Một số luận điểm về phát triển kinh tế - xã hội trong cương lĩnh cần thay đổi và điều chỉnh
Trong dịp góp ý vào Văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng thực sự đã có những ý kiến đề xuất mà tôi rất nhất trí và quả là chúng tôi cũng đã từng trăn trở suy nghĩ như vậy. Nhưng chúng tôi cũng có suy nghĩ khác về một số khía cạnh.
Tại sao cần những đột phá trong lĩnh vực kinh tế- xã hội về mặt lý luận?
Bởi vì:
1) Sau gần 25 năm đổi mới, cùng với những quan sát tình hình, kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội ở nhiều nước, đã chứng tỏ rằng có một số quan niệm mà chúng ta nêu ra trong nhiều năm đã không còn thích hợp, nó không được thực tiễn chứng minh là đúng và hiệu quả, thậm chí còn kìm hãm gây tác hại cho sự phát triển;
2) CNXH là vừa phủ định, vừa tiếp tục CNTB, chứ không phải quay lưng lại với CNTB, hoặc hoàn toàn khác CNTB. Một số quan niệm của của mô hình CNXH trước đây cũng đã ngày càng chứng tỏ là đã lỗi thời nhưng vì quan niệm nhận thức giáo điều nên không dám thay đổi hay điều chỉnh lại;
3) Quan niệm về phát triển nhân văn và quan niệm về CNXH cũng đang được đổi mới theo hướng CNXH hiện đại, chứ không phải CNXH cổ điển, cũ kỹ. Từ đó nhiều quan niệm và nội dung về CNXH và “thời kỳ quá độ” như cũ không còn sử dụng trong các văn kiện nữa.
4) Chúng tôi nhận thấy rằng, nước ta từ một xã hội thuộc địa - nửa phong kiến, sau khi thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân thì muốn tiến lên CNXH phải kinh qua sự xây dựng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (Hồ Chí Minh) tất nhiên là theo quan niệm hiện đại chứ không phải là “thời kỳ quá độ”.
5) Hãy từ thực tế, xu hướng các mô hình và tình hình biến đổi kinh tế xã hội ở các nước phát triển cao để suy nghĩ về đổi mới tư duy lý luận về CNXH và con đường, phương thức tiến lên hiện nay, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO.
Đúng là “không thể bỏ qua thực tế”, như tên một bài viết về chủ đề này (Vietnamnet). Chân lý nằm ở thực tiễn chứ không phải ở sách vở, kinh thánh.
Cần đổi mới, thay đổi hoặc làm rõ hơn, các luận điểm, sau đây:
Một là, một trong những đặc trưng của CNXH là thiết lập quan hệ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu dựa trên một trình độ lực lượng sản xuất hiện đại.
Hai là, về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
Ba là, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, phát huy vai trò của Nhà nước và Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dâ trong phát triển kinh tế xã hội.
Đây là những vấn đề lớn, khó cả, mỗi vấn đề có thể bàn đến hàng chục trang giấy. Nhưng không thay đổi hay điều chỉnh thì sẽ tồn tại những nghịch lý không giải được, lý luận một đường nhưng thực tế khách quan bướng bỉnh đi một nẻo.
Sau đây, phần tiếp theo của bài viết này mang tính tổng quát, những vấn đề đã nhất trí với các tác giả khác sẽ không luận giải nhiều nữa mà chỉ làm rõ thêm một số ý kiến riêng của chúng tôi.
Những quan niệm mới:
Vấn đề thứ nhất. Chúng tôi thấy rằng, sở hữu công cộng đối với tư liệu sản xuất chủ yếu trong CNXH đúng là tư duy kiểu cũ. Hơn nữa điều đó chỉ có thể là khi lên giai đoạn cao CSCN (xem thêm Vũ Quốc Tuấn trả lời phỏng vấntrên Vietnamnet).
“Việc vẫn xem kinh tế nhà nước (trong đó có doanh nghiệp Nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, theo tôi hiểu, là thuộc quan niệm cũ về chủ nghĩa xã hội trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu phải được thiết lập. Đây là một quan niệm không phù hợp với tư duy mới trong thời đại mới vì không nhất thiết phải có chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mới có thể xây dựng được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Vũ Quốc Tuấn)
Nhưng theo chúng tôi thực ra không thể có công hữu kiểu cha chung không ai khóc. Mà sở hữu xã hội theo quan niệm mới của CNXH là dưới dạng cổ phần liên hợp trong tập thể và cộng đồng hay nhà nước… tức sở hữu hổn hợp như thế là hình thái ưu thế. Đó mới là đặc trưng của CNXH kiểu mới như một tiến trình. Hình thái này bắt đầu trong quá trình phát triển từ chế độ dân chủ nhân dân (khái niệm, tiến trình ày thích hợp hơn là “thời kỳ quá độ”) lên CNXH, (xem thêm: Hồ Bá Thâm, Vấn đề là chủ nghĩa xã hội hiện đại chứ không phải là CNXH cổ điển, hoặc Cần sửa tên của Cương lĩnh, Chungta.com)
Cũng từ quan niệm này, hiện nay cần thay thế khái niệm, quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai sang sở hữu nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu về đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu chính quyền địa phương, sở hữu của tổ chức xã hội, sỡ hữu hỗn hợp…). Như thế dân mới là người làm chủ thật sự (ai cũng có tư cách pháp nhân, tư cách làm chủ) chứ không chỉ mang tính tượng trưng, chung chung như cũ. Điều này có nhiều tác dụng không những giải phóng lực lượng sản xuất trong nông thôn - nông lâm nghiệp mà cả chống tham nhũng lãng phí đất đai như hiện nay (xem thêm bài viết của TS. Nguyễn Quang A) PGS. Phạm Duy Nghĩa, GS.TS. Đặng Hùng Võ (Vietnamnet, chungta.com).
Vấn đề thứ hai là vai trò của kinh tế nhà nước và tập thể. Vấn đề là các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu phải được bình đẳng trước pháp luật và hoạt động theo cơ chế thị trường và luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Từ thực tế kém hiệu quả của kinh tế nhà nước và dù có ưu tiên, bao cấp thì vừa qua nó cũng không đóng được vai trò chủ đạo. Cho nên bỏ quan niệm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để tạo nền kinh tế thị trường đích thực và tính dân chủ pháp quyền của chế độ ta. Hơn nữa cũng bỏ quan niệm kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò nền tảng. Vấn đề là hệ thống luật pháp điều tiết như thế nào. Kinh nghiệm Thụy Điển cũng cho ta bài học này. Để có công bằng, họ không coi trọng lắm vấn đề sở hữu mà là vấn đề điều tiết thuế và phân phối (xem thêm: Hồ Bá Thâm, Di chúc Hồ Chí Minh và những mô hình CNXH, Chungta.com).
Đúng là “Một chế độ mà kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ lực vẫn có thể thực hiện được mục tiêu trên. Điều này đã thấy rõ ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Theo tôi, cần khẳng định dứt khoát "Kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu phát triển của nền kinh tế. Xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt đối xử; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô trong những lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh".( …). “Nếu muốn có những quả đấm thép, dẫn dắt nền kinh tế, "đấu đá" với nước ngoài thì tập đoàn phải đa sở hữu, có nhiều thành phần tham gia gồm Nhà nước, tư nhân và thậm chí là cả đầu tư nước ngoài. Cần lưu ý rằng tập đoàn hình thành một cách tự nhiên theo đòi hỏi của thực tiễn, chứ không thể ra đời một cách khiên cưỡng theo mệnh lệnh hành chính chủ quan”(Vũ Quốc Tuấn).
Vấn đề thứ ba là, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực ra đây là mô hình kinh tế thị trường xã hội - mô hình kinh tế thị trường hiện đại, vận dụng vào nước ta ngày nay. Mô hình, nấc thang này ở trình độ cao thì bản thân nó tạo khả năng và điều kiện khách quan cho tính chất và định hướng XHCN, hay thị trường XHCN.
Trong mô hình kinh tế thị trường xã hội - mô hình kinh tế thị trường hiện đại ở các nước TBCN phát triển cao, hay các nước dân chủ xã hội (chủ nghĩa xã hội dân chủ) thì một mặt bản thân nền kinh tế có yêu cầu phát triển bền vững, công bằng hơn, đồng thời sự điều tiết từ vai trò nhà nước pháp quyền và tác động của xã hội dân sự- dân chủ- văn minh về mặt xã hội (an sinh xã hội, phúc lợi xã hội) là rất lớn. Tức nó thai nghén, phôi thai hình thức và nội dung XHCN ngay ở đây chứ không phải chỉ định hướng XHCN từ bên ngoài.
Khi nền kinh tế thị trường tự do, và nhất là kinh tế thị trường còn thấp, mới hình thành như ở Trung Quốc hay nhất là ở VN thì ít hay chưa có có tiền đề định hướng XHCN từ bên trọng thì thường phải định hướng từ bên ngoài (nhà nước) nhiều hơn nên có khi lại làm méo mó thị trường. Bản thân trình độ kinh tế thị trường thấp như vậy thì ít có khả năng tạo nên tính chất XHCN từ bên trong nó. Cần thấy rằng nói chung, kinh tế thị trường hay thành phần kinh tế tư nhân thì có mặt thuộc về CNTB có mặt thuộc về giá trị nhân loại chung, giá trị XHCN nói riêng.
Theo chúng tôi hiện nay nên nói xây dựng “mô hình kinh tế thị trường xã hội”(hay kinh tế thị trường dân chủ nhân dân) thì dễ hiểu hơn, thực tế hơn, khi nói kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Vấn đề thứ tư là phát huy vai trò của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội.
Theo chúng tôi, để phát triển kinh tế thì rất cần nhà nước pháp quyền của dân-do dân và vì dân, gọi tắt là nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân (không cần dùng từ XHCN cũng đủ rõ). Việc sử dụng nhà nước pháp quyền tác động dến kinh tế là theo tư duy dân chủ pháp quyền: minh bạch, công khai, tôn trọng các chủ thể, bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử. Việc tạo nên môi trường như vậy sẽ là động lực phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Do vậy, phải tập trung cải cách thể chế kinh tế thị trường là đúng.
Với kinh tế thị trường thì vấn đề là phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội theo từng bước phát triển. Rất cần tăng cường vai trò, hiệu lực của nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân và xã hội dân sự (xã hội dân quyền) trong lĩnh vực rất quan trọng này. Và cũng chính từ vai trò của hai chủ thể này mà vừa huy động được năng lực đóng góp tài lực từ chủ thể thị trường và đấu tranh hạn chế sự lạm quyền và tính tự phát từ thị trường. Đồng thời, xã hội dân sự- xã hội dân chủ cũng vừa hợp tác với nhà nước vừa phản biện, giám sát sự lạm quyền của nhà nước.
Về nhà nước pháp quyền, hiện nay qua văn kiện Dự thảo trình ĐH 11 của Đảng về thực chất đã thừa nhận nguyên tắc “tam quyền phân lập” (phân hợp giám) khi nêu các nội dung về kiểm soát quyền lực giữa cac cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mà trước đây không giám thừa nhận, và bác bỏ, nhưng vẫn cần giám sát, phản biện xã hội từ xã hội dân sự. Đây là những thể chế văn minh, dân chủ hiện đại phù hợp với kinh tế thị trường xã hội, nền dân chủ pháp quyền hiện đại và cũng là bản chất nhân dân làm chủ của xã hội mới dân chủ nhân dân tiến dân lên CNXH kiểu mới.
Do vậy, cần xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự văn minh, tiếp tục cải cách cả hệ thống nhà nước hiện nay và cải cách cả hệ thống Mặt trận, đoàn thể xã hội hiện nay thành xã hội dân sự, mới có thể phù hợp với kinh tế thị trường xã hội ngày càng hiện đại có khả năng trở thành kinh tế thị trường XHCN khi có đủ điều kiện cần thiết trong tương lai.
Từ phân tích nói trên, chúng tôi đề nghị như sau:
1) Sở hữu xã hội theo quan niệm mới của CNXH là dưới dạng cổ phần liên hợp trong tập thể và cộng đồng hay nhà nước…, tức sở hữu hổn hợp như thế là hình thái ưu thế. Từ đó, hiện nay cần thay thế khái niệm, quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai sang sở hữu nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu về đất đai.
2) Bỏ quan niệm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để tạo nên kinh tế thị trường đích thực và tính dân chủ pháp quyền của chế độ ta. Hơn nữa cũng bỏ quan niệm kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò nền tảng. Nhưng cần cải cách để nâng cao sức mạnh, hiệu quả của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể theo tư duy mới hợp quy luật.
3) Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN thực ra đây là mô hình kinh tế thị trường xã hội – hướng theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại. Hiện nay nên nói xây dựng “mô hình kinh tế thị trường xã hội” (kinh tế thị trường dân chủ nhân dân) thì dễ hiểu hơn, thực tế hơn, khi nói kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, có thể sử dụng cả hai khái niệm này tùy theo trường hợp cụ thể.
4) Muốn thực hiện kinh tế thị trường xã hội thì phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội thì vai trò của nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân và xã hội dân sự rất quan trọng. Do vậy, cần tiếp tục cải cách cả hệ thống nhà nước hiện nay và cải cách cả hệ thống Mặt trận, đoàn thể xã hội hiện nay thành xã hội dân sự văn minh.
Theo thiển ý của chúng tôi, tinh thần này cần thể hiện trong Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới.
Vấn đề cuối cùng, là Đảng có thật sự cầu thị không, có dám đổi mới tư duy lý luận, khi đã lỗi thời và nhiều nhà khoa học đã bàn luận, cảnh báo hay không? Phải chăng mọi điều đã được định đoạt rồi như khá nhiều người, những cán bộ nhiều cấp đã nói toạc ra như vậy, dù trên diễn đàn chính thức những cán bộ cấp cao nhất vẫn cho rằng sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tất nhiên là những ý kiến ích nước lợi dân
Chúng tôi nghĩ rằng, qua kinh nghiệm ĐH 6 của Đảng, thì không hẳn những vấn đề còn tranh luận, ý kiến khác nhau thì không đưa vào Cương lĩnh. Quả là không ít những vấn đề còn tranh luận, ý kiến còn khác nhau. Phải có tầm nhìn, sáng suốt và quyết đoán. Cần chú ý những vấn đề đã, đang thử thách trong thực tiễn ở nước ta và cả trên thế giới. Những vấn đề mang tính dự báo xa thì không nên ghi một cách quá cụ thể.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá