Mấy lời về Công Dân
Ý tưởng công dân là một ý tưởng mới. Cùng với những ý tưởng khác, có sức mạnh vô cùng, ý tưởng tự do bình đẳng, nhân đạo, công lý, ý tưởng công dân vì một tình cờ trong lịch sử đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ trước. Rồi từ đấy, mỗi ngày qua là những ý tưởng ấy lại thêm mạnh, thêm sâu, khiến cho ngày nay, ở trên sự đổ nát của XH cũ, ta thấy nhóm lên một bình minh mới, chiếu ánh sáng văn minh đến khắp mọi nơi.
Ngày xưa, các cụ ta không ai có thể tự nhận là công dân cả, các cụ chỉ là thần dân. Dân, hồi ấy, không có quyền hành gì và cũng không bao giờ được coi như một người có đủ sức để phát triển hết tài năng của mình. Dân, hồi ấy chỉ là những kẻ vị thành niên, dù tóc có bạc răng có long cũng vậy, đặt dưới quyền cai quản của bề trên. Làm con, họ chịu mãi ở dưới quyền thúc phụ cho đến khi thúc phụ qua đời; làm dân trong một làng, họ phải chịu theo mệnh lệnh của các bô lão, các bậc đàn anh; làm dân trong một nước, họ chỉ một mực cúi đầu tuân lệnh của quan, của vua. Lúc nào họ cũng phải vâng lời một sức mạnh khác, không có quyền tự mình suy xét và phán đoán điều gì. Một châm ngôn xưa có nói ‘’Quan là cha mẹ dân’’. Cứ lấy đấy mà suy, thì dân đời xưa phải phục tòng mọi mệnh lệnh của quan như phục tòng mệnh lệnh của cha mẹ, nghĩa là bao nhiêu quyền đều vào trong tay quan, cả cái quyền độc đoán và lạm quyền nữa. Một cái trật tự khắt khe như vậy, có lẽ làm dễ dàng cho sự thống trị của vua chúa, nhưng thật đã quên không đếm xỉa đến một điều cốt yếu giá trị của con người.
Đã đành rằng, theo nền văn hóa cũ, vua chúa không phải muốn làm gì thì làm cũng được, mà phải hành động cho ra vua chúa (quân quân, thần thầ) và theo ý nguyện của dân, nhưng trong thực tế, chỉ những ông vua nào quá tệ mới mất nước, và sau những cuộc đổ máu ghê gớm. Ngoài ra, dân chúng đều phải cắn rang mà chịu đựng sự bất công, những điều áp bức ở trên ban xuống.
Thế rồi, đột nhiên, văn hóa Thái tây, theo tiếng súng thần công tràn đến Viễn-Đông. Và những ý tưởng mới lạ hiện ra hủy phá dần nhưng nền tảng kiên cố của xã hội cũ. Dân tộc VN vội vàng thâu thái những nguyên tắc của văn minh tây phương để cố đuổi kịp những dân tộc đàn anh đương đi mau trên con đường tiến bộ.
Có lẽ vì đã là người là ai cũng có cái bản năng chung để phân biệt phải trái, đẹp xấu, nên chưa bao lâu, những ý tưởng mới lạ kia đã hóa ra rất quen với chúng ta. Mặc dầu những lực lượng phản động chồng chất những sự khó khăn trên đường đi, ta nhận thấy rằng trong XH hủ nát này, ‘’con người’’ đã bắt đầu có giá trị, và ‘’thần dân’’ đã bắt đầu học làm ‘’công dân’’.
Tuy nhiên, những người hiểu biết vẫn còn là số ít. Là vì dân ta không được học.Tôi không muốn nói đến sự học ở nhà trường , mà sự học sau khi ở nhà trường ra. Một người dân Pháp, khi đã biết đọc, biết viết, có thể tự mình luyện lấy hình thành một người thông thái; còn một người Annam ở trong tình cảnh ấy, có muốn cũng không được, họ không có cách. Thế cho nên, ở thôn quê hay thành thị, còn biết bao nhiêu người vẫn u u minh minh, không biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình ở đâu cả. Còn biết bao nhiêu người vẫn chưa biết quyền hạn của quan chẳng hạn đến đâu là hết, chưa biết là phiếu bầu cử mình cầm trong tay có ý nghĩa gì, chưa biết tiền thuế mình nộp có ích ra làm sao!
Ấy thế mà dân là gốc của nước, là nền tảng của sự tiến bộ. ‘’Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’’ câu nói của thầy Mạnh đến nay vẫn còn đầy ý nghĩa sáng kiến của các nước dân chủ, là nêu cao cái giá trị quý báu của dân, của con người, là tìm cách tổ chức XH thế nào cho ai nấy đều có thể phát triển được hết những tài năng tiềm tàng trong người.
Nhưng, muốn đạt được mục đích ấy, cần phải xong một điều kiện cốt yếu là làm thế nào cho mỗi người dân hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Nghĩa là, mỗi người dân cần phải hiểu rõ những việc có liên can đến nước nhà, hiểu rõ những chế độ hiện hành trong nước suy nghĩ đến những nguyên tắc có thể đem lại cho họ một đời tươi sáng hơn, đến những vấn đề mà ở thời này không ai có thể để bên, vì sự giải quyết những vấn đề ấy có ảnh hưởng lớn lao đến hạnh phúc của tương lai.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015