Đồng lõa
Trong một bài trước, Thông Reo có nói: chúng mình ngày nay cần giải nghĩa quyển tự điển của mình lại một cách rõ ràng. Vì trình độ trí thức của thiên hạ ngày nay khác với ngày xưa, cho nên sự hiểu của con người nó cũng tiến hóa mà khác hẳn với ngày xưa nữa. Hai người nói chuyện với nhau, một người tân, một người cựu, cũng thời dùng một tiếng mà lại hiểu nó khác nhau. Vì vậy mà trong lắm câu chuyện, hai phái tân cựu khó mà hiểu nhau được.
Như hai chữ "đồng lõa", bây giờ đây thiên hạ dùng để chỉ những người có hiệp lực hay là đồng mưu với nhau mà làm một việc gì đó.
Trong xã hội ngày nay, cái ranh mực để phân biệt "phải, quấy" nó không rõ ràng. Sự phải quấy, nghĩa của nó tương đối làm sao! Nó do nơi thời gian, nó do nơi không gian, nó do nơi phương diện của người buộc tội. Thành ra mình khó mà định được sao là phải, sao là quấy. Sự ấy đã đành rồi.
Song, trong hai chữ "đồng lõa" cũng phải còn cái nghĩa "hiệp lực" hay là "đồng mưu" với người ta chớ.
Như người không làm gì hết, không dỡ lên một ngón tay, không nói ra một lời gì để giúp người; chí như đạo Phật kia cũng phải nhìn nhận là không thể buộc tội người ấy. Vì "nhơn" không có mà làm sao có "quả"? Mà đời nay, thiên hạ lại buộc tội người đó chớ.
Người buộc tội viện lý: "Thằng Mít nó hiếp đáp tôi. Tôi yếu sức hơn nó. Anh chắc rằng tôi phải. Hễ có anh bênh tôi, thì thằng Mít nó không dám đả động tới tôi. Anh lại làm lơ mà không giúp sức cho tôi. Anh không phải là đồng lõa với thằng Mít sao?".
Đứng về phương diện tiến hóa của xã hội, người buộc tội lại còn thêm: "Xã hội như một cái lực đi tới. Anh không động địa gì để giúp cái lực ấy. Anh chỉ ở không, làm nặng cho sự tiến hóa của xã hội như một cục chì. Tuy anh không làm gì hết, song xã hội bỏ anh chung với hạng người có ý làm trở ngại sự tiến bộ của nhơn loại kia".
Trong thế kỷ hai mươi này, thiên hạ nói : "Kẻ nào không thuận với ta là nghịch với ta".
Mà, ở trong thế kỷ thứ nhứt mà Jêsus cũng đã có câu: "Những kẻ không nghịch với ta, là thuận với ta".
Câu của xã hội ngày nay với câu của Jêsus ngày xưa, tuy mới xem qua như chọi với nhau, song cũng đồng có cái nghĩa này: "Người không làm gì hết, cũng là giúp sức cho, không việc này, thì việc khác".
Câu này là một câu kết luận bất ngờ cho cái thuyết "vô vi".
Vì Jêsus và thế kỷ hai mươi này đồng hiểu: "Sống là động". Cho nên không động cũng là trở ngại cho sự tiến bộ nữa.
Thông Reo nhớ ngày kia có một tờ báo ở Âu Châu đăng một cái thơ của một đồng nghiệp của mình gởi cho một nhà chánh trị. Thơ như vầy: "Thưa ông, tôi có hứa không đánh đổ những ý kiến sai lầm của ông trong lúc ông ra tranh cử hội đồng. Nay cuộc tuyển cử đã qua, chúng tôi đã nín thinh cho ông, xin ông nhớ lời hẹn của ông ngày trước".
Nhà báo viết thơ ấy không phải là đồng lõa với ông hội đồng kia sao?
Vì vậy mà Charles Péguy có câu: "Kẻ nào biết sự thật mà không la lớn nó lên, kẻ ấy là đồng lõa với bọn gian dối".
Trình độ của con người càng cao, sự hiểu của con người phải đổi theo; tâm lý và lương tâm của con người cũng đổi; thành ra thái độ của người đời nay đối với đời phải khác hẳn với thái độ của người đời xưa. Ấy là suy ở các gương của xứ người mà nói.
Đối với hai chữ "đồng lõa" hiểu theo đời nay, Thông Reo không biết lương tâm của người xứ Việt nó là thế nào?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý