Nguyễn Hiến Lê, người trí thức chân chính
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong con mắt của những người đồng thời và của lớp hậu sinh thường được nhìn nhận như là một học giả có sự nghiệp trứ tác đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật với 122 tác phẩm để đời mà hầu như tác phẩm nào cũng có một giá trị riêng biệt đáng được nhắc nhỏ, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức chân chính thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành, lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời...
Dù chưa thiết lập kỹ càng một định nghĩa vốn rất không dễ về người trí thức, chúng ta cũng khó hình dung một người trí thức mà lại chỉ biết có mình trong chuyện thăng tiến tạo lập sự nghiệp để chiếm lĩnh những vị trí đặc quyền trong xã hội về tiền tài danh vọng mà không quan thiết gì đến những khó khăn trục trặc của đồng loại, trước nhất là của cộng đồng những người gần gũi mình nhất, đã nuôi dưỡng đùm bọc mình cho tới khi khôn lớn.
Xét riêng về phương diện thăng tiến trong nghề nghiệp thì nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng là một người thành đạt, tuy nhiên ông không chuộng hư danh phù phiếm hoặc an nhiên hưởng thụ thành quả, đánh mất mình, trái lại lúc nào cũng sống giản dị lo toan, tìm cách giống lên tiếng nói trung thực tự đáy lòng để mong vớt vát được phần nào cho tình trạng xã hội đã khá suy bại đương thời. Có lẽ vậy nên mặc dù rất không ưa chính trị và không tham chính, ông vẫn phải nói hoài viết hoài dần dần lên đến trên 300 bài báo có tính thời sự liên quan đủ các mặt chính trị, kinh tế văn hoá, giáo dục, xã hội... tựu chung mặt nào ông viết trong loại này cũng không khỏi có dính dáng ít nhiều đến chính trị, bởi một lẽ dễ hiểu là mọi mặt trì trệ trong đời sống xã hội nếu có ở mọi thời đều phải liên quan đến trách nhiệm của kẻ cầm quyền. Nhưng điểm đặc biệt là tất cả những bài ông viết đều không mang dấu ấn của động cơ cá nhân hay có tính đại diện cho bất kỳ phe phái nào, cũng không chỉ trích cá nhân nào trong tầng lớp cầm quyền đương thời, mà chỉ dựa trên lương tri và kiến thức với tâm tình độ lượng thiết tha để phân tích vấn đề một cách khách quan tinh tường nhằm góp phần xây dựng những chính sách vĩ mô dài hại mang lại lợi ích cho quần chúng.
Khi viết thể loại chính luận, do không có tư tâm tư kỷ nên lời ông thường trung thực mạnh mẽ, đôi khi gay gắt, phẫn nộ, đả thẳng vào cái thói tệ hại của nhà cầm quyền, nên bài viết khi đăng ra thường bị đục bỏ nhiều chữ nhiều đoạn do chế độ kiểm duyệt báo chí của hệ thống thông tin lúc bấy giờ. Mặc dù đôi khi không thể không gay gắt trong cách bày tỏ nhưng thái độ của công căn bản vẫn luôn ôn hoà, nhũn nhặn và xây dựng một cách thấu tình đạt lý chứ không bao giờ nói càn theo kiểu thiếu trách nhiệm để thoả mãn tự ngã. Về điểm này có lần công đã minh thị trong một bài viết
"... Tôi muốn bàn qua về thái độ chúng ta đối với chính quyền. Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý tới lời nói của ta... Chúng ta còn phải tiếp tục tranh đấu cho được tự do ngôn luận... Muốn thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình - chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân - chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách , chứ không đả một cá nhân..." (Bọn cầm bút chúng ta làm được những gì lúc nầy?", Mấy vấn đề xây dựng văn hoá, NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1967, tr. 167-168)
Ở bài viết có đoạn vừa dẫn trên, ông đặt rõ vấn đề trách nhiệm của giới nhà văn trước thời cuộc. Lúc bấy giờ là năm 1967, chiến tranh đang hồi ác liệt, xã hội miền Nam đang sa sút trầm trọng nhiều mặt, tiếng nói của người trí thức trở nên lạc lõng, khiến tâm tư ông cũng có phần trao đảo : "Người cầm bút nào lúc nầy mà chẳng có nhiều buồn tủi rằng tất cả những gì mình viết ra đều là ba láp hết, chẳng có một tác động gì cảm rằng mình gần như vô dụng, may mắn lắm là khỏi đánh đĩ với cây viết..."
“Mỗi người đã phải đóng vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền...” (Nguyễn Hiến Lê) |
Mặc dù vậy ông không nỡ ngừng bút mà vẫn tiếp tục viết để hô hào, cảnh tỉnh đồng bào về những việc cần nghĩ, cần làm, chuẩn bị cho tương lai lâu dài, và như ông thường nói, "khi hoà bình lập lại".
Tính cách trí thức của nhà văn Nguyễn Hiến Lê còn thể hiện ở chỗ ông luôn luôn nhìn xa trông rộng, đặt vấn đề gì cũng dựa trên cơ sở văn hoá khoa học vững chắc thu thái được từ kiến thức kinh nghiệm của muôn phương để giới thiệu ra cho đồng bào biết rõ những biến chuyển quan trọng trong tình hình thế giới và để định ra chiến lược phát triển lâu dài.
Tất cả những vấn nạn của thế giới mà bây giờ chúng ta gọi là những vấn đề toàn cầu như nạn nhân mãn, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hố ngăn cách giàu nghèo giữa các dân tộc... đều được ông (và hình như chỉ có mình ông) đưa ra giới thiệu một cách nhiệt thành , tập trung trong quyển Những vấn đề của thời đại (tháng 7.1974) và một số bài báo khác. Trước đó khá lâu, trong cuốn Một niềm tin (1965), ông đã dự báo được hầu hết những điểm quan trọng về xu thế phát triển của thế giới để từ đó định ra hướng phát triển của dân tộc, đến nay đọc lại vẫn còn hợp thời để tham khảo.
Theo ông: "Ta phải tuỳ hoàn cảnh, tài nguyên thiên nhiên, mức tiến hoá xã hội, khu vực ảnh hưởng của nước mình... mà tạo lập một nền kinh tế thích hợp với nước mình, chứ không nên bắt chước Âu Mỹ... Dân tộc mình nghèo thì phải sống theo lối nghèo, đừng đua đòi Âu Mỹ trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ nên nhắm mục tiêu này: làm cho dân đừng đói rét, đâu cũng có đủ thuốc uống. Và đồng thời làm sao giảm lần lần được sự bất công trong xã hội. Muốn vậy phải rút bớt mọi tiêu pha không cần thiết" (Để tôi đọc lại, NXB Văn học, 2001, tr. 228).
Đến tháng 1.1975, khi thời cuộc đã biến chuyển tới hồi quyết liệt, trong loạt bài "Nhân loại lâm nguy" đăng trên tạp chí Bách Khoa, một lần nữa ông lại tha thiết đánh động tình trạng nguy cơ toàn cầu, giới thiệu hai bản báo cáo mà cũng là cảnh cáo đầu tiên của nhóm Câu lạc bộ La Mã (Club de Rome) về những vấn đề liên quan. Trong phần kết mà sau nầy (năm 1978) ông cho tuyển lại dưới nhan đề "Chúng ta phải làm gì?" trong tập Để tôi đọc lại (đến năm 2001 mới xuất bản), ông đã nêu lên một loạt đề nghị từ đường lối phát triển tổng quát đến một số vấn đề liên quan các lĩnh vực giáo dục, y tế, chính trị, xã hội (hố phân cách giàu nghèo, hạn chế sinh sản...) Ông lặp lại một quan điểm cơ bản đã nêu lên từ 10 năm trước trong cuốn Một niềm tin "Đừng nhất thiết cái gì cũng bắt chước Âu Mỹ, đừng theo đứng con đường họ nữa". Rồi ông kết luận "... Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc, định lại các giá trị và mục tiêu... Hạnh phúc của con người không phải ở chỗ có một lợi tức bằng Mỹ hay hơn Mỹ. Không có gì sái và vô lý bằng lấy lợi tức đo sự văn minh và hạnh phúc của một dân tộc... Dân tộc chúng ta cứ tự vạch một đường lối, phát triển riêng, chẳng cần phải bắt chước ai hết, chẳng cần phải mong theo kịp nước nầy hay nước nọ" (Để tôi đọc lại, trang 224-236).
Cách nay 30 năm mà chỉ một mình ông phát biểu được những lời đó, mãi đến nay hầu như cũng không ai chịu nêu lên những ý kiến tương tự khi bàn về hướng đi của dân tộc Việt Nam, tôi cho rằng ông Nguyễn Hiến Lê là một bậc minh triết có nhiều tiên kiến nhưng hơi bị lạc lõng cô độc giữa chợ đời.
Ngày nay, tạm thời bỏ qua những phần tử lạm dụng xã xẻo đất nước, trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, vì mong muốn bứt phá tình trạng nghèo nàn lạc hậu mà không ít người có thiện chí trong chúng ta cũng thường quen tìm đến những giải pháp dễ dãi bằng những công thức có sẵn đã được nghe nói, nhất là có khuynh hướng hô hào chạy theo những nước tiên tiến trong một tâm thái luôn luôn sợ bị tụt hậu, mà không chịu nghĩ mình làm như thế là nhằm đạt tới những mục tiêu gì xứng đáng, cho ai, có bảo đảm mang lại sự bình yên hạnh phúc cho đại đa số quần chúng hay không. Hơn thế nữa, trong điều kiện của quốc nạn tham nhũng như hiện tại, mọi sự phát triển thiếu chuẩn bị về nền tảng con người thường chỉ có thể dẫn tới khả năng băng hoại ngày càng trầm trọng hơn, và trở thành cái cớ cho một số kẻ gian tham lợi dụng.
Với tính cách của người trí thức luôn băn khoăn trăn trở và ý thức trách nhiệm trước tiến đồ dân tộc, ông Nguyễn Hiến Lê còn thường tổng duyệt lại những kinh nghiệm lịch sử, phân tích các mặt ưu khuyết điểm của phương đông, phương tây rồi dựa trên thực tế văn hoá của nước mình để đề xuất việc nào nên làm, việc nào nên tranh, rồi viết lại như những lời tha thiết dặn dò.Trong bài Con đường hoà bình (sau có in thành một tập sách nhỏ, rồi tuyển lại thêm lần nữa trong tập Để tôi đọc lại), ông lại nhắc :”Cái tai hại của chúng ta là có mặc cảm tự ti, tủi rằng cái gì mình cũng kém người, rồi mù quáng bắt chước người, chỉ mong theo gót được người, không dám có một ý muốn riêng của mình Đã đến lúc chúng ta phải tư tưởng lại Phải nhận cái thực trạng của mình, cái hoàn cảnh của thời đại, của thế giới ” Trước hết chúng ta phải gột hết những nhiễm độc của phương Tây mà trở về tinh thần bao dung, bất đồng nhi hoà của tổ tiên ” Cái ông gọi “nhiễm độc” chính là thói bất bao dung, kỳ thị, tham quyền tham lợi của phương Tây mà hễ còn thì thế giới sẽ không bao giờ tránh được sự ly tán, chiến tranh và hố ngăn cách giàu nghèo quá đáng , đúng như chúng ta thấy đang diễn ra trong tình hình bất ổn của thế giới hiện nay.
Ngoài những vấn đề quốc tế dân sinh hệ trọng có tầm chiến lược như đã giới thiệu sơ lược ở trên, Nguyễn Hiến Lê còn viết hàng trăm bài báo đóng góp ý kiến cho nhiều vấn đề cụ thể quan trọng khác, mà vấn đề nào ông cũng đề cập một cách thấu đáo tinh tường, đặc biệt liên quan đến lãnh vực văn hoá giáo dục. Một số bài viết quan trọng ông đã cho gom in thành tập Mấy vấn đề xây dựng văn hoá (1967), mà bây giờ đọc lại, tức là sau 36 năm, tôi thấy vẫn hoàn toàn hợp thời và có giá trị tham khảo thiết thực.
Nguyễn Hiến Lê là một trí thức chân chính, thể hiện ở phong cách sống và làm việc tận tâm trung thực, đem sự hiểu biết của mình song song phục vụ bản thân còn phục vụ cho đời.
Duy có điều, do quá tôn trọng nguyên tắc lề lối sinh hoạt để đảm bảo sức khoẻ và công việc, suốt mấy mươi năm liền chỉ ngồi nhà đọc sách, viết sách, tôi ngờ rằng kiến văn, vốn sống của ông Nguyễn Hiến Lê cũng có phần hạn chế trong chốn sách vở mà thiếu sự thâm nhập thực tế sinh động của đời sống vốn rất đa dạng, thành ra có thể ông hiểu đời qua sách vở, tiểu thuyết chứ không hiểu thấm trực tiếp hết những lẽ và nỗi ngoắt nghéo khó khăn của cuộc nhân sinh hoan lạc nhưng cũng đầy thống khổ, phức tạp.
Một bạn tri kỷ của ông Nguyễn Hiến Lê đã tìm cách biện hộ cho ông :”Không xông xáo tham dự trực tiếp vào mọi sinh hoạt, công tác xã hội, không thấy mặt ông ở nơi “trọng thể”, hội hè đông đảo nhưng không có vấn đề nào cấp thiết liên quan đến công cuộc cải tiến dân sinh, xã hội mà không có những bài viết thiết thực kịp thời của ông để bày tỏ quan điểm của mình một cách minh bạch hay góp ý kiến xây dựng hết sức khách quan và thẳng thắn với chính quyền, với các giới, tổ chức. Những loạt bài về thanh niên, về chương trình học, thi cử, về tâm lý ính viên xuất ngoại với những biện pháp thích nghi hầu cứu vãn tình trạng trước nguy cơ xuất não, về xuất bản sách báo, kiểm duyệt chứng tỏ rằng khi cần nói thẳng thì ông không ngần ngại nói ngay lên sự thật, nói lên cảm nghĩ chống đối của mình, song vẫn chân thành, có tinh thần xây dựng, không đả kích cá nhân, thành ra không ai làm khó dễ ông. Trên công việc làm, ông tiêu biểu cho hạng người cần mẫn, siêng năng, nói ra là tin cậy được ” (Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê, Cuộc đời và tác phẩm, tr. 72-73)
Có lẽ người đời cũng không cần đòi hỏi thêm gì ở nhân vật đáng kính trọng này, khi xét trển phương diện ông Nguyễn Hiến Lê là một người trí thức chân chính như định nghĩa của Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô Dmitri Sergeievich Likhachov (1906-1999): “Theo kinh nghiệm đường đời của tôi, trí thức là những người tự do về thế giới quan, sự tự do như một phạm trù đạo đức Một nhà bác học chưa chắc đã phải là trí thức. Họ không còn là trí thức khi quá chú mục vào chuyên môn của mình mà quên mất ai sử dụng thành quả lao động của mình và sử dụng như thế nào. Khi đó, do theo đuổi những lợi ích chuyên môn, họ đã coi nhẹ lợi ích đồng loại và những giá trị văn hoá”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý