"Mỗi bước tiến của thực tế quan trọng hơn một tá cương lĩnh"
GS. TS. Dương Phú Hiệp: Nếu góp ý kiến vào cả ba bản Dự thảo văn kiện của Đại hội XI thì yêu cầu phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và suy nghĩ rất nhiều, nên tôi chỉ xin góp vài ý kiến nhỏ đối với Dự thảo Cương lĩnh thôi, còn Dự thảo Báo cáo chính trị và Chiến lược xin để dịp khác.
Vâng, như thế cũng được vì thời gian Đảng lấy ý kiến của nhân dân vẫn còn. Lần này giáo sư có thể đi sâu đóng góp cho Dự thảo Cương lĩnh. Xin giáo sư cho biết mặt được và chưa được của Cương lĩnh?
- Trước hết, tôi hoan nghênh Tiểu ban tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991vì đúng như tên gọi của mình, Tiểu ban đã dày công tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh cả về mặt lý luận và thực tiễn, cả những thành tựu đã đạt được và những mặt còn hạn chế, qua đó Tiểu ban đã mạnh dạn bổ sung và phát triển nhiều luận điểm ở tất cả các phần của Cương lĩnh.
Có luận điểm của Cương lĩnh năm 1991 vẫn được giữ nguyên (nhưng tên gọi của Cương lĩnh thì không thể giữ nguyên được); có luận điểm được điều chỉnh vì thấy không còn phù hợp; có luận điểm được bổ sung. Điều đó chứng tỏ Tiểu ban và Tổ Biên tập Cương lĩnh đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia.
Thí dụ, trước đây bộ máy tuyên truyền của ta thường nói: chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và do Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; lần này Dự thảo Cương lĩnh đã sửa đổi câu nói đó cho đúng với thực tế: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh". Qua việc này tôi mong rằng những điều gì ta nói chưa chính xác thì cần phải nói chính xác hơn. Thí dụ, trong các văn kiện của Đảng vẫn thường nói: "Đảng ta là người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới". Điều đó không đúng vì chính nhân dân ta mới là người khởi xướng sự nghiệp đổi mới được Đảng ủng hộ và lãnh đạo. Tiếc rằng điều đó vẫn chưa được sửa.
GS.TS Dương Phú Hiệp, Ảnh Trần Đông
Vì Cương lĩnh năm 1991 có mặt được và mặt chưa được nên khi viết về những thành tựu đạt được trong 20 năm qua cần phải phân tích những luận điểm nào đã góp phần vào những thành tựu, những luận điểm nào chưa thực sự đổi mới nên còn cản trở quá trình đổi mới, làm hạn chế các thành tựu, chứ không nên nói chung chung rằng thành tựu đạt được trong 20 năm qua chứng tỏ sức sống mãnh liệt của Cương lĩnh năm 1991.
Vừa rồi giáo sư nói: Tên của Cương lĩnh không thể giữ nguyên là vì sao?
- Năm 1991 tôi cũng trong Tổ biên tập Cương lĩnh, ngay từ lúc đó cũng đã thảo luận về vấn đề tên gọi Cương lĩnh. Lần này sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, Tiểu ban và Tổ biên tập Cương lĩnh cho rằng vẫn giữ tên gọi "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Tôi cho rằng quan niệm tên gọi như vậy là không hợp lý. Vì sao?
Thứ nhất, tình hình thế giới hiện nay biến đổi nhanh chóng, rất khó dự báo, vì thế mỗi Cương lĩnh cũng chỉ nên giới hạn trong khoảng 20 năm. Cương lĩnh của giai đoạn nào thì tập trung chỉ đạo hoạt động thực tiễn của giai đoạn ấy, không nên bàn về những vấn đề của một thời kỳ quá dài và nhất là quá xa xôi với hiện thực đất nước.
Thứ hai, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bắt đầu năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả nước, còn khi nào kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì chúng ta chưa thể biết. Nếu như thế thì thời kỳ đó phải kéo dài khoảng 100 năm hoặc gần 100 năm. Như vậy có nên xây dựng Cương lĩnh kéo dài 100 năm không khi chúng ta vẫn cứ giữ tên gọi: "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Đó là một việc làm không cần thiết vì hiện nay có bao nhiêu việc còn cấp bách và thiết thực hơn, sao lại cứ phải xây dựng Cương lĩnh của một thời kỳ lâu dài như thế để làm gì?
Thứ ba, những nội dung cơ bản của học thuyết về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao gồm: thực hiện chuyên chính vô sản; tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" đều là những nội dung mà Đảng ta không còn dùng nữa, không còn nói nữa.
Khi những nội dung cơ bản đó chúng ta không dùng thì tại sao ta vẫn dùng khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
Về vấn đề này, ta nên học tập Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sớm từ bỏ khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì họ đã khốn khổ về những nội dung nói trên.
Nếu không dùng tên gọi "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" thì giáo sư thay thế bằng tên gọi mới như thế nào?
- Tôi thử mạnh dạn đề xuất một tên gọi mới là "Cương lĩnh phát triển đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu". Tên gọi này có làm cho người Việt Nam cảm thấy xấu hổ khi tự nhận mình là nghèo nàn và lạc hậu?
Nếu ta gọi tên Cương lĩnh như thế thì có mấy điều thuận lợi sau đây:
Thứ nhất, có thói quen gọi tên đúng với bản chất của sự vật và hiện tượng. Việc sĩ diện, huyênh hoang, tự hào vì có cái tên hay nhưng không đúng với bản chất thì còn đáng xấu hổ hơn.
Thứ hai, tên gọi như thế rất sát hợp với hoàn cảnh nước ta hiện nay.
Thứ ba, nếu Đảng ta đặt tên Cương lĩnh như thế sẽ thấy rõ trách nhiệm của Đảng trong lúc này là làm cho nước ta thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu.
Thứ tư, phù hợp với nguyện vọng của người dân Việt Nam đang mong muốn thoát cảnh nghèo nàn và lạc hậu và khi phù hợp với nguyện vọng của dân thì họ sẽ tích cực hưởng ứng, thực hiện Cương lĩnh của Đảng.
Khi Đảng đã thay đổi Cương lĩnh với nội dung là phát triển đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu thì phải thay đổi cả chiến lược và Báo cáo chính trị để nội dung của cả ba Dự thảo theo cùng một hướng. Lúc đó nhân dân sẽ hưởng ứng và sẽ có nhiều đóng góp ý kiến bởi vì nội dung của các văn kiện Đảng sẽ là những vấn đề thiết thực và thiết thân đối với họ. Còn nếu như vẫn cứ tiếp tục tranh cãi thời kỳ quá độ là gì, chủ nghĩa xã hội là gì, khi nào kết thúc thời kỳ quá độ, tiêu chuẩn để kết thúc thời kỳ đó là thế nào,.v.v... thì chúng ta vẫn còn loay hoay trong vòng luẩn quẩn, không có lối thoát.
Không phải ngẫu nhiên mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng khuyên rằng những vấn đề nào còn đang tranh cãi thì không nên đưa vào Cương lĩnh. Chúng ta nên làm theo lời khuyên đó.
Thậm chí, chúng ta nên làm theo lời dặn của Mác: "Mỗi bước tiến của cuộc vận động thực tế còn quan trọng hơn là một tá cương lĩnh". Điều đó có nghĩa là Đảng ta nên tập trung trí tuệ và sức lực vào các bước tiến trong thực tế. Những bước tiến trong thực tế mới chính là cái mà nhân dân ta cần trong lúc này. Sở dĩ cần như thế là vì hiện nay màu xám của lý luận còn đang cách xa màu xanh của thực tế đất nước.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguồn:Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá