Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo

Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright
06:28 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Ba, 2014

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế nhà nước có đủ năng lực để đóng vài trò chủ đạo này hay không?

Góp phần trả lời câu hỏi này, bài viết này sử dụng các nguồn số liệu thống kê chính thức để đánh giá mức độ sử dụng nguồn lực và đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thành phần quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, trong mối quan hệ so sánh với khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước (DNDD) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả thống kê được tóm tắt trong bảng dưới đây.

Chưa tính đúng, tính đủ

Về phương diện sử dụng nguồn lực, theo số liệu thống kê chính thức, tỷ trọng vốn đầu tư và tín dụng của khu vực DNNN đã giảm một cách đáng kể lần lượt từ 57% và 37% trong giai đoạn 2001-2005 xuống 45% và 31% trong giai đoạn 2006-2009. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chương trình cổ phần hóa DNNN, nhưng quan trọng hơn là do khu vực dân doanh đã lớn mạnh không ngừng kể từ khi ra đời Luật Doanh nghiệp 1999 và do dòng vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam cùng với tiến trình Việt Nam gia nhập WTO.

Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư và tín dụng theo số liệu chính thức chưa thực sự phản ánh đầy đủ thực trạng chiếm dụng nguồn lực của khu vực DNNN.

Về phương diện đầu tư, nhiều khoản đầu tư của Nhà nước cho các DNNN không nằm trong ngân sách, đồng thời nhiều khoản đầu tư của các DNNN, đặc biệt là của các tập đoàn và tổng công ty, được thực hiện qua các công ty con, và do vậy không được phản ánh một cách đầy đủ vào tổng đầu tư của khu vực này.

Bên cạnh đó, nhiều DNNN, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, hàng không, viễn thông, được sử dụng cơ sở hạ tầng từ nguồn đầu tư trực tiếp của Nhà nước.

Tương tự như vậy, về phương diện tín dụng, DNNN nhận được rất nhiều tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển trước đây và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay nhưng không nằm trong cơ sở dữ liệu của hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, tín dụng dành cho các công ty con, công ty sân sau (kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa) của nhiều tập đoàn và tổng công ty cũng không được thống kê đầy đủ.

Đấy là chưa kể đến một thực tế hiển nhiên là khu vực DNNN được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi so với các khu vực còn lại. Cụ thể là DNNN được Nhà nước cấp đất kinh doanh, hoặc nếu phải thuê thì với mức giá không đáng kể so với giá trị thị trường, sau đó được sử dụng đất thuê để thế chấp vay vốn ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân không có lựa chọn này. Các DNNN, với sự hậu thuẫn của Nhà nước, cũng được ưu tiên tiếp cận tín dụng (trong nhiều trường hợp thông qua tín dụng chỉ định) và ngoại tệ khan hiếm với giá thấp hơn giá thị trường.

Mức đóng góp ngày càng giảm

Mặc dù được biệt đãi về phương diện tiếp cận nguồn lực, đồng thời trong nhiều trường hợp được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, nhưng đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế lại rất hạn chế, không những thế lại đang trên đà đi xuống.

Thứ nhất, trong 10 năm trở lại đây tỷ lệ đóng góp của khu vực DNNN cho ngân sách nhà nước trung bình chưa tới 20% và ngày một giảm so với chính mình cũng như so với khu vực tư nhân (bao gồm khu vực DNDD và FDI). Nếu như trong giai đoạn 2001-2005, DNNN đóng góp 19,6% cho ngân sách, cao gần gấp rưỡi so với khu vực tư nhân, thì trong giai đoạn 2006-2009, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 17%, tức là chỉ bằng bốn phần năm so với khu vực tư nhân.

Thứ hai, đóng góp của khu vực DNNN vào GDP cũng đi theo xu hướng tương tự. Báo cáo của Chính phủ thường dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho rằng DNNN tạo ra khoảng 35% GDP của Việt Nam, nhưng điều này không chính xác vì 35% là tỷ lệ đóng góp của cả khu vực nhà nước - trong đó DNNN chỉ là một bộ phận.

Sau khi trừ đi GDP tạo ra từ các hoạt động của khu vực nhà nước nằm ngoài DNNN (như quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, hoạt động đoàn thể...) thì trong giai đoạn 2006-2009, khu vực DNNN trung bình chỉ tạo ra khoảng 28% GDP, giảm từ mức 30% của giai đoạn 2001-2005.

Hơn nữa, đóng góp của khu vực DNNN vào tăng trưởng GDP đã giảm từ mức 33% trong giai đoạn 2001-2005 xuống 19% trong giai đoạn 2006-2009, nguyên nhân là do tốc độ tăng GDP của khu vực DNNN giảm từ 7,6% xuống 4,0% - tức là chỉ bằng một nửa so với khu vực tư nhân.

Thứ ba, về phương diện lao động - việc làm, kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng lao động của khu vực DNNN giảm rất nhanh từ mức 44% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 24% trong giai đoạn 2006-2008. Không những thế, tỷ lệ tạo ra việc làm mới cũng giảm một cách tương ứng từ -4% xuống -22%, tức là DNNN không những không tạo ra việc làm mới mà còn cắt giảm lao động, do vậy đặt gánh nặng tạo việc làm mới hoàn toàn trên vai của khu vực tư nhân, chủ yếu là của khu vực dân doanh.

Đã đành việc cắt giảm lao động là hệ quả khó tránh khỏi trong quá trình cổ phần hóa DNNN, nhưng nếu DNNN thực sự ngày một lớn mạnh thì chúng cũng phải có khả năng tạo ra việc làm mới, một yêu cầu tối quan trọng đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh và có lực lượng lao động trẻ dồi dào như Việt Nam.

Thứ tư, nếu nhìn vào hoạt động sản xuất công nghiệp, lĩnh vực trung tâm trong chiến lược phát triển theo hướng công nghiệp hóa của Việt Nam, thì vai trò của khu vực DNNN cũng hết sức khiêm tốn. Nếu như vào năm 1995, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước và tư nhân là 50%-50%, thì đến năm 2009, tỷ lệ này chỉ còn là 20-80%.

Không những thế, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước (theo giá cố định) đã giảm từ 29% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 8% trong giai đoạn 2006-2009. Trong khi đó, đóng góp của khu vực dân doanh tăng từ 34% lên 46% trong cùng thời kỳ.

Thứ năm, có bằng chứng cho thấy các DNNN đóng góp một cách khiêm tốn cho kim ngạch xuất khẩu nhưng lại là nơi tạo ra một tỷ lệ lớn kim ngạch nhập khẩu. Vì các nguồn số liệu chính thức hiện nay không tách bạch số liệu xuất - nhập khẩu của khu vực DNNN và DNDD nên kết quả xuất - nhập khẩu của hai khu vực này chỉ có thể được ước tính một cách gần đúng. Cụ thể là sau khi trừ dầu thô, than và khoáng sản thì DNNN chỉ tạo ra khoảng 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về phương diện nhập khẩu, số liệu còn hạn chế hơn nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các dự án lớn như Dung Quất, Vinashin, và những hoạt động thâm dụng vốn và công nghệ (chủ yếu có được nhờ nhập khẩu) của DNNN thì tỷ trọng nhập khẩu của DNNN chắc chắn rất cao.

Kết hợp hai thực tế, một là khu vực FDI xuất siêu (nên khu vực trong nước nhập siêu) và hai là kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNN chỉ chiếm dưới 20%, trong khi nhập khẩu rất nhiều, có thể thấy rằng DNNN là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng nhập siêu ngày một cao ở Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa là một số vấn đề vĩ mô như thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và sức ép giảm giá tiền đồng Việt Nam sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không thay đổi chính sách buộc các DNNN trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn.

Bức tranh đã rõ

Những tính toán và phân tích trên đây cũng phù hợp với một số đánh giá trước đây về hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Theo bài “Đánh giá hiệu quả đầu tư” (2010) của tác giả Bùi Trinh, dù tính theo vốn đầu tư thực hiện hay theo tích lũy tài sản thì hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước cũng cao gấp rưỡi hệ số ICOR chung của toàn nền kinh tế.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong năm 2008, 56/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 15%, tức là thậm chí còn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong năm 2008 (là năm có chỉ số CPI trung bình lên tới 20%).

Điều này có nghĩa là nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ thua lỗ. Đồng thời, cũng có thể lập luận thêm rằng ngay cả khi những tập đoàn và tổng công ty có lãi thì chủ yếu nhờ vào sự bảo hộ của Chính phủ, nhờ vào vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, hay hàng rào thuế quan cao, và/hoặc được Chính phủ trợ cấp bằng vốn, đất đai, tài nguyên thiên nhiên rẻ, hay được ban phát các hợp đồng béo bở.

"Nhà nước nên từ bỏ quan điểm chọn trước một khu vực nào đó là “xươngsống” hay “chủ đạo”, bất chấp kết quả hoạt động của khu vực này, mà cầntạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng"

Nói tóm lại, khu vực nhà nước ở Việt Nam hiện chiếm hữu rất nhiều nguồn lực nhưng sử dụng chúng một cách kém hiệu quả, đóng góp rất khiêm tốn cho ngân sách, tăng trưởng GDP, tạo việc làm mới, phát triển công nghiệp, và xuất khẩu.

Trong khi đó, khu vực dân doanh hiệu quả hơn, đang ngày một trưởng thành và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế lại bị chèn lấn, thiếu nguồn lực, và phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Ở một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, luôn luôn khát vốn và có áp lực tạo việc làm mới lớn như Việt Nam thì năng lực sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là những tiền đề thiết yếu để giúp đất nước phát triển.

Để đạt được những điều này, trước hết cần từ bỏ quan điểm chọn trước một khu vực nào đó là “xương sống” hay “chủ đạo”, bất chấp kết quả hoạt động của khu vực này. Thay vào đó, Nhà nước cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp cho khu vực dân doanh ngày một trưởng thành tương xứng với tiềm tăng và những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế quốc dân.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyết làm, đừng nghĩ như… xưa

    03/03/2014Thế PhanSắp xếp, chuyển đổi sở hữu (DNNN) mà trọng tâm là cổ phần hóa DNNN được coi là xương sống của công cuộc đổi mới về kinh tế. Theo đó là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tính tự chủ. tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động đồng thời dần tiến tới hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý với các doanh nghiệp thuộc thành phần kình tế khác trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xung quanh vấn để này còn không ít lúng túng...
  • Doanh nghiệp nhà nước tăng, doanh nghiệp dân doanh giảm

    19/02/2014Nguyễn Tất ThịnhĐây không phải là hiện tượng mới lạ, lần đầu mọi người tiêu dùng mới nhận thấy…mà đã là thứ hiện tượng quen thuộc nhiều năm nay …. Thay vì mừng với sự giảm giá SP / DV của nhiều DN Dân doanh, thì đại bộ phân dân chúng lại cảm thấy ức chế mà buộc phải đi đến chấp nhận không sớm thì chiều sự tăng giá của một số Doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu nhưng hoạt động độc quyền trong lĩnh vực đặc biệt thiết yếu của đời sống và của nền Kinh tế Quốc dân như (Điện Nước, Xăng Dầu, Vận tải hàng không, đường biển )…
  • Kết luận về các bài học phát triển đất nước (phần 1)

    28/05/2011GS. Đặng PhongLenin nói: Tổ chức quyết định tất cả. Tổ chức được hiểu theo nghĩa: Là những thiết chế của toàn bộ xã hội từ trên xuống dưới, từ lĩnh vực này tới lĩnh vực kia, theo một mô hình như thế nào để toàn bộ các mối quan hệ có thể vận hành tốt nhất. Trong đó phải có cả những khích lệ thích đáng lẫn những răn đe và trừng phạt thích đáng. Một hệ thống mà khích lệ thói cơ hội, giả dối, kiêu ngạo… sẽ chỉ có thể là một xã hội trì trệ. Một hệ thống không đủ khả năng ngăn chặn những quyết sách sai lầm thì khó tránh khỏi hiểm họa...
  • Tiến lên chủ nghĩa xã hội từ phương thức sản xuất châu Á

    25/10/2010GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc LanhCông lao đương nhiên thuộc Stalin - lãnh tụ của đảng CS Liên Xô, của phong trào CS quốc tế, phong trào thuộc địa và phong trào Hoà Bình. Đảng CS VN đặt Stalin ở vị trí bất tử, ngay sau Mác, Enghen và Lê nin, nhất là khi tác phẩm Những vấn đề kinh tế của CNXH ra đời ...
  • Độc đoán, chuyên quyền làm đắm con tàu lớn (...)

    22/10/2010Chí TùngCon tàu lớn (...) quyết định làm theo ý mình**) là một việc cố ý làm trái với chỉ đạo của Chính phủ...
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • Một số luận điểm về phát triển kinh tế - xã hội trong cương lĩnh cần thay đổi và điều chỉnh

    16/10/2010TS. Hồ Bá ThâmCần đổi mới, thay đổi hoặc làm rõ hơn, các luận điểm, sau đây:
    - một trong những đặc trưng của CNXH là thiết lập quan hệ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu dựa trên một trình độ lực lượng sản xuất hiện đại.
    - về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
    - mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
  • Kinh tế tư nhân vẫn còn mờ nhạt trong cương lĩnh

    13/10/2010Phạm HuyênMột chiến lược về xây dựng, phát triển doanh nghiệp doanh nhân, thể hiện vai trò của khu vực này trong phát triển kinh tế cần được thể hiện rõ ràng hơn trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng...
  • Mệnh đề mâu thuẫn trong văn kiện Đại hội Đảng

    11/10/2010Cao Nhật ghiKhi Đảng chỉ đích danh một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp là "chủ đạo" thì việc "các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh..." sẽ không thể thành hiện thực...
  • Việt Nam – Một tương lai có thể dự báo

    09/10/2010Nguyễn Trần BạtXã hội của chúng ta trộn lẫn những mâu thuẫn giữa kinh tế với chính
    trị, giữa chính trị với xã hội, giữa xã hội với lịch sử... Do đó, sự dự
    báo có thể rất chủ quan nhưng các dự báo tự do mang tính chủ quan đó
    nếu nằm bên cạnh nhau sẽ tạo ra được khuynh hướng và quyết định tương
    lai của đất nước trong các khía cạnh cụ thể...
  • "Mỗi bước tiến của thực tế quan trọng hơn một tá cương lĩnh"

    03/10/2010Trần Đông thực hiện"Mỗi bước tiến của cuộc vận động thực tế còn quan trọng hơn là một tá cương lĩnh". Điều đó có nghĩa là Đảng ta nên tập trung trí tuệ và sức lực vào các bước tiến trong thực tế. Những bước tiến trong thực tế mới chính là cái mà nhân dân ta cần trong lúc này. Sỡ dĩ cần như thế là vì hiện nay màu xám của lý luận còn đang cách xa màu xanh của thực tế đất nước" - đó là những đóng góp xây dựng của GS. TS. Dương Phú Hiệp...
  • Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin

    26/08/2010Phùng Hoàng CơChúng ta hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì?
  • Tư sản hôm qua, hữu sản hôm nay

    20/08/2010Hân Hương thực hiệnTrong giới sử học, ông thuộc số ít viết sử kinh tế.GS Đặng Phong - tác giả của hàng chục ngàn trang sử kinh tế VN. Ông bảo: “Nền kinh tế miền Nam trước 1975 phồn vinh thật nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó”. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn GS Đặng Phong, thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội trong chuyên đề “Sài Gòn-TPHCM năm thứ 33: Nhận định bản sắc, phát triển tiềm năng”...
  • Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

    15/08/2006Anh ThưTham nhũng thường bắt đầu từ cái gốc là quyền lực. Một người tham nhũng được vì anh ta có quyền. Những người có sức, có quyền trong bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp nói riềng là địa chỉ dễ xảy ra tham nhũng nhất. Vì vậy, muốn phòng ngừa và chống được tham nhũng thì trước hết những người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền về mặt chủ quan phải gương mẫu và về mặt khách quan những người này phải được giám sát chặt chẽ trong thực thi công vụ...
  • Không thể tiếp tục xóa nợ cho doanh nghiệp Nhà nước

    09/12/2005Luật gia Vũ Xuân Tiến (Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam)Đã từ lâu, khi nền kinh tế nước ta chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tình trạng thua lỗ trong các DNNN đã xẩy ra nghiêm trọng. Vì thua lỗ trong kinh doanh nên rất nhiều DNNN không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp ấy, lẽ ra phải tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì người ta lại nghĩ ra và áp dụng một biện pháp thật hy hữu trong quản lý kinh tế, đó là: khoanh nợ, giãn nợ và xóa nợ cho những doanh nghiệp này.
  • xem toàn bộ