Đấu tranh thời Hậu - Sự thật (Post-Truth)
Năm 2016, Từ điển Oxford chọn “Từ của năm” là “post-truth” (“hậu-sự thật”), trong bối cảnh Brexit và đế chế Trump đang gần kề (lúc này Trump vẫn chưa đắc cử, nhưng đã trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng Hòa). Tần suất sử dụng của từ “post-truth” tăng hơn 2000% trong một năm.
.
“Hậu sự thật” được định nghĩa là “liên quan đến những bối cảnh mà các thông tin khách quan trở nên kém mang tính ảnh hưởng lên việc định hình quan điểm công chúng, thay vào đó là viện dẫn tới cảm xúc và niềm tin cá nhân.” Nôm na, hậu sự thật là một lãnh địa mà sự thật không còn là mục tiêu hay thước đo chung nữa. Các chuyên gia bị rẻ rúng, dữ liệu bị bỏ qua, khoa học bị xem thường.
.
Nền chính trị hậu sự thật
.
Nhiều ý kiến không đồng ý rằng chúng ta đã thực sự bước chân vào kỷ nguyên hậu sự thật. Nhưng những chỉ dấu gần đây của thế giới hay chính tại Việt Nam khiến cho việc nhận thức và tìm hiểu về hậu sự thật trở nên không thừa, trước khi nó không còn là bàn cãi.
.
Sẽ là thiếu sót nếu không lấy ví dụ về Trump, vì sự lên ngôi của Trump được góp phần rất lớn bởi thái độ khước từ sự thật khách quan của người dân Mỹ. Giai đoạn tranh cử đỉnh điểm, các thông tin sai sự thật, không kiểm chứng được tung ra một cách không thương tiếc, từ mọi phía, mọi phe. Báo chí gần như chỉ còn một công việc là đi phản bác từng thông tin một. Cả một hệ thống có truyền thống thượng tôn khoa học, tri thức bỗng nhiên bối rối trước sự trơ trẽn của dối trá. Hôm nay Trump quăng ra một số liệu mà thực tế nó ngược lại, ngày mai Trump tiện mồm dẫn chứng bằng một thông tin không ai biết từ đâu ra. Cuộc tranh cử 2016 bất chốc trở nên vô tiền khoáng hậu bởi sự nhiễu loạn thông tin chưa từng thấy.
.
Bên kia Đại Tây Dương, cơn bão trưng cầu dân ý để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (“Brexit”) được hình thành từ một con số gây sốc: Mỗi tuần Anh đóng góp cho EU 350 triệu bảng Anh. Rất đông người đã tuyên bố bỏ phiếu “Rời khỏi EU” với lý do tiết kiệm cho nước Anh 350 triệu bảng mỗi tuần, đến nỗi nó trở thành câu thông điệp chính của phe ủng hộ Anh rời khỏi EU, in trên xe bus, bảng quảng cáo, website… Tới 78% người dân Anh cho biết họ quen thuộc với con số 350 triệu bảng Anh này. Vấn đề nghiêm trọng của con số này, là nó không có thật. Mặc kệ các chuyên gia lên tiếng giải thích, van nài rằng con số này không chính xác (https://twitter.com/BBCRealityCheck/status/745544487250714624), ngay sau khi kết quả bỏ phiếu đưa nước Anh ra khỏi EU thành công, con số này chìm vào im lặng.
.
Sự thật ngày càng đắt đỏ
.
Sự thật chưa bao giờ được coi là một trong những đặc tính của chính trị. Tuy nhiên có hai yếu tố khiến chúng ta cảm nhận kỷ nguyên hậu sự thật đang nổi lên rõ rệt: sự nguy hiểm của hậu sự thật trong không gian kỹ thuật số, và sự lan tràn của hiện tượng hậu sự thật sang các lĩnh vực khác, thậm chí cả những lĩnh vực nổi tiếng với công chính, khách quan như đấu tranh quyền, phong trào xã hội.
.
Hậu sự thật trở nên phức tạp và khó ứng phó bởi nhiều lý do:
Người tung thông tin sai sự thật không phải chịu trách nhiệm gì.
Mọi nỗ lực giải quyết thông tin sai sự thật đều sẽ quá trễ. Trump đã kịp đắc cử, Brexit xảy ra đúng lúc con số 350 triệu bảng Anh biến mất.
.
Không kịp xác minh các thông tin. Ngày trước mỗi thông tin sai sự thật được săm soi kỹ lưỡng vì chúng xuất hiện nổi bật trong đời sống, ngày nay mỗi ngày mở Facebook ra bạn bắt gặp 100 thông tin không kiểm chứng, cao lắm bạn chỉ đọc thêm được vài bài phân tích, phản biện.
.
Dẫn đến việc nguồn lực tiêu tốn để ứng phó thông tin sai sự thật đôi khi còn lớn hơn việc mặc kệ và bỏ qua nó.
.
Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa đằng sau nó là cơ chế mà chúng ta hiểu về thế giới ngày nay. Theo Forbes, có hai xu hướng hình thành thế giới quan của con người hiện nay: 1. Chúng ta ngày càng ngu dốt hơn, một cách tương đối. Trong khi chỉ số IQ trung bình của loài người không tăng lên bao nhiêu trong mấy thế kỷ qua, thì những chân trời tri thức liên tục được mở rộng, khối lượng tri thức mới, hiểu biết mới tăng lên quá nhiều. Khoảng cách giữa những gì cá nhân biết, và những gì thế giới biết ngày càng bị nới rộng. 2. Chúng ta ngày càng khó đoán định thế giới. Sự tương tác đa tầng, đa lớp giữa các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống (công nghệ, văn hóa, chính trị…) ngày càng phức tạp, giao thoa, đan xen nhau.
.
Không cần nói gì xa, lấy ví dụ bản thân mình trong 10 năm qua, mình nghĩ rằng mức độ thông minh của mình không tăng lên, hiểu biết thì tăng vài lần, nhưng 10 năm qua tri thức, công nghệ xung quanh mình đã thay đổi gấp mấy nghìn lần, nên tính ra mình ngu đi rất nhiều. Từ một sinh viên luật có tấm bằng trung bình khá, bây giờ mình được mong đợi phải vững vàng các chủ đề đa dạng tính dục, tinh tế các vấn đề nữ quyền liên tầng, nhạy cảm với các chủ điểm sức khỏe tâm trí, đồng thời nắm bắt tốt các xu hướng công nghệ vị nhân sinh, đó chỉ là mới loanh quanh sân nhà, bước ra cộng đồng lớn tranh luận lại cần thông tuệ khoa học chính trị, làu làu các quan điểm triết học, có thêm sức nặng của văn hóa, nghệ thuật càng hay…
.
Tóm lại, chúng ta ngày càng khó hiểu về hiện tại, và ngày càng khó đoán được tương lai. Vì thế con người phát triển cho mình một cơ chế hiểu và kiểm soát thế giới bằng cách dựa vào trực giác và niềm tin. Thay vì quan sát các bằng chứng, phân tích, lý giải và đưa ra kết luận, chúng ta làm theo chiều ngược lại. Con người chọn lọc các chứng cứ hỗ trợ cho trực giác của mình và phớt lờ các chứng cứ khiến mình phải nghĩ ngược lại.
.
Thời “reality show” mới vào Việt Nam, chúng ta đều háo hức với ý niệm về một chương trình “thực tế, như ngoài cuộc sống”, nhưng giờ đây chẳng còn ai tin “truyền hình thực tế” là sự thật nữa. Nhưng truyền hình thực tế vẽ nên một chân dung rất chính xác về quan niệm “sự thật” ngày nay: cắt gọt, phóng đại, kịch tính, chú trọng tiểu tiết, làm hài lòng người xem.
.
Phong trào xã hội và hậu sự thật
.
Năm 2016 khi xảy ra “thảm họa Formosa”, mở màn bằng một phóng sự phỏng vấn giám đốc đối ngoại người Đài Loan của Formosa của VTC, mình đã thấy rất hồ nghi với cách đưa thông tin, cắt dựng của phóng sự này. Giai đoạn đó, hàng loạt thông tin mới mỗi ngày được lan truyền trên Facebook, bởi các website mới lập vài ngày hay bởi báo chí chính thống chạy theo đi điều tra, kiểm chứng tin. Một bức ảnh cá chết tận đẩu tận đâu từ mấy năm trước cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Thủy triều đỏ, ống xả thải... gây phẫn nộ vì hình ảnh ấn tượng của nó. Không khí chống Formosa, bài Trung Quốc và bất mãn chính quyền dâng lên cao độ. Buồn cười nhất là Formosa còn không phải là công ty Trung Quốc.
.
Ban đầu mình có viết vài bài fact check, sau mình lập hẳn một website mà mình nghĩ là website fact check đầu tiên ở Việt Nam. Viết được vài bài thì quá mệt, do thông tin cần kiểm chứng quá nhiều. Đến bây giờ nhìn lại qua phân tích hậu sự thật, mình thấy quyết định dừng lại của mình cũng có lý do hợp lý:
- “Người tung thông tin sai sự thật không phải chịu trách nhiệm gì.” Trong khi mình lại tự trao trách nhiệm chạy theo kiểm chứng thông tin, mà lại còn bị hồ nghi về động cơ này nọ.
- “Mọi nỗ lực giải quyết thông tin sai sự thật đều sẽ quá trễ.” Có cho là kiểm chứng đủ hết, thì những tiếng nói đó cũng không lọt vào tai của quá nhiều người. Không khí bài Trung cuồng nộ vẫn sẽ quét sạch mạng xã hội, Formosa vẫn sẽ là kẻ phải chịu tội cho thảm họa môi trường Việt Nam.
.
Hậu sự thật bây giờ gần như trở thành một hiện thực hàng ngày. Từ shop bán hàng online ngày ngày share câu chuyện thương tâm hay gây phẫn nộ để kêu gọi share, like; tới anh chị nhà báo công dân cần mẫn lên án chính quyền bất kể thông tin và phân tích có chính xác hay không… cũng không quan trọng nữa. Những comment cố gắng giải thích, phản biện một cách chi tiết, ôn hòa, khách quan bị lọt thỏm vào giữa hàng ngàn lời thóa mạ, chửi bới súc tích, ngắn gọn. Trung Quốc là xấu, ai dám cãi. Những mục tiêu đấu tranh chân chính nhưng lại gây chia rẽ những người không đồng ý với nhau về phương cách và thông điệp.
.
Trong các chủ đề về nhóm yếu thế, các tranh luận về thông tin khách quan bị đè bẹp bởi lời oán trách “Anh không quan tâm tới cảm xúc của những nhóm yếu thế sao?” Các diễn ngôn được đưa ra để hạ thấp giá trị của sự thật, thay vào đó tôn vinh tầm quan trọng của bản dạng, vị thế, trực giác và cảm tính.
.
#BelieveWomen thắng thế #BelieveEvidence, chỉ vì evidence không/không thể/không đủ ủng hộ cho women. Sự thật của một cá nhân đúng hay sai không còn quan trọng, nhưng thất bại của cá nhân này là thất bại của cả một cộng đồng, và do đó vụ việc trở thành một “cuộc chiến ủy nhiệm” giữa các bên với niềm tin khác nhau.
.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015