Tự do và Tự do cá nhân
1. Tự do
Tự do là một chữ bao hàm rất nhiều ý nghĩa, có thể gợi những tình cảm mãnh liệt và sự nhiệt thành hăng hái của quần chúng, cả những lúc họ chưa rõ nghĩa. Chữ ấy đã được bao nhiêu dân tộc cương cường nêu cao: ‘’sống tự do hay là chết’’, đó là lời thề của chiến sĩ cuộc cách mạng Pháp, đó là lời thề chung của những tâm hồn khí khái mong thoát ly ra ngoài vòng áp chế, nô lệ. Tự do là một lý tưởng đẹp đẽ của loài người, một ngôi sao dẫn đường cho nhân loại, cao quý và sáng láng, từ ở bên tây phương theo văn minh Âu châu đến chiếu rõi ngang cùng ngõ hẻm của Viễn đông, làm sôi nổi tâm can hàng ức triệu người đương chìm đắm trong giấc mê ngàn năm.
Một chữ có sức mạnh nghiêng thành đổ núi như thế, ta cần phải phân tách giảng giải cho rõ nghĩa. Có nhiều người vô tình dùng sai nghĩa, khiến cho nhiều kẻ cố ý mạt sát vin vào đấy để chê bai ý tưởng tự do, mà họ cho cùng một nghĩa với sự phóng túng.
Theo nghĩa đen thì tự do là quyền muốn làm gì thì làm, không có gì ngăn cản được.
Nhưng sự tự do hoàn toàn, tuyệt đích như vậy không có. Là vì trước sự tự do của người này, còn có sự tự do của người khác, những quyền tự do ấy làm giới hạn lẫn cho nhau, ta có quyền làm nẩy nở bản năng của ta, nhưng sự nẩy nở ấy không được phương hại đến bản năng của người cạnh ta, đó là một nguyên tắc hợp với công lý và với sự kính trọng nhân phẩm của ‘’con người’’.
Làm khác đi, nghĩa là chỉ nghĩ đến sự tự do riêng của mình, cố mà phát triển ra, dẫu có hại đến sự tự do của người khác cũng mặc, ấy là sự phóng túng. Sự phóng túng, mà nhiều người lầm với tự do, lẽ tự nhiên là một điều bỉ ổi. Mà sự phóng túng, trong lịch sử, dễ thường ta chỉ kiếm ra được hai ví dụ: một là người Bản cổ, ăn lông ở lỗ, sống một mình, tự do một cách triệt để, hai là những ông hoàng đế chuyên chế, uy quyền vô hạn, có thể dùng sự tự do của họ cho đến phóng túng, mặc cho việc sử dụng ấy làm hại đến tự do, đến sinh mệnh của thần dân.
Tự do của một người thích hợp với sự tự do của người khác đã đành, lại còn phải thích hợp cả với sự sống còn của XH nữa. Người ta sinh ra trong XH, được XH bảo vệ cho quyền lợi hẳn là cần phải bảo vệ lại XH và nếu sự phát triển của tự do riêng một người có phương hại cho cả XH, thí dụ như vấn đề vệ sinh chung, thì sự phát triển ấy không thể có được.
Nói tóm lại, tự do là quyền làm hết mọi việc không có phương hại đến người khác và xã hội. Đó là nghĩa của sự Tự do, theo tờ tuyên ngôn của Đại Cách Mệnh Pháp. Giới hạn của tự do người này, chính là sự tự do của người khác, và giới hạn ấy, chỉ có một đạo luật, do toàn thể XH ưng chuẩn, mới có thể định được, cho nên ‘’tất cả mọi điều mà luật không cấm là không ai ngăn không cho làm được, và không ai có thể bị buộc phải làm những điều mà luật không bắt làm’’.
Sự tự do phát triển về đủ mọi phương diện, hoặc về mặt thân thể người ta hoặc về mặt tinh thần, hoặc đối với tư tưởng của riêng ta, hoặc đối với hành động của ta đối với xã hội. Cho nên, sự tự do chia làm nhiều thứ tự do.
2. Tự do cá nhân
Trong các quyền tự do bất diệt của loài người, trước hết ta phải kể đến tự do cá nhân.
Tự do cá nhân, tức là sự tự do về thân thể người ta. Quyền tự do ấy, tưởng chừng như không phải bàn cãi, vì hầu như người ta được tự do đối với thân thể của riêng mình là một lẽ đương nhiên rồi: thân thể của ta, ta muốn dùng làm gì thì làm, muốn đem đến đâu tùy ý.
Thực ra, không được như vậy. Tự do cá nhân, cũng như các quyền tự do khác, là kết quả của nhiều thế kỷ tranh đấu kịch liệt. Về đời phong kiến, sự tự do ấy tuyệt nhiên không có. ‘’Con người’’ đời bấy giờ cũng như ở nhiều nước mọi rợ đời này, không phải là vật đáng tôn trọng. Một chứng cớ hiển nhiên là chế độ nô lệ. Người ta đã là một đồ vật thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, có thể đem mà đánh đập, hoặc cầm bán đi thì thân thể của người ta còn làm gì có tự do nữa.
Nhưng chế độ nô lệ, thời gian và các nhà tư tưởng dần dần đã tỏ rõ ra lẽ trái ngược với nhân đạo, và ý tưởng về tự do cá nhân dần dần xuất hiện. Đến thế kỷ thứ XVIII, ý tưởng ấy rõ rệt và có sức mạnh lạ thường. Các nước văn minh đều bắt đầu quý trọng ‘’con người’’, và Đại Cách Mệnh Pháp, nối liền sau cuộc vận động độc lập bên Mỹ, đã coi tự do cá nhân là một nguyên tắc bất khả xâm phạm. Đêm hôm 4-8-1789, dân Pháp đã tuyên bố một cách long trọng bãi bỏ và cấm ngặt sự nô lệ, bất cứ hình thể ra sao. Và cũng vì theo nguyên tắc ấy, nên luật hộ Pháp định rằng nhân công chỉ có thể thuê trong một thời hạn nhất định hay để làm một việc nhất định mà thôi.
Bắt đầu từ đấy, sự nô lệ thành ra trái với luân lý và tự do cá nhân thấy rõ là quyền chủ nhân của ta đối với thân thể của ta, đối với các bộ phận của ta. Bắt đầu từ đấy, công dân có quyền đi, ở, làm gì tùy sở thích, ngoài những trường hợp định rõ trong Hiến Pháp.
Nhưng tuyên bố quyền chủ nhân ấy chưa đủ. Điều cốt yếu, là làm thế nào cho người ta có thể dùng được cái quyền ấy, làm thế nào cho người khác phải kính trọng cái quyền ấy. Muốn thế, một đằng phải tìm những cách đảm bảo cho tự do cá nhân, một đằng phải định rõ những trường hợp đặc biệt người ta có thể phạm vào quyền tự do ấy.
Tìm cách đảm bảo cho tự do cá nhân, về phương thực hành, tức là tìm phương pháp bảo hộ cho mọi người khỏi bị bắt, giam hoặc làm tội một cách vô lý. Nghĩa là phải tổ chức luật tố tụng làm sao cho hợp công lý, hợp với tự do cá nhân. Đạt được mục đích ấy, ít ra cũng phải theo mấy điều này, một là có quan tòa độc lập, không thuộc hạ chính phủ hai là quan tòa phải có trách nhiệm, có quyền hạn rõ ràng, không thể vượt qua được, ba là bị cáo nhận được bênh vực một cách cặn kẽ. Những điều kiện ấy, các nước văn minh, dân chủ đều có đầy đủ.
Thứ nhất là ở bên nước Anh, một nước đầu tiên đã nhận thấy tự do cá nhân là một quyền của con người. Bên ấy có một cổ tục đáng yêu gọi là habeas corpus, theo cổ tục ấy, bắt hay giam người không hợp pháp là phạm tội, và những người bị cáo lập tức được giải đến trước một vị quan tòa để xét hỏi và có trạng sư bênh vực, nếu tội không trọng đại, và có đủ bảo lĩnh thì bị cáo nhân không thể bắt giam được. Luật tố tụng nước Pháp cùng theo một nguyên tắc với cổ tục kia, tuy không chu đáo bằng: một người bị cáo phải có lệnh quan tòa mới bắt được, mà quan tòa, theo phép phân quyền, lại độc lập đối với chính phủ; bị cáo được trạng sư bênh vực và nếu trong một vụ nào, quan tòa không theo đúng những lề lối của luật tố tụng, thì sẽ phải làm hẳn lại.
Những đảm bảo ấy của tự do cá nhân đời xưa không có: dưới chế độ quân chủ chuyên chế, ở nước Pháp cũng như ở các nước khác, dân bị bắt, bị giam, bị đầy, có thể chỉ do quyền sở thích của vua hay của một nhà quý phái nào có quyền thế. Không phải chỉ đời xưa mà thôi, cả đến đời bây giờ, nhiều nơi, nhiều xứ chưa biết tự do cá nhân là gì. Không nói đâu xa, ta vào ngay Trung-kỳ, xứ sở của bọn quan lại, thì đủ rõ: quan, một viên chức của chính phủ, vừa coi về việc cai trị vừa làm quan tòa, và trước vị quan tòa không đủ tư cách độc lập ấy, bị cáo nhân không được ai bênh vực, không được lề lối nào đảm bảo; dưới một chế độ như vậy, thì làm gì còn có tự do cá nhân nữa! Cho nên, lấy lý mà suy, thì Trung-kỳ phải là xứ sở của sự lạm quyền, của sự vô cớ bắt giam người. Một xứ chưa phân biệt quyền hành chính với quyền tư pháp, chưa nhìn nhận đến quyền tự do bất diệt của quốc dân, bao giờ cũng vậy, bao giờ cũng chỉ là tiêu biểu cho một chế độ bất công. Kể cả Bắc-kỳ cũng chưa đủ sự đảm bảo cho tự do cá nhân, tùy rằng trên các tòa Nam án, ở đây còn hơn ở Trung kỳ là có một cơ quan độc lập hơn, tôi muốn nói tòa Thượng thẩm Hà Nội.
Sự đảm bảo đã có đủ, lại còn cần phải định rõ những trường hợp có thể phạm vào tự do cá nhân nữa. Một trường hợp không ai bàn cãi, là lúc phạm tội, nhưng tội cần phải do luật định; mà luật, muốn không có tính cách áp chế, phải do toàn thể quốc dân ưng thuận. Một trường hợp nữa, là lúc có loạn, có giặc, quyền của quan văn giao sang cho quan võ, là lúc thiết quân luật: lúc đó, quan võ có quyền khám xét nhà mọi người cả ngày lẫn đêm và bắt những người đã can án nhiều lần hoặc không có trụ sở, rời bỏ nơi bị thiết quân luật. Người điên, nếu để tự do có thể hại cho sự yên ổn chung, tất người ta phải có quyền bắt bỏ vào nhà thương cho đến lúc khỏi, nhưng muốn cho khỏi có sự nhũng lạm, cần phải tìm phương pháp đảm-bảo cho những người bị tố cáo là điên. Đối với gái giang hồ, thì sự vệ sinh chung bắt buộc họ phải theo một qui-pháp riêng, nhiều khi không hợp với sự tự do cá nhân: thí dụ như việc khám bệnh. Nhưng đó là một sự bất đắc dĩ. Lẽ tất nhiên là làm thế nào cho không có sự làm đĩ nữa là thượng sách, nhưng nếu còn có, còn cần phải gìn giữ vệ sinh chung, chỉ cốt làm sao cho sự tự do cá nhân khỏi bị giầy séo một cách quá đáng.
Còn đối với những người kiều dân ngoại quốc, thường thường chính phủ có quyền phạm đến tự do cá nhân của người ta. Thí dụ như ở bên Pháp, người ngoại phải có giấy thông hành, phải làm giấy khai nghề nghiệp và chỗ ở, mà có thể bị chính phủ Pháp trục xuất ra ngoài cõi. Không cứ gì người ngoại quốc, có khi người cùng nước cũng phải chịu cái nạn ấy: thí dụ ở Đông Dương, người Annam ở Nam-kỳ có thể bị trục xuất, nếu nguyên quán ở ngoài Bắc hay trong Trung, và người Annam nếu sinh đẻ ở ngoài Bắc, vào Trung cũng có thể bị mời về nguyên quán. Còn giấy thông hành, thì ta chỉ có một thứ tương tự, đó là giấy căn cước. Hơn nữa, riêng cho thuộc dân, có một chế độ đặc biệt, gọi là chế độ bản xứ; theo chế độ ấy, viên chức về ngạch cai trị có thể bắt giam thuộc dân trong nhiều trường hợp nữa. Như vậy về phương diện tự do cá nhân, chính dân Annam đối với nước Annam mà lại có cái địa vị kém người ngoại quốc đối với nước Pháp.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh