Chuyện lo tết thời bao cấp
Không hiểu tại sao cứ mỗi dịp Tết về tôi lại nôn nao nhớ anh em trong ngành thương nghiệp suốt mấy chục năm thời bao cấp. Thoát khỏi thời "trăm thứ thứ gì cũng phân" vô cùng khó chịu ấy là một giải thoát vĩ đại. Tôi cũng là người đã viết hàng trăm bài báo cổ vũ cho công cuộc đổi mới. Nhưng công bằng mà nói, thời kỳ gian nan ấy, những "cán bộ mậu dịch" đã làm hết sức mình để năm nào cũng lo được cho hàng chục triệu gia đình có một cái Tết đàng hoàng, là chuyện không thể quên…
Những cái Tết thời bao cấp mới cách đây hơn 20 năm thôi, còn đậm trong trí nhớ của nhiều người, nhưng đối với thế hê 8X, 9X thì vô cùng lạ lùng khi nghe kể lại. Nhân Xuân về, xin kể cùng các bạn đọc trẻ về những người lo Tết thời "tem phiếu" này. Không phải "ôn nghèo kể khổ", mà đó thực sự là những ký ức đất nước một thời. Các bạn đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có một gian trưng bày về "Cuộc sống người Hà Nội thời bao cấp" . Ở đó các bạn sẽ được chứng kiến cảnh người xem nườm nượp. Ai cũng muốn được "nhìn lại" ký ức về thời gian khó và bi tráng ấy…
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là lễ trọng nhất trong năm. Nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất dù trong phải ăn bo bo, nước ruốc… Trên bàn thờ phải có hoa, nải chuối, bánh chưng, bánh tét. Đây không chỉ là một món ăn mà hồn vía Tết. Tết phải có đĩa bánh, mứt, kẹo để tiếp khách. Phải có cành mai, cành đào cắm trong nhà. Lúc ấy tôi là cán bộ tổ chức tổng hợp của Công ty Thực phẩm, rồi Sở Thương mại Bình Trị Thiên (cũ), nên các cuộc họp bàn chuyện Tết, những đợt "đi chỉ đạo Tết" tôi đều có mặt. Lo Tết ở đây là lo cho mấy trăm ngàn hộ gia đình cán bộ, công nhân , gia đình trong đối tượng chính sách có tem phiếu, còn 80% nhân dân lao động ở nông thôn tất nhiên là họ tự lo…
Tem phiếu bảo đảm sự công bằng trong hoàn cảnh thiếu thốn, nước nào sau chiến tranh đều phải áp dụng. Chế độ tem phiếu này có những điều đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Tết truyền thống người Việt là "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Nên trước Tết một tháng, ngành Thương nghiệp đã công bố tiêu chuẩn Tết năm nay có những thứ gì. Ở của hàng lương thực, thực phẩm, những ngày giáp Tết thường đông nghịt những người xếp hàng, mà ở Hà Nội gọi là "đặt cục gạch".
Ở Hà Nội thời đó, đi cửa hàng Mậu dịch mua hàng Tết như "đi chiến đấu", cũng phải xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, có khi cả ngày mới mua được suất của mình. Phải đi từ 4-5h sáng. Dù cô mậu dịch viên khuôn mặt đầy vẻ ban ơn, người mua vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Cô cắt tem phiếu, ghi sổ, thu tiền rồi trịch thượng ném hàng cho người mua. Thế nhưng vì một cái Tết gia đình, mọi người hàng mấy chục năm ròng đã quen chịu đựng, chẳng ai phản ứng gì. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, người ta đóng tất cả các loại hàng Tết trong một cái túi nilông (trừ thịt, gạo nếp, đậu xanh) in cành hoa đào hoặc hoa mai và dòng chữ "Chúc mừng năm mới". Túi hàng Tết đó có măng, miến, bóng bì, ít mộc nhĩ, nấm hương, gói mì chính nho nhỏ, một túi hạt tiêu, bánh đa nem, hộp mứt, gói chè Hồng Đào hoặc Thanh Hương, bao thuốc Điện Biên, Trường Sơn bao bạc, một chai rượu cam, rượu chanh…
Còn thịt, gạo nếp, đậu xanh… thì đến cửa hàng xếp hàng mua trực tiếp. Ở các tỉnh thì người có tem phiếu trực tiếp ra cửa hàng mua, cũng đóng thành túi "Hàng Tết" như vậy, nhưng ít thứ hơn.
Để có hàng cung cấp Tết, từ cuối quý 2, một bộ máy lớn hàng hai ba nghìn cán bộ nhân viên ngành thương nghiệp, lương thực tỉnh đã sốt vó vào cuộc. Mấy mặt hàng Tết không thể thiếu là: thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, chè gói, thuốc lá, rượu, nước mắm, hạt dưa, bánh kẹo, mứt gừng… rồi mì chính, hạt tiêu, củi, lá dong gói bánh, chuối nải để thờ.v.v.. Nghĩa là nhu cầu Tết xưa nay gồm những thứ gì đều tất tật được đưa vào kế hoạch cung cấp. Lãnh đạo tỉnh sốt sắng về làm việc với Sở Thương mại, Công ty thực phẩm, lương thực để tính toán khả năng khai thác nguồn hàng, cung cấp Tết được những thứ gì, khả năng dự trữ, tổ chức phân phối sao cho đúng thời hạn, không được để có hộ nào không mua được "tiêu chuẩn" trước Tết. Ví dụ mỗi khẩu phải có 0,5 kg thịt lợn, 0,3 kg gạo nếp, hai lạng đậu xanh, một cân bánh kẹo, năm lạng mứt.v.v… rất chi tiết.
Tất cả thứ đó tính chung cả tỉnh thành những con số khổng lồ. Sau đó Sở Thương Mại lại họp với các công ty, cửa hàng suốt hai ngày bàn chuyện thu mua lợn, gạo nếp, đi mua đậu xanh, chuối thờ, lá dong, nước mắm… Hồi đó, cán bộ thu mua nào cũng có cuốn sổ tay, ghi chép cẩn thận hộ nào có lợn, mấy con, nuôi từ bao giờ, đã được bao nhiêu ký, khi mô thì xuất chuồng. Rồi họp thôn, họp xã công bố công khai các hộ có lợn, để họ không bán ra "thị trường tự do". Thu mua lợn cho nhu cầu thịt cung cấp hàng tháng đã khó, thịt cung cấp cho Tết càng khó hơn, vì dịp Tết là dịp người dân bao giờ bán lợn ra ngoài để lo Tết cho gia đình, hơn nữa Mậu dịch thì "mua như cho, bán như cướp".
Thời bao cấp tem phiếu thực phẩm chia ra nhiều loại : A, B, C, D, E, N, T. Ở tỉnh không có phiếu A. Phiếu A chỉ có ở cửa hàng Tôn Đản, Hà Nội. Chỉ có vài người hưởng loại B như Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Ở Huế có một người "dân" được hưởng phiếu thực phẩm loại B, đó là bà Từ Cung , mẹ vua Bảo Đại. Phiếu E là phiếu cho cán bộ công nhân viên và hưu trí bình thường mỗi tháng được mua 0,5 kg thịt/tháng, phiếu C: 1 kg, phiếu N, Tr ( N là thiếu niên, Tr là trẻ em) chỉ 0,3 kg. Anh Phan Tấn Thanh, một thời là giám đốc Công ty thực phẩm Huế, mở sổ cái to tướng theo dõi từng huyện. Cán bộ công nhân viên và hưu trí cả tỉnh lúc đó khoảng 600.000 người, cộng thêm các "đối tượng ăn theo" như trẻ em, người già được hưởng tem phiếu, số người phải lo lên đến 1 triệu. Bình quân các loại phiếu thực phẩm là 0,5 kg thịt một người trong tháng Tết, vị chi phải có 500 tấn thịt, cộng thêm nhu cầu quân đội và cầu giao tế của tỉnh, tổng số thịt lợn phải lo trong mỗi dịp Tết lên đến 1000 tấn. Tính ra lợn hơi là 1500 tấn. Muốn có 1500 tấn lợn hơi, phải thu mua và nuôi dự trữ cho được gần 3000 con lợn trong một thời gian ngắn. Thật không dễ. Dự trữ thì phải có cám lợn ăn, chuồng trại, người chăm sóc. Rất tốn kém. Nên các tổ thu mua phải đi về các làng xã, nằm cả tháng trời, anh em gọi đùa là "bám chuồng lợn như bộ đội bám địch".
Gay go nhất là lúc mổ thịt. Vì Tết chỉ trong 3 ngày, nên không thể cung cấp thịt sớm trước cả tuần ngày được. Dạo đó ít gia đình có tủ lạnh, nên họ thường mua thịt vào những ngày 28 Tết trở đi. Cho nên các công ty, cửa hàng thực phẩm, lương thịt phải mở thêm nhiều điểm "bán hàng Tết" để đưa hàng Tết đến mọi gia đình đúng vào dịp Tết. Những đêm mổ thịt lợn Tết lãnh đạo Công ty Thực phẩm, các trưởng cửa hàng và anh em vận chuyển thức trắng. 3 giờ sáng thịt lợn đã được chuyển về quầy bán lẻ… Có lần vào chiều 30 Tết tôi về Cửa hàng C ở đường Phan Đình Phùng, Huế, là nơi cung cấp thực phẩm cho các đối tượng phiếu C,D. Biết tôi ở phòng Tổ chức Công ty, mấy em mậu dịch viên như Liệu, Tiến, Lưu… dân Đông Hà, Đồng Hới bỗng òa khóc nức nở. Tôi hỏi sao khóc. Liệu bảo:" Bọn em không được về ăn Tết với bố mẹ rồi, phải trực đến 10 giờ đêm 30…". Tôi ngậm ngùi an ủi: "Nghề phục vụ phải thế, rồi ra Tết về nghỉ dài hơn…". Đó là gái mậu dịch viên chưa chồng, còn có chồng con rồi, thì chồng phải thay vợ làm dưa món, đi mua hàng Tết. Chiều 30 Tết phải nấu cúng tất niên, vì vợ về đến nhà tắm rửa xong là lúc Giao thừa…
Ấy là chuyện những người lo phần thịt Tết. Còn bao nhiêu thứ nữa như gạo nếp, kẹo, mứt, lá dong… Muốn có mỗi gia đình vài cân gạo nếp để gói bánh chưng, nấu xôi chè trong một cái Tết, ngành lương thực phải vô Đồng bằng Sông Cửu Long mua hàng chục tấn gạo nếp. Kẹo, bánh, mứt, hạt dưa phải vô Sài Gòn mua, chuối thờ thì lên huyện miền núi A Lưới, Hướng Hóa hoặc vô tận Đồng Nai, Bình Phước mới mua được. Thời đó cả nước dùng tiền mặt. Mỗi cái Tết, Công ty Thực phẩm phải dùng xe chở một lúc ba bì tải tiền (bốn năm trăm triệu) vô miền Nam mua hàng Tết về cung cấp cho cán bộ. Huế là xứ sở có nhiều bàn thờ, trang thờ nhất nước. Lần đầu cung cấp chuối thờ, do vận chuyển kém nên chuối chở từ miền Nam ra bị xây xát, bầm vỏ, ba bốn xe tải chuối thờ đành đổ đi, lỗ cả trăm triệu đồng.
Một thời của ít, người nhiều, lo chuyện Tết cho hàng triệu miệng ăn vất vả như thế, nhưng thấy gia đình cán bộ, bộ đội ăn Tết đàng hoàng, người cán bộ thương nghiệp thấy tự hào lắm. Vâng, đó là những cái Tết không thể quên đối với hàng triệu gia đình và đối với những người lo Tết…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)