Nghĩa vụ của công dân
Ta đã biết rõ quyền hạn của công dân, những quyền bất diệt của con người: tự do và bình đẳng. Và ta đã thấy rõ ràng, xã hội sở dĩ đáng có, cũng chỉ lúc nào là một cơ quan bênh vực quyền của công dân.
Lẽ tự nhiên là công dân tìm cách giữ vững xã hội: đó tức là nguyên thủy của bổn phận công dân đối với xã hội vậy. Đối với người cùng sống trong xã hội, công dân cần được người tôn trọng quyền hạn của mình, ắt là phải tự mình tôn trọng quyền hạn của người đã: đó tức là bổn phận của công dân đối với người khác. Hơn nữa, đối với chính mình, công dân cũng có bổn phận là vì muốn được hưởng tự do và bình đẳng, công dân phải hiểu rõ thế nào là bình đẳng, tự do, phải tự nâng cao nhân phẩm và học thức của mình.
Xem như vậy, nghĩa vụ của công dân là kết quả dĩ nhiên quyền hạn của họ. Có quyền hạn, ắt mới có nghĩa vụ, có nghĩa vụ, ắt phải có quyền hạn.
Trong những nước tân tiến, bổn phận của công dân trước tiên là phải tuân theo luật nước. Luật nước là gì nếu không phải là ý chí chung của tất cả các công dân? Công dân đã góp vào ý chí chung ấy, bổn phận của mình ắt là phải tôn trọng nó.
Luật nước không có tính cách của những luật thiên nhiên. Ngôi sao ở mãi trên trời xa thẳm, ta không có thể kéo lại gần; quả đất quay, ta không phép bắt đứng lại, và không khí đè ta xuống đất, ta không thể tự dung mà bay lên cao. Ta đành phải chịu theo những luật sẵn có của tạo hóa, không mong gì một ngày kia chúng sẽ đổi thay. Vật có đổi, sao có rời, nhưng luật thiên nhiên bao giờ cũng y nguyên. Đối với 1 thứ luật như thế, ta chỉ còn có vui vẻ mà phục tòng. Còn luật nước, luật người đào tạo ra, không có cái tính cách bất diệt ấy, và cũng có cái tính cách bất khả xâm phạm kia của luật thiên nhiên. Đặc điểm của luật nước, là có cái tính cách nhất thời, có thể sửa chữa thay đổi mãi, không bao giờ hoàn toàn hết.
Tuy nhiên, bổn phận của công dân là phải phục tòng những luật vật vờ bất định ấy. Là vì những luật ấy do ý kiến của chính công dân mà ra. Tuy công dân biết nó chưa được hoàn toàn, nhưng muốn cho xã hội có thể sống được, công dân nhất thời phải phục tòng cái luật tạm bợ ấy, đợi ngày sửa đổi cho toàn bích hơn.
Nhưng có phải thế là công dân phải trở nên nô lệ của xã hội không? Thí dụ như có phải là công dân phải nhận là hay một chế độ mà trong lòng họ cho là giở không? Không, không thể thế được.
Một bổn phận nữa của công dân, là phải học. Học để hiểu biết, để nâng cao nhân phẩm của mình, để có thể bênh vực lấy quyền hạn của mình, tôn trọng quyền hạn của người.
Học không phải chỉ là bổn phận của công dân. Mà còn phải là một quyền của công dân nữa. Bổn phận của xã hội là phải làm thế nào cho công dân có thể hưởng được lợi ích của tri dục. Vì thế ở các nước tân tiến, mới có sự cưỡng bách giáo dục. Ở 1 nước Pháp chẳng hạn, trẻ con bắt buộc phải học các lớp sơ đẳng và lẽ tự nhiên là đi học như vậy không mất tiền.
Nhưng nền học rộng rải, không phải chỉ để được cái bằng sơ đẳng là đủ hóa ra một người công dân thông hiểu quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mới mười hai, mười ba tuổi, trí thức chưa được mở mang cho lắm, và nếu không được học thêm, thì rồi cũng đến quên hết những điều sở đắc, trở về với sự ngu dốt mà thôi.
Vì vậy, bổn phận của một xã hội chu đáo là làm thế nào cho mọi công dân được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn một cách dễ dàng. Kể đó là một công việc khó khăn và to tát, nhưng với một ý muốn mạnh mẽ, người ta có thể đi đầu đến cái kết quả ấy được. Ở những nước Thụy-sĩ, Thụy-điển hay Na-Uy, về phương diện này người ra đã đi được một quãng đường dài.
Nhưng xã hội làm tròn phận sự của xã hội chưa đủ. Công dân cũng cần phải nghĩ đến bổn phận của công dân nữa. nghĩa là phải sẵn sàng tấm lòng nhiệt thành đối với sự học, phải có sức gắng nếu có dịp may và lúc nào cũng yên trí rằng học vấn rộng rãi, không bao giờ cùng.
Ở các nước dân chủ, công dân còn có một bổn phận nữa, rất cần: đó là bổn phận đầu phiếu. ai cũng biết rằng ở các nước ấy, nghị viên là những người thay mặt công dân để trị nước, và vì thế sự lựa chọn nghị viên có ảnh hưởng sâu xa đến mọi việc trong nước. Ngay như ở ta, sự đầu phiếu bầu cử các ông nghị viên cũng có ảnh hưởng đến sự tiến bộ của dân, huống hồ là ở những nước nghị viên cần cho sự sống của toàn quốc.
Vì thế nên đầu phiếu phải coi là một bổn phận của công dân. Ai bênh vực cho quyền hạn của công dân, nếu không là nghị viên, người thay mặt cho công dân?
Nhưng không phải chi đi đầu phiếu là đủ. Còn cần phải đầu phiếu theo lương tâm mình, theo chỉ hướng ý nguyện của mình nữa. Và muốn thế, công dân phải hiểu biết ít nhiều về tình thế trong nước, phải có ý kiến sác đáng về những vấn đề cần thiết, phải có học. Không nói đến sự mua bán phiếu bầu cử làm chi: đó là những việc bỉ ổi, xấu xa, làm hạ nhân phẩm giá của cả người mua lẫn người bán. Nhưng ngoài cái lỗi lấy tiền mua long người ấy, các nhà ứng cử còn có nhiều cách tuyên truyền có thể làm mê muội cả tinh thần cử tri, khiến cho họ lầm lẫn bầu cho những người không đáng bầu. Có khi họ chỉ là một người dẻo miệng, nói hay nhưng lòng rất xấu; có khi họ hứa xuông những trời biển, phỉnh dân để lừa dân; họ biết sức mạnh của sự nhắc đi nhắc lại, và cũng như người ta rồi cũng có ngày mua những thứ thuốc cao đơn hoàn tán mà hàng thuốc ngày nào cũng tán dương sự thần hiệu trên mặt báo, những công dân dễ tin nghe nói đi nói lại rằng ông nghị này đáng mặt anh hùng, rồi cũng có ngày tưởng lầm rằng ông nghị ấy anh hùng thật. Vì thế nên bổn phận của công dân, là phải xem xét, cân nhắc, nghĩ ngợi trước khi quyết định, và khi đã quyết định rồi, phải đầu phiếu theo lương tâm của mình.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn