Quan liêu với quá khứ
Suốt mấy chục năm chiến tranh, nhiều di sản cũ cũng trở thành nạn nhân như con người. Kế đến là những năm hậu chiến gian khổ, người đang sống lo ăn còn không đủ, lấy đâu tâm huyết và tiền của lo cho người xưa. Bởi vậy nhiều di sản như các thành quách, chùa chiền của chúng ta trong tình trạng đổ nát và cần tôn tạo lại. Nghe tin nơi này nơi kia dựng lại chùa, tô lại tượng ai mà chẳng mừng.
Nhưng không phải hôm nay mà có đến cả chục năm nay, đi đâu tôi cũng gặp tình trạng tôn tạo tùy tiện nhìn vào chỉ còn biết dở khóc dở cười. Tinh thần của công trình cũ không được tôn trọng. Gọi là hiện đại hóa nó, nhưng sự thật là ta làm cho nó trở nên tầm thường lố lăng. Cái phần hồn vía vốn có bay đâu mất cả. Rồi nó vẫn còn đấy mà thân tàn ma dại như đã chết. Không phải ngẫu nhiên có người đã dùng đến chữ bức tử, một sự hiếp đáp quá khứ ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Tại sao lại có tình trạng nói trên? Tôi sẽ chưa nói có khi đó là sự vụ lợi, sở dĩ sự càn rỡ đó vẫn đang tồn tại dài dài, ở đây có những vấn đề chung của văn hóa cộng đồng. Phũ ra mà nói thì là không hiểu biết và kém cỏi. Cụ thể hơn phải nói tới cách hiểu của chúng ta về di sản, ý niệm của chúng ta về thời gian cùng là trình độ tư duy của chúng ta nữa.
Có lần trên đường ghé thăm một ngôi đền, tôi hỏi mấy cụ già sống gần đấy là đền thờ ai, làm từ bao giờ, chẳng cụ nào biết. Thậm chí có cụ chẳng buồn ngẩng mặt lên để trả lời tôi nữa vì cho câu hỏi của tôi là ngớ ngẩn. Thế nhưng khi tôi mới đi được vài bước, chính ông cụ ấy giật giọng gọi lại bằng được: “Này, nhưng mà đền thiêng lắm đấy, trong làng khối người đến cầu rồi làm ăn phát tài phát lộc đủ cả”.
Cách nghĩ như trên không dừng lại ở một hai người, một hai địa phương. Phải nói rằng nó đang chi phối nhiều người. Quá bận bịu với việc hằng ngày, chúng ta sẵn sàng quan liêu với quá khứ, bằng lòng với thói chàng màng trong hiểu biết về nó. Cái sự hời hợt là trên mọi phương diện.
Hời hợt trong sự tìm hiểu thì cũng dễ dãi qua quýt trong sự tái tạo quá khứ.
Người xưa kỹ lưỡng tinh tế trong mọi công việc hằng ngày. Người xưa biết làm văn hóa bằng cái cảm giác thiêng liêng trước sự trường tồn bất tử. Còn chúng ta, trong sự ồn ào của thời hiện đại, chúng ta bằng lòng làm tù nhân của thói vụ lợi và sự dung tục. Khi sự cẩu thả đắp điếm giả tạo chi phối trong việc xây một cây cầu, dựng một cao ốc thì với các di tích, thái độ làm bừa, làm lấy được là không thể tránh khỏi.
Tóm lại, một công việc văn hóa lại được làm một cách rất thiếu văn hóa. Ngày nào mà các vấn đề đối xử cẩu thả với quá khứ còn chưa được mổ xẻ đến cùng thì thảm cảnh phá hoại sẽ diễn ra trên cả hệ thống chứ không riêng một di tích nào cả.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)