"Đánh đổi" lấy giải Nobel
Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định tặng "Giải Ngân hàng Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel" (thường được gọi tắt là Nobel kinh tế) cho Giáo sư Edmund S.Phelps, Đại học Columbia Hoa Kỳ, "vì phân tích của ông về những đánh đổi liên thời gian trong chính sách kinh tế vĩ mô".
Trong đánh giá công trạng này có hai từ có thể lạ đối với bạn đọc nước ta: Đánh đổi [trade-off] và liên thời gian [intertemporal]. Từ lâu các nhà kinh tế đã phát hiện ra nhiều vấn đề không có lời giải tối ưu mà chỉ có những giải pháp lựa chọn do các mục tiêu nêu ra có thể không dung hoà với nhau, nên sự đánh đổi có vai trò quan trọng.
Nói nôm na "đánh đổi" là được cái [mục tiêu] này thì mất cái kia. Như thế phải lựa chọn, phải thoả hiệp, phải quyết định. May là như vậy, nếu giả như mọi vấn đề đều có lời giải tối ưu thì sẽ chẳng cần đến quyết định của con người, vì sớm muộn sẽ tìm ra cách giải và có thể tiến đến tự động hoá hoàn toàn việc ra quyết định, một viễn cảnh thật khủng khiếp (thế mà đã có nhiều người tin và đã gây tai họa khôn lường). Liên thời gian ám chỉ đến những ảnh hưởng chính sách ngắn hạn và dài hạn, đến cái hiện tại ảnh hưởng đến tương lai.
Thí dụ điển hình về sự đánh đổi là giữa tỉ lệ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp. Ai cũng muốn có một nền kinh tế có lạm phát thấp với thất nghiệp thấp. Đấy là các mục tiêu cơ bản của chính sách ổn định kinh tế.
Trong các năm 1920, nhà kinh tế học Mỹ Irving Fisher đã chỉ ra mối quan hệ nghịch giữa tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp, tức là tỉ lệ lạm phát thấp thì tỉ lệ thất nghiệp cao và ngược lại.
Năm 1958, A.W.Phillips công bố kết quả khảo sát quan hệ giữa thất nghiệp và tốc độ thay đổi tiền lương ở Anh giữa 1861 và 1957, và ông thấy nó là quan hệ nghịch giữa tỉ lệ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp. Đường cong mô tả mối quan hệ này được gọi là đường cong Phillips.
Theo kết quả này có sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp. Bằng cách "kích cầu" qua chính sách tài chính và tiền tệ có thể giảm thất nghiệp, với cái giá phải trả là tăng lạm phát. Muốn giảm lạm phát thì thất nghiệp sẽ tăng.
Cuối các năm 1960, E.Phelps đã thách thức quan điểm này. Ông nhận ra lạm phát không chỉ phụ thuộc vào thất nghiệp mà còn phụ thuộc vào kỳ vọng tăng giá và tăng lương. Ngỡ rằng đó là một phát hiện chẳng có gì cao siêu, những người buôn bán nhỏ ở ta cũng biết và ứng xử phù hợp. Hiện tượng giá leo lên, "ăn theo" tin rục rịch sẽ tăng lương, hay tăng giá khác là một trong những biểu hiện của hiện tượng này.
Cái tài của Phelps là ông đã lập ra được một mô hình dựa trên cơ sở ứng xử trả lương của các hãng trên thị trường lao động và cho kết quả: Hiệu số của tỉ lệ lạm phát thực tế và tỉ lệ lạm phát kỳ vọng có quan hệ nghịch với tỉ lệ thất nghiệp; không có sự đánh đổi dài hạn giữa thất nghiệp và lạm phát, về dài hạn nền kinh tế tiến đến một tỉ lệ thất nghiệp cân bằng chỉ do thị trường lao động xác định; dưới tỉ lệ thất nghiệp cân bằng đó thì có sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát (cho nên chính sách khéo là chính sách giảm bớt lạm phát ngắn hạn xung quanh điểm thất nghiệp cân bằng).
Hệ quả chính sách của những kết quả này hết sức sâu rộng. Nó làm rõ những khả năng tương lai để đạt các mục tiêu ổn định bị ảnh hưởng bởi chính sách ngày nay [đấy là tính liên thời gian]: Lạm phát cao hôm nay có nghĩa là kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai, làm cho những lựa chọn chính sách trong tương lai khó khăn hơn. Chính sách duy trì lạm phát thấp có thể được coi như khoản đầu tư vào những kỳ vọng lạm phát thấp, làm cho việc lựa chọn chính sách về lạm phát và thất nghiệp trong tương lai dễ dàng hơn.
Sự đánh đổi liên thời còn gắn với một kết quả sớm hơn của Phelps liên quan đến tạo vốn. Câu hỏi ông đặt ra là: nên tiêu dùng bao nhiêu phần của thu nhập quốc gia ngày nay và phải đầu tư bao nhiêu để tăng tổng lượng vốn, và như thế tăng sản xuất và tiêu dùng tương lai? Một câu hỏi thiết thực với mọi người và cốt yếu với mọi quốc gia. Tiêu dùng nhiều và đầu tư nhiều cùng một lúc là không thể (nếu đi vay có thể dẫn đến hậu quả khó lường). Có sự đánh đổi ở đây, giữa tiêu dùng và đầu tư, giữa thế hệ hôm nay và ngày mai.
Năm 1961 ông đưa ra quy tắc vàng về tạo vốn: Tỉ lệ tiết kiệm đáng mong mỏi phải bằng tỉ lệ của thu nhập vốn đối với thu nhập quốc gia. Nói cách khác tỉ lệ tiết kiệm phải đủ cao để duy trì tổng lượng vốn mang lại một khoản lời (lãi suất thực) bằng với tốc độ tăng trưởng trong nền kinh tế.
Vốn được hiểu là cả vốn vật lý và vốn con người (gắn với giáo dục, đào tạo và nghiên cứu). Để đạt được tiêu dùng dài hạn cực đại, các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển và cho giáo dục cũng phải điều chỉnh đến mức nơi lợi tức của chúng bằng với tốc độ tăng trưởng trong nền kinh tế.
Những kết quả về đánh đổi liên thời của Phelps có ảnh hưởng sâu rộng đến việc lập chính sách kinh tế như chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương, chính sách đầu tư và tiêu dùng, chính sách giáo dục và nghiên cứu, chính sách phúc lợi xã hội. Vào tuổi 73 ông nhận được phần thưởng cao quý nhất vì những kết quả quan trọng mà ông làm được trong những năm ở tuổi 30.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý