Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng

03:56 CH @ Thứ Sáu - 28 Tháng Mười, 2016

.Trên các phương tiện truyền thông, khi mô tả cái nghèo khổ của người dân, nhất là những thảm họa, ta thường thấy những thông tin chi tiết về hoàn cảnh của người nghèo như thu nhập thấp, không đủ ăn, làm những công việc năng nhọc, bẩn thỉu, nguy hiểm, bệnh tật, mất mát, đói, cô đơn, đáng thương... với mong muốn họ được quan tâm hỗ trợ.

Nhưng rất ít khi họ được chú ý đến những gì đang phải chịu đựng trong đời sống tinh thần, những tủi nhục, xấu hổ, đau khổ và bị phân biệt đối xử khi được mô tả là những con người bần cùng dưới đáy xã hội và là đối tượng của sự cứu giúp. Càng ít hơn nữa những người làm truyền thông biết cách làm thế nào để có thể thông tin và giúp đỡ họ mà vẫn giữ gìn và tôn trọng phẩm giá cho chính họ.


Phẩm giá của mỗi người, cần phải luôn luôn thăng tiến, tôn trọng và bảo vệ.

Từ nhu cầu cơ bản của con người...

A. Maslow là một trong những người tiên phong của trường phái tâm lý học nhân bản, nổi tiếng với học thuyết “thang nhu cầu Maslow”, mô tả những nhu cầu của con người từ thấp nhất là về sinh lý (thức ăn, nước uống, thở, tình dục...), cho đến nhu cầu an toàn, rồi nhu cầu thuộc về một nhóm hay cộng đồng (nhu cầu xã hội), tiếp đó là nhu cầu được yêu thương, quý trọng, tôn trọng và cao nhất là nhu cầu thể hiện bản thân.

Maslow cho rằng những nhu cầu bậc cao hơn sẽ không xuất hiện nếu những nhu cầu bậc thấp chưa được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ hối thúc con người hành động khi chúng chưa được thỏa mãn....

Đến cái nhìn thấu thị với những con người dưới đáy xã hội

Điều nhân bản của học thuyết nhu cầu của Maslow là cho rằng những nhu cầu trong thang bậc trên hoàn toàn tự nhiên, bất cứ ai cũng vậy.

Một người bị đói, khát thì tự nhiên phải tìm cách thỏa mãn và các nhu cầu cao hơn như được yêu thương, quý trọng... bị quên đi. Nhưng nếu họ cũng có cuộc sống mà những nhu cầu vật chất cơ bản được đáp ứng thì họ cũng có nhu cầu được yêu quý và sống tự trọng như bất cứ ai.

Học thuyết của Maslow đã làm nên một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục và xã hội, cung cấp một cái nhìn thấu thị và nhân bản hơn với những người dưới đáy xã hội và về bản chất của con người nói chung, hiểu được những mong ước sống tự trọng và vươn lên tiềm ẩn của bất cứ con người nào.

Một lần xem chương trình truyền hình về một em học sinh nhà nghèo học giỏi được tặng học bổng. Em kể hồi trước gia đình cũng được cứu trợ, được lên báo và ti vi, sau đó em bị bạn bè trêu chọc vì chuyện này (nói tới đây em bật khóc).

Rất, rất nhiều những chương trình từ thiện nhân đạo, những bài báo nhân đạo, chụp hình những người nghèo đang nhận cái phong bì, mấy gói mì tôm, gói quà, có nhiều người vừa nhận vừa khóc. Nhưng không biết trong nước mắt đó bao nhiêu phần trăm là sự cảm động vì được chia sẻ đùm bọc, bao nhiêu phần trăm là niềm tủi hổ vì mình lên ti vi và báo không phải vì là nông dân sản xuất giỏi, có thành tích xuất sắc mà vì là người đói nghèo. Nếu được chọn lựa, không ai chọn lựa làm người đói nghèo và “tôn vinh” sự đói nghèo. Cái nghèo đó không phải vì họ kém, họ lười (nếu thế họ đã không xứng đáng nhận quà) mà vì muôn vàn nguyên nhân khác.

Tôn trọng phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng

Tôi không phủ nhận phần nhân đạo của hoạt động cứu trợ, mà muốn nêu vấn đề phẩm giá của con người, nhất là những người dưới đáy xã hội, có phải đã luôn luôn được chú ý hay chưa, đặc biệt là các hoạt động truyền thông đại chúng.

Tôn trọng phẩm giá có nhiều nghĩa. Trước hết là tôn trọng quyền giữ gìn sự riêng tư và chọn lựa hình ảnh xuất hiện trước công chúng.

Liệu có phải tất cả những người được lên trang nhất của báo với hình ảnh đang chìa tay nhận gói mì ăn liền sau cơn bão, có hoàn toàn đồng ý với điều đó cho dù là với mục đích nhân đạo. Có ai được hỏi ý kiến và họ có ở trong hoàn cảnh có thể chọn lựa câu trả lời không? Hay vì nhu cầu cơ bản của những người đang đói, đang thiếu thốn, họ buộc phải quên đi những nhu cầu cao hơn của con người, trong đó có nhu cầu được chọn lựa và được hỏi ý kiến? Phẩm giá của họ có ý nghĩa gì không nếu người ta quên rằng những người này cũng có quyền chọn lựa về hình ảnh của chính mình trước công chúng?

Tôn trọng phẩm giá còn có nghĩa là nhìn nhận những cảm xúc và phần phẩm chất tốt đẹp của họ, thể hiện bằng niềm tin họ là những con người có nhu cầu tự khẳng định bản thân, tự trọng, lương thiện, hướng thiện...

Trên các phương tiện truyền thông, khi mô tả cái nghèo khổ của người dân, nhất là những thảm họa, ta thường thấy những thông tin chi tiết về hoàn cảnh của người nghèo như thu nhập thấp, không đủ ăn, làm những công việc năng nhọc, bẩn thỉu, nguy hiểm, bệnh tật, mất mát, đói, cô đơn, đáng thương... với mong muốn họ được quan tâm hỗ trợ.

Nhưng rất ít khi họ được chú ý đến những gì đang phải chịu đựng trong đời sống tinh thần, những tủi nhục, xấu hổ, đau khổ và bị phân biệt đối xử khi được mô tả là những con người bần cùng dưới đáy xã hội và là đối tượng của sự cứu giúp. Càng ít hơn nữa những người làm truyền thông biết cách làm thế nào để có thể thông tin và giúp đỡ họ mà vẫn giữ gìn và tôn trọng phẩm giá cho chính họ.

Có một chương trình phim tài liệu truyền hình về người nghèo có triết lý rất riêng là “tôn vinh phẩm giá” của những con người đã vượt lên số phận nghèo khổ, vươn lên trong xã hội một cách lương thiện. Chương trình rất hay, rất cảm động với những thước phim mô tả cái đẹp của con người và cuộc sống nghèo, khó khăn, nhọc nhằn, đau khổ nhưng lương thiện.

Đó là một chương trình hiếm hoi có triết lý tôn vinh phẩm giá con người và đã thể hiện được điều này trong nghệ thuật làm phim. Chỉ hơi tiếc là đến cuối chương trình, theo quán tính, vẫn có hình ảnh những nhân vật bối rối cầm tấm bảng thật to ghi nhận nhà tài trợ trao tặng một số tiền nào đó y như những hoạt động từ thiện bề nổi khác.

Trao và nhận không có gì xấu vì phim cho thấy họ đã nỗ lực rất nhiều và xứng đáng được nhận hỗ trợ từ cộng đồng hay nhà tài trợ. Nhưng hình ảnh họ bối rối cầm tấm bảng nhận tài trợ thật khác với hình ảnh mô tả cuộc sống của chính họ: đầy nghị lực, thương yêu, khổ đau nhưng nhân hậu và lương thiện. Bởi vì những lúc đó phẩm giá của họ mới thật sự được tôn vinh.

Tôn trọng phẩm giá còn là lắng nghe tiếng nói của họ, lắng nghe thân phận và nguyên nhân sâu xa cái nghèo khổ của họ.

Nhà báo Võ Đắc Danh trong một bài phỏng vấn do Phong Điệp thực hiện, đã nói đại ý nếu trở lại làm nông dân, anh sẽ đau khổ nhiều hơn, vì “người ta chỉ khổ đau khi nhận thức được thân phận của mình. Đó là sự tụt hậu, sự thua thiệt, bị phản bội, bị bỏ rơi, bị ngược đãi” (bài “Võ Đắc Danh, không thể nào không viết”). Nói vậy có nghĩa là có thể chính họ (ở đây là nông dân) cũng chưa nhận thức hết tất cả những điều đó.

Vậy những người có thể viết, có thể quay phim, có thể có đủ hiểu biết và tri thức để có cái nhìn sâu xa và thấu thị hơn hãy giúp những con người dưới đáy xã hội cất lên tiếng nói của họ để xã hội nhìn thấy và để chính họ hiểu hơn về thân phận của mình. Hiểu để vượt qua, để đấu tranh cho quyền có những nhu cầu lớn hơn, những nhu cầu tự nhiên và chính đáng của một công dân, một con người.

Phẩm giá chỉ được coi trọng nếu họ được nhìn nhận như là những con người có những nhu cầu và quyền lợi như vậy, cái quyền của một công dân lên tiếng về thân phận, hơn là chỉ mô tả họ như những người đang nhận sự ban phát từ thiện của mọi người.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Cái tôi" dưới sự nhào nặn của truyền thông đại chúng

    04/08/2019Nguyễn Thu GiangTheo quan sát của tôi, hiện nay, hễ đã nói về “cá tính riêng” của giới trẻ thì y như rằng, người ta lại kèm theo một tiếng thở dài - như thể thời cuộc đã xoay vần đến độ chúng ta buộc phải chấp nhận giới trẻ, dẫu biết rằng họ thật là nông cạn. Treen đà ấy, nhận định “cái tôi” (dù để phê phán hay ngợi khen) thường nhanh chóng rơi vào lĩnh vực đạo đức học, vì hầu hết đều đặt “cái tôi” trong thế đối lập với Cái Tập thể hoặc Cái chung.
  • Cảnh báo “hoại tử phần hồn”!

    08/09/2016Hữu NguyênKhi xã hội xuất hiện những chuyện như học sinh tạt cả chậu a-xít vào mặt thầy giáo, cầm dao rượt đuổi thầy chạy lòng vòng quanh trường, dùng những từ ngữ lưu manh chửi rủa thầy cô, còn phụ huynh thì “đột nhập” vào lớp học hành hung thầy cô ngang nhiên trước sự ngỡ ngàng của cả trường... thì những hành động đó đã không thể được coi là bình thường trong thang bậc giá trị về luân lý đạo đức...
  • Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam

    08/08/2008Bùi Hoài SơnCó thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống...
  • Truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại

    30/05/2008Trần Hữu QuangKhông gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và Nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của nó. Không gian công cộng tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ nó giả định rằng phải có những thông tin về các hoạt động của Nhà nước để công luận có thể xem xét và phê phán các loại hoạt động này...
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị chân - thiện - mỹ

    04/08/2006TS. Đặng Hữu ToànToàn cầu hoá kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường khi mà thang giá trị và chuẩn giátrị ở các nước còn nhiều khác biệt đang đặt ra những vấnđề cấp bách cho mọiquốc gia, dân tộc trong việc định hướng giá trị nói chung, định hướng các giá trị đạo đức truyền thông nói riêng...
  • Phẩm giá con người

    01/08/2006Những nhà cải cách chính trị và xã hội thường nói về một số điều kiện như là sự lăng mạ phẩm giá con người. “Phẩm giá con người” mà họ nói tới có ý nghĩa gì? Phẩm giá con người có phải là chuyện về những quyền chính trị và những điều kiện sống tử tế, hay nó là cái gì khác hơn?...
  • xem toàn bộ