Tiết thanh minh
Tiết thanh minh, bạn nghĩ gì khi đốt nén nhang cho những người đã ngã xuống vì mảnh đất này. Tháng ba, con cháu sẽ nghĩ gì khi thế hệ chúng ta để lại hàng tỷ đôla tiền vay, lại bị rơi vãi qua những cây cầu nứt nẻ...
Ôi tháng ba, lớp lớp thế hệ trẻ thơ sẽ nghĩ gì khi cá độ bóng đá và chạy án nhoi nhói đau tim bạn đọc qua từng trang báo.
Tháng ba, sức mạnh nào đã giúp cái mầm non yếu chọc thủng lớp vỏ khô cứng mà chui ra khỏi hạt; ấy chính là sức sống, sức vươn lên.
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Sinh năm 1965 tại Xuân Trường, Nam Định "... Một dân tộc biết suy tư, mơ ước và hành động để chế ngự đói nghèo và ganh đua với các dân tộc láng giềng là một dân tộc đang sống. Đóng cửa lại, tự cấp tự cung với đồng lúa và lệ làng, tự mãn với sự lạc điệu của riêng mình có lẽ là kẻ thù đáng sợ nhất của dân tộc chúng ta." |
Cái sức sống ấy cũng có nơi đức tin của con người. Một dân tộc dù mất nước, dù bại trận, song nếu con người của họ còn giữ được niềm tin, từ tay không họ sẽ tạo dần lên sức mạnh bởi những giá trị liên kết triệu triệu con người.
Cái gọi là vốn xã hội đó đã giúp nhiều quốc gia châu Á từ nghèo hèn trở nên mạnh mẽ. Chúng ta có mạnh không, nếu chúng ta thiếu đức tin?
Bạn có nhìn thấy những chiếc ô tô sang trọng gầm rú giành lấy lối đi của người đi bộ hay thản nhiên đè nát giỏ cà chua vừa vô tình rơi xuống dưới anh mắt bàng hoàng của chị hàng rau. Ô tô là cái sản phẩm văn minh, nhập nó vào xứ ta không khó.
Song cái văn hóa ứng xử của kẻ ngồi sau vô lăng chẳng dễ học chút nào. Thì cũng thế, dưới chân tượng ông thống chế ở Đài Bắc tôi cũng nhìn thấy dòng chữ "của dân, do dân, vì dân" vay mượn của Lincoln, song làm cho quan chức buộc phải tuân thủ dân ý, và tự nguyện từ chức khi lương tâm cắn rứt đâu có dễ chút nào.
Dân có văn hóa của dân, quan có văn hóa của quan. Chỉ có điều văn hóa của người lãnh đạo chi phối nếp nghĩ và hành xử của xã hội, bởi nhân viên thường phải lựa theo thủ trưởng mà sống. Một nền công vụ đánh giá con người dựa trên chứng chỉ sẽ khuyến khích người ta chạy theo vô số tấm bằng.
Thì cũng vậy, tầng tầng lớp lớp cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm làm cho người ta phải tròn trịa để được vừa lòng. Tồi tệ hơn, khi cả bằng cấp và sự vừa lòng đều có thể mua được, thì nền công vụ vận hành theo kiểu đó mất tác dụng.
Sau nhiều thập kỷ nền Nho học suy tàn, tôn giáo cũng chìm nổi trong những biến động chính trị, dường như chúng ta ít có cơ hội suy ngẫm về những thang giá trị tạo nên văn hóa lãnh đạo của người làm quan.
Tiết thanh minh, nghĩ về người đã khuất cũng là nghĩ về mình. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, dường như con đường làm quan phải bắt đầu lại từ việc học làm người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn