Đất nước đặt hàng người trẻ
Ngày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
Người trẻ và người lớn
Những gương mặt Bùi Công Duy, người nước ngoài đầu tiên và duy nhất được chọn vào dàn nhạc thính phòng Virtuose Moscow danh giá nhất nước Nga; Phạm Thị Trang Nhung, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, người “tung hoành” khắp các hội nghị, diễn đàn thanh niên quốc tế; Hoàng Việt Anh, Giám đốc chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn FPT tại Singapore; Hoàng Minh Hồng, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất từng đặt chân đến Nam Cực… đang tạo dựng hình ảnh giới trẻ Việt Nam năng động và hội nhập, vượt lên chính mình và vượt lên cái bóng của thế hệ trước.
Thế nhưng, con số đó vẫn còn quá ít ỏi. Nhìn vào thế hệ trẻ hôm nay, những người đi trước: nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ, Đại sứ Nguyễn Trung… vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Nhận thấy sự phân kỳ rõ rệt trong giới trẻ, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đau đáu trước thực tế, vẫn còn nhiều người trẻ buông trôi, không nghĩ và không biết làm gì trước cuộc sống. Tư duy hành động đã nhiều hơn, nhưng vẫn chưa vượt được con số quá bán, dù là ở sinh viên, đối tượng được xem là tiên tiến trong thanh niên Việt Nam.
Trong khi trẻ 3 tuổi ở nhiều nước đã khẳng định cái tôi, có chính kiến, thì nhiều người trong giới trẻ vẫn chỉ “ru rú trong lớp học, trong không gian chật hẹp của mình, giam mình trong tư duy yếm thế, lệ thuộc vào tư duy người khác”.
Trong cuộc trao đổi với báo giới nhân dịp năm mới 2009, Đại sứ Nguyễn Trung từng chia sẻ mong muốn: “Trong tình hình “cái áo chật” của đất nước, trong tình hình kinh tế đất nước khát bỏng động lực phát triển, giới trẻ nước ta không nên và không được phép trẻ con quá lâu nữa - cũng có nghĩa là không được chậm lớn quá lâu!... Với đất nước đang trưởng thành, người trẻ phải sớm thành người lớn”.
“Xin giới trẻ hãy ý thức điều này: Làm gì thì cũng phải tự giải phóng mình ra khỏi cái bóng của chúng tôi – thế hệ đi trước, trước đã!
Xin hãy nhìn lại, cho đến đầu thế kỷ 19, Việt Nam đâu có thua kém gì Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... Thế nhưng hôm nay?...
Nền kinh tế đất nước đang ở tuổi hai mươi, nên được hiểu đó là đất nước đang tràn đầy đòi hỏi sức phát triển trong “cái áo chật”, mọi thế hệ già trẻ chúng ta hiện nay đứng trước nhiệm vụ phải mang lại cho nền kinh tế sức sống năng động, bền vững, trong cái “áo mới”. Ai phải làm nhiệm vụ của người nấy! Song cá nhân tôi gửi gắm trông mong rất nhiều vào các bạn trẻ”, Đại sứ Nguyễn Trung tâm sự.
“Vị trí của người trẻ chính là vị trí làm chủ cuộc đời mình và để từ đó có bản lĩnh làm chủ đất nước. Phải chiếm lĩnh vị trí này, chứ không phải chỉ có xác định!”
Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ bổ sung: “Không còn bị đóng khung trong quyết định của Nhà nước như thế hệ trước, ngày nay vận mệnh người trẻ nằm trong tay chính họ, tự phụ thuộc vào mình nhiều hơn”.
“Ngày này, cơ hội nhiều hơn và sự sàng lọc cũng kĩ lưỡng, thường xuyên hơn, ngay từ những việc bình thường. Nếu anh quét nhà không giỏi, thì dù muốn làm ôsin, anh cũng không thể làm được… Điều kiện cho tư duy phá cách, xé rào, vượt rào cũng lớn hơn và ít rủi ro hơn, có lí gì giới trẻ Việt Nam vẫn thụ động, yếm thế?!”.
Sự phát triển và hội nhập của đất nước, sự bùng nổ của thông tin đưa tầm mắt của người trẻ ra cả thế giới và đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Với tầm nhìn mới ấy, người trẻ sẽ chọn được ước mơ táo bạo, dám sống vì ước mơ táo bạo, ý chí lập thân, lập nghiệp bằng ước mơ táo bạo, ông Nguyễn Trung kì vọng.
Vị trí của tổ chức Đoàn?
Xã hội đang trong một vòng quay chuyển động với gia tốc lớn, liên tục. Đứng bên rìa vòng quay, hoặc anh sẽ bị xã hội cuốn phăng đi, không còn là mình, hoặc anh sẽ bị bật ra ngoài. Vậy Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nằm ở đâu trong dòng chảy sục sôi và đòi hỏi cấp thiết của thời đại với người trẻ? Là cánh tay nối dài của Đảng liệu có đủ?
“Tại sao thanh niên thời đại ngày nay không thể là những bộ não trẻ của Đảng? Tại sao thanh niên không thể là người tạo ra trong Đảng bầu nhiệt huyết mới, trẻ trung?”, Đại sứ Nguyễn Trung đặt vấn đề.
“Vận mệnh phát triển của mỗi người trẻ trong tay mình nhưng vận mệnh ấy không phải hoàn toàn chỉ do anh quyết định. Người trẻ cần sự tiếp sức, hỗ trợ từ các đoàn thể, hiệp hội”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Cuộc sống đòi hỏi người trẻ khẳng định cái Tôi, nhưng mối liên kết cộng đồng là cần thiết. Đó là cặp đối ngẫu. Chỉ theo cộng đồng, theo đuôi thì hỏng, nhưng chỉ có cái tôi cũng hỏng. Tập thể cần những cá nhân xuất sắc nhưng chỉ cá nhân xuất sắc mà không có cộng đồng cũng không thành công.
Mỗi người trẻ dựa vào thế mạnh của mình mà định vị vị trí trong cộng đồng, xem mình dựa vào cộng đồng cái gì và đóng góp cho cộng đồng cái gì. Ngược lại, cộng đồng, mà trước hết là tập hợp của người trẻ cũng phải nhìn ra người trẻ cần gì và tổ chức cần phải làm gì.
Mỗi cán bộ Đoàn nghĩ sao khi cứ kết nạp được 10 thành viên mới thì đồng thời, Đoàn cũng mất đi 6 nhân tố cũ? (con số được đưa ra tại Đại hội Đoàn toàn quốc vừa qua).
Mỗi cán bộ Đoàn nghĩ sao khi “có những thanh niên khi gặp khó khăn thì chưa đến với Đoàn và trong chừng mực nào đó, khoảng cách giữa họ và Đoàn chưa thực gần gũi. Đoàn chưa thực sự là người bạn tốt của thanh niên”, “chưa theo kịp sự phát triển của thanh niên, của đất nước”như trăn trở của Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng.
Không có ý làm thay, và cũng không đủ sức để làm thay các bộ, ngành, Đoàn đã định vị ra sao vị trí của mình trong người trẻ và trong sự phát triển của đất nước hôm nay?
Đất nước đặt hàng, trông chờ vào người trẻ, và người trẻ đang đặt hàng và trao trọng trách cho chính người đại diện của mình, người tập hợp lực lượng của mình: Đoàn Thanh niên.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn