Tết Tây ở phố
Bây giờ, phố Hà Nội cũng như người Hà Nội, quanh năm chỗ nào cũng thấy vội vàng hấp tấp bận rộn. Người ta nhấp nhổm ăn, lo lắng uống rồi bồn chồn đi lại. Lòng đường ken dầy từng dòng xe máy và lòng người chật đầy lương thiện mưu toan.
Và bỗng có một ngày Hà Nội tự nhiên trở nên cực kỳ lạ. Những góc phố những ngã tư đột ngột thanh thản rộng rãi thưa người. Nắng vàng rười rượi tung tăng đùa khắp mặt vỉa hè. Cây như cao hơn, lá như xanh hơn và thoang thoảng khắp đâu đấy nồng nàn nhiều mùi hoa. Mọi người đi bộ đi xe đều chầm chậm, nếu nhỡ có va nhau thì dịu dàng nồng nhiệt xin lỗi. Ở ven hồ Hoàn Kiếm, hồ Hailais lác đác có vài doanh nhân trẻ đã thôi không nhớ tỷ giá chứng khoán nữa mà trong trắng lẩm nhẩm làm thơ. Hà Nội những ngày lạ đó thường đậm đà chỉ có ở tết ta và phơn phớt hay có ở tết “Tây”.
Theo học giả Phan Kế Bính thì “Tính An nam ta rất cần mẫn, chịu thương chịu khó mà không có ngày nào là ngày chủ nhật. Vậy nên phải có một ngày nghỉ ngơi ăn chơi cho giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc, mà ăn chơi không. Vậy cứ nhân tuần này tiết nọ, bày ra cách ăn Tết”. (Việt Nam phong tục – NXB Văn học – trang 52). Có lẽ nghĩ nhẹ nhàng đơn giản vậy nên người Việt sẵn sàng dùng luôn tết của người nước ngoài. Không kể những loại tết nho nhỏ như Hàn Thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hay Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 lịch âm) thì cái tết quan trọng nhất là cái tết Nguyên Đán (mùng một tháng Giêng, Thuyết văn giải tự nôm na cắt nghĩa, sáng sớm đầu tiên của buổi bắt đầu) cũng đều có xuất xứ của người Tầu. Tất nhiên, những lễ tết đấy khi vào ta đã được Việt hóa đi rất nhiều. Trên đà tiện thể như vậy, tết Tây (sau Noel đến mùng 1 tháng 1 dương lịch) khoảng hơn một trăm năm nay đã hồn nhiên hiện diện ở các đô thị Việt khi người Pháp chính thức ổn định sự cai trị.
Cũng như nhiều quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng từ văn minh Trung Quốc, nước ta có truyền thống ăn tết theo lịch trăng. Thế nhưng, bể dâu biến đổi, Đông Tây vô tình cố ý gặp nhau, tại Nhật Bản từ năm 1868 Minh Trị Nhật Hoàng đã cho phép thần dân của mình ăn Tết cổ truyền theo dương lịch. Ngay cả ở Trung Quốc, “ngày 27/9/1949 kết thúc hội nghị chính trị hiệp thương toàn thể khóa 1, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thông qua việc lấy ngày mùng 1 tháng 1 lịch Dương là Nguyên Đán. Còn ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch, nói chung vào tiết Lập Xuân, tạm gọi là Xuân Tiết” (Lịch sử văn minh Trung Hoa – NXB Văn hóa Thông tin – trang 222). Còn ở ta, cho đến giờ, tết Tây ở nhiều vùng nông thôn vẫn chỉ là tết phụ, mặc dù ngày nay tới chỗ hoang vắng hẻo lánh nào cũng dễ dàng gặp Tây. Cũng có thể do phản ứng khởi nguyên của ngày đầu trước cái thói thực dân trịnh thượng ngông nghênh mang danh khai hóa. Người Pháp vào Việt Nam mang theo cả Kinh Thánh cả súng trường cả văn chương và cả bóc lột. Tết Tây nằm lẫn lộn trong cái lộ trình vừa có hoa vừa có gai ấy. Rồi cùng thời gian, với bản tính dịu dàng không thích nhớ lâu, việc ăn tết Tây ở ta đã dần dần trở thành một nét tinh hoa văn hóa đô thị.
Phố Hà Nội những ngày loanh quanh tết Tây luôn mang vẻ sôi động bồi hồi. Các khách sạn nhiều sao, các quán bar nhiều rượu nơi có đông người nước ngoài đều ấm áp lung linh ánh đèn tiếng nhạc. Một đôi hạnh phúc chồng tây vợ ta với đứa con lẫm chẫm mũi tẹt mắt xanh âu yếm tiếp cho nhau thức nhắm bằng đũa. Ở tiền sảnh, một cặp thương gia sang trọng da trắng thong thả uống Vang, nét mặt mông lung nửa như rạng rỡ hân hoan nửa như bùi ngùi tội nghiệp. Họ đang tha hương và không khí tết bao giờ cũng làm cho những kẻ xa nhà cồn cào bội phần nhớ về người thân. “Độc tại dị hương vi dị khách. Mỗi phùng giai tiết bội tư thân”. Cách đây hơn nghìn năm, thi hào Vương Duy gặp tết nơi xa xứ đã bàng hoàng cảm thán như thế. Trong đám ồn ào Tây trẻ đang chúc rượu, thỉnh thoảng lại lặng đi một nỗi nghèn nghẹn sâu xa như là tiếng nấc. Cô bé tóc vàng cao chừng mét tám dáng Bắc Âu, chập chờn giữa hai lần hôn của bạn trai, bỗng khe khẽ lấy ống tay áo nhếch nhác lau nước mắt.
Ngoài cửa cái lành lạnh của gió mùa Đông Bắc thuần Việt đỏng đảnh vượt qua nhạc nền, buồn bã len vào ca từ của bài Happy Newyear.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh