là một thứ rác rưởi, mà sau khi in ấn, tác giả của nó không còn khả năng viết nữa. Đáng tiếc thay.
2. Blog Yahoo 360 đóng cửa, những tưởng một số blogger "văng mạng" sẽ mất "nhà", nhưng họ vẫn chuyển được sang "căn nhà" mới tùy lựa chọn mỗi người. Và loại văn được viết trên đó vẫn tồn tại hiển nhiên. Sẽ có người nói rằng mỗi thể loại, mỗi dòng văn học đều có đối tượng đọc riêng của nó.
Nói như vậy cũng có nghĩa rằng, những thứ được gọi là "văn học mạng" đều là những thứ khiêu dâm, rác rưởi, thì cũng có những đối tượng thưởng thức "món" đó(?!). Trong Kinh Thánh có đoạn: "Có anh em nào khi con cái xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá không? Hay khi nó xin con cá mà lại cho nó con rắn không?".
Ý nói, mỗi người cha người mẹ đều muốn những điều tốt nhất cho con cái. Thì đối với mỗi nhà văn, cũng phải mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho người đọc chứ. Thế nhưng, một số người đã mang những thứ rác rưởi đến cho đối tượng người đọc là trẻ vị thành niên, vốn đang rất tò mò (nhà văn đích thực người ta không quan tâm đến loại sách này).
Chúng cũng như những đứa trẻ, khi bố hay mẹ đưa cho hòn đá, thì trước hết nó cứ gặm cái đã, rồi mới thấy là không thể ăn được. Thứ văn kiểu như Keng, Gào… viết, thực chất là thứ văn đồi trụy. Nó sẽ tiêm nhiễm vào đầu óc người trẻ sự bất cần, theo kiểu "yêu cũng được mà không yêu cũng chẳng sao". Từ đó dẫn đến tính phá bĩnh, bất trị ở các em. Đó là tội ác, là vô lương tâm.
Không ít người đã bị một số phương tiện truyền thông lừa, nhưng chúng ta không thể đổ hết lỗi cho truyền thông. Họ chỉ làm nhiệm vụ của họ là quảng bá. Lỗi của họ là quảng bá không đúng với thực chất, quảng bá khi chưa hiểu rõ nội dung của cái mà mình quảng bá. Lỗi của người đọc, của công chúng là không chịu nhìn bằng con mắt mình, không chịu nghe bằng tai mình, không chịu đọc bằng khả năng của mình mà chỉ qua người khác.
Họ quá dễ dàng sập bẫy những chiêu PR, không có khả năng đánh giá lại giá trị của những lời ca ngợi thái quá từ giới truyền thông. Đã có tác giả cảm thấy ngại không dám gặp bạn viết, bởi một tờ báo đã ca ngợi mình hết mức. Tác giả này vốn khiêm tốn, gia tài là mấy đầu sách nhưng trả lời báo chí rất rụt rè, thận trọng.
Nhưng anh không biết rằng, người phỏng vấn anh đã "chua" thêm mấy dòng khiến anh… rợn tóc gáy. Thực tình, anh không dám trả lời ngỗ ngược như thế, nhưng qua sự "nhào nặn" của một cây bút báo chí non kém trình độ, bài phỏng vấn đó đã trở thành một nỗi ám ảnh, day dứt. Nhưng bài đã lan truyền trên mạng, không thể nào sửa chữa được.
Khi người viết trẻ được tặng chiếc áo quá khổ, tức là được khen vượt qua tài năng của anh ta, sẽ dẫn đến hai khả năng. Một là, anh ta sẽ cảm thấy sung sướng vì được ca ngợi hết lời, được trở thành nhà nọ nhà kia quá dễ dàng. Hai là, anh ta sẽ buồn phiền và đề phòng truyền thông hơn, vì anh thấy mình chưa đáng được như vậy. Nhưng cả hai khả năng đều khiến người viết trẻ có chút tiếng tăm.
Phần lớn, người viết trẻ với tính hiếu thắng, một chút tự hào của mình lại thích được khen hơn là chê. Thích nghe những lời mềm tai để thấy mình đã lớn lên nhiều và vô tình, dị ứng với những lời góp ý chân thành. Không chịu được những lời góp ý chân thành và chủ quan tin vào những lời ban khen vô lối là một căn bệnh mà nhiều người viết trẻ đã mắc phải.
3. Đã đến lúc, chúng ta nên có một cái gọi là "văn hóa khen ngợi". Khen hay chê đối với một con người là việc cực kỳ khó khăn, khen chê văn nghệ sĩ càng khó, khen chê những người viết trẻ còn khó hơn nữa. Khen và chê làm sao để người viết trẻ không nản lòng, không ngộ nhận và kích thích sự sáng tạo của họ, tiếp thêm cho họ sức lực sáng tạo, đó là việc nên làm.
Thực tế, có những kiểu chê một cách chủ quan, cố tình vùi dập người viết. Kiểu này thường diễn ra ở những cá nhân vốn có sự kỳ thị trước đó, hoặc ghen theo kiểu "trâu buộc tức trâu ăn". Cũng có trường hợp chê theo kiểu cha chú một cách phũ phàng, phủ nhận tất cả, không công nhận điều gì. Còn việc khen một cách tùy tiện diễn ra ở những cá nhân, vốn quá cảm tình với người viết trẻ (cụ thể nào đó) vì sự chủ quan, khen lấy được.
Đã có một nhà văn có uy tín, chủ quan khi khen một cây bút, khiến cho cây bút này cảm thấy mình đã ở một vị thế quá cao, dẫn đến căn bệnh huênh hoang. Cây bút này cũng "tịt ngòi" sau một cú sốc trở thành hiện tượng đó. Thường, kiểu khen tùy tiện có ở những nhà làm truyền thông, những phóng viên hời hợt chạy theo đề tài, có tính ẩu đoảng, nói leo…
Họ chỉ biết khen để có lợi cho mình mà không biết rằng, việc làm đó góp phần giết chết tài năng của một cây bút. Không phải ai cũng biết khen và biết chê. Thực sự, để khen và chê tốt đều phải học, có mẹo và cần có văn hóa.
Người đó phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, có mục đích là làm cho nền văn chương phát triển, tìm tòi những tài năng sáng tạo mới. Họ không vì những mối tư thù hay chút ít lợi lộc cá nhân mà dễ dàng phóng bút viết bừa.
Xin hãy cho những người viết trẻ những tấm áo vừa khít với cơ thể họ, để vóc dáng họ được tu chỉnh, khỏi luộm thuộm, thùng thình. Bởi họ chỉ là những nhà văn tương lai, những cây bút sẽ làm đời sống văn học nước nhà trở nên phong phú, lớn mạnh. Đừng lấy sự tùy tiện ra để giết chết khả năng sáng tạo của họ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh