Hiệu ứng điện thoại và văn hoá đọc
Một người bạn tâm sự với tôi: "Là người làm việc trong ngành văn hóa, mình biết rằng đọc sách rất có ích. Nhưng không hiểu sao mình cảm thấy rất nản. Đọc sách, nhất là các loại sách nghiên cứu, đối với mình chẳng khác gì tra tấn. Có những cuốn sách được cả thế giới ca tụng, nhưng mình vẫn không sao đọc hết".
Chắc chắn bạn tôi không phải là người duy nhất có băn khoăn ấy. Rất nhiều tác giả đã viết hoặc nói về sự xuống cấp của văn hóa đọc. Cách đây ít năm, nhóm "Sách hay" đã tổ chức cả một hội thảo với chủ đề "Người Việt có mê đọc sách?". Chắc chắn những người làm giáo dục là những người trăn trở nhất. Bởi lẽ, nếu người thầy không ham mê đọc sách thì sẽ chẳng bao giờ ra thầy, còn người học không ham mê đọc sách thì sẽ mãi mãi chỉ là người học gạo mà thôi.
Tại sao rất nhiều người Việt Nam không có niềm ham mê đọc sách? Làm thế nào để khơi dậy niềm ham mê ấy?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc đến cái mà tôi gọi là "hiệu ứng điện thoại". Nếu trong thành phố chỉ riêng bạn có điện thoại, thì cho dù đắt tiền đến mấy, công nghệ cao đến mấy, chiếc điện thoại đó vẫn chỉ là một vật vô dụng mà thôi. Nếu trong thành phố chỉ có vài chiếc điện thoại, nó cũng chẳng có thêm bao nhiêu công dụng. Chiếc điện thoại chỉ thực sự có ích khi trong thành phố có hàng ngàn, hàng trăm ngàn thuê bao. Và đến lượt nó, tiện ích của chiếc điện thoại khi số lượng thuê bao đủ lớn lại trở thành động lực thúc đẩy nhiều người khác gia nhập cộng đồng những người dùng điện thoại.
Tương tự như vậy, một cuốn sách dù hay, dù cao siêu, khi đứng độc lập cũng chẳng có mấy giá trị. Bất kỳ cuốn sách nào cũng chỉ thực sự có giá trị khi nó nằm trong - và gắn liền với - mạng lưới những tri thức của nhiều người, nhiều ngành, thuộc nhiều quốc gia và nhiều thời đại khác nhau. Mỗi cuốn sách đều có các tiền bối, những kẻ đồng thời, những bè bạn và kẻ thù của nó. Điều này đúng với mọi cuốn sách nhưng chúng ta có thể cảm nhận một cách đặc biệt rõ ràng khi đọc một cuốn sách triết học. Nói vắn tắt, để hiểu và yêu thích một tác phẩm, nhất là tác phẩm nghiên cứu, chúng ta cần phải có hiểu biết ít nhiều có hệ thống về lĩnh vực liên quan, cho phép ta định vị tác phẩm trong mạng tri thức chung và chuyên ngành.
Thư viện dù nhiều sách đến đâu chăng nữa cũng trở nên vô nghĩa nếu thiếu vắng người đọc
Hiệu ứng điện thoại cũng khá hiệu quả để giải thích sự kích thích, nuôi dưỡng và phát triển niềm ham mê đọc sách: Càng đọc nhiều, càng đọc có hệ thống, chúng ta càng thích thú với những cuốn sách mới. Về nguyên lý của hiện tượng này chúng tôi đã phân tích khá kỹ trong cuốn "Văn chương như là quá trình dụng điển". Đọc một cuốn sách, nói cho cùng, là giao tiếp với nó. Trong những trường hợp may mắn, cuốn sách trở thành một người bạn tinh thần, trong trường hợp không may, cuốn sách có thể trở thành một kẻ chúng ta căm ghét. Nhưng nói chung càng đọc nhiều, chúng ta càng có nhiều người quen. Việc đọc một cách hệ thống và có phương pháp sẽ giúp chúng ta phân loại những người quen đó, giúp chúng ta chủ động khi gặp lại họ khi đọc những cuốn sách mới. Dù yêu hay ghét, họ cũng khiến ta quan tâm hơn: Ít ra thì họ, những cuốn sách ấy, những người quen tinh thần ấy, cũng có một người quen chung, đó là cuốn sách mới.
Những điều trên đây hàm ý điều gì? Chắc bạn đọc đã đoán ra: ham mê đọc sách, hay nói rộng hơn là văn hóa đọc, được tạo nên nhờ hai yếu tố: thư viện và sự đọc.
Một thư viện tốt là điều kiện tiên quyết đối với niềm đam mê đọc sách của cá nhân và đối với văn hóa đọc. Khi nói "một thư viện tốt" tôi không muốn nói rằng đó là một thư viện to đẹp hay có thiết bị hiện đại - mặc dù nhà cửa to đẹp và thiết bị hiện đại có thể ít nhiều tăng hiệu quả sử dụng của thư viện. Một thư viện tốt trước hết phải là một thư viện phong phú và đa dạng về tài liệu. Càng nhiều tư liệu càng tốt. Cả hay lẫn dở. Một thư viện lý tưởng phải chứa đựng tất cả những gì nhân loại từng viết ra.
Nói đến yếu tố thứ hai là nói đến giáo dục. Người thầy, dù ở trường hay ở nhà, phải trang bị cho học sinh những kiến thức đủ rộng và đủ sâu. Nói cách khác, phải giúp các em làm quen với những cuốn sách nền tảng, theo một trình tự hợp lý, cho phép các em định vị được tác phẩm cần đọc trong mạng tri thức rộng lớn hơn. Bằng cách đó, người thầy cũng giúp các em mở rộng dần mạng tri thức cá nhân, nhân lên niềm đam mê đọc sách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn