Truyền thông và khoa học
Tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, xuất bản các công trình nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành… tưởng chừng như vậy các nhà nghiên cứu đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, với những nhà khoa học mong muốn tạo nên một xã hội tri thức, vẫn còn một công việc nữa: công bố các công trình nghiên cứu của mình với công chúng. Nhiệm vụ này đòi hỏi những kỹ năng mà nhà nghiên cứu phải trau dồi những nó cũng mang lại những lợi ích và những niềm vui cho chính bản thân họ.
Vào năm 1992, nhà thiên văn học Carl Sagan, tác giả của 20 cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhân vật chính của hàng loại chương trình truyền hình, những buổi nói chuyện với công chúng, bị từ chối trở thành thành viên của Viện Hàn lâm khoa học. Là giám đốc của phòng thí nghiêm nghiên cứu hành tinh tại trường đại học Cornell, Sagan nổi tiếng nhờ các công trình tính toán tác động của hiệu ứng nhà kính lên hành tinh Venus, nghiên cứu về bề mặt sao Hoả và các đại dương của hành tinh Titan. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của ông đã xem thường những nỗ lực công bố rộng rãi các thông tin khoa học của ông và đã từ chối bỏ phiếu tín nhiệm cho ông. Hai năm sau, Viện Hàn lâm khoa học xem xét lại việc xét duyệt thành viên và trao tặng cho ông Huân chương vì sự phát triển công động. Sagan đã thành công trong việc thay đổi định kiến dành cho những nhà khoa học quyết định chia sẻ thông tin với công chúng: thứ nhất là việc cho rằng các nhà khoa học sẽ sao nhãng công việc nghiên cứu của mình, thứ hai là các nhà khoa học không thể diễn đạt sáng tỏ quan điểm của chính họ bởi vì tư duy của họ khác với phần lớn người bình thường và do vậy họ cần những người phiên dịch.
Trong qua khứ, đã có những nhà khoa học quan tâm tới việc công bố rộng rãi công trình nghiên cứu của họ. Ví dụ điển hình phải kể tới Galileo, người mà nhà Thờ không bao giờ tha thứ cho hành động lựa chọn ngôn ngữ bình dân để viết các nghiên cứu của mình thay vì tiếng Latin ít người hiểu được. Vào thế kỷ 19, tại Anh, trong vòng 20 năm bắt đầu từ 1826, Micheal Faraday đã có những buổi diễn thuyết nói về những bước phát triển mới nhất của khoa học vào mỗi buổi sáng thứ 6 trong các bài giảng tại Viện Hoàng gia với rất nhiều người tham dự. Tuy nhiên, vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, sự hứng thú của các nhà khoa học dành cho việc phổ biến khoa học giảm sút đáng kể. Năm 1938, nhà khoa học Lancelot Hogben, vì sợ ảnh hưởng tới việc bổ nhiệm là thành viên của Hội hoàng gia Anh, đã nhờ đồng nghiệp của mình là Hyman Levy đứng tên trên cuốn sách “Mathematics for Million”, cuốn sách trở thành bestseller.
Bắt đầu từ những năm 1980, giới khoa học mới bắt đầu tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động quảng bá khoa học. Hiện nay, các Viện nghiên cứu như Hội Hoàng gia Anh, Viện hàn lâm khoa học Pháp, Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc, Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học đều mời các thành viên trình bày các công trình của họ. Công việc này không bị xem là phí thời gian mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc. Một vài Viện nghiên cứu như Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, Uỷ ban nghiên cứu của Anh đã ban hành những quy định hướng dẫn việc phổ biến khoa học, nhiều nơi còn thành lập bộ phận báo chí và thuê nhân viên phụ trách truyền thông, khuyến khích các sáng kiến như các trang web mục đích giáo dục, tài liệu, tổ chức các buổi nói chuyện khoa học.
Để trợ giúp các nhà nghiên cứu tương lai dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với công chúng, nhiều trường đại học tổ chức những khoá học nhỏ về các kỹ năng giao tiếp. Ví dụ như năm 1999, đại học Stanford khởi động chương trình I-RITE với mong muốn giúp các nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ có thể viết được những thông báo về các công trình nghiên cứu của họ một cách dễ hiểu cho công chúng. Những người tham gia chương trình I-RITE được tuyển chọn từ những nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ. Trong 6 tuần, một nhóm từ 6 tới 8 người gặp nhau mỗi tuần một giờ. Tại cuộc gặp mặt, những người tham gia sẽ có cơ hội trình bầy bản tóm tắt các công trình nghiên cứu của mình và nhận được sự góp ý về cấu trúc của bài trình bầy, sự mạch lạc, sử dụng các thuật ngữ khoa học và thậm chí là cả ngữ pháp, cách chấm câu. Họ cũng phải nhận xét về những bài tóm tắt nghiên cứu ở những lĩnh vực khác. Điều này giúp các nhà khoa học tương lai hiểu ra được tầm quan trọng của việc giải thích những nghiên cứu phức tạp bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
Chris Turney tác giả của những bài báo về người hobbit nổi tiếng vào năm 2004 đã dùng phương pháp phóng xạ carbon để xác định tuổi của những hóa thạch tìm thấy ở Indonesia . Những hiểu lầm và sai sót trên báo chí đã khiến anh viết lời giới thiệu dễ hiểu hơn cho cuốn sách Bones, Rocks and Stars (Mcmillan 2006). Thành công của cuốn sách đã giúp anh có được những hợp đồng dịch sách, lời mời viết tiếp cuốn sách thứ hai về điều kiện khí hậu trong quá khứ, và những buổi xuất hiện trên truyền hình, những buổi diễn thuyết. Chris Turney đã học được gì từ mối quan hệ đôi khi không được cơm ngon canh ngọt giữa nhà khoa học với công chúng? “Khi tôi bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình, tôi không có ý định công bố rộng rãi các công trình nghiên cứu của mình. Tôi đã cho rằng các phương tiện truyền thông chỉ là công cụ dành cho người khác. Khám phá về người hobbit đã làm thay đổi hẳn quan niệm của tôi về vai trò của truyền thông trong khoa học. Khi tôi gần kết thúc cuốn sách tôi mới nhận ra rằng công việc khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu. Tôi cần phải giới thiệu nó với mọi người, giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của nó. Khi tiếp xúc với công chúng tôi nhận ra mình đóng vai trò khác hẳn với vai trò thường ngày của tôi. Đột nhiên tôi thấy mình như đang cạnh tranh với những người nổi tiếng như Britney, Blair và Bush. Tôi phải làm cho nghiên cứu của mình trở nên dễ hiểu, có trọng tâm và tác động mạnh. Sự quan tâm của công chúng về người hobbit đã chỉ cho tôi thấy có nhiều con đường để tiếp cận họ: nói chuyện trước đám đông, viết cho các trang web trở thành niềm say mê mới của đôi. Tuy nhiên, điều này cũng đặt cho tôi câu hỏi: làm thế nào giữ được tính chân thực? Tôi quyết định cố gắng làm cho câu truyện trở nên đơn giản, loại bỏ những thuật ngữ khoa học.”
Nhà sinh học phân tử người Bồ Đào Nha Bettencourt Dias cũng có mối quan tâm tới truyền thông trong khoa học trong thời gian học postdoc, cô đã theo học một khóa học về truyền thông khoa học tại đại học London. Tại đây cô đã được học về triết lý khoa học, cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông, có được những kiến thức về cách viết tin trên báo, sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình, phân tích các tình huống truyền thông trong khoa học. Với một vài người bạn khoa học, cô đã thành lập một tổ chức thúc đẩy phát triển truyền thông khoa học. Năm 2003, Bettencourt-Dias và tổ chức Comunicar Ciencia đã tổ chức hội thảo về truyền thông khoa học tại nhiều nơi, tổ chức những buổi thảo luận và hội nghị về vấn đề này tại Bồ Đào Nha và ở nước ngoài, phát triển cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học và nhà báo, đưa ra những quyển hướng dẫn cho các nhà khoa học về việc làm thế nào để làm việc với giới truyền thông và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Cô cũng tham gia vào các sự kiện truyền thông khoa học trong nước. Hoạt động của cô cũng đã được báo giới Bồ Đào Nha ghi nhận: nhiều chương trình phát thanh và truyền hình đã đưa tin về tổ chức của cô. Bettencourt Dias quan tâm tới giao tiếp cộng đồng vì cô nhận thấy khoa học và công nghệ đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân. “Điều quan trọng là công chúng hiểu về những bước phát triển mới của khoa học và những khám phá mới này liên quan gì tới cuộc sống của họ. Họ cũng cần phải biết khoa học được tạo dựng lên như thế nào, rằng không có sự thật tuyệt đối, những kết luận của các nhà khoa học dựa trên đánh giá khách quan nguồn dữ liệu. Các nhà khoa học cũng được hưởng lợi từ hoạt động truyền thông. Sự tương tác với giới truyền thông và công chúng giúp họ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đặt nghiên cứu của họ vào viễn cảnh thực tế hơn, cung cấp những ý tưởng mới cho nghiên cứu, gặp gỡ những người cùng quan tâm tới khoa học, nhận được những khoản tài trợ nghiên cứu.”, Bettencourt Dias chia sẻ.
Lan Anh (Theo Science, Nurture)
5 phương pháp giúp nhà khoa học trẻ tiếp cận với công chúng:
- Tham gia các buổi nói chuyện với công chúng. Khi nói chuyện thay vì dùng các phần mềm trình bày nên dùng các giai thoại, lối nói sinh động để thu hút sự chú ý của độc giả.
- Có một website về khoa học phổ thông. Phần lớn trang web của các trường đại học đều khá khó hiểu với người bình thường. Phải giữ cho trang web của mình dễ hiểu và tươi vui.
- Viết các thông cáo báo chí với những trích dẫn có thể dùng luôn cho các bài báo đưa tin.
- Tiếp xúc với giới báo chí nói về những bước tiến mới nhất của khoa học.
- Viết blog khoa học thường xuyên, nhờ vậy có thể thu hút được độc giả ngoại đạo và có cơ hội nói về những phát hiện mới nhất của khoa học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh