Con người của thực tiễn hay của truyền thông?
"Câu chuyện" về thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) lại trở thành đề tài nóng trong dư luận xã hội sau một thời gian tạm lắng khi "người đương thời" làm đơn xin nghỉ việc.
Ý kiến đa chiều về những việc làm của người từng tố cáo gian lận trong thi cử 4 năm về trước đã phản ánh sự quan tâm của toàn xã hội đối với những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, song cũng khiến các cơ quan truyền thông phải nghĩ suy về việc "xây dựng" nhân vật điển hình và tạo dư luận xã hội. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu nhận định rằng việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết đơn xin thôi việc là sự thất bại của một con người dám đấu tranh chống cái xấu có là cái nhìn bi quan?
1. Hình ảnh một thầy giáo chống tiêu cực
Bốn năm trước, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã tố cáo hiện tượng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nơi ông làm giám thị. Ngày đó, chuyện sử dụng tài liệu trong phòng thi, thậm chí đưa bài giải từ ngoài vào cho thí sinh chép để có kết quả đỗ tốt nghiệp cao ở Hà Tây (cũ) nói riêng và ở nhiều tỉnh, thành phố khác nói chung không phải là chuyện hiếm. Nhưng nó không được công khai với những bằng chứng cụ thể và giám thị Đỗ Việt Khoa đã làm được điều đó. Việc làm ấy được lãnh đạo ngành giáo dục, dư luận xã hội ủng hộ và ít nhiều đã tác động đến kỷ luật trường thi. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó.
Ba sự kiện làm nên "Người đương thời"
Sau việc làm được dư luận đánh giá là dũng cảm, đưa lên công luận những bằng chứng về tiêu cực trong thi cử ở hội đồng thi THPT Phú Xuyên A, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã được biểu dương, khen thưởng, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến thăm và trở thành "Người đương thời". Trước thực trạng tiêu cực trong thi cử đã trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội, việc làm của thầy giáo Khoa được dư luận ngợi ca. Việc đó lại xảy ra vào đúng thời điểm lãnh đạo ngành GD-ĐT quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương trong ngành, trước hết là kỷ luật trường thi, sau đó được cụ thể hóa thành phong trào "Hai không": Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Vì vậy, việc làm chống gian lận trong thi cử của giám thị Đỗ Việt Khoa được cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Kỳ thi kết thúc, trở về với công việc thường nhật, dạy học tại Trường THPT Vân Tảo, thầy giáo Khoa không được Hiệu trưởng mới Lê Xuân Trung bố trí dạy toán như trước đó mà chỉ được dạy địa lý, chuyên ngành thầy được đào tạo chính quy trước khi học thêm bằng toán tin. Thầy giáo Khoa từng khẳng định, không phải vì chuyện này làm cho thầy không có thêm học sinh học mà thầy viết đơn tố cáo những việc làm sai trái của Hiệu trưởng Lê Xuân Trung. Nhưng từ năm học 2006-2007, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây trước đây và Sở GD-ĐT Hà Nội bây giờ đã phải vào cuộc để làm rõ những việc được thầy giáo Khoa cho là sai phạm ở Trường THPT Vân Tảo. Kết luận thanh tra cho thấy, trong 10 nội dung thầy giáo Khoa khiếu tố thì 8 nội dung sai và 2 nội dung có một số điểm đúng.
Không đồng ý và cho rằng Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội đã bao che cho những sai phạm ở trường Vân Tảo về việc lãnh đạo trường trù dập, thầy giáo Khoa tiếp tục khiếu nại tố, cáo và đến cuối năm học 2009-2010, ông làm đơn xin nghỉ việc.
Xung quanh những việc làm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, còn có nhiều việc khiến dư luận quan tâm như chuyện ông ứng cử đại biểu Quốc hội, đã vi phạm quy chế thi và bị lập biên bản…, nhưng ba sự kiện trên đã làm nên một "Người đương thời" với sự vào cuộc rầm rộ của giới truyền thông. Song, những điều ấy chưa làm nên chân dung con người trên mặt báo.
Những điều không bình thường…
Ngày thầy Đỗ Việt Khoa công khai chống gian lận trong thi cử và tố cáo sai phạm ở Trường THPT Vân Tảo, không ít người đã cảm phục sự dũng cảm ấy. Nhưng khi một số tờ báo kể chuyện ông tổ chức "điểm truy cập internet" để học sinh của chính mình, trong đó có những em như thầy nói "bị hiệu trưởng đuổi" ra đó đắm mình vào những trò chơi điện tử, thì nhiều người nhìn thầy với con mắt khác. Rồi việc thầy mải chống tiêu cực trong thi cử mà quên mất việc làm tròn trách nhiệm của một giám thị để ảnh hưởng tới thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, say sưa đấu tranh với những sai phạm của lãnh đạo trường nhưng bản thân lại không thực hiện đầy đủ những quy định đối với một người thầy giáo… đến mức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ cũng đã khiến cho hình ảnh "Người đương thời" không còn được như trước. Thậm chí, có người đã hoài nghi về động cơ; những việc làm và tính trung thực của những lời nói của con người ông.
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực dẫu nhiều khó khăn nhưng có lẽ hiếm có nơi nào người đấu tranh lại trở thành người cô độc như ở Vân Tảo. Thật khó lý giải vì sao khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa ứng cử đại biểu Quốc hội, quy trình lấy tín nhiệm ở cơ sở bằng bỏ phiếu kín lại không có phiếu nào cho ông. Thầy cũng từng phàn nàn rằng, mình bị đồng nghiệp xa lánh. Nhưng như cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu phó Trường THPT Vân Tảo tâm sự, lúc nào thầy cũng mang theo máy ảnh, máy ghi âm nên ai cũng ngại trò chuyện cùng thầy, nhỡ lỡ miệng lại thành bằng chứng để thầy tố cáo.
Lý giải về lý do xin thôi việc, ngoài những gì đã viết trong đơn, thầy giáo Đỗ Việt Khoa còn tâm sự với các nhà báo rằng, đã bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 4 năm liền, nếu không xin nghỉ, có thể sẽ bị đình chỉ hoặc chuyển công tác khác như quy định của Luật Công chức mà thầy đã nghiên cứu kỹ. Cái cách thầy Khoa xin nghỉ như GS Văn Như Cương phân tích cũng bất bình thường: Một giáo viên xin nghỉ là chuyện đơn giản và bình thường của ngành giáo dục và trong nhiều năm qua có hàng nghìn người đã làm việc đó. Nhưng vì lý do gì mà một giáo viên xin nghỉ lại phải bắn tin lên Bộ GD-ĐT, rồi nộp đơn vượt cấp cho Sở GD-ĐT, bỏ qua nhà trường?
Có vẻ như, sau khi nổi tiếng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã cho rằng, mình không còn là người bình thường nữa? Nhưng những người làm công tác quản lý và thanh tra thì phải giải quyết mọi việc liên quan đến ông như với một viên chức bình thường, theo đúng quy định của luật pháp, kể cả đối với việc ông đã làm: khiếu nại, tố cáo trước kia và xin nghỉ dạy bây giờ cũng thế.
2. Cường điệu “xây dựng” nhân vật điển hình?
Hình ảnh thầy giáo Đỗ Việt Khoa với những ưu điểm, hạn chế tự nhiên và biện chứng, bỗng trong một thời điểm nhạy cảm, đã vụt trở thành "người hùng". Việc dựng nên một điển hình với nhiều nhận định mang tính tuyệt đối ấy, "có một phần lỗi của chúng ta" - những người làm truyền thông", nhà báo Hữu Thọ nhận định.
Cái nhìn biện chứng
Trao đổi với Hànộimới về vấn đề báo chí phản ánh về thầy giáo Đỗ Việt Khoa, nhà báo Hữu Thọ khẳng định: "Sự tích cực của thầy là đúng, việc chống tiêu cực trong giáo dục của thầy là đúng, nhưng chúng mình (báo chí) cường điệu thì dẫn đến chỗ thầy ảo tưởng, chúng mình có một phần lỗi đấy".
Nhận xét của một nhà báo lão thành khiến ta không thể không suy nghĩ. Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông, thì sự tác động của một bài báo (ở cả hai hướng tích cực và tiêu cực) đều được nhân lên mạnh mẽ. Nếu gõ tên "thầy giáo Đỗ Việt Khoa" trên công cụ tìm kiếm Google, mạng sẽ cho khoảng hơn 800 nghìn kết quả. Có lúc nào chúng ta - những người viết tự vấn mình về sự vội vàng khi khắc họa hình ảnh một con người một cách cường điệu? Vội vàng khi thông tin dồn dập, vội vàng trong cả nhận định? Bởi, từ một việc làm tốt cho đến một nhân vật điển hình đôi khi là một khoảng cách xa.
Phải chăng, ở một giai đoạn nào đó và trên một số phương tiện truyền thông nào đó, chúng ta đã quá "nhiệt tình" mà thiếu sự tỉnh táo để có cái nhìn biện chứng. Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam, cho rằng: "Cần phải có cái nhìn động, có những việc hôm nay sai nhưng ngày mai đúng hoặc ngược lại và cũng có trường hợp hôm nay đúng, ngày mai lại đúng hơn. Nhìn động và cân nhắc việc đưa thông tin phù hợp với nhiệm vụ, hoàn cảnh, đồng thời cũng phải tính đến tôn chỉ, mục đích của tờ báo mới góp phần khắc họa nhân vật thuyết phục".
Kỹ năng là quan trọng
Không nghi ngờ gì về vai trò và sự cần thiết của báo chí trong việc phản ánh các điển hình tiên tiến. Báo chí đã đồng hành cùng nhiều số phận, mang đến cho xã hội những động lực tinh thần lớn từ gương sáng của cá nhân. Nhưng, trường hợp truyền thông về thầy giáo Đỗ Việt Khoa vừa qua thực sự là cú "sốc" ngược với những người làm truyền thông có trách nhiệm. Trong đó, vấn đề quan trọng như chia sẻ của nhiều nhà báo là hai chữ "kỹ năng". Nhà báo Hữu Thọ nói: "Phóng đại là hai chữ Bác Hồ từng dùng để nhắc nhở người viết báo không làm to cả khuyết điểm và làm to cả ưu điểm của nhân vật. Người ta có đến đâu nói đến đấy. Say sưa quá với ưu điểm cũng dễ thành khuyết điểm. Với nhân vật con người phải hết sức thận trọng. Khen sai hiện nay không ít, nguy hiểm như chê sai". Nhà báo lão thành Hữu Thọ còn thẳng thắn: "Tôi đã viết nhiều chân dung, nhưng có lúc cũng không thấy hết, không nói hết được cả ưu điểm và khuyết điểm của nhân vật. Mà khi đã nói không đầy đủ thì dễ làm người ta ngộ nhận".
Từ chối hai chữ "phóng đại", đúng vậy! Nhưng đứng trước thách thức "những con chữ phải gói được chân dung một con người", nhà báo không có cách nào khác buộc phải trau dồi kỹ năng. Trong đó, như chia sẻ của nhà báo lão thành Đỗ Phượng thì: "Cần có nhiều thông tin dự trữ, không phải thấy gì là nói hết. Ngôn ngữ thể hiện đúng mực chính là con đường sáng suốt để nhà báo đi giữa hai cực khẳng định, phủ định tuyệt đối. Thuyết phục nhưng nên để người đọc cảm nhận được bài báo đã nêu vấn đề, phát hiện vấn đề, giới thiệu nhân vật chứ không áp đặp nhận định".
Ngay tại Giải Báo chí quốc gia lần IV năm 2009, nhiều nhà báo, Ủy viên Hội đồng Giải thưởng cũng bày tỏ băn khoăn khi có những tác phẩm chân dung nhân vật vì thiếu kỹ năng mà sơ sài hoặc đẩy quá lên nên thiếu thuyết phục. Xin nhắc lại mong mỏi, gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Cần coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Và để làm được điều đó, ngoài tấm lòng còn rất cần cái nhìn biện chứng và vốn kỹ năng không ngừng bồi đắp.
3. Lắng lại để bình tâm
"Thầy Khoa không phải là người đầu tiên và duy nhất làm nên "Hai không" trong giáo dục" - Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Đức Vui cho biết. Điều hiển nhiên này ai cũng rõ và không hiếm thầy, cô giáo không chấp nhận gian lận trong thi cử cũng như những hiện tượng tiêu cực trong trường học.
Họ vẫn đấu tranh, bằng việc làm tốt nhiệm vụ và khiếu nại, tố cáo theo đúng khuôn khổ luật pháp. "Còn chúng tôi, những người "cầm cân, nẩy mực", cũng không thể có ưu tiên nào cho việc xét thưởng - phạt dù thầy Khoa là người nổi tiếng" - ông Vui khẳng định.
Không bị trù dập
Năm 2008, khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, việc Trường THPT Vân Tảo đánh giá ông không hoàn thành nhiệm vụ là hành vi trù dập người đấu tranh chống tiêu cực, Hiệu trưởng Lê Xuân Trung đã khẳng định: "Việc thầy Khoa vi phạm kỷ luật lao động, quy chế chuyên môn của từng năm chúng tôi đều có lưu giữ hồ sơ. Còn việc đánh giá thi đua, chúng tôi làm theo đúng trình tự của điều lệ trường trung học, không có điều gì thể hiện sự trù dập, mang tính cá nhân". Vừa qua, trước lý do thầy giáo Đỗ Việt Khoa đưa ra trong đơn xin nghỉ việc là bị trù dập, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đức Vui một lần nữa cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ về những đánh giá của trường với thầy Khoa và thấy họ làm rất chặt chẽ, khoa học".
Để tìm tiếng nói khách quan hơn về việc này, ngày 7-6, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Viết Cẩn, người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của giáo viên - Công đoàn giáo dục Hà Nội. Ông Cẩn cho biết: "Vừa qua, Hội đồng Thi đua khen thưởng xét việc nâng lương của giáo viên trong ngành, tôi cũng đã đặt vấn đề phản biện đối với trường hợp của thầy Đỗ Việt Khoa. Nhưng, Hội đồng đã xem xét rất kỹ và thấy rằng, nhà trường đã làm đúng và công bằng trong việc đánh giá giáo viên. Thầy Khoa đã không hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên."Giải đáp băn khoăn của chúng tôi về việc "đánh giá hoàn thành nhiệm vụ" có thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của lãnh đạo, ông Cẩn nói: Với việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi quy chế, từ quy chế làm việc, chi tiêu nội bộ cho đến khen thưởng, kỷ luật đã được toàn thể cán bộ, giáo viên bàn thảo và thống nhất tại hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm. Mọi tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt đều được minh bạch hóa để cán bộ, giáo viên biết, thực hiện và kiểm tra. Vì thế, người làm công tác quản lý hiện nay khó có thể trù dập người khiếu nại, tố cáo.
Nỗ lực vì lợi ích chung
Một trong những mục đích của chống tiêu cực là để xây dựng cho đơn vị hoặc tập thể hay cá nhân tốt lên, kể cả người chống tiêu cực, người bị tố cáo và cơ quan quản lý đều phải nỗ lực vì lợi ích chung trong việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo. Quan điểm của thanh tra, những người "cầm cân nẩy mực" là phải thưởng, phạt phân minh nhằm bảo đảm sự ổn định của trường học, vì quyền lợi chính đáng của giáo viên và học sinh, vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Bởi vậy, trong kết luận các vụ việc, họ luôn cố gắng thấu tình, đạt lý. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xem xét, giải quyết đơn xin thôi việc của thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
Có thể thấy rõ điều đó qua quá trình giải quyết đơn, thư của thầy giáo Khoa trong 2 năm rưỡi qua. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội gửi Bộ GD-ĐT ngày 8-6, từ ngày 18-12-2007 đến tháng 6-2010, thầy giáo Khoa đã gửi 5 lá đơn. Kết quả giải quyết của Thanh tra Sở GD-ĐT cho thấy, nội dung đơn của thầy giáo Khoa sai là chủ yếu hoặc không có căn cứ xác minh. Song quan trọng là, sau thanh tra, Sở đã tiến hành những việc cần thiết để ổn định tình hình nhà trường, tạo điều kiện để thầy dạy tốt và trò học tốt. Như Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thành Kỳ đánh giá, trong mấy năm nay, kỷ cương nền nếp của Trường THPT Vân Tảo khá lên nhiều và chất lượng ngày càng tiến bộ so với chuẩn đầu vào thấp. Kết quả này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng thừa nhận.
Có thể nói, Thanh tra Sở GD-ĐT đã rất kiên trì và làm đúng pháp luật trong việc giải quyết đơn của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, song những kết luận của cơ quan có thẩm quyền này vẫn không được thầy giáo Đỗ Việt Khoa chấp nhận và ông quyết định ra khỏi ngành. Dẫu vậy, ngày 8-6, lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn cho biết, sẽ giải quyết việc xin nghỉ công tác của thầy giáo Khoa một cách thấu tình, đạt lý để một thầy giáo năm nay mới 42 tuổi đã có 20 năm công tác không rời ngành với một tâm trạng đầy ưu tư như vậy.
Để kết thúc loạt bài viết này, xin trích lời nhắn gửi của TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội với thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Lúc này, thầy nên có một thời gian lắng lại để bình tâm suy nghĩ. Nếu sau một thời gian, thấy vẫn còn yêu nghề, thầy có thể trở lại bục giảng, bắt đầu lại như một giáo viên trong hàng vạn giáo viên của Thủ đô để đóng góp sức mình vào một sự nghiệp mà vì nó thầy đã dành nhiều tâm huyết."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh