Tết, chính và phụ
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất đối với người Việt. Phần cốt yếu nhất, quan trọng nhất của Tết liên quan đến mặt tinh thần, văn hoá, tâm linh. Phần phụ là phần vật chất.
Với sự phát triển của đất nước, phần phụ này ngày càng ít quan trọng đối với nhiều người (nhưng vẫn còn vô cùng quan trọng đối với không ít người). Tuy là phụ, nhưng thiếu nó thì cái phần chính cũng khó có thể được trọn vẹn.
Xem quẻ đầu Xuân. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) chụp tại
Hà Nội khoảng trước 1960.
Tôi chỉ muốn giúp bạn quay lại vài ba mươi năm trước (thế mà tôi vẫn chủ ý gọi là xưa đấy) và để các bạn so sánh đôi nét của cái phần phụ đó với hiện nay mà thôi.
Khía cạnh vật chất của Tết cũng chẳng có gì xa lạ. Chủ yếu vẫn liên quan đến cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại. Tôi không nói đến chuyện vui thú, như các trò chơi, văn nghệ, vân vân (chúng có khía cạnh vật chất, có thể xem như các dịch vụ và có thể bàn luận giống như các hàng hoá vật chất khác, nhưng vai trò tinh thần của chúng là chính và quan trọng nên chúng ta không bàn đến ở đây).
Khi còn nhỏ, trẻ con nông thôn chúng tôi rất mong Tết đến. Vì Tết đến được mẹ dắt đi chợ, có thể được chiếc áo mới, nhà cửa ngăn nắp hơn, và được ăn cỗ trong vài ngày. Tất nhiên cũng rất thích vì được nghỉ học, được đi thăm họ hàng, xem đấu vật hay đánh đu... nhưng đó lại là chuyện khác, chuyện quan trọng nhất, không nói tới ở đây.
Nhà nào cũng dọn dẹp để nhà mình sạch hơn, gọn gàng hơn, có thể có thêm vài bức tranh Đông Hồ cho đẹp mắt trong những ngày Tết. Làm nhà mới để đón Tết là chuyện không tưởng vì đó là khoản đầu tư lớn và thường không phải vì Tết mà làm được. Đấy là chuyện ở.
Về cái mặc, may mắn lắm thì mới được manh áo mới. Nói chung, mọi người chỉ giặt cho áo quần được sạch sẽ. Làm gì có chuyện là quần áo cho phẳng phiu. Đấy là chuyện của rất ít người giàu có ở thành phố.
Về cái đi lại. Khi nhỏ công cụ giao thông duy nhất của chúng tôi là đôi cẳng, cho nên Tết hay không Tết vẫn thế. Nhà giàu mới có chiếc xe đạp. Đường sá, phương tiện giao thông công cộng rất kém. Không có phương tiện giao thông thích hợp, nên khả năng di chuyển của người dân rất khó khăn.
Chủ yếu chuẩn bị Tết vẫn là lo về cái ăn. Cái uống duy nhất ở nông thôn khi đó là rượu quốc lủi. Tôi còn nhỏ và nhà tôi chỉ có mẹ và một em gái nên khỏi phải lo khoản rượu, bác, các chú và các cậu đằng nào chẳng cho một chai để cúng.
Thương mại không phát triển, người dân sống theo kiểu tự cung tự cấp nên mọi nhà về cơ bản phải tự lo. Nói đến cái ăn, thì gạo ngày nào chả phải ăn (nếu có), gạo nếp, thịt là cái chính phải lo. Gạo nếp để đồ xôi hoặc là được chuẩn bị bằng cách trồng lúa nếp hay mua từ trước. Người dân cũng có thể đi chợ để mua măng, miến, bóng là những thứ mà chỉ dịp giỗ, Tết mới dám mua.
Quê tôi có tập quán “đánh đụng” lợn, có nghĩa là vài gia đình thoả thuận trước với nhau sẽ mổ một con lợn của nhà ai đó và chia nhau sớm ba mươi Tết. Không có chuyện đi mua thịt ở ngoài chợ (mà chợ cũng chỉ họp vài phiên một tháng nên lấy đâu ra chợ mà mua). Trẻ con háo hức đi xem thịt lợn, chia thịt lợn và đấy cũng là những trải nghiệm khó quên. Ngày nay về quê lác đác vẫn còn tập quán đó, nhưng thường người ta mổ lợn từ một hai ngày trước và sự háo hức của trẻ con không còn như xưa.
Rồi lớn lên, lấy vợ, có con, tôi cũng đã phải cùng gia đình lo Tết trong những ngày khốn khó đó ở thành phố. Từ chia nhau miếng thịt, lạng măng, gói mỳ chính... cho đến cái kim sợi chỉ.
Thời trước, chuẩn bị vật chất cho Tết là một quá trình dài và gian khổ.
Nay nếu có tiền, có thể làm xong trong một buổi. Có thể mua mọi thứ cho đến tận chiều 30 Tết, nếu cần có thể vù ra thành phố mua đồ Tết.
Tôi không nói về cách chuẩn bị Tết hiện nay vì bạn đọc đều biết cả. Gợi lại vài ký ức để giúp chúng ta so sánh với hôm nay. Sự khác biệt thật là một trời một vực.
Thời xưa, vài ba mươi năm trước, cái gì cũng thiếu, nên chuẩn bị Tết là mối lo ngay ngáy của các chủ gia đình.
Cái thiếu, cái hiếm được người dân coi là cái quý. Họ đánh giá chúng rất cao. Vì chẳng mấy khi được ăn no, nói chi đến ăn ngon, nên người ta mới thấy bữa Tết thật sang trọng, nên trẻ con mới háo hức đi xem thịt lợn, hay thức suốt đêm trông nồi bánh chưng (tôi phải nhắc lại khía cạnh tinh thần quan trọng của những hành động ấy mà ta không bàn ở đây để tránh hiểu lầm).
Khi đã sung túc hơn, cái nhu cầu háo hức ấy đối với một thứ, thịt lợn hay bánh chưng chẳng hạn, yếu đi (kinh tế học bảo rằng độ thoả dụng biên đối với mặt hàng ấy giảm đi). Nhưng các nhu cầu mới và khác (mà nhu cầu thì luôn không ngừng tăng và không có giới hạn) nảy sinh và cần được thoả mãn. Thí dụ, đi chơi Tết ở xa; ít phải lo cái ăn, cái mặc, thì cần nhà đẹp hơn, ngoài (hay, thật đáng tiếc thay cho) tranh Đông Hồ còn cần bao nhiêu thứ khác, từ hoa, tranh, các phương tiện nghe nhìn, và bao nhiêu thứ khác nữa.
Nhu cầu vật chất không ngừng tăng, nhưng với sự phát triển kinh tế tỷ lệ của nó so với nhu cầu tinh thần, văn hoá, tâm linh sẽ ngày càng giảm xuống. Làm sao để cho khía cạnh tinh thần, văn hoá của ngày Tết không ngừng phát triển một cách lành mạnh, bảo tồn được cái hồn tinh tuý của Tết là nỗi canh cánh của mỗi người chúng ta và con cháu chúng ta. Tuy vậy, lo cho phần vật chất của cái Tết được đầy đủ vẫn là vấn đề lớn đối với rất nhiều người nghèo trên đất nước này.
Gợi loại những ký ức xưa để muốn chúng ta mãi mãi chẳng bao giờ phải chịu nữa cảnh khốn khó đó nữa, để gợi lại những hoài niệm tốt đẹp về cái Tết, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải “bảo tồn” chúng bằng mọi cách (ngay cả sự háo hức vui sướng của trẻ con theo cách như xưa). Cái nhìn kinh tế đối với Tết hiển nhiên là phiến diện, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy ngẫm cùng những cách nhìn khác để sao cho cái Tết thật đầy đủ, thật sự đẹp và có ý nghĩa cho tất cả mọi người dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá