Tết của Ký ức và Hiện tại
Những ngày cuối năm, bên ngoài đang là không khí rét mướt của mùa đông, là những bước đi dồn đuổi của thời gian, là những con đường Hà Nội trải dài trong dòng người chật chội, là những dáng vẻ tất bật, lo toan trên từng gương mặt... Thế nhưng, khi chân vào những ngôi nhà chúng tôi lại cảm thấy lòng mình như chưa bao giờ ấm áp hơn thế.
1. Lưu giữ để bù đắp
Người ta bảo trẻ con thường thích nhất là ngày Tết và khi lớn lên, những kỉ niệm đáng nhớ nhất của mỗi người cũng thường gắn với mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, với PGS Trần Thị Băng Thanh (nhà nghiên cứu văn học Trung đại Việt Nam, Viện Văn học), Tết lại có những điều kiện khác biệt.
Cô bé Băng Thanh mồ côi cha năm bốn tuổi. Lên năm tuổi, cô phải theo mẹ bỏ Hà Nội về thành phố Nam Định ở cùng bà ngoại. Nhà ngoại có bốn người – toàn phụ nữ tảo tần với công việc buôn bán ngô gạo. Những đêm mùa đông cuối năm của dạo ấy thật dài và lạnh. Nạn đói năm 1945 đến. Rồi những ngày tiêu thổ kháng chiến. Bốn người phụ nữ bắt đầu cho hành trình chạy bộ tản cư. Con đường mà mẹ con, bà cháu họ đi là suốt dọc thành phố Nam Định qua Lý Nhân, Vụ Bản, Ninh Bình rồi qua nhiều vùng của tỉnh Thanh Hóa... Cuộc sống hơn 15 năm lưu lạc của Băng Thanh là một tuổi thơ không có nhiều ấn tượng, đặc biệt về ngày Tết, ngoại trừ một đám cưới quê Tết năm 1946, đường sục bùn lầy với xác pháo và những trò chơi nghịch dại của con trẻ thôn quê. Cô cùng một cậu bé con ông chủ nhà đã cho gia đình cô ở nhờ, say mê trò chơi chào cờ mừng cuộc sống vừa giải phóng. Với cô, kỷ niệm tuổi thơ là những năm lưu lạc, là ở nhờ, chạy chợ, nuôi tằm, dệt vải để mưu sinh. Ấn tượng nhất với cô bé giàu tâm hồn ấy chính là khung cảnh những làng quê thanh bình như trong cổ tích, những vùng quê gắn với tuổi thơ lưu lạc, với dặm dài gian khó của đất nước.
Sau này, PGS Băng Thanh đã dịch rất hay về dòng văn học Ngô Thì, đặc biệt là những bài thơ về cảnh và tình nơi đồng quê thôn dã. Đó cũng là một phần trong công trình đươc Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ của cô.
Chuỗi ngày dài ấy đã chấm dứt khi người con gái thông minh, ham học thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm. Băng Thanh và mẹ trở lại Hà Nội. Rồi cô lập gia đình riêng. Chồng cô là nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai, dòng dõi “ngoại thích” hoàng tộc ở Huế. Kể từ ấy, PGS Băng Thanh đã có một gia đình đầm ấm, nhưng sum họp đầy đủ bố mẹ con cái, bà cháu thì phải đến năm 1985, bởi chồng cô thường đi công tác xa, nhiều cái Tết luôn vắng nhà. Băng Thanh và mẹ thay nhau đi chợ chọn lá dong, gạo nếp... Ngày 27 tháng Chạp, họ ngâm gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng rồi bắc nồi lên luộc. Đêm của ngày gần cuối năm, nồi bánh chưng luôn sùng sục trước sân nhà trong ánh lửa bập bùng. Sang đến đêm trừ tịch, những người phụ nữ lại thay nhau ngâm đỗ, xay, lọc... để nấu nồi chè đậu đãi dành thắp hương cúng Giao thừa và mời khách trong ba ngày Tết... Từ khi được ở nhà, chồng cô luôn lo phần sắm sửa cành đào, dựng lên trước sân nhà một cây nêu và bày biện bàn thờ gia tiên...
Ngoảnh lại nhìn thời gian, đã hơn 40 năm trôi qua. Theo PGS Băng Thanh, cuộc sống luôn đổi thay với những phát triển cùng mất còn, mai một. Người mẹ của cô đã vĩnh viễn ra đi và PGS Băng Thanh cũng lên chức bà... Song, cứ mỗi độ xuân sang, những gì thuộc về cái Tết trong truyền thống vẫn được gia đình cô truyền lại cho thế hệ con, cháu. Đó không chỉ là “lối sống” của một gia đình có cả vợ và chồng đều chuyên nghiên cứu về văn hóa, văn học cổ cận đại, còn là cách để cô bù đắp một phần những “thiếu hụt” về kí ức đẹp trong ngày Tết của suốt một thời niên thiếu. Để rồi đến nay, vào những ngày Tết, bất kì ai bước chân đến căn nhà khang trang, rộng rãi của cô trong phố Kim Hoa quần Cầu Giấy Hà Nội, đều cảm nhận được một không khí thật Tết, thật ấm cúng cùng những nét đẹp văn hóa được bảo lưu và gìn giữ...
2. Lưu truyền để bền vững
Nhiều người biết đến GS Vũ Ngọc Khánh với tư cách chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian. Ông có khoảng 230 đầu sách, trong đó có rất nhiều sách hay viết về phong tục lễ Tết trong gia đình... Tuy nhiên, ít ai biết rằng, với ông, để có được những “vốn sống”, những công trình nghiên cứu này thì một phần là do ông từng được sinh ra và lớn lên trong một không gian thấm đẫm những gì được gọi là nét đẹp của truyền thống trong những ngày có Tết.
Quê hương của GS Vũ Ngọc Khánh ở Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất học cùng với tên tuổi như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí,...Trong suốt chiều dài kí ức tuổi thơ, ngày Tết đối với ông luôn là một không khí gia đình đầm ấm và khung cảnh làng quê với rộn rã hội hè.
Năm nào cũng vậy, vào chiều 30 Tết, cha ông thường treo lên những câu đối mà trước đó mẹ đã đi chợ mua về. Câu đối được viết bằng mực Tàu trên nền giấy đỏ, gọi là câu đối xuân. Câu đối được cha treo giữa nhà làm rực rỡ khung cảnh ngày Tết. Lời lẽ, ý tứ của những câu đối này nhiều khi không có gì đặc biệt lắm nhưng đọc thì rất hay vì nó nói lên nguyện vọng của nhiều người. Gần thời khắc Giao thừa, bao giờ mẹ ông cũng vào giường đánh thức cậu con trai dậy. Khi ấy, trước mắt cậu bé Khánh luôn là hình ảnh người mẹ đang mở rộng cửa nhà, chuẩn bị thắp đèn dầu, sắp mâm. Mâm cúng giao thừa của mẹ thường có xôi, chè, bánh chưng, hoa quả, một chân giò lợn hoặc một con gà trống hoa (gà tơ) ngậm trên mỏ một bông hoa hồng... Dạo đó, nếu như các nhà hàng xóm có thể chọn đốt vào đúng Giao thừa. Cha bảo “Làm thế mới có ý nghĩa”. Ngay sau lễ cúng Giao thừa là lễ mừng tuổi mới. Cha mẹ thường tặng cho cậu bé Khánh mấy đồng tiền để làm may. Sau đó cả nhà ăn một chút xôi hoặc chè rồi ra vườn hoặc ra đường, đi về hướng Đông, chọn bẻ một cành lá non, nhiều lộc, sai, đẹp mang về treo trong nhà... Sáng mồng Một Tết, nhà ông giữ tục xông nhà hay còn gọi là đập đất. Người ta cho rằng người đầu tiên bước vào cửa gia đình mình là người thế nào, đó mà một điều quan trọng. Nếu đó là người nhanh nhẹn, hoạt bát thì tốt. Có năm cha ông còn tính tuổi xem có ai hợp với gia đình mình thì đi dặn dò từ trước để nhờ họ xông nhà giúp.
Cũng trong những sáng mồng Một ấy, cậu bé Khánh còn thường xuyên theo cha mẹ ra đình xem làng mở hội. Ba tiếng trống đình vang lên in sâu vào tâm khảm ông. Tiếng thứ nhất là để tượng trưng cho lời chào trời đất, tiếng thứ hai là cầu cho mùa màng năm ấy được tốt tươi, tiếng thứ ba là để xua đuổi tà ma, mang lại sự bình an. Ngay cả những trò chơi như “tứ dân” với các nhân vật đóng vai sĩ, nông, công, thương, những trò hát đình, hát đối... cậu bé Khánh cũng rất thích thú và thuộc làu.
Ngày Vũ Ngọc Khánh vào cấp 2, gia đình chuyển từ Hà Tĩnh ra thành phố Vinh để cho tiện học tập. 10 năm ở Vinh, những ngày Tết quê với Khánh không còn nữa. Thay thế vào đó lại là ăm ắp những dấu ấn về trò chọi gà, đánh cờ, đánh đáo, những phiên chợ Tết tấp nập đông vui, những ông đồ ngồi bán chữ và những tờ báo Tết, tờ tin Xuân được biết bằng cả chữ Hán, Pháp và Quốc ngữ...
Tuổi 18 đến, Vũ Ngọc Khánh rời miền Trung ra Hà Nội, vào đại học. Cuộc sống bắt đầu đổi thay với những điều hoàn toàn mới mẻ. Với Vũ Ngọc Khánh, những cái Tết trong truyền thống đã thực sự không còn hiện hữu. Bởi thế, ông bắt đầu “nhớ về Tết xưa” bằng cách duy trì những gì được gọi là “truyền thống” trong gia đình của mình. Ông giữ lệ “khai bút” ngày đầu xuân (liên tục trong suốt 60 năm qua) để viết những trang sách dành cho ký ức tuổi thơ, cho nét đẹp của phong tục, tập quán... Có lẽ vì thế mà hiện nay, gia đình ông có 25 thành viên (trong đó có nhiều người nối nghiệp ông, có một Tiến sĩ, hai Thạc sĩ, rất nhiều cử nhân, một nhà nghiên cứu văn hóa...) được gọi là những tấm gương tiêu biểu cho sự “đại phúc” trong tứ đại đồng đường. Để rồi hàng năm, cứ vào ngày mồng 2 Tết, ngày làm lễ tiễn ông Vải về trời, GS Vũ Ngọc Khánh lại được chứng kiến cảnh con, cháu, chắt hội tụ, sum họp cùng nhau trong không khí hòa thuận, đầm ấm và chăm lo giữ nếp nhà.
3. Người luôn ăn Tết... ở quê
Với GS Mã Giang Lân (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội), đã có lần ông từng tự bạch một cách rất tự hào: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một nơi nửa làng, nửa phố. Trước nhà là sông Mã, bên hông là núi Hàm Rồng... Khi học lớp 5, tôi đã được giải thưởng thơ toàn thành phố - đó là một bài thờ viết về quê hương...” Quê hương trong ông luôn là dòng chảy tha thiết, khiến 50 năm rồi, năm nào ông cũng về xứ Thanh ăn Tết.
Tết với GS Mã Giang Lân cũng lại là một chuỗi những kí ức tuổi thơ không thể phai mờ. Cha ông ngồi bên máy khâu cặm cụi may quần áo thuê nhưng luôn gắng bớt chút thời gian, dành từng mảnh vải để sao cho sáu người con, ai cũng được một manh áo mới. Còn mẹ, dù nhà khó khăn thế nào vẫn luôn để dành từng chút gạo nếp, đỗ xanh, mật mía để đêm Giao thừa làm cho các con những chiếc bánh nhãn, bánh gù, bánh chưng... Đình làng và chùa Nam Ngạn ở ngay sau nhà. Đêm Giao thừa, trẻ con líu tíu theo chân người lớn lễ Phật, hái lộc, xông nhà cầu may... Những cái Tết với cậu bé Lân cũng gắn với những sự kiện lớn của đất nước, dân tộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mang lại niềm vui lớn: trẻ con được đến trường. Song, cuộc sống còn nhiều khốn khó: chạy giặc, trước Tết năm 1946 là hạn hán rồi lụt lội, đói ăn, việc học phải gián đoạn... Tuy vậy, cậu bé Lân vẫn không ngừng tự học và tự vươn lên.
Tuổi 20 đến tự lúc nào. Chàng trai sông Mã ấy – người đầu tiên của vùng Nam Ngạn đỗ đại học, đã tạm biệt bến sông, tạm biệt gia đình lên chốn phố thị lập nghiệp. Song, dù có trở thành sinh viên ở chốn Hà thành, thành giảng viên đại học, rồi nhà nghiên cứu phê bình, nhà thơ, giáo sư, là tác giả của hơn 40 đầu sách nghiên cứu văn học hiện đại có uy tín, chất lượng,... thì ở từng chặng đường đã qua, quê hương vẫn luôn “đầy ăm ắp” trong ông. Những bài ca dao, những công trình sưu tầm văn học dân gian, những tác phẩm của ông luôn gắn với “hoa và dòng sông”, với “trụ cầu Hàm Rồng”, với “bình minh trên sông” bằng “một tình yêu như thế”... Sau này, khi nhiều công trình nghiên cứu về thơ, về những vấn đề lớn của văn học Việt Nam hiện đại vừa được soi rọi bằng tư duy của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, vừa chan chứa niềm tự hào và tình yêu của người nặng lòng với quê hương, dân tộc.
Quê hương cũng níu kéo ông nhiều nhất vào mỗi độ xuân về. Kể từ năm 1961, rời làng ra Hà Nội, đến nay, gần 50 năm trôi qua, vào ngày Tết, căn nhà riêng của ông ở phố Cảm Hội, Hà Nội luôn đóng cửa. Cả nhà lên chuyến tàu ngược về quê hương đắm mình trong không khí gia đình với nếp nhà chốn ven sông từ bao đời ông cha để lại, để được vui sum họp vợ chồng, con cái, được thăm thú cảnh chùa làng, bến sông, được chào hỏi họ hàng, được thưởng thức những món bánh cổ truyền xứ Thanh và nhớ về những kỉ niệm... Tất cả những điều này, theo ông, khiến người ta sống phong phú hơn, cảm thấy mình lại được như lúc “khởi đầu”, được “nạp năng lượng” để bắt đầu cùng mùa xuân và bao điều tươi mới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh