Tết Hà Nội thời hội nhập
So với các địa phương trong cả nước, Hà Nội vẫn là nơi lưu giữ được nhiều nét truyền thống cổ truyền của dân tộc hơn cả mỗi khi Xuân về có ngày Tết Cả, tức Tết Nguyên Đán.
Tết là ngày đặc biệt nhất trong những ngày đặc biệt của một năm. Theo câu ca dao cổ: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, thì ngoại trừ “tràng pháo” theo lệnh của Chính phủ cấm pháo, không còn là thú chơi nữa, không ai đốt pháo nữa, thì các thứ khác vẫn xuất hiện trong ngày tết khắp đó đây, tuy có nhiều thay đổi. Thịt mỡ là tượng trưng, nay có nhiều món ăn chế biến từ thịt thà như giò, chả, giò thủ, giò gà, chả quế, thịt bò bó thành giò, thịt đông, nem mọc… rồi cá kho, mực nấu, chim quay, măng ninh, gà hầm…
Dưa hành là món phụ trong mâm cỗ tết, nhưng vai trò của diễn viên phụ này lại làm cho sân khấu tươi vui hẳn lên, giống như anh hề mồi, hề gậy trên chiếu chèo, thiếu là không được. Nó là món xúc tác cho tiêu hóa những món ăn quá béo, quá nồng, quá đậm, nhưng trước hết là làm ngon miệng khi nó tạo ra cảm giác mới lạ, chua một chút, dịu một chút, mặn một chút, và riêng màu vàng của nó đã tạo ra sự hấp dẫn cho đôi mắt.
Bánh chưng là món dân tộc cổ truyền, theo truyền thuyết thì nó có từ thuở Vua Hùng. Nó không hề mai một mà còn phát triển, ngày thường cũng có. Mâm cỗ tết nhà ai cũng có chồng bánh chưng bó ra vuông vức, xanh rờn màu cốm non, được cắt bằng sợi lạt tước nhỏ, như ô tướng sỹ trong bàn cờ tướng. Thời nay, vì bận rộn, ít nhà gói bánh. Thế làm mất đi một đêm ấm nồng ngồi canh nồi bánh, nghe nước sôi lục bục như tiếng cười thầm, người thân quây quần bên nhau kể chuyện năm qua, tiếp thêm củi vào bếp, tiếp thêm nước vào nồi và tiếp thêm âu yếm vào lòng nhau trong khi chờ bánh chín.
Còn câu đối đỏ thì sao?
Khoảng những năm ba mươi của thế kỷ 20 thì bài thơ Ông đồcủa nhà thơ Vũ Đình Liên xuất hiện, tả chân thực cảnh các ông đồ viết câu đối trên vỉa hè nhiều đường phố trong ánh hoa đào và mưa xuân lất phất. Và câu thơ đặt câu hỏi ai cũng có thể trả lời và không ai có thể trả lời cụ thể:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Bẵng đi vài chục năm, hình ảnh cụ già khăn xếp áo dài, gò lưng viết câu đối trên giấy hồng điều, mà xung quanh có bao người đứng xem, tấm tắc khen tài viết chữ như rồng bay phượng múa. Các cụ đều đã thành những hồn muôn năm cũ cả. Một thời gian dài thú chơi câu đối bị lãng quên. Người có Hán học, biết chơi thư pháp cũng vắng bóng. Thật không ngời mươi năm trở lại đây, xuất hiện một lớp “ông đồ” tân tiến, cổ cồn cà vạt, đang là sinh viên trong các trường đại học, lại tiếp bước người xưa, viết câu đối trên giấy hồng điều và viết thư pháp, nhiều nhất ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Cụ Lê Xuân Hòa nổi tiếng về chữ đẹp mới mất, nhà thơ Trần Lê Văn cũng mới ra đi. Ông Hồng Thanh, ông Chu Thành cũng không còn. May ra còn nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, nhưng đã ở tuổi chín mươi, nên ít xuất hiện trên chiếu chữ.)
Hà Nội xưa nay ít trồng cây nêu vì đất hẹp. Làm gì có khoảng rộng của sân chùa, bãi cỏ thảnh thơi ngoài đầu làng hay sân đình, mà cũng chẳng sẵn cây tre dài và thẳng. Nhưng nhiều năm nay ngành văn hóa vẫn trồng một vài cây nêu trên bãi cỏ bên hồ Hoàn Kiếm, chếch cổng đền Ngọc Sơn để giữ một phong tục đẹp. Các phong tục khác vẫn đều đều có mặt trong lòng Hà Nội. Phong tục mừng tuổi vẫn được duy trì, từ mừng tuổi bằng lời nói chúc mọi người một năm mới tốt lành mạnh khỏe, đến tục mừng tuổi bằng tiền cho trẻ nhỏ, để các cháu mua đồ chơi, mua vé xe buýt đi dọc ngang thành phố.
Có một tục lệ rất tốt đẹp là người Hà Nội chơi hoa tết. Nhà ai cũng phải có một cành hoa tết, mà với người Hà Nội thì hoa đào là số một, hoa đào và mùa Xuân như trùng hợp, đồng nghĩa. Vì thế mà đã hơn 500 năm, chợ Hoa Hàng Lược đã mở ra để đón xuân, để cung cấp biết bao nhiêu triệu cành đào cho dân thành Thăng Long hào hoa phong nhã này. Ngày nay, thú chơi đó vẫn được khuyến khích, chợ hoa Hàng Lược đã trở thành chật hẹp, phải mở thêm một chợ hoa mới, trải dài từ đường Yên Phụ, suốt đường Âu Cơ bắt sang đường Lạc Long Quân. Mấy ngày áp tết, con đường này biến thành sông hoa, nhiều nhất là hoa đào, từ đào bích đến đào phai và đào ta… Người Hà Nội cho rằng nếu thiếu hoa đào thì không thành tết. Có thể thiếu khoanh giò lụa, giò thủ, nhưng không thể thiếu cành đào đặt trên bàn thờ hoặc bàn tiếp khách xông nhà.
Người Hà Nội coi trọng đời sống tâm linh bất kể thời kỳ nào. 23 tháng Chạp, nhà nhà cúng tiễn ông Táo lên chầu Giời. Đêm giao thừa, bầy mâm cỗ chay ra ngoài trời, cúng ông Hành khiển cũ đi, đón ông Hành khiển mới đến, gọi là tống cựu nghinh tân, mong sang năm mới thánh thần phù hộ cho an khang tấn tới. Sáng mồng một các đền chùa đông nghịt người đi lễ sớm đầu năm. Đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… không ai còn trèo lên hái lộc làm hại đến cây cối và môi trường. Đáng hoan nghênh là ai đó còn có sáng kiến mang mía tươi cả cây, còn một chút lá xanh như cây kiếm múa lên trời, bán cho mọi người đón Tết quanh hồ Hoàn Kiếm. Mua mía là đem lộc về nhà, có thể làm gậy ông vải buộc hai bên bàn thờ. Một nét đẹp thời kì đổi mới của Hà Nội.
Mấy chục năm gần đây, đón tết quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành phong tục mới. Người người mặc quần áo đẹp nhất, nô nức đi như trảy hội, đổ về quanh Hồ Gươm cùng nhau đón Tết, xem pháo hoa, nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ (sau ngày Bác đi xa, thì nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước). Trai thanh gái lịch, cả người cao tuổi, các em thiếu niên, mặc đủ các loại mốt thời trang, từ cổ điển đến hiện đại, cả trang phục của xứ băng tuyết, đi giày bốt cao đến ngang đùi, khăn quàng lỏng buông xuống ngang eo, đi giăng hàng vui vẻ đón xuân. Những trang phục kiểu này chỉ có thể có vào thời đổi mới, hòa nhập với thế giới, mà giới trẻ là nhanh nhạy nhất. Có năm, suốt một vòng Bờ Hồ không có chỗ len chân, ai đứng đâu thì cứ đứng nguyên tại đó mà thôi.
Thời đổi mới, hội nhập, Hà Nội ăn tết và chơi tết có vẻ như phong phú hơn. Các phong tục cổ truyền được dịp phát huy vì đời sống vật chất có phần phong phú hơn. Đã có nhiều gia đình có bánh chưng tết, nhưng còn phải đặt thêm bánh ga-tô (như bánh sinh nhật) vì lớp trẻ đã quen với loại bánh này. Nhiều gia đình đã sắm rượu Nga, rượu Pháp, trà Trung Quốc, ăn món sa-lát Nga, mua súc-cù-là Bỉ. Đó là nét mới, giống như chúng ta ngày nay đều mặc âu phục, thắt cà-vạt, thì không thể bắt mọi người lại phải mặc áo the thâm, đội khăn xếp như trăm năm trước đây.
Văn hóa không bao giờ bất biến. Nó luôn luôn phải được thay đổi cho phù hợp với thời đại, với trào lưu thế giới. Thời đại hội nhập đã đến, chúng ta không còn quẩn quanh với cái quá cũ kiểu “ta về ta tắm ao ta” hay “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Nhưng có một điều cần suy xét cho thấu đáo, không nên phá vỡ truyền thống nếu không cần thiết. Nhất là tết là dịp các thể hiện các phong tục cổ truyền, ví dụ: Tết Việt Nam là ngày sum họp, cha mẹ muốn gần gũi con cái, họ hàng muốn gần gũi nhau, thì tết không nên du lịch sang nước ngoài để cha mẹ ông bà ở nhà phải chờ đợi lo lắng thấp thỏm. Hoặc lớp trẻ, ăn mặc thời trang quá lố lăng không phù hợp với dân tộc ta, cũng là điều nên tránh.
Hà Nội là đất văn hiến, thời kỳ bao cấp khó khăn ngặt nghèo, vẫn giữ được cốt cách phong nhã, thanh lịch, hào hoa thì thời kì hội nhập này, mỗi chúng ta cũng đóng góp vào cái nền bản sắc ấy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015