Giới trẻ - cái tôi và những căn bệnh tâm lý
Thế giới của giới trẻ Việt Nam hiện nay khác rất xa với thế hệ cha mẹ của họ. Nhu cầu vật chất cao hơn, đời sống tiện nghi hơn và cái tôi của họ cũng phô bày thô bạo hơn.
Giải thích và phân tích xu hướng này từ góc độ tâm lý học là một phần nội dung cuộc trò chuyện giữa KH&ĐS với TS Tâm lý học Lương Cần Liêm.
Bên cạnh chứ không phải trong cộng đồng
Thưa ông, ông hình dung về bức tranh tâm lý giới trẻ Việt Nam hiện nay thế nào?
Tôi đang vừa chạy vừa tìm hiểu giới trẻ. Tìm những móc nối mới của giới trẻ mà giới bố mẹ chưa giải đáp được. Tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ.
Tốc độ sống của thanh niên Việt Nam nhanh hơn với những yêu cầu cao về đời sống vật chất, có khi cao hơn cả đời sống tinh thần. Mô hình đời sống kinh tế và xã hội phát triển quá mới mẻ so với mô hình của bố mẹ để lại.
Trong tâm lý truyền thống, người Việt Nam luôn đặt vị trí mình vào vị trí của người khác. Trong khi hiện nay giới trẻ lại muốn được đặt bên cạnh cộng đồng, chứ không phải trong cộng đồng nữa.
Từ góc độ tâm lý học, ông giải thích điều này thế nào?
Khi mở cuốn từ điển tâm lý học của Viện Tâm lý, tôi không tìm thấy mục từ “tôi”. Điều này làm chính tôi cũng bối rối. Cái tôi trong truyền thống Việt Nam đi chung với chúng tôi. Trong cuộc sống phát triển, thậm chí giới trẻ quan niệm cái tôi đối chọi với cái chúng tôi.
Xu hướng quan hệ tình dục sớm, ăn mặc phô diễn cơ thể, bạo lực, trầm cảm... đang trở thành trào lưu và dường như người lớn đã bắt đầu chấp nhận dần những việc đó sau một vài vụ xì căng đan. Đây có phải là những xu hướng thường thấy ở các nước đang phát triển không?
Không hẳn như vậy
Phải chăng những khuôn mẫu đạo đức đang trở nên lỏng lẻo nên giới trẻ không có được ý thức về bản thân cũng như ý thức đạo đức? Nên để những cá tính hay cái tôi bộc phát mạnh như vậy?
Đúng là có vấn đề đạo đức. Những vấn đề đạo đức thường đi sau những vấn đề kinh tế xã hội. Từ đạo đức sẽ vào khuôn một lối sống, phong cách... và những cái khác nữa.
Hiện nay, những hiện tượng tự kỷ, trầm cảm, đồng tính... thường gặp ở những cộng đồng giới trẻ. Đây có phải là những yếu tố không lành mạnh của xã hội?
Tôi lại cho rằng đó là những yếu tố lành mạnh của xã hội. Một xã hội mà con người có thể nói cái đặc thù, đặc tính của mình thì đó là một xã hội đa dạng. Mà xã hội chấp nhận như thế là một xã hội phong phú.
Blog để thỏa mãn sáng tạo
Tuy nhiên người lớn rất khó xem đây là điều bình thường?
Vâng. Đúng vậy. Xem sự khác biệt là vấn đề bình thường là điều khó trong xã hội. Nhưng chấp nhận cái khác biệt không có nghĩa coi chúng là bất bình thường. Ví dụ một người bố hút thuốc lá, vẫn biết là hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ nhưng vẫn hút. Nhưng đứa con hút thì lại mắng nó, coi nó là không bình thường. Đó là những mâu thuẫn bình thường trong xã hội.
Liệu có phải sự xuất hiện và phát triển của internet là một trong những “động lực”, nguyên nhân tác động và gây ảnh hưởng lớn đối với sự thay đổi này của giới trẻ?
Internet là một nguồn tin tức, cũng là một thế giới ảo. Nhưng thế giới ảo đó là một không gian có vẻ tự do và có nhiều thứ hỗn độn với nhau. Điều đặc biệt của thời đại này là cuộc sống vừa có thế giới ảo, vừa có những thực tế. Thế giới ảo vừa là không gian tự do vừa là cái tốt vừa là cái bẫy cho thanh niên khi quá xa rời thực tại.
Ông giải thích thế nào về việc giới trẻ Việt Nam đang say sưa viết blog (nhật ký cá nhân trên mạng)?
Từ góc độ tâm lý, tôi thấy vấn đề không gian cho giới trẻ Việt Nam sáng tạo là rất thiếu. Họ tìm đến blog - thế giới ảo để thỏa mãn sự sáng tạo của mình. Theo tôi thì hiện nay blog là không gian tưởng tượng duy nhất cho phép giới trẻ thoải mái nói về cái tôi của mình.
Còn một lý do nữa là blog tạo ra một không gian không giới hạn trong khi từ trước đến nay, giới trẻ Việt Nam thường sống trong giới hạn là bố mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình đặt ra.
Có phải vì vậy mà nhiều phụ huynh và người lớn không hưởng ứng, thậm chí tỏ thái độ và quay lưng với thế giới mạng?
Có lẽ là vì những phương tiện kỹ thuật mới. Người lớn không tiếp cận được những kỹ thuật hiện đại. Khi họ không hiểu về nó họ trở nên ngại và lo lắng. Khi thấy giới trẻ làm một kỹ thuật mà mình không hiểu được thì đâm ra sợ, rồi nghi vấn đứa trẻ. Nói chung là người lớn cần cố gắng tin tưởng vào giới trẻ.
Theo ông, gia đình có vai trò như thế nào đối với sự thay đổi này ở giới trẻ?
Tốc độ xã hội Việt Nam đang biến chuyển. Trong vòng xoay đó, gia đình phải bảo vệ những đứa trẻ. Nếu chính gia đình cũng sợ xã hội đang biến đổi thì cái sợ của gia đình lại chuyển sang đứa trẻ. Tôi có cảm giác chủ quan là gia đình Việt Nam, sự trao đổi giữa thế hệ này với thế hệ kia không còn nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn