Tết đến
Khi tôi còn nhỏ, chưa biết phố xá thành thị là gì. Tuổi thơ chúng tôi như chú chim sâu lích tích trong những mảnh vườn quê thân thuộc. Bầu trời là cánh buồm nâu bạc nắng trôi qua trước nhà rồi khuất bóng sau khúc ngoặt của dòng sông, hoặc những đám mây lang thang lúc mặt trời sắp lặn ngồi đợi mẹ về, mắt dõi ra cuối con đường xa hút, mong sao cái chấm trắng của chiếc nón mẹ đội đầu lúc ấy hiện ra; nhưng chỉ gặp những đám mây đổi hình cứ trôi đi lờ lững trên nền trời trâu cợt, vừa giống đàn bò gặm cỏ trên đồng lại đã tản đi đâu hết. Nhìn gợn mây chơ vơ cuối cùng mới giống làm sao dáng chị đang âu yếm bồng em...
Với chúng tôi thuở ấy, những cái tết thường đến rất sớm trong mong đợi. Từ chiếc áo mới mẹ hứa may sau dành dụm thu hoạch mùa màng. Mái nhà gianh mới, mẹ gặt rạ đồng về đánh gianh lợp lại cũng là dành cho tết. Tết đến chầm chậm trong hồn từng ngày, từng ngày một. Nó len vào cả giấc mơ đêm ngủ trong chiếc ổ rơm rạ ấm nồng. Thứ hơi ấm mà đời người bây giờ dễ gì có được cái cảm giác ấm êm có khi còn hơn cả những khi nằm chăn đệm giàu sang mà lòng đầy những thao thức toan lo... Tuổi tác, tháng năm ngày thêm chồng chất, mà mỗi bận nhớ về, tôi vẫn bồi hồi như vừa dụi mắt sau cơn mơ, tuổi thơ như vẫn còn nguyên nơi đầu lưỡi, vị ngọt củ khoai lang tứa mật vừa gắp khỏi nồi... Lại nghe tiếng reo vui của những bắp ngô vùi trong than củi, lép bép, lép bép, những tràng pháo riêng tuổi nhỏ lựng thơm vị bùi ngọt bay mãi đến giờ.
Lần giở lại những cái Tết làng quê thơ ấu như tìm về với niềm cổ tích được thời gian phong kín ướp hương, mãi còn tươi nguyên màu sắc. Này bức tranh gà phiên chợ huyện mẹ mua về treo trên vách đất. Bộ lông rực rỡ làm sáng cả gian nhà tre nứa đơn sơ. Này chùm khách bạc rung ngân trên đầu cây nêu giờ vẫn leng keng trong gió. Chú lợn đất giấy những đồng xu trong bụng, nằm chặt đáy hòm chờ mở ra niềm vui diệukỳ như câu chuyện về những bà tiên mang phép màu kỳ diệu. Tết dần đến cả trong những trò chơi con trẻ dắt tay dìu nhau quanh xóm chạy chơi. Chỗ này đám đánh quay chen chúc vòng quanh những con quay gỗ bưởi, gỗ mít ánh vàng như bông hoa vừa quay vừa ngủ trên một bàn chân rất nhỏ. Chỗ kia những lỗ đáo, những bàn khăng tíu tít hò reo! Con đường đất mịn sau mùa tre rụng lá đã điểm những chùm hoa đơn như ngọc trang điểm cho vẻ đẹp ngày xuân. Những giờ học trước ngày nghỉ Tết như có lửa trong lòng. Chỉ mong sao trống tan trường thật mau để còn chạy vù về nhà cất sách, hòa vào những cuộc chơi mà bạn đang đợi ngoài kia. Ngày ấy chúng tôi không phải học thêm liên miên như các bạn nhỏ bây giờ. Thời gian trong ngần như con thuyền trôi không tới bến bờ... Rồi giây phút thiêng liêng đợi trông cả năm đã đến: Giao thừa, pháo nổ đì đùng... Cả đất trời như mở tấm màn nhung trang trọng đưa con người vào thế giới thần tiên. Những vạch vôi bột được rắc nơi đầu ngõ với nắm lá dứa dại buộc vào chiếc cọc tre bên cổng bỗng có phép thiêng ngăn ma quỷ không thể vào nhà! Tôi được mẹ thay cho quần áo mới để ngồi cạnh mẹ thắp hương khấn cầu trước bàn thờ hương khói tổ tiên... Nhắm mắt lại, giờ tôi như vẫn được nghe những tiếng xột xoạt của thứ vải “trúc bâu” hồ cứng nơi cánh tay mình ngày ấy vuốt ve nhìn ngắm. Tôi thấy mình bỗng thành đứa trẻ, hay đứa trẻ vừa biến thành tôi khi năm mới vừa sang.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường