Tết xưa và nay
Tết như cái bản lề, khép lại một năm này và mở ra một năm khác. Tết là thời điểm đặc biệt mà chỉ trừ những đứa nhỏ, bộ nhớ còn rất nhiều khoảng trống, còn lại phàm những người có ký ức đều bắt đầu hồi tưởng và so sánh: “Tết giờ sao nhạt, chẳng giống ngày xưa!”.
Dù cái ngày xưa ấy với một cụ già có thể tính bằng vài thập kỷ, còn với một cô gái thì có thể chỉ là đôi năm. Cái việc người ta cứ hoài niệm, nắc nỏm tiếc nuối, so sánh cái bây giờ với cái ngày xưa cũng là một đặc trưng của rỗi rãi để hoài niệm, mới cho người ta cơ hội gặp gỡ người cùng thời để hàn huyên ngày tháng cũ, gặp người khác thời để so sánh câu chuyện ngày xưa. Và câu chuyện về Tết cứ bất tận giữa hai miền xưa-nay như thế. Tết xưa là những nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm. Những bà mẹ ở nông thôn từ những ngày đầu năm đã ra vườn dặm lại mấy bụi dong để “Tết còn có lá mà gói bánh”. Tháng Hai, tháng Ba đã lo ấp mấy đàn gà con để đến Tết giết thịt hay bán đi mua quần áo cho lũ trẻ. Tháng Mười mùa gặt đã lo dành riêng gạo, loại đậu để Tết gói bánh. Đầu tháng Chạp tất bật nén một vại dưa hành cho Tết và từ sau lễ tiễn ông Công ông Táo thì tít mù với chợ búa sắm sanh, dọn dẹp nhà cữa, tất bật với bánh trái, lợn gà. Với những bà mẹ ở thành phố, nỗi lo Tết cũng chẳng kém phần rộn rã. Những chân bàn, chân ghế cũ, thậm chí cả mẻ vỏ lạc bóc thuê từ giữa năm cũng được gom lại cất riêng để Tết còn góp nấu bánh chưng. Phiếu thịt, phiếu đường cũng phải được tính toán thật khéo để đến Tết lũ trẻ được ăn uống ngon lành, tươm tất hơn. Những ngày giáp Tết thì ngược xuôi mua sắm, rộn rã chung nhau luộc một nồi bánh chưng ngay trong sân chung cư.
Tết nay, những nỗi lo toan đã được giản ước rất nhiều. Có lẽ tựu trung lại, nỗi lo lớn nhất chỉ có mỗi chuyện kiếm tiền tiêu Tết. Chẳng còn mấy cảnh chắt chiu nuôi lợn, nuôi gà, cũng chẳng rỗi rãi kỳ cạch gói bánh, giã giò. Nếu không muốn chen chúc ở chợ hay xếp hàng dài ở quày tính tiền trong siêu thị để hưởng “không khí Tết” thì chỉ cần nhấc điện thoại alo là có ngay một cái tết tươm tất tại nhà. Cả những cô dâu mới cũng chẳng lo chuyện mẹ chồng thử tay nghề làm gà hay đồ xôi cúng giao thừa bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn. Mẹ và con gái cũng chẳng còn thời gian canh me chảo mứt, chỉ cần lượn một vòng Hàng Đường hay Metro, Big C thì đủ hết từ bánh mứt truyền thống đến hạt dẻ Mỹ, bánh quy bơ Đan Mạch. Thời hội nhập, cái tết cũng mang tính toàn cầu khi vang Pháp, Whisky Anh sánh đôi cùng xúc xích Đức, salat Nga, phồng tôm Thái Lan ăn kèm thịt bò Úc. Thịt mỡ đã tuyệt nhiên vắng bóng trong thời buổi béo phì và máu nhiễm mỡ là những chứng bệnh thời đại. Bánh chưng, giò chả, dưa hành trở thành những thứ không sắm thì thiếu phong vị tết, mà dọn ra thì chẳng mấy người đụng đũa.
Tết xưa, những bà mẹ bạc mặt vì lo lắng thì đến sáng mồng Một mắt cũng lấp lánh niềm vui khi thấy cái bàn thờ tươm tất, thấy chồng con háo hức với miếng ngon ngày thường ít có. Tết xưa trẻ con náo nức mong chờ để được mặc quần áo mới, ăn những món ngon, nhận những đồng lì xì mới cóng. Tết xưa sân nhà đầy xác pháo hồng, vỏ kẹo và bóng bay xanh đỏ nhưng mẹ không cho quét vì kiêng. Tết xưa sự hân hoan hiện trên từng khuôn mặt, bởi đầu năm đầu tháng dẫu có khó chịu gì thì cũng cố nuốt cho xuôi xuống kẻo “dông cả năm”.
Tết nay, những bà mẹ dẫu vẫn bận rộn, lo toan thì sáng mồng Một cũng chẳng thấy niềm vui trên mặt chồng con, có khi còn là những lời cằn nhằn dọn nhiều món thế này ăn sao hết. Lũ trẻ bây giờ mất hẳn niềm vui ngóng Tết bởi đã được ăn ngon, mặc đẹp quanh năm. (Có lẽ chúng chỉ còn duy nhất một niềm thích thú đó là nghỉ Tết thì không phải…đi học Tết, như nghỉ hè!) Tết nay, chẳng khó để nhận ra vẻ mệt mỏi hằn sau những câu chúc tụng xã giao, sự gượng gạo sau những tiếng cười lễ nghi, hình thức.
Tết xưa là dịp sum vầy, chỉ những người “vô phước” mới phải tha phương trong chiều tất niên hay sáng tân niên. Tết nay, tàu xe vẫn náo nhiệt những ngày trước sau, vẫn là nỗi kinh hoàng của những sinh viên học xa nhà và đám công nhân đi làm cả năm chỉ trở về nhà vào ngày giáp Tết. Nhưng Tết nay còn chộn rộn những chuyến đi xa của những người dư giả muốn khám phá vùng đất mới, của những người cả năm đã quá mệt mỏi, trốn Tết để refresh lại tâm hồn và nhịp sống. Khái niệm “tha hương” không còn mang những nỗi ngậm ngùi mà có thêm những sắc thái trải nghiệm thú vị.
Tết, cả xưa và nay, vui vẻ hay buồn tẻ, trong quan điểm của mỗi người mỗi khác, trong cách cảm nhận của già, trẻ cũng chẳng ai giống ai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý