Việc nhà: chìa khóa chất lượng sống của phụ nữ
Chị Nguyễn Bích Chi, 28 tuổi, giáo viên Trường Mầm non 2, quận 10, TP.HCM. Một ngày của chị Chi bắt đầu từ 5g30 và kết thúc lúc 22g. Mỗi ngày người mẹ một con này dành 240 phút (4 giờ) làm việc nhà, chỉ có 45 phút dành riêng cho bản thân.
Việc nhà gây bất lợi cho phụ nữ về cơ hội nghề nghiệp và thu nhập, tuy sự ảnh hưởng chỉ rõ nét ở phụ nữ tuổi 20-49 hơn là phụ nữ trên 50 tuổi. Theo Đại học Toledo (Mỹ), trung bình nam giới trẻ kiếm nhiều tiền hơn nữ 30%, nam trung niên hơn nữ 46%, nam trên 50 tuổi hơn nữ 54%.
Tư duy mặc định gắn việc nhà với phụ nữ khiến họ thiệt thòi trong lựa chọn điều kiện sống và làm việc, gây ảnh hưởng sâu sắc đến vai trò, vị trí xã hội của họ (phụ nữ Mỹ làm nội trợ nhiều hơn nam giới 53% thời gian, phụ nữ trên 50 tuổi làm gấp ba lần, phụ nữ trẻ làm gấp hai lần nam giới cùng tuổi). Họ đành tập trung làm việc ở ba lĩnh vực: công cộng, hành chính, dịch vụ, phải làm việc giờ giấc linh động, bán thời gian, chứ khó chen chân vào các ngành kinh doanh vốn đòi hỏi sự tận lực.
Kết quả cuộc thăm dò mới đây của Viện Gallup (Anh) với hơn 5.000 phụ nữBắc Mỹ và châu Âu về thời gian phụ nữ chăm sóc bản thân cho thấy: trungbình mỗi phụ nữ dành 1 giờ 20 phút cho việc trang điểm và sửa soạn tưtrang, cụ thể: 22 phút tắm và vệ sinh cá nhân 23 phút chỉnh trang đầu tóc 14 phút trang điểm 6 phút chọn trang phục 15 phút sắp xếp túi xách, đeo đồ trang sức, xỏ vớ, mang giày. Với những phụ nữ đi làm thì cộng thêm 40 phút sửa soạn hằng ngày. Tính chung, so với tuổi thọ trung bình thì mỗi phụ nữ mất 2 năm 9 tháng để làm đẹp thêm trước khi ra khỏi nhà. |
Nhìn chung, chừng 10 năm thì phụ nữ giảm được việc nhà gần 6 giờ/tuần; khoảng 20 năm thì nam giới tăng số giờ làm việc nhà lên gấp đôi. Phần lớn nữ giảm giờ nấu nướng, giặt giũ, lau nhà nhờ thành quả của máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi..., còn nam tăng giờ chăm sóc con cái. Tuy nhiên, vài năm gần đây xu hướng phụ nữ giảm thời gian làm việc nhà đã bớt ồ ạt. Một phần do chồng “khoán” việc đưa đón con cho vợ, trong khi khoản trang hoàng, quản lý nhà cửa, chăm chút xe hơi khiến giờ việc nhà của phụ nữ giảm không nhiều như trước.
Tây Ban Nha là nước có ít sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ vì việc nhà, do thời gian làm việc nhà và đi làm của hai phái tương đối ổn định. Trung bình giờ đi làm được trả lương của nam là 3,37 giờ/ngày và 1,30 giờ/ngày lo việc nhà; ở nữ là 1,44 giờ/ngày và 4,24 giờ/ngày. Cả nam lẫn nữ dưới 25 tuổi hầu như chỉ tập trung vào công việc, học tập, giải trí. Vợ chồng son vẫn đi làm, chỉ khi sinh con thì chồng mới giảm bớt giờ làm việc còn vợ tăng giờ việc nhà. Với Lithuania (một nước vùng Baltic), mô hình chồng đi làm vợ nội trợ vẫn giữ nguyên (62% năm 1991, 63% năm 2006) và sẽ không thay đổi ít nhất trong 15 năm tới. Đây là đất nước có tệ phân biệt đối xử với phụ nữ ở sở làm và gia đình khá phổ biến.
Mỗi một giờ làm việc nhà sẽ làm giảm thu nhập của phụ nữ từ 0,1- 0,4% |
Phân bổ giờ làm việc nhà theo giới tính ở Mỹ:
(Nguồn: American Time Use Survey, University of Michigan)
Năm | Nữ | Nam |
1965 | 30 giờ/tuần | 5 giờ/tuần |
1976 | 26 giờ/tuần | 6 giờ/tuần |
1995 | 17,5 giờ/tuần | 10 giờ/tuần |
2005 | 17 giờ/tuần | 13 giờ/tuần |
2008 | 97 phút/ngày (có gia đình) 67 phút/ngày (độc thân) | 29 phút/ngày (độc thân lẫn có vợ) |
Hương Lan
(tổng hợp từ Timesofindia, Eurofoud, Andhranews...)
Bình đẳng giới: Không phải là chia đều ra tôi nấu cơm, anh rửa bát!
TS Khuất Thu Hồng
Theo điều tra khá đặc biệt về thời gian làm việc nhà của phụ nữ, thực hiện trong hai năm 2007-2008 tại tỉnh Hà Tây cũ, mỗi phụ nữ phải dành tới 5-6 giờ mỗi ngày cho công việc nội trợ. Ở những gia đình có con nhỏ, cha mẹ già, thời gian làm việc nhà còn kéo dài hơn. Trong khi đó, nam giới chỉ dành có 1 giờ/ngày cho công việc chung này. Thậm chí có ông chỉ dành nửa giờ/ngày chia sẻ việc nhà với vợ.
Chủ trì nghiên cứu nói trên, TS Khuất Thu Hồng - đồng viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nói với TTCT:
* Thưa bà, phụ nữ ngày nay vừa phải đi học, đi làm, phấn đấu đảm nhiệm công việc xã hội giống nam giới, vừa phải đảm đương vai trò nội trợ hết sức vất vả. Điều này thể hiện họ ngày càng chăm chỉ, đảm đang và giỏi giang hơn?
- Có một vấn đề là từ trước đến nay ở VN, việc nhà được coi là... nhiệm vụ ở nhà của phụ nữ. Người phụ nữ từ nhỏ đã được giáo dục như thế. Với phụ nữ các nước, ngoài việc coi công việc nhà như những công việc khác, họ được trợ giúp bởi các loại máy móc và dịch vụ xã hội. Còn ở VN thì chủ yếu việc nhà là dành cho các “máy chạy bằng cơm”. Phụ nữ VN coi việc nhà là việc riêng của mình. Muốn làm mẹ đảm đang, vợ hiền dâu thảo thì phải bảo đảm làm việc nhà tốt bên cạnh công việc xã hội. Suy nghĩ này khiến họ tốn thêm nhiều thời gian, tâm trí, sức khỏe và không có thời gian dành cho học hỏi nâng cao chuyên môn, phát triển cá nhân mình.
Ngày trước có tiêu chuẩn để trở thành phụ nữ năm tốt, nay thì phụ nữ phấn đấu để đạt phụ nữ hai giỏi - giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà. Muốn như thế phụ nữ phải cố gắng gấp đôi, gấp ba và tôi cho như thế là đòi hỏi phụ nữ quá nhiều!
* Nhưng đã có kinh nghiệm cho thấy phụ nữ đóng vai trò “nội tướng” giỏi sẽ giúp gia đình êm thấm. Mà ai chẳng muốn gia đình mình êm thấm?
- Đã có sự phân chia rành rẽ giữa việc xã hội và việc nhà để đánh giá người phụ nữ. Việc xã hội tốt mà việc nhà cũng êm thấm là tốt rồi. Làm việc có giỏi nhưng việc nhà không êm thấm chứng tỏ cô này có vấn đề! Thật ra xã hội phải có nhìn nhận khác đi, sự êm thấm đó không phải là biểu hiện của văn minh nếu vẫn có thành viên trong gia đình phải chịu đựng áp lực, phải gồng gánh công việc. Nếu xã hội văn minh thật sự, mỗi thành viên phải được bình đẳng trong mọi khía cạnh cuộc sống, ai cũng có quyền và ai cũng có trách nhiệm.
“Khi đi điều tra, hầu hết mọi người được hỏi đều đánh giá cao việc nhà,kể cả những ông chồng gia trưởng nhất. Thế nhưng thực tế thì như thếđấy: mỗi ông chỉ giúp vợ có 1 giờ/ngày. Họ rất ít làm những điều đểthay đổi thực tế”. |
* Theo bà, việc phân chia “ai cũng có trách nhiệm” như thế nào thì phù hợp?
- Thật ra nói thế chỉ là lý thuyết vì cuộc sống không diễn ra theo đường thẳng, khía cạnh này có thể phát triển tốt, khía cạnh kia chậm hơn. Nhưng mọi người phải ý thức rõ bình đẳng không phải là chia đều ra tôi nấu cơm anh rửa bát, mà là tôi dành thời gian cho việc nhà 5-6 giờ/ngày thì thời gian tạo ra của cải vật chất cho gia đình sẽ phải giảm đi, và không vì thế tiếng nói của tôi trong gia đình lại ít giá trị. Hiểu được như thế sẽ không có chuyện chồng coi thường vợ khi vợ kiếm ít tiền hơn mà dành nhiều thời gian lo nội trợ, con cái...
Chúng ta phấn đấu cũng chỉ để có sự bình ổn, yên ấm, hạnh phúc. Bao nhiêu tiền bạc cũng không mang lại được sự yên ấm ấy. Xã hội càng phát triển thì gia đình càng cần sự yên ấm. Xã hội căng thẳng, gia đình cũng căng thẳng thì sống để làm gì? Thế nhưng gia đình không thể yên ấm thật sự nếu một thành viên vẫn phải vất vả cả ở nhà, cả ngoài xã hội. Mà có làm ra nhiều tiền đến bao nhiêu, hăng ngày vẫn phải đi ăn cơm ngoài quán thì không thể gọi là hạnh phúc. Một bữa cơm ngon bên người thân cũng có giá trị như tiền bạc làm ra trong ngày chứ...
* Từ đầu cuộc trao đổi, câu chuyện của chúng ta là theo truyền thống. Nếu muốn sửa chữa những cách nghĩ trong truyền thống chưa phù hợp, để chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ, theo bà phải làm gì?
- Vấn đề như tôi đã nói, ai cũng biết việc nhà là quan trọng nhưng muốn chia sẻ phải bắt đầu như thế nào! Nên chăng người cha người mẹ phải làm gương. Trong nhà mà người cha chẳng bao giờ làm việc nhà thì sau này con gái sẽ phải gánh vác hết công việc nội trợ, vì từ bé chúng đã thấy bố chúng có bao giờ làm việc nhà.
Với chương trình giáo dục trong nhà trường, vì sao chúng ta lại thấy tranh ảnh trong sách giáo khoa đều là bạn gái bế em, quét nhà? Điều này phải được thay đổi tỉ mỉ, cụ thể chứ không thể thay đổi nhờ những chiến dịch tuyên truyền hoành tráng, loa truyền thanh nói ra rả... Nếu không, những điều chúng ta nói về bình đẳng chỉ là nói suông.
Thật ra thời gian của phụ nữ cho việc nhà sẽ giảm nếu mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia. Ví như một người làm việc nhà 2 giờ/ngày thì mỗi thành viên trong gia đình đóng góp 30 phút, vừa nhanh chóng hoàn tất công việc, vừa có cơ hội chia sẻ với nhau hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ sẽ có nhiều thời gian cho mình hơn nếu có nhà trẻ tốt, bệnh viện tốt, dịch vụ xã hội tốt...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý