Để người Việt trẻ trở thành "công dân toàn cầu"
Giới trẻ Việt cần gì để trở thành một công dân toàn cầu trong ngôi nhà chung của thế giới thời hội nhập? Quyền và nghĩa vụ của những người Việt trẻ trong thời đại mới? Bí quyết nào để thành công trong sự nghiệp? Đó là những vấn đề đã được các chính trị gia, nhà quản lý, doanh nhân, giảng viên ĐH chia sẻ với các bạn SV tại diễn đàn “Hội nhập và sự nghiệp của người trẻ tuổi” diễn ra vào tối 11/5 tại Hà Nội.
Quyền kinh doanh quốc tế và trách nhiệm giữ thương hiệu Việt
Mở đầu buổi toạ đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) chia sẻ về cơ hội của giới trẻ VN khi hội nhập quốc tế: “Cơ hội lớn nhất chính là khả năng tiếp cận với các nguồn lực trên thế giới.”
TS Dũng nhấn mạnh rằng, chúng ta có cơ hội rất lớn để tiếp xúc với các loại tri thức, từ tri thức khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, khoa học kinh doanh. Đặc biệt, ông nhấn mạnh những loại tri thức mà nhiều người trẻ tuổi còn rất mơ hồ, thậm chí chưa từng nghĩ đến. Đó là tri thức của việc quản lý tri thức, tri thức của việc biến tri thức thành tư bản, thành vốn, thành tài sản mang lại sự giàu có, thịnh vượng.
Cũng theo ông Dũng thì đi du học nước ngoài chính là một cách để người Việt trẻ tự biến mình thành công dân toàn cầu. Khi thế giới là ngôi nhà chung, các bạn trẻ càng có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội hiểu biết thế giới và cơ hội tận hưởng những thành tựu chung của thế giới.
Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Sỹ Dũng, TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn) chia sẻ quan điểm trong thời kỳ hội nhập, cơ hội và thách thức là 50-50.
“Các bạn trẻ có thể thưởng thức thành tựu văn hoá, thể thao, tham gia nghiên cứu khoa học của thế giới. Mặt khác, chúng ta cũng có thể đóng góp lao động trí óc, chất xám vào thị trường trong nước và quốc tế.”
Trả lời câu hỏi của bạn Kim Thoa (SV ĐH Bách khoa Hà Nội) về những quyền mà hội nhập quốc tế mang lại cho giới trẻ Việt, TS Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định trước hết đó là quyền được tự do lựa chọn, tự do tiếp cận.
TS Dũng nhấn mạnh hai khía cạnh. Thứ nhất, để thực hiện được quyền của mình thì những người trẻ phải có năng lực. Nếu quyền được tự do kinh doanh trên thị trường thế giới mở ra thì chúng ta phải có năng lực kinh doanh trên thị trường lớn đó. Quyền mở ra, cơ hội mở ra nhưng cơ hội có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi người và trình độ.
Vì thế, ông khuyên các bạn trẻ phải học để nắm được quy luật, làm giàu tri thức và biết cách tổ chức công việc hay tổ chức kinh doanh.
Thứ hai là quyền luôn luôn đi với trách nhiệm. Những người trẻ có quyền tiếp cận với thị trường thế giới thì đồng thời phải có trách nhiệm cung ứng những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thế giới, những sản phẩm không làm mất thương hiệu VN. Đó là trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng.
Hoàng Mai Tuyết (SV năm cuối ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) lại đặt ra mối trăn trở về cơ hội mở ra với thanh niên nông thôn thời hội nhập.
TS Đặng Kim Sơn khẳng định thanh niên nông thôn gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận những cơ hội do hội nhập đem lại. Tuy nhiên, ông Sơn cũng kể một câu chuyện về cậu bé nghèo ở ngôi làng nhỏ của Hàn Quốc cách đây 40 năm. Bằng nghị lực và quyết tâm, cậu bé đó đã vượt qua khó khăn, tốt nghiệp ĐH và viết thư cho nhà vua Đan Mạch xin học bổng.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Chính sách phát triển nông thôn, được giữ lại làm giảng viên tại Đan Mạch nhưng chàng thanh niên đó quyết định quay về quê hương và sau đó trở thành cố vấn của tổng thống Hàn Quốc. Chỉ sau vài năm, ông đã giúp nông thôn Hàn Quốc có những bước phát triển thần kỳ.
Tuy khó khăn nhưng thanh niên nông thôn vẫn có cơ hội để tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế. Ông Sơn bày tỏ tin tưởng rằng ở VN hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ nông thôn giàu nghị lực như cậu bé Hàn Quốc cách đây 40 năm.
SVVN: Thiếu kỷ luật cả trên giảng đường và ngoài phố
“Có năng lực tư duy toàn cầu, chấp nhận thách thức, cạnh tranh, không ỷ lại vào “cọ xoè ô che nắng” trên con đường sự nghiệp.” Đó là lời khuyên đầu tiên mà bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm, dành cho giới trẻ Việt trong tiến trình hội nhập.
Cứ 5 năm là khối lượng kiến thức thế giới tăng gấp đôi. Vì thế người trẻ phải có năng lực nắm bắt và học hỏi từ thế giới. Song song với năng lực là quyết tâm theo đuổi thành công.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan thì điều đáng quý nhất của giới trẻ Việt là sự năng động, khôn khéo và khả năng thích ứng tốt với những chuyển động nhanh của đất nước và thế giới.
Nhưng nhược điểm của những người Việt trẻ là kỹ năng lao động và kinh doanh chưa có độ sâu, cái gì cũng thích học nhưng lại không tập trung vào một lĩnh vực nào. Trong khi đó các bạn trẻ nước ngoài khi đã tham gia vào lĩnh vực nào thì nắm rất vững kiến thức về nó. Chính điều đó tạo nên sự tự tin khả năng giải quyết vấn đề độc lập của họ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc các bạn trẻ VN không có được kỹ năng chuyên sâu là do thiếu kiên trì, “nhảy cóc” liên tục từ công ty này sang công ty khác chỉ vì một chút lợi trước mắt.
Cũng nói về nhược điểm của SV VN, ông Dennis Bisonnette (giảng viên người Canada của khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội) không ngần ngại nhận xét rằng: “Đó là sự thiếu kỷ luật cả trên giảng đường lẫn ngoài đường phố.”
Nhưng ông Dennis cũng rất tin tưởng vào sự thành công của những người Việt trẻ bởi “các bạn tràn đầy nghị lực và luôn chịu khó làm việc”.
Trả lời câu hỏi của một SV thuộc CLB Chứng khoán Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội về bí quyết thành công, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải bày tỏ quan điểm: “Trong kinh doanh, thành công và thất bại luôn đan xen.”
Ông Dương khuyên các bạn trẻ một mặt phải có chí tiến thủ, mạnh dạn, tự tin phát triển kinh doanh. Nhưng mặt khác phải thận trọng, rà soát từng bước đi để tránh sai lầm, hạn chế thất bại.
“Nếu thấy nguy cơ thất bại, phải chấn chỉnh ngay để nếu có vấp ngã cũng không ngã quá mạnh và vẫn có thể đứng dậy được.”
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015