Nhà báo, chữ tín và doanh nghiệp
Một tờ báo sẽ phải xây dựng những quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp như thế nào khi các nhà báo ở đó cần phải xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nuôi dưỡng nguồn tin của mình?
Dù ở Mỹ báo chí được xem là độc lập và tự do báo chí được hiến pháp quy định, điều đó không có nghĩa là các cơ quan công quyền, các tổ chức tư nhân hoặc cá nhân không tìm cách khuynh loát hoặc kiểm soát thông tin sẽ được xuất bản.
Nhiều tờ báo ở Mỹ đưa ra những quy tắc đạo đức chính thức hoặc không chính thức nhằm nêu rõ với phóng viên những gì họ có thể hoặc không thể nhận. Những quy tắc đó có ích bởi vì nó giúp cân bằng quan hệ của phóng viên với nguồn tin.
Trong suốt 20 làm việc ở tờ The Oregonian, một tờ nhật báo có số phát hành hơn 350.000 bản, tôi đã trải qua sáu năm chịu trách nhiệm ở một văn phòng tại một thành phố cách tòa soạn không xa. The Oregonian không chính thức đưa ra quy tắc đạo đức, nhưng mọi người trong tòa soạn đều hiểu những gì mình được phép và không được phép làm khi hành nghề.
Nguyên tắc của The Oregonian là: Chúng tôi không được phép nhận hiện vật hoặc dịch vụ miễn phí, do vai trò và ảnh hưởng với tư cách nhà báo của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu các thành viên tránh những tình huống có thể đưa đến việc họ sẽ nhận ưu đãi bởi vì tờ báo có quyền lực hoặc có những kênh thông tin không chính thức.
Ngoài ra, các phóng viên do tôi phụ trách không được phép để cho nguồn tin mua thức ăn hay đồ uống cho mình, trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu phóng viên cần đưa tin về nơi bán thức ăn, họ phải trả tiền cho những thứ mình dùng. Nếu nguồn tin khăng khăng trả tiền bữa ăn, phóng viên phải là người thanh toán trong lần gặp gỡ thứ hai với nguồn tin đó.
Nếu một doanh nghiệp mang đến tặng phóng viên một giỏ quà hoặc sản phẩm tại tòa soạn, giỏ quà hoặc sản phẩm đó phải được tặng lại cho cơ sở từ thiện thích hợp nhất. Tôi thường đính kèm một lá thư giải thích vì sao chúng tôi gửi quà cho cơ sở từ thiện đó cũng như quà từ đâu đến. Chúng tôi cũng gửi một bức thư báo cho doanh nghiệp tặng quà biết mình đã làm gì. Nếu một doanh nghiệp mang đến thức ăn phải dùng ngay, chúng tôi cũng sẽ mang quà đó đến quán cơm xã hội, nơi phân phát thức ăn cho người cơ nhỡ - cũng với lời giải thích thức ăn đó từ đâu tới. Nếu có người tặng các vé miễn phí - dù để xem biểu diễn hoặc đi máy bay - chúng tôi cũng chọn cách trả tiền.
Trong trường hợp một phóng viên không chắc chuyện mình làm có vi phạm đạo đức hoặc được cho phép hay không, phóng viên đó phải tham khảo ý kiến của cấp trên của mình để làm rõ.
Có người sẽ bảo rằng nhiều món quà - giỏ trái cây, vé xem ca nhạc hoặc một bữa ăn trưa - chẳng là gì đến nỗi phải làm cho một nhà báo bị mua chuộc hoặc bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ một xung đột về quyền lợi chớm xuất hiện cũng có nghĩa là đã bắt đầu tồn tại một xung đột quyền lợi thực sự. Nếu độc giả nghi ngờ hoặc cho rằng nhà báo có quan hệ mật thiết với một nguồn tin thì chẳng khác gì nhà báo đó đã thực sự có quan hệ mật thiết với nguồn tin đó.
Còn những món quà có giá trị hơn thì sao, chẳng hạn vé máy bay miễn phí đến một thành phố, nơi nguồn tin đang tổ chức một sự kiện lớn? Hoặc những bữa ăn hay thức uống đắt tiền trong một nhà hàng sang trọng? Chơi golf miễn phí ở các sân golf tư nhân? Triết lý của chúng tôi là nhận những món quà cho không đó có thể sẽ làm một phóng viên hay cả một tờ báo thấy khó khăn khi phải viết bài không tốt về nguồn tin đã trả tiền cho những món quà đắt tiền nêu trên.
Từ chối nhận một món quà thì dễ hơn nhiều so với chuyện phải giải thích với độc giả rằng ngòi bút của mình không bị lệch đi vì quà cáp. Độc giả sẽ đánh hơi thấy điều đó. Có thể họ phải mất một thời gian, nhưng họ luôn ngửi thấy điều đó. Vì thế mạo hiểm để làm gì?
Hành nghề báo chí là phải chấp nhận hy sinh. Làm báo cũng có nghĩa là phải làm việc liên tục bảy ngày trong tuần, xa nhà thường xuyên, chứng kiến và viết về những chuyện khó chịu và gây thù chuốc oán. Nghề báo còn có nghĩa là phải hy sinh hoặc từ chối tình bạn. Bởi vì tình bạn cũng là một món quà.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một phóng viên được giao nhiệm vụ viết về chuyện không hay của một người bạn của mình? Dĩ nhiên, phóng viên đó phải báo ngay cho người phụ trách mối quan hệ của mình và yêu cầu một phóng viên khác làm thay. Nhưng giả định rằng không có người thay thế, và phóng viên đó phải làm nhiệm vụ này. Nếu hai người không phải là bạn thì nhiệm vụ này có khó khăn và đau lòng như vậy không? Độc giả sẽ không bao giờ biết được. Có lẽ chính người phóng viên cũng không biết rằng mình có giữ lại một cách vô thức những câu hỏi khó trả lời hoặc bỏ qua những thông tin nhạy cảm trong bài viết hay không. Xin nhớ cho rằng: Quyền được thông tin là trái tim của báo chí chân chính.
Chữ tín là điều tối quan trọng đối với một nhà báo. Một chữ tín có vấn đề hoặc bị nghi ngờ có thể sẽ không bao giờ phục hồi được. Một khi độc giả không còn tin vào những gì một nhà báo viết thì nhà báo nọ nên tìm nghề khác là hơn.
Tác giả (Beth Erickson) đang làm việc cho chương trình bốn tháng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho một số tờ báo ở TPHCM, dưới sự bảo trợ của Knight International Press Foundation Fellowship và International Center for Journalists, Independent Journalism Foundation.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu