Nước Nam
Nước Nam có đáng gọi là một nước không? Câu hỏi chắc có nhiều người cho là thừa, vì người Annam ai ai cũng có cảm tưởng rõ rệt rằng họ đều là người một nước. Tuy nhiên, có một số người ngoại quốc khó tính nói đến Đông-dương hay nghĩ đến Phi-châu, và vẫn không có thể tin rằng những dân tộc bị chinh phủ như dân tộc Annam đã có thể đến cái trình độ quốc gia.
Lòng tự tôn của họ đã làm mờ tâm trí họ. Họ thường bảo rằng dân tộc mọi đen ở Phi-châu hay mường mán miền Thượng-du thiếu sự tổ chức thiếu cả tinh thần của một nước. Theo họ, dân Annam chỉ biết đến làng, tinh thần đoàn kết của họ không ra khỏi lũy tre xanh, ngoài, là kẻ thù cả. Tuy có một ông vua thống trị cả xứ, nhưng cái giây liên lạc ấy là một thứ giây nhân tạo, thả lỏng, không có mãnh lực gì. Tuy có khi dân tộc ấy đồng lòng chống lại với nạn ngoại xâm, sự đồng lòng ấy không phải do một quan niệm sáng suốt về nước nhà, mà là do ở lòng ghét người nước ngoài mà ra. Dân tộc Annam ngày xưa đã không có điều gì có thể làm cho thành ra một nước như vậy, từ ngày bị chinh phục lại càng mất dần những tính cách có thể đưa dân tộc ấy đến trình độ quốc gia; tiếng nói dần dà bị tiếng Pháp thay vào, rồi đến hóa ra một thổ âm; chính một người đại biểu của họ, một nhân viên của hội đồng quan hạt Nam-kỳ, đã tuyên bố như vậy: lĩnh thổ của dân tộc Annam nay không còn nữa và lịch sử của họ từ nay là lịch sử của nước Pháp.
Trong những lý do nêu ra kia, cũng có một vài phần hợp với sự thực, nhưng nếu chỉ có thế mà đủ để kết án, thì không có một nước nào có thể xứng đáng gọi là một nước được. Người ta trách người Annam chỉ nghĩ đến làng; đó là một điều sai lầm: phần đông dân ta nghĩ đến làng nhiều hơn, nhưng không phải là chỉ nghĩ đến làng mà thôi. Vả lại, có nước nào toàn thể dân chúng đều có một quan niệm sáng suốt về nước không? Không có một nước nào cả. Thử đem một người Basque hay Breton xuốt đời ở nhà quê họ mà hỏi thì lòng yêu nước của họ thường chỉ là lòng yêu gác chuông nhà thờ của nguyên quán. Người ta lại trách người Nam có tính ghét người ngoại quốc; đó là một điều sai lầm lớn nữa: không phải người ngoại quốc nào người Annam đều ghét cả; trái lại, người nước Nam thường được những nhà mạo hiểm đến du lịch ngày trước coi là một dân tộc lễ phép, lấy hậu tình đối với người nước ngoài. Còn những kẻ ngỗ ngược, ỷ mạnh đến xứ này gây thù oán, thì sự thù oán ấy có phải đâu là tại bản tính ghen ghét của người bản xứ. Người ta lại bảo tiếng Việt Nam chỉ là một thổ âm và việc nước Pháp chinh phục là tiêu biểu cho sự diệt vong của nước Nam. Nếu người ta suy nghĩ một chút thì người ta sẽ không lầm đến thế, người ta sẽ nhận thấy thổ âm kia là tiếng nói chung cho ngoài mươi triệu người, tiếng nói ấy đã vượt qua ngàn năm đô hộ tầu mà vẫn giữ nguyên được bản chất, và từ ngày nước Nam ở dưới quyền thống trị của người Pháp, tiếng nói ấy chỉ có giàu thêm ra, không nghèo đi một chút nào. Còn bảo một nước bị chinh phục và bị diệt vong thì là một điều trái với lịch sử: biết bao nhiêu nước bị chinh phục vẫn giữ nguyên được tính chất của riêng mình!
Nói tóm lại, những lý do viện ra đều không đứng vững được. Tuy nhiên, đứng về phương diện khách quan, ta cũng cần phải xét lại xem nước Nam có đủ đặc tính của một nước mà ta đã kể ra hay không. Muốn thế, ta hãy đi ngược lên giòng lịch sử. Ta thấy một dân tộc sống ở ven sông Hồng Hà, nguyên thủy không biết ở đâu và từ đời nào, nhưng ta biết là sinh nhai về nghề nông tang. Trải mấy ngàn năm, năm lần bị người Tầu đô hộ, nhưng đã đồng lòng mưu phục lại sự độc lập, và từ năm 968 giở đi, không kể 20 năm đô hộ sau đời họ Hồ, đã dần dà tiến vào Nam, lấy đất của Chiêm-thành, Chân-lạp, mở rộng bờ cõi. Dân tộc ấy không phải là một giống người nguyên chất, mà là kết qủa của sự trào lộn của nhiều giống người, giống Giao-chỉ, giống Tầu, giống Thái, giống Chiêm-thành, giống Mười, v.v… đã sống chung với nhau từ đời này sang đời khác, đã tạo thành một tiếng nói riêng, đã cùng chung một văn hóa, đã chịu đựng những điều đau khổ chung (như dưới cuộc đô hộ Tần), đã cùng hưởng những nỗi mừng chung (như lúc đánh đuổi quân Nguyên ra ngoài cõi). Cho đến lúc đã chiếm cứ được gần hết bán đảo Đông Dương, đặt bảo hộ lên 2 xứ Lào và Cao Miên, dân tộc ấy đã tỏ ra có tinh thần mạnh mẽ, có tổ chức hẳn hoi, có ý chí thống nhất. Ngoài ra, đất đai của dân tộc ấy lại có liên lạc với nhau về mặt kinh tế, có người đã ví Nam kỳ và Bắc kỳ là 2 thúng thóc, Trung kỳ là cái đòn gánh, hai thúng thóc ấy không có hình ảnh nào tỏ rõ sự liên lạc kia hơn nữa.
Vậy, cùng chung một giải đất, cùng nói một thứ tiếng, cùng chung một lịch sử, một văn hóa, lại có liên lạc với nhau về mặt kinh tế, tưởng dân-tộc Việt-nam đã tới trình độ quốc gia từ lâu rồi. Vả lại, như tôi đã nói, một dân tộc đã tạo ra câu ca dao:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương..
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Và nhiều câu khác nữa, cùng một nghĩa ấy thật đã thành ra một ‘’nước’’, không ai cãi được.
Có người khó tính hơn nữa còn bảo rằng nước Nam còn thiếu một điều kiện, tinh thần quốc gia. Người Nam chỉ biết thờ vua như đàn bà Việt Nam chỉ biết thờ chồng, không biết đến nước. Đó là một điều lầm, và ta chỉ muốn dùng một thí dụ: ông Trạng Trình sinh làm tôi nhà Lê, ông đã làm quan nhà Mạc, đã giúp nhà Lê trung hung, đã chỉ đường cho con cháu nhà Mạc có chỗ ẩn mình, đã đưa nhà Nguyễn đến chỗ dung thân: không còn ai có thể bảo ông đã thờ một ông vua vậy.
Nước Nam đã xứng đáng là một nước, lẽ tự nhiên là có quyền sống như các nước khác, và dân Việt Nam lẽ tự nhiên là có quyền yêu nước mình, mong cho nước mình có đủ tài sức để theo đuổi lấy lý tưởng riêng, để một ngày kia mà họ có thể mong gần gũi, sẽ là một nước hoàn toàn, cùng với các nước khác mưu sự hạnh phúc chung cho nhân loại.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập