Sách bestseller nhờ công nghệ lăng xê
Năm 2005 là mốc thời gian đánh dấu sự bùng phát của thị trường sách. Lần đầu tiên, sách Việt có tác phẩm phát hành lên đến con số 300.000 bản
Khởi đầu cho sự sôi động của sách Việt phải kể đến Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Tiếp đó, hai quyển nhật ký có lửa Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm với con số phát hành lên đến 300.000 bản đã được ghi nhận như một sự kiện văn hóa của cả nước trong năm 2005. Cơn sốt nhật ký chiến tranh chưa hạ nhiệt thì độc giả lại xôn xao với Năm, mười, mười lăm, hai mươi (Nguyễn Vĩnh Nguyên); Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu)... Không ít lời khen- chê dành cho những sáng tác mới này. Dư luận chưa ngã ngũ thì nhà văn đồng quê Nguyễn Ngọc Tư lại mang đến Cánh đồng bất tận như một “cơn gió mới” trong văn học. Chỉ trong hai ngày đầu phát hành, 5.000 bản sách này đã được bán sạch.
Làm nên những con số kỷ lục này là sự cộng hưởng giữa nội dung tác phẩm và một công nghệ, tạm gọi là công nghệ lăng xê, đang nhen nhúm trong thị trường sách Việt
“Lăng xê” bằng phương tiện truyền thông
Chọn đúng thời điểm phát hành và dùng phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công việc phát hành là phương pháp “lăng xê” hữu hiệu nhất của giới phát hành sách, kể từ khi Luật Xuất bản 2004 ra đời, cho phép tư nhân liên kết xuất bản được công khai đứng tên chung trên ấn phẩm.
Trước đây, thị trường sách Việt Nam không thiếu những đầu sách nhật ký chiến tranh có giá trị như Nhật ký Chu Cẩm Phong ... Nhưng đến khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi được trích đăng nhiều kỳ trên báo và được Đài Truyền hình Việt Nam khai thác, độc giả mới bắt đầu chú ý. Những trang viết mang nhiệt huyết của lớp trẻ trong chiến tranh đã được giới thiệu bằng những lời lẽ tinh tuý nhất. Tiếp đó, hàng loạt những chương trình truyền hình trực tiếp trên cả nước được tổ chức như Mãi mãi tuổi hai mươi, Ngọn lửa tuổi trẻ... đã thực sự gây được tiếng vang cho hai quyển nhật ký “có lửa” này. Những trang viết đầy ắp hành động cụ thể, ước mơ cụ thể đã thực sự thu hút bạn đọc. Những người đã đi qua chiến tranh đọc để tìm lại mình, người sinh ra và lớn lên trong hoà bình tìm đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi để thấy được hình ảnh con người tuổi trẻ trong chiến tranh.
Có thể nói, dựa trên sức mạnh của các phương tiện truyền thông và những hoạt động mang tính phổ biến xã hội đã góp phần đẩy con số phát hành hai tác phẩm này tăng cao đến bất ngờ.
“Lăng xê” bằng hiện tượng gây “sốc”
Nếu Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi gây chú ý và được mọi người thừa nhận giá trị trong việc đốt lên nhiệt tình của sức trẻ thì cũng có những tác phẩm Việt tạo dư luận bằng cách gây “sốc”.
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu thực chất không có gì mới. Nhưng trong sự “hiền lành” cố hữu của văn học Việt Nam, những trang viết có bóng dáng tình dục và sự “nổi loạn” lại được một nữ tác giả trẻ thể hiện đã được những người làm sách nắm bắt và kịp thời thổi thành dư luận. Buổi ra mắt “đình đám” của Bóng đè và những tranh cãi của những nhân vật có tiếng trong làng văn nhiều kỳ trên mặt báo cũng gây nhiều tò mò cho người đọc. Tên tuổi tác giả và tác phẩm này càng được đánh bóng bằng những phát biểu gây “sốc” của chính tác giả khi ca ngợi về...bản thân trên báo chí. Tất cả đều nhắm vào việc khuấy động dư luận, tạo tiền đề để người đọc tìm mua.
Khác với Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều lời khen hơn phê phán. Những độc giả đã quen với lối viết mộc mạc của Nguyễn Ngọc Tư dường như bị bất ngờ vì chị lại chọn vấn đề gai góc và nhạy cảm như vậy. Theo chính tác giả, Cánh đồng bất tận cũng chỉ là một cuộc xen canh, một lần làm mới mình. Rồi chị cũng sẽ quay về với những trang viết “hiền hiền” như vốn có. Nhưng chính những thể nghiệm mới của chị đã được giới làm sách lẫn báo chí “lẩy” ra đúng vấn đề mà người đọc đang quan tâm. Đồng thời, sự chú ý của dư luận cũng được gom thành một diễn đàn nhiều kỳ. Khi dư luận quan tâm, sách mới bắt đầu được xuất bản và hiển nhiên chúng được độc giả tìm mua. 5.000 bản Cánh đồng bất tận bán hết trong 3 ngày là điều dễ hiểu.
Dù những “thủ thuật” lăng xê sách độc đáo đến mức nào thì điều quan trọng vẫn là người đọc có chấp nhận hay không. Mà người đọc thì luôn biết đào thải những giá trị không phù hợp. Thành công của các đầu sách bán chạy trong năm 2005, có góp phần của “công nghệ lăng xê”, đã chứng tỏ văn hóa đọc của người Việt không mất đi. Điều quan trọng là tác phẩm cung cấp gì cho người đọc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu