Mệnh đề mâu thuẫn trong văn kiện Đại hội Đảng
Theo ông Tiền thì đó rõ ràng "là một mệnh đề chứa đựng một mâu thuẫn lớn, khó có thể khắc phục".
"Quá chung chung"
Nghiên cứu dự thảo văn kiện thì điều đầu tiên có thể thấy là một số nhận định còn quá chung chung, chưa đủ sức thuyết phục.
Điều này thể hiện ở chỗ, phần kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội X; Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2020; 20 năm thực hiện cương lĩnh năm 1991 được thể hiện qua những cụm từ định tính, thiếu rõ ràng như: "đạt một số kết quả bước đầu", "đạt kết quả tích cực", "đạt được một số kết quả quan trọng", "có một số đổi mới"...
Người đọc khó có thể biết đó là những kết quả cụ thể gì, đổi mới như thế nào? Đặc biệt, các cụm từ "một số kết quả", "một số ngành, vùng..."trên một số mặt", "một số nơi", "có lúc, có nơi ", "ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực", "Không ít trường hợp", "một số cơ quan"....được sử dụng quá nhiều.
Nhân dân rất cần biết thông tin cụ thể hơn như một số ngành, vùng chưa phát triển tốt là những ngành nào? vùng nào? Một số cơ quan hoạt động chưa tốt là những cơ quan nào?
Với cách viết như nêu trên, thông tin được cung cấp cho người đọc thiếu đầy đủ, vì vậy, khó có thể đưa ra những góp ý đúng.
Một điều nữa mà tôi thấy là những định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong 5 năm tới chưa được chứng minh với đầy đủ căn cứ khoa học.
Mặc dù dự thảo văn kiện đã nêu ra được những hạn chế, khuyết điểm không nhỏ trong giai đoạn vừa qua như: Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng...
Với một "điểm xuất phát" như vậy nhưng định hướng cho 5 năm tới lại là những mục tiêu như: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Rõ ràng, câu hỏi đặt ra ở đây là, cơ sở khoa học nào để có thể đạt được những mục tiêu đó, liệu đó có phải chỉ là mong muốn chủ quan của chúng ta?.
Nghịch lý cái gì cũng muốn "ưu tiên"
Dự thảo cũng đã nêu ra khá nhiều lĩnh vực cần ưu tiên và tập trung phát triển, song chưa chỉ rõ, trong số những lĩnh vực đó, lĩnh vực nào, ngành nào là ưu tiên và tập trung hơn?
Trong 5 năm tới mà cái gì chúng ta cũng muốn ưu tiên. Nào là phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, dầu khí, điện, than, khai khoáng, hóa chất, luyện thép, xi-măng, phân đạm..., công nghiệp phụ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng.
Rồi ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là công nghiệp sản xuất trang thiết bị, máy móc làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông - lâm - thủy sản, sản phẩm xuất khẩu; sản xuất phân bón, thức ăn cho chăn nuôi và thuốc bảo vệ động thực vật...
Từ một điểm xuất phát thấp, để phát triển nền kinh tế với mục tiêu "đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", nhưng theo dự thảo văn kiện thì gần như tất cả các ngành, các lĩnh vực ở nước ta đều cần đầu tư và cần "ưu tiên".
Và một khi phải "ưu tiên" cho tất cả cũng có nghĩa là không có lĩnh vực nào, ngành nào được ưu tiên.
Tình trạng "đầu tư dàn trải", "cải cách nửa vời" chắc chắn sẽ tiếp diễn.
Những mệnh đề mâu thuẫn
Tôi nghĩ rằng, mục tiêu "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" chưa có tư duy đột phá, vẫn đi theo lối mòn từ những thập kỷ trước.
Chúng ta kiên trì xây dựng một thể chế "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Song, cho đến nay, thế nào là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn là câu hỏi chưa có lời giải có sức thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn.
Vì vậy, liệu điều này có là hợp lý khi chúng ta kiên trì đi theo một mô hình được xây dựng từ ý tưởng, chưa xuất hiện trong thực tế.
Ngoài ra, dự thảo cũng khẳng định: "Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Đây cũng là vấn đề cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, thế nào là "vị trí chủ đạo"? Kinh tế Nhà nước, với những hạn chế cố hữu của nó trong quản lý gắn liền với nhiều tiêu cực trong thực tế có thể "giữ vai trò chủ đạo" cho nền kinh tế.
Hơn nữa, khi Nghị quyết Đại hội Đảng đã chỉ đích danh một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp là "chủ đạo" thì việc "các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh..." sẽ không thể trở thành hiện thực. Rõ ràng, đó là một mệnh đề chứa đựng một mâu thuẫn lớn, khó có thể khắc phục.
Ngoài ra, liên quan đến việc phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp Dự thảo đưa ra nhiều chủ trương nhưng vấn đề cần làm rõ là từ 1/7/2010, theo Cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực.
Khái niệm "Doanh nghiệp Nhà nước" không còn nữa mà chỉ có "Doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối".
Vì vậy,việc "Ðẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...." có còn có ý nghĩa?
Ngoài ra, ở nước ta hiện nay còn khá nhiều doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn và do các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.
Những doanh nghiệp này không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã nhưng có thế rất mạnh trong cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.
Vấn đề đặt ra là trong những năm tới, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào với những doanh nghiệp này để đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.
"Vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Liên quan đến việc thúc đẩy nhanh hơn nữa sự hình thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ, Dự thảo có đánh giá: "Nhìn chung, năng lực xây dựng thể chế, quản lý điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra...
Nhưng những nhận định nêu trên chưa đủ rõ, chưa nêu được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "quan liệu, tham nhũng, nhũng nhiễu, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi".
Có thể thấy, nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nêu trên là sự lồng ghép quá mức về con người giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay.
Sự lồng ghép đó tất yếu dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong quản lý kinh tế, xã hội.
Trong định hướng về " Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" Dự thảo cũng đã nêu: "Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, sự phối hợp và kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Vì vậy, chúng ta phải làm rõ hơn nội dung này bằng việc bổ sung nội dung "đảm bảo sự độc lập đến mức cao nhất giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Nguồn:VNR500
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá