Biết khó, làm dễ
Bài viết từ hơn 60 năm trước mà đọc vẫn thấy như bàn chuyện bây giờ. Có thể những chuyện trì trệ ở Trung Quốc và ở nước ta không phải chỉ đơn thuần là do quan niệm sai lầm “biết dễ làm khó” mà có nhiều nguyên nhân quan trọng khác nữa, nhưng quan niệm ấy quả vẫn còn tác dụng tiêu cực cho đến bây giờ. Người ta nói nhiều nguyên nhânthiếu thông tin, thiếu hiểu biết gây ra các tổn thất này nọ, nhưng cái sự “thiếu” ấy vốn có gốc rễ ở thói quen lâu đời coi thường tri thức. (V. T. Nguyễn)
"Biết thì dễ nhưng làm thì khó”, đó là một câu đầu lưỡi của người nước ta và người Trung Quốc - câu ấy biểu hiện một quan niệm in sâu trong óc của ta.
Theo ý Tôn Văn thì quan niệm ấy là một trở lực đã làm cho văn minh nước Tầu phải ngừng lại trong hai nghìn năm không tiến được! Và muốn cứu thoát đồng bào khỏi cơn tê liệt ông đã xướng lên một thuyết trái hẳn là “Biết thì khó mà làm thì dễ”.
Thoạt tiên ông lấy rất nhiều thí dụ để chứng minh thuyết của mình là đúng… (Chúng tôi xin lược bớt đoạn văn nói về ba thí dụ: người ta ai cũng ăn, nhưng ít người biết được tri thức về tiêu hóa, ai cũng tiêu tiền nhưng ít người hiểu được tri thức về kinh tế tài chính, ở Trung Quốc ai cũng làm thơ văn nhưng không có văn pháp. Kế đó là đoạn văn nói về nghị lực cần thiết cho cả biết lẫn làm).
Thuyết "biết khó làm dễ" của Tôn Trung Sơn phản đối hẳn quan niệm thông thường của người ta và vượt qua cả thuyết "Tri Hành hợp nhất" của Dương Minh - Theo thuyết này thì biết mà không làm thì không gọi là biết được! Biết lại phải làm thì mới gọi là biết được.
Vậy thuyết Dương Minh cũng chỉ chú trọng về "làm" - Thế cũng đủ nhầm rồi.
Huống chi ở thế giới khoa học chuyên môn bây giờ, nếu bắt buộc một cá nhân cả biết lẫn làm thì sao đủ công sức nghiên cứu được - Thế giới càng tiến bộ công việc càng phải chia: nhà bác học tìm biết, nhà kỹ sư thi hành. Tri hành không thể hợp nhất được.
Chủ chương thuyết "biết khó làm dễ" Tôn Văn không có ý bắt buộc ai cũng phải biết rồi mới làm. Trong nước 400 triệu người, nếu ai cũng phải biết rồi mới làm thì đến bao giờ nước đổi mới! Đại đa số dân chúng, không biết cũng có thể làm được làm dưới sự hướng đạo của người biết.
Mà chính những người biết rộng cũng có khi cần phải làm, tuy rằng chưa biết như là thí nghiệm, thám hiểm…
Vậy thuyết "biết khó làm dễ” không làm nhụt chí những người muốn làm, trái lại rất khuyến khích. Quan niệm thông thường "biết dễ làm khó" có hai điều hại rất lớn: một là nhụt chí tiến thủ của người ta, hai là sai người ta khinh suất học thức, khoa học.
Hai cái hại ấy đã làm cho nước Tầu và nước ta tê liệt trong bao nhiêu năm lịch sử! Người thư sinh qua 15, 20 năm đèn sách, tốn phí biết bao tâm lực tốt nghiệp, ra đời - Sự khó khăn qua bao nhiêu năm học hành, không ai là không nhận thấy - Thế mà đến lúc sắp ghé vai vào gánh vác việc đời thiên hạ lại doạ rằng: "học thì dễ, nhưng ra làm khó lắm“. Những câu doạ ấy thường lại chính những người tiền bối nói ra, những người đã đi qua con đường mình đi; như thế thì tài nào mà hậu sinh không nhụt lòng.
Đã nhụt lòng thì không đủ can đảm, không hăng hái thi thố sở học, sở kiến của mình (lược một đoạn)...rồi rút cục có học có biết cũng như hạng vô trí thức. Thật đáng tiếc!
Trái lại, những bọn vô trí thức gặp lúc may mà thành công thì lại càng kiêu hãnh, càng tự thị ở thủ đoạn "không cần biết mà làm được”.
Không biết, không học mà làm thành công xưa nay vẫn có. Hoặc vì tài năng xuất chúng, hoặc vì may mắn. Nhưng vì may mắn nhiều hơn. Tự thị ở cái may mà khinh suất học thức, đó là một quan niệm trái với lẽ phải, với khoa học. Quan niệm ấy là quan niệm [của] những người quen thói ỷ lại, không có chí tiến thủ, không hay suy xét tìm tòi. Vì quan niệm ấy mà nước Tàu bị tê liệt trong hai nghìn năm. Từ đời Châu, Hán, văn minh Trung Quốc đã tới cực điểm. Các thú thực phẩm, y dược cùng các 1 thứ chế tạo đã có sẵn sàng từ đời ấy. Các đời sau chỉ ỷ lại vào công cuộc của tiền nhnhân đã tìm ra. Vì thế có địa bàn mà không biết tìm ra điện, có thuốc pháo mà không biết chế khí giới, có than đá mà không biết dùng về kỹ nghệ, có thuốc hay mà không biết trị bệnh minh bạch...
Quan niệm "biết dễ làm khó" đối với nước ta cũng hại như thế mà đến ngày nay vẫn còn di độc. Trong lúc gián thời, tinh thần khoa học chưa phổ thông được, quan niệm ấy đi đôi với sự khinh suất học thức, đã đào tạo trong khắp các giới những nhân vật đáng thương.
Về phương diện khoa học chuyên môn, có biết bao nhiêu người làm thuốc vô học mà tự chiếm là giỏi hơn bác sĩ tốt nghiệp trường y học; biết bao nhiêu người thầu khoán cậy giỏi hơn kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Nhưng vì quan niệm "biết dễ làm khó” đã in sâu vào óc dân chúng, nên còn lắm người vẫn tin họ.
Về phương diện kinh tế cũng vậy; trừ một vài người có thiên tài xuất hiện chốc lát, ngoài ra trong trường kinh doanh, hầu hết chỉ thấy hạng đục nước béo cò. Có đâu là nền nếp kinh doanh, có đâu quy mô thực nghiệp! Vì thế nên không thấy có hội buôn nào, hoặc công nghệ nào được lâu dài. Lầu kinh tế nếu không xây trên một nền móng học thức thì không thể vững được.
Mà đến cả trường chính trị cũng thế: quan niệm "biết để làm khó" cũng có dấu vết rất rõ ràng.
Đã đành trong lúc giao thời, người ta không thể đợi "biết" rồi mới "làm", vì chưa ai "biết" cả. Nhưng phải nhớ rằng có "biết" thì "làm" mới công hiệu; vậy phải chú ý đào tạo lấy người "biết", và nhất là phải trừ diệt cái quan niệm sai lầm "biết dể làm khó". Và trái lại, ta phải in sâu vào óc mọi người rằng "về mọi sự, biết khó mà làm dễ".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý