"Cái tôi" của người Việt Nam qua một giai đoạn phát triển
Những nghiên cứu về “cái tôi”, “tôi - không tôi”, “tôi - chúng ta”, “tôi - tôi”, cũng như tính cộng đồng và tính cá nhân đã được tiến hành trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Bằng phương pháp phân tích các cứ liệu ngôn ngữ(*), tác giả đã chỉ ra “cái tôi” - sự tự ý thức của mình trong quan hệ với người xung quanh. Qua đó, chúng ta cũng hiểu thêm về nhân cách người Việt.
“Cái tôi” của con người là một hiện tượng tâm lý, một hiện tượng xã hội. Về cơ bản, “cái tôi” có liên quan đến tự ý thức về những khác biệt giữa bản thân mình với những người xung quanh. “Cái tôi” nổi lên trước hết với tư cách là một chủ thể ý thức, chủ thể của các hiện tượng tâm lý trong một chỉnh thể thống nhất. Những đặc trưng nổi bật của “cái tôi” là chủ thể, tính ý thức, tính khẳng định. Đó là khởi nguyên, là sự bắt đầu của quá trình điều hoà hành vi bởi hệ giá trị, bởi các hiện tượng tâm lý và hoạt động tâm lý. Đó cũng là hạt nhân, là cái cốt lõi đầu tiên của con người, của động cơ người: Tại sao tôi hành động? Tôi hành động vì mục đích gì và tuân theo những giá trị gì?
Từ “cái tôi” bị che khuất…
Người Việt Nam từ khi biết nói đến khi trưởng thành ít xưng “tôi”. Phải chăng như thế là không có “cái tôi” và những người ở các nước khác do dùng đại từ nhân xưng “tôi” mà nghiễm nhiên đã có “cái tôi”. ở đây, chúng tôi muốn từ cách tiếp cận ngôn ngữ học để tìm hiểu những biểu hiện đặc thù của “cái tôi” ở người Việt Nam và sự phụ thuộc của nó bởi các quan hệ xã hội, các quan hệ người - người.
Từ lúc tập nói - theo truyền thống và giáo dục gia đình, đứa trẻ không tự xưng tôi, mà xưng và gọi người khác bằng vị trí và vai trò có trong quan hệ với nó. Đứa trẻ xưng là con, cháu, em… trong quan hệ với các thành viên trong gia đình. Với bạn bè cùng lứa tuổi, ở phạm vi gia đình, đứa trẻ mới xưng là “tao”, “tớ”, “choa” và gọi đối tượng giao tiếp là “bạn”, “cậu”, “mày”… Đằng sau vị trí và vai trò mà đứa trẻ tự nói ra là những quy tắc, quy phạm của hành vi ứng xử xã hội tương ứng. Đã là con, là em, là cháu thì phải ứng xử với vai trò, vị trí, vị thế đã được quy định trong quan hệ với mọi đối tượng. Giao tiếp với các thành viên trong gia đình, cũng như ngoài họ mạc, đứa trẻ được thừa hưởng những tình cảm yêu thương, đùm bọc, nâng niu dưới nhiều hình thức. Mặt khác, đứa trẻ cũng phải chấp nhận những thứ bậc được quy định theo huyết thống và bậc thang xã hội của nó, của bố - mẹ nó. Là con trưởng hay con thứ, là nam hay nữ, là cháu đích tôn hay không, là thành viên của chi trên hay chi dưới trong dòng họ…, tất cả đều gắn liền với quan hệ huyết thống và liên quan với nó là những quyền và lợi ích cụ thể. Thứ bậc huyết thống và xã hội đè nặng lên “cái tôi”. “Cái tôi” gửi gắm, phó thác và tan biến vào các quan hệ huyết thống, quan hệ xã hội, nên bị che khuất và lu mờ.
Những quan hệ giữa chủ thể và khách thể mang tính huyết thống không chỉ được mở rộng trong phạm vi một họ, một làng mà cả dân tộc. Trong giao tiếp với nhau, người Việt thường lấy danh từ chỉ họ hàng như bố, mẹ, chú, bác… để thay thế cho đại từ nhân xưng. Cách xưng hô bằng danh từ quen thuộc chứ không phải bằng đại từ được sử dụng rộng rãi trong phạm vi toàn xã hội. Điều này có tác dụng làm thân thiết hoá, gần gũi hoá các quan hệ người - người. Vậy là mô thức ứng xử trong ra đình được mở rộng và kéo dài đến phạm vi toàn xã hội. Người ta tự xưng hô và tự gọi nhau một cách tự nhiên bằng những từ bố, mẹ, chú, dì, anh, chị… Quan hệ giữa tướng và lính được ví như cha - con. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, các chiến sỹ đi khắp mọi miền của Tổ quốc, đến đâu họ cũng có các bà mẹ, các ông bố, các chị, các anh… Tình hình đó cho thấy, “cái tôi” dường như đã lẫn vào các quan hệ “máu thịt” của cộng đồng, vào khối đoàn kết của dân tộc. “Cái tôi” thiên về tình cảm hơn là về lý trí, thiên về phong tục tập quán hơn là về pháp luật, thiên về tâm lý xã hội hơn là hệ tư tưởng. Với quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, với nếp nghĩ “một người làm quan, cả họ được nhờ”, người ta ít ý thức về “cái tôi” của mình, do đó trở thành mờ nhạt, thấp thoáng trong quan hệ người - người trong xã hội.
Một xu hướng đã hình thành như là một nét truyền thống trong giao tiếp của người Việt từ xa xưa là các chủ thể thường tự gọi mình bằng các từ chỉ một vị thế thấp hơn với nghĩa khiêm nhường. Không kể quan hệ bất bình đẳng về vị thế, mà ngay trong giao tiếp rất thân mật, rất bình đẳng không quy định đẳng cấp xã hội và đẳng cấp huyết thống, người ta không muốn bộc lộ mình ở vị thế xã hội cao. Những người hát quan họ ở những làng kết chạ, kết nghĩa với nhau, khi tiếp xúc đều gọi nhau là “liền anh”, “liền chị” và ai cũng là “liền em” từ hai phía giao tiếp. Ngay cả những trí thức, những học giả ở những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong ngôn ngữ giao tiếp, trong những bức thư gửi cho nhau, họ vẫn theo xu hướng khiêm nhường, thông qua cách gọi khách thể bằng “đại ca”, “đại huynh” và tự xưng mình là “tiểu đệ”, “kẻ mạo muội này”… Trong cách xưng hô ấy, người Việt muốn biểu thị sự tôn kính, sự lễ độ và lòng khiêm nhường, đôi khi là sự khúm núm, nhu nhược, sợ hãi. ở đây, “cái tôi” (đã hình thành trong chủ thể ở một mức độ nào đó) vẫn không dám tự khẳng định trong đại từ “tôi” mà vẫn muốn hoà tan vào cộng đồng những người ở cạnh, không dám tách bạch để phân biệt với “mọi người”, theo châm ngôn “xấu đều còn hơn tốt lỏi”.
Hiện tượng gọi nhau bằng một tên chung vẫn duy trì cho đến ngày nay và chắc chắn sẽ còn được bảo lưu trong một thời gian lâu dài. Người ta đã lấy con số để gọi tên cho mỗi người. Tất cả những người con thứ đều được gọi theo thứ tự, chẳng hạn bằng chú Ba, dì Ba, và cứ như thế cho đến bác Mười, thím Mười… bên cạnh tên thật vốn có. Với cách giao tiếp đó, quan hệ người - người đã được “huyết thống hoá” trên một phạm vi rộng lớn của xã hội, một mặt nó làm thân mật hoá quá trình tiếp xúc, xoá đi bức rào về đẳng cấp, thứ bậc, tâm lý; mặt khác, nó cũng dẫn đến tính chất gia đình chủ nghĩa, làm cho “cái tôi” trở nên không xác định, không tách bạch. Chúng ta hẳn chưa quên tục gọi đứa trẻ bằng một tên gọi chung. Tất cả những bé trai khi sinh ra đều có sẵn một cái tên giống nhau là thằng “Cu”, thằng “Cò”. Tất cả những bé gái cũng có một tên chung không phân biệt để gọi là con “Thẽm”, cái “Hĩm”. Cái tên chung đó không chỉ được sử dụng trong giao tiếp cho mọi đứa trẻ, mà còn được dùng để gọi cả bố - mẹ chúng (anh Cu, chị Thẽm). Mặc dù đã có tên riêng từ lúc khai sinh nhưng đến khi bắt đầu lớn, đứa trẻ mới được gọi là tên chính thức, tên thật của mình. Tuy nhiên, tên thật đó cũng không hẳn là tên riêng của nó, vì nó còn dùng để gọi cả cha - mẹ, ông - bà nó. Đứa trẻ tên là Thành thì bố - mẹ được gọi là ông Thành, bà Thành; ông - bà nội thì được gọi là cụ Thành. “Cái tôi” như thế còn mang nặng tính cộng đồng và trở thành “cái tôi - nhà”. Về mặt sinh học, đứa trẻ đã là một thực thể liên đới và phụ thuộc ở một mức độ rất lớn. Thế nhưng “cái tôi” của nó vẫn chưa thực sự là “tôi”.
Chính sự hoá thân vào cái “ta” nói trên đã tạo ra sự giáo hoán dễ dàng trong nhận thức của người Việt giữa “tôi” và “ta”, “mình” và “ta” và sự phân tích khúc triết đâu là chính mình với cái ta ngay ở trong một tiếng “mình”, xa hơn là tiếng “ai” đang đòi hỏi được giải đáp. Đó là trường hợp cả chủ thể và khách thể đều lấy từ “ai”, từ “mình” để tự biểu hiện. Chẳng hạn như: “Ai về Đồng tỉnh, Huê cầu/Để thương để nhớ để sầu cho ai” hoặc “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”. Người ngoài cuộc giao tiếp chỉ có thể căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể mà xét đoán ai là chủ thể, ai là khách thể. Còn người trong giao tiếp thì dựa vào chỗ ai là người nói, ai là người nghe mà tự hiểu lấy. Đây cũng là một biểu hiện không xác định của “cái tôi”.
“Cái tôi” của chủ thể còn được thể hiện bằng vật đối xứng này trong quan hệ với đối xứng kia. Đó là những trường hợp như “trúc - mai”, “thuyền - bến”, “rồng - mây”, “mận - đào”. Thậm chí cả những cặp trạng từ chỉ địa điểm như “đây - đấy”, “bên này - bên kia”, “đằng này - đằng ấy”, “tấn - tần”… cũng được sử dụng để biểu trưng cho quan hệ chủ thể - khách thể. “Cái tôi” ở đây được bộc lộ một cách thi vị, một cách tế nhị, nhưng vẫn ở một vị trí đằng sau, bị che khuất, không muốn đứng soi đôi, không muốn cùng đối diện. Ngay cả quan hệ đã được thừa nhận cả về mặt tình cảm đạo đức và pháp lý như quan hệ vợ chồng, mà người ta vẫn không dám đi cùng với nhau ở những chỗ đông người.
Tuy vậy, “cái tôi” với cá tính và nhân cách của mình cũng được người Việt khai thác trong những tình huống giao tiếp nhất định, phần lớn là giao tiếp không chính thức. Chẳng hạn, khi cãi lộn, đánh chửi nhau, một đứa trẻ chưa hề được ai gọi là “bố”, là “ông”, là “cụ” nhưng nó vẫn nói kiểu như: “Lại đây bố mày bảo!”, “Đến đây ông mày dạy!”, “Để cụ mày dạy cho mày một bài học!” - những vị trí mà trên thực tế trẻ không có, nhưng chúng vẫn sử dụng để đề cao vị trí của mình. Hồ Xuân Hương cũng từng viết: “Lại đây chị dạy làm thơ” hay như Nguyễn Trãi từng nói: “Cho biết rõ cái thằng tao”. Đó chính là tự sự khẳng định lâm thời, có điều kiện, thiên về tình huống chứ không mang tính xã hội của “cái tôi” ở vị thế cao hơn hoặc ngang bằng. “Cái tôi” của người Việt trong quá khứ vẫn chủ yếu được gửi gắm, phó thác vào “cái ta” và “cái mọi người”. Không bộc lộ cá nhân, người ta nói: “Xấu đều còn hơn tốt lỏi”; không muốn tách biệt khỏi cộng đồng, người ta cho rằng: “Chết một đống hơn sống một người”; thiếu trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể, người ta biện bạch: “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình tôi đâu”… Còn biết bao nhiêu nếp nghĩ, nếp cảm nói lên sự hoà tan, cào bằng - nhân cách trong cộng đồng. “Cái tôi” chỉ biết phục tùng cái mà cộng đồng tuân thủ, chỉ biết bảo vệ cái mà mọi người giữ gìn, chỉ biết bắt chước cái mà các thành viên khác đang làm. Đó chính là dấu hiệu của cái tôi chưa phát triển.
Đến “cái tôi” tự khẳng định hơn
Với ảnh hưởng của các cuộc vận động xã hội của cách mạng, “cái tôi” ở người Việt Nam hiện nay đã có những biến đổi sâu sắc, được biểu hiện khá rõ rệt và rất đa dạng. Quá trình xã hội hoá cá nhân ngày càng nhanh, quá trình dân chủ hoá xã hội càng sâu sắc thì “cái tôi” ngày càng vững vàng và tự khẳng định mạnh mẽ.
Văn học Việt Nam từ thập kỷ đầu của thế kỷ XX đã bắt đầu đề cao cá nhân và đề cao sự giải phóng con người. Ngôn ngữ văn học, bên cạnh những đại từ nhân xưng vốn là những danh từ ngôi thứ ba như “chàng”, “nàng”, “anh”, “em”, “ta”, “mình”… đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng của “cái tôi”. Qua câu thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn”, có thể thấy một sự quá độ từ cộng đồng sang cá nhân, từ chỗ chưa xác định đến chỗ xác định. Với nhiều tiểu thuyết và thi ca khác, “cái tôi” xuất hiện nhiều hơn và rõ hơn. Cho đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Đường về thu trước xa xa lắm/Mà kẻ đi về chỉ một tôi” thì “cái tôi” ở đây mới được biểu hiện ra một bản chất đích thực của nó: tự ý thức, tự chủ, tự thân, tự khẳng định, độc lập, khác với người xung quanh, với đồng loại, đứng đối diện với mọi người, chứ không phải nép vào bên cạnh, đứng đằng sau người khác như trước đây. Từ chỗ chỉ dám dùng những từ “mình”, “ta”, “ai” không tách bạch, không xác định giữa chủ thể và khách thể đến chỗ “mà kẻ đi về chỉ một tôi” là một bước ngoặt lớn, một bước tiến trên con đường tự khẳng định, tự xác định, tự chủ của “cái tôi”. Như vậy, tự khẳng định, tự xác định, tự chủ, tự thân, tự ý thức về chính mình, về cá tính của mình đã có những biểu hiện rõ ràng hơn trong sự tiến hoá từ cá thể đến con người, đến cá nhân, đến cá tính và nhân cách. Đó cũng chính là nội hàm của khái niệm nhân cách.
Một số đặc điểm về “cái tôi” của người Việt
- “Cái tôi” hiện hữu không chỉ trong mỗi chủ thể cá thể, mà cả trong chủ thể tập thể. ở Việt Nam, có thể thấy các tầng bậc phát triển của “cái tôi - cá thể” và “”cái tôi - tập thể”. Nói cách khác, “cái tôi - cá thể” ở người Việt Nam không tách rời với “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước”. Đó là bốn chủ thể tập thể đại diện cho mỗi người cá thể. Chủ thể tập thể càng nhỏ thì tác động của nó lên mỗi thành viên càng lớn, càng trực tiếp và tính không chính thức càng nhiều. Sự thiếu hụt của “cái tôi - cá thể” được bù đắp bởi “cái tôi - tập thể”. Vị thế của “cái tôi - cá thể” lớn dần thì vị thế của “cái tôi - tập thể” nhỏ dần.
- “Cái tôi” ở người Việt Nam với tư cách là một chủ thể cá thể thường xuất hiện chậm. Nó chỉ là một cá thể mảnh mai, yếu ớt, bé nhỏ như cây sậy biết nói, như từng chiếc đũa trong một bó đũa. Nó bị che khuất, bị giấu kín, bị nhạt nhoà, ẩn nấp đằng sau những nhóm xã hội gần gũi nhất. Nó phải phụ thuộc, phải nương nhờ, phải trông cậy vào “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”. Các chủ thể tập thể này hình thành càng sớm, tồn tại càng lâu thì tính cách của nó càng ổn định, càng bền vững và sự chi phối, sự chế ước của nó đối với từng chủ thể cá thể càng mạnh, càng lớn, xét về mặt tích cực cũng như tiêu cực.
- Sự tồn tại lâu dài của “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước” là tất yếu và không thể tránh khỏi. Thiên tai và địch hoạ xảy ra liên tục từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ là những lý do khách quan làm cho “cái tôi cộng đồng” ưu trội hơn “cái tôi cá nhân”. Dẫu rằng từ trong bản chất, mỗi cá nhân đã là một đơn vị cuối cùng, là một đơn vị không thể cắt chia, nhưng nó vẫn chỉ là một thành viên của cộng đồng. Nó luôn được chủ thể tập thể động viên, khích lệ, duy trì, củng cố một tình cảm, một ý chí, một năng lực, một tính cách cộng đồng, nhân sức mạnh của mỗi cá nhân lên gấp bội trong cuộc sống và trong hoạt động cộng đồng.
- Những tiêu cực của “cái tôi - nhà”, “cái tôi - họ”, “cái tôi - làng”, “cái tôi - nước” bộc lộ ở chỗ nó kìm hãm, làm chậm sự phát triển của cá nhân, của “cái tôi - cá thể”. Do vậy, dẫn đến thiếu tự chủ, tự lập, trách nhiệm, sáng kiến, dũng cảm, quyết đoán cá nhân, luôn ỷ vào sức mạnh của số đông… là những đặc trưng mang tính phổ biến trong xã hội nông nghiệp cổ truyền. “Cái tôi” đích thực của mỗi con người, do đó xuất hiện chậm chạp, muộn mằn. Chỉ những khi không còn lối thoát, những lúc cùng quẫn như “con giun xéo lắm cũng quằn”, “cái tôi” của những người bị áp bức, bị bóc lột đến cùng cực mới vùng dậy, “một sống, một chết” với kẻ thù.
* V. Vundt, nhà tâm lý học người Đức giữa thế kỷ XIX đã nhận xét, biểu tượng chung của nhiều người, của một dân tộc người thể hiện trước hết trong ngôn ngữ, rằng ngôn ngữ hàm chứa những hình thức chung nhất, những biểu tượng từng tồn tại trong tâm hồn dân tộc. Từ những ý tưởng trên, tác giả đã sử dụng từ ngữ để phân tích “cái tôi” ở người Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn