Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyết làm, đừng nghĩ như… xưa
Sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là cổ phần hóa DNNN được coi là xương sống của công cuộc đổi mới về kinh tế. Theo đó là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tính tự chủ. tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động đồng thời dần tiến tới hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý với các doanh nghiệp thuộc thành phần kình tế khác trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xung quanh vấn để này còn không ít lúng túng.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về kết quả hoạt động của 850 doanh nghiệp Cổ phần hóa đã hoạt động trên một năm cho thấy: vốn điều lệ bình quân tăng 44%, doanh thu bình quân tăng 23,6% lợi nhuận thực hiện bình quân tăng 139,76%, trên 90% số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kinh doanh có lãi, nộp ngân sách bình quân tăng 24,9%, thu nhập của người lao động bình quân tăng 12%, số lao động tăng bình quân 6,6% cổ tức bình quân đạt 17,11%.
Sau 14 năm khởi động chương trình này, chúng ta mới Cổ phần hóa được 3200 doanh nghiệp, chiếm 18% tổng số vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
Nhầm lẫn về khái niệm
Trên diễn đàn Quốc hội, khi nói về tiếên trình cổ phần hóa, một đại biểu đã hùng hồn tuyên bố: "Cổ phần hóa nhưng không được tư nhân hóa". Y kiến này không phải là chuyện lạ, nó phản ánh một tư duy khá phổ biến trong đông đảo cán bộ công chức hiện nay là sự định kiến với khu vực kinh tế tư nhân.
Vậy kinh tế tư nhân có tội tình gì? Là một thành phần kinh tế tồn tại cùng với lịch sử của loài người, kinh tế tư nhân đã chứng minh được sức sống mãnh liệt qua mọi giai đoạn lịch sử. Thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, chính là khi chúng ta chối bỏ nó, coi nó là mầm mống của bóc lột. Nhưng rồi, cái "mầm mống" mà chúng ta muốn triệt tiêu ấy đã không chết. Không những thế nó còn là một bộ phận quan trọng góp phần nuôi sống một nền kinh tê đang đứng trên bờ vực khủng hoảng. Khi bắt đầu công cuộc đổi mới, từ chối bỏ, chúng ta phải thừa nhận kinh tế tư nhân và coi nó là một trong năm thành phần kinh tế được hoạt động bình đẳng trước pháp luật.
Dẫu là thành phần kinh tế non trẻ sự đầu tư của Nhà nước là không đáng kể nhưng khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang đóng góp 20% cho nguồn thu của ngân sách và góp phần giải quyết việc làm cho 40% lao động trong xã hội. Hơn thế, kinh tế tư nhân là thành phần đang hoạt động trên những thị trường xương xẩu, những góc khuất mà doanh nghiệp Nhà nước không thể vươn tới. Với những công trạng ấy, kinh tế tư nhân xứng đáng được tôn vinh. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều lời tốt đẹp cho doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 13/10 là ngày mà Bác Hồ gửi thư cho giới công thương làm ngày doanh nhân Việt Nam. Thế nhưng hiện nay vẫn có người định kiến với doanh nghiệp tư nhân thì thật là chuyện lạ.
Đem điều băn khoăn này trao đổi với TS Nguyễn Văn Nam nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Chính phủ, ông Nam cho rằng, sở dĩ có hiện tượng này là do sự nhầm lẫn giữa tư lợi hóa và tư nhân hóa. Nếu lợi dụng việc cổ phần hóa để đánh giá thấp giá trị tài sản thực, cùng nhau chia lợi, thực chất là việc tư lợi hóa thì cần lên án. Còn tư nhân hóa là một quá trình đang diễn ra ở tất cả những nền kinh tế đang chuyển đổi.
“Lo chuồng mà chẳng lo bò"
Mục đích của quá trình cổ phần hóa là nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Muốn làm được điều đó, cần phải giải quyết dược hai vấn đề: Thứ nhất là huy động tốt nhất mọi nguồn lực tiềm tàng của đất nước cho tăng trưởng, Thứ hai là hiệu năng hóa hoạt động quản lý trong mỗi doanh nghiệp.
Để giải quyết được vấn đề thứ nhất huy động tất nhất mọi nguồn lực tiềm tàng cho mục tiêu tăng trưởng còn phải tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Ngoài việc thành lập doanh nghiệp mới, việc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp được cổ phần hóa là một cách quan trọng. Trong khi vẫn kêu thiếu vốn, nhưng sau khi cổ phần hóa, chúng ta vẫn khư khư ôm giữ 51%, không bán ra ngoài. Chính vì cách ứng xử này, những người có vốn đành ngậm ngùi đứng nhìn.
Với động cơ tốt là tạo điều kiện cho người lao động làm chủ nên chúng ta có chủ trương bán cổ phần ưu đãi cho người lao động. Tuy nhiên, hầu hết người lao động ở nước ta đểu chưa có tích lũy hay nói chính xác hơn là tích lũy chưa đáng kể. Thực tiễn cho thấy, sau khi được sở hữu một phần cổ phiếu trên giấy, phần đông họ bán lại cho người có tiền. Cách huy động vốn bằng cách bán cổ phiếu cho người không có tiền là không khả thi. Đây cũng chỉ là một biến tướng của sự quan liêu.
Mục tiêu của doanh nghiệp là sinh lợi chứ không phải là sở hữu. Chính vì sự nhầm lẫn về mục tiêu của doanh nghiệp nên hiện vẫn còn có nhiều ý kiến nhấn mạnh và coi trọng tính sở hữu của doanh nghiệp hơn là khả năng sinh lợi. Khả năng sinh lợi của doanh nghiệp gắn liền với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng sản phẩm hàng hóa cho thị trường, tăng khoản nộp cho ngân sách. Tăng nguồn thu cho ngân sách là cách duy nhất để Nhà nước tăng phúc lợi cho người lao động. Nếu nhấn mạnh tính sở hữu, không những mục tiêu về lợi nhuận không đạt được mà mục tiêu về phúc lợi cho người lao động cũng vô nghĩa. Đây là bài học cay đắng mà chúng ta đã phải trả trong mấy chục năm kinh tế quốc doanh.
Bình đã mới phải thay rượu mới
Như đã nói ở phần trên, để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế chúng ta phải hiệu năng hóa quản lý trong mỗi doanh nghiệp. Chính mô hình Công ty Cổ phần là cách quản lý, kiểm soát hiệu quả hơn các biện pháp quản lý hành chính các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.
Quá trình cổ phần hóa trong những năm qua phần lớn vẫn là quá trình khép kín. Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần. Một số lượng không đáng kể bán cho người lao động, sau đó được họ bán lại chui lủi ra ngoài. Mang tên là doanh nghiệp Cổ phần nhưng bộ máy quản lý vẫn vậy, người lao động vẫn vậy (không được sa thải). Bình tuy mới nhưng rượu vẫn thế. Có khác chăng là Nhà nước cử một số công chức đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị.
Trong khi đó, để hiệu năng hóa quản lý doanh nghiệp cần phải thu hút được những nguồn nhân lực cao ngoài xã hội vào bộ máy quản lý mới. Hơn thế, người quản lý cần phải được gắn chặt với lợi ích lâu đài của họ. Chính họ phải là người được hưởng lợi không chỉ từ đồng lương mà còn ở khả năng sinh lợi của mỗi đồng vốn, của cổ tức của sự tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Do chống lại quá trình tư nhân hóa, chúng ta đã không thể thu hút được những ông chủ thực sự sở hữu đồng vốn tham gia vào quá trình quản trị doanh nghiệp.
Một yếu tố khác làm tăng hiệu năng của doanh nghiệp là đội ngũ cán bộ công nhân viên. Thói quen bao cấp trong nhiều năm đã đào tạo ra một lực lượng cán bộ trong các doanh nghiệp theo kiểu công chức không dễ gì thay đổi. Muốn thay đổi phải có quá trình sàng lọc, đào thải. Những người trì trệ, không thích ứng được phải ra đi, nhường chỗ cho những người ưu tú hơn vào thay thế. Với mục tiêu đảm bảo việc làm cho người lao động đã vô tình chống lại quá trình sàng lọc ấy.
Một doanh nhân nói với tôi: doanh nghiệp không phải là nhà trẻ Trung ương, cũng không phải là cơ quan từ thiện. Đó là nơi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải cạnh tranh sống còn với từng đối thủ. Ai không thích ứng được với quá trình ấy sẽ phải ra ngoài. Tuy nhiên, cơ chế của chúng ta hiện nay đang chưa thực sự đáp ứng đầy đủ với quy luật thị trường, mặc dù, chúng ta đã là thành viên thứ 150 của WTO và lộ trình này là không thể thay đổi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân