Thế nào là một nước?
Đã là một công dân, một phần tử có trách nhiệm trong xã hội, điều cần hơn hết là phải hiểu rõ thế nào là một nước...
Nói đến tiếng ‘’nước’’, nhiều người có cái cảm tưởng là không cần phải nghị luận xa xôi, cứ nghe thấy là đủ thấu triệt ý nghĩa rồi. Tuy nhiên tiếng ‘’nước’’ cũng như nhiều tiếng khác quá quen tai, thoạt nghe có vẻ giản dị lắm, mà kỳ thực hàm rất nhiều ý phức tạp.
Vậy thế nào là một nước? Đặc điểm của nước là những gì?
Muốn biết rõ, ta cần phải lấy thực tế làm nền tảng. Ta hãy nhìn, xét những nước hiện sống, nước mạnh cũng như nước yếu, và tìm những tính cách chung của những nước ấy.
Lấy sự quan sát ấy làm căn cứ, thì trước hết, trong mỗi nước có một số người sống chung với nhau.
Có nhiều người bảo số người ấy phải cùng một giống. Nhưng ta có du lịch khắp cả hoàn cầu, ta cũng không thấy một nước nào chỉ có một giống người thôi. Nước Pháp chẳng hạn, do bao nhiêu giống người khác họp nên; giống Galois, giống Romains, giống Germains… và nhiều giống khác nữa: tuy vậy, có ai bảo Pháp không phải là một nước. Nước Ý, nước Anh, cả nước Đức cũng vậy, nhiều giống người chộn lẫn mới lập thành rồi đến nước Nam ta nữa. Dân Annam không phải là một giống nguyên chất: nào người Giao chỉ, người Tầu, người Mường, người Hời … sống chung đụng với nhau đã nhiều thế kỷ rồi mới thành nước Nam. Xem như vậy thì giống người không có ảnh hưởng gì đến nghĩa chữ ‘’nước’’ cả.
Những người cùng nước không cần phải cùng chung một giống đã đành, nhưng có cần sống chung trên cùng một khoảng đất không? Ta thấy đó là lẽ cố nhiên. Người giống Do Thái, một dân tộc rất mạnh, sống rải rác khắp hoàn cầu, nơi nào cũng chiếm địa vị cao quý, và hay giữ gìn tục lệ cổ của họ, vẫn không hợp thành một nước. Chỉ vì họ không sống chung đã nhiều đời trên một khoảng đất nhất định. Gần đây, có một số người Do-Thái trở về quê hương cũ, xứ Judée, để lập một nước mới, nhưng việc chưa thành và đã gây ra những cuộc náo động vừa rồi ở Palestine. Một thí dụ nữa: người Anh ở Anh-cát-lợi và Bắc-Mỹ-châu, là người cùng giống lại làm sao chia ra làm hai nước khác nhau? Là vì họ không sống cạnh nhau. Một nước thành lập là kết quả cuộc sống chung của số một người kế tiếp đời nọ sang đời kia. Cuộc sống chung lâu dài như thế không có được nếu không có một khoảng đất chung. Ngày trước, người Anh và người Mỹ sống ở một nơi và là người cùng một nước. Nhưng đến 1 lúc, một số trong đám người ấy di cư sang Mỹ, sống trên 1 khoảng đất cách biệt, theo hoàn cảnh đào tạo thành một tính cách riêng và họp thành một nước mới, Hoa-kỳ. Vậy ảnh hưởng của đất đai trong sự lập quốc rất quan trọng. Và vì thế, người ta hiểu rõ nghĩa câu của Renan ‘’một nước là kết quả của sự hôn phối một đám người, người với một mảnh đất’’.
Nhưng nhiều người sống chung trên một khoảng đất chưa có thể đủ thành một nước. Muốn thế họ còn phải cùng dùng một thứ tiếng nói. Dùng tiếng một nước khác, người ta có thể mất quốc tính của mình. Thí dụ như người Wisigothe hay Romains trở thành người Pháp. Hay như người Tàu sang bên ta làm ăn, nói tiếng Nam: mấy đời sau con cháu họ đã hóa thành người Annam.
Hơn nữa, một nước bị diệt lúc phục hung thường bắt đầu bằng tiếng nói. Nước Norvège rồi nước Suede thành độc lập, trước hết mưu phục hung tiếng nói cũ của mình. Nước Hy-lạp cũng vậy, theo tiếng Hy-lạp cổ điển đời xưa, tạo ra một thứ tiếng nói riêng, hiện đã dùng trong các nhà trường, trong nghị viện và trong báo chí.
Ảnh hưởng của tiếng nói mạnh đến nỗi người ta đã có thể bảo tiếng nói là linh hồn của một nước. Tiếng nói người Anh mạnh mẽ cứng cỏi, tiếng Pháp minh bạch khúc triết, tiếng Ả-rập văn hoa, tiếng Ý mềm mại, tiếng Tầu nặng nề và tiếng Annam nhẹ nhàng. Và tiếng nói còn lại chiếc thuyền chở văn chương, tính tình và tư tưởng của một nước.
Những tính tình, tư tưởng ấy, luyện dần thành một tính chất riêng, tính chất riêng của một nước, không lẫn với nước khác, ta có thể gọi là quốc tính. Quốc tính rất khó phân tách, nhưng cũng rất rõ rệt; nó là kết quả của nền văn hóa riêng của nước.
Nói tóm lại, ta có thể bảo rằng, một nước là một số đông người sống chung đã lâu đời trên một khoảng đất, cùng nhau nói một thứ tiếng và cùng chung một văn hóa.
Có người cho rằng kể như vậy chưa đủ, và họ muốn kể thêm một ít đặc điểm nữa: thí dụ như dân một nước phải ở dưới quyền một chính phủ đã lâu năm, phải có tục lệ, hay một tôn giáo chung. Nhưng thật ra, đó có phải là đặc điểm một nước không? Nước Irlande với Anh sống chung ở dưới một chính phủ mãi mà vẫn là hai nước khác nhau. Còn tôn giáo có khi tới hai hay ba trong một nước cũng không quan hệ gì. Và tục lệ, thì tưởng là đặc điểm của các giai cấp hơn là đặc điểm chung của một nước.
Dẫu sao, có hai điều ta nên để ý: một là một nước cũng như một người, sinh ra, lớn lên rồi mất; hai là những đặc điểm kể trên, lấy một ra thì không sao đủ thành một nước được. Tất cả những đặc điểm ấy, thiếu một cũng không được, mới đủ giải nghĩa tiếng ‘’nước’’.
Tuy nhiên, không phải ai ai cũng rõ nghĩa chữ ‘’nước’’ một cách hoàn toàn như vậy. Đối với nhiều người, chỉ là một tính tình mờ ảo, thiển cận, vì nó lẫn với lòng yêu quê hương, yêu bụi tre làng hay yêu họ hàng xóm mạc. Với những tiếng khác, nghĩa tiếng ‘’nước’’ đã rộng hơn lên, bao quát cả một xứ, cả một chế độ. Rồi còn nhiều người nữa, hiểu biết hơn, coi ‘’nước’’ như một người, có thể yêu hay ghét, có thể biết rõ tính tình, tư tưởng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập