Chống rửa tiền trong nền kinh tế tiền mặt

11:07 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Bảy, 2005

Một trong các biện pháp chống rửa tiền thường được hệ thống ngân hàng các nước công nghiệp phát triển áp dụng là kiểm soát ngay từ đầu các khoảntiền mặt được nộp vào hệ thống ngân hàng.

Rửa tiền là một tập hợp những hành động nhằm che giấu nguồn gốc đồng tiền có được bằng các cách hoạt động buôn lậu, buôn bán mà tuý, tham nhũng... Từ rửa tiền (money laundering) là một từ hình tượng diễn tả một cách bóng bảy nhưng khá chính xác hành động nhằm tẩy sạch đồng tiền...Đồng tiền, như một tục ngữ phương Tây đã từng nói, vốn không có mùi, có nghĩa dù bẩn dù sạch, nó vẫn được mọi người quý trọng như nhau vì đều có quyền năng “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng đồng tiền phi pháp, theo một nghĩa bóng, là những đồng tiền đã nhuồm bẩn tội ác, thậm chí vấy máu. Và những tên tội phạm khi được những đồng tiền đó, thường tìm cách “rửa” chúng, tức là muốn biến chúng thành những đồng tiền “sạch”, những đồng tiền có nguồn gốc hợp pháp, để cho những tài sản mà họ mua được từ những đồng tiền đó sau này cũng sẽ mang tính chất hợp pháp, có thể chuyển nhượng, mua bán một cách hợp pháp, công khai và để lại cũng một cách hợp pháp, với tư cách là di sản thừa kế cho con cái của họ sau này, khi mà họ đã “rửa tay gác kiếm”.

Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới mẻ, nó cũng xưa như chính tội ác. Từ ngàn xưa, nhũng kẻ phạm tội đều tìm mọi cách che giấu nguồn gốc của các đồng tiền tội ác hòng xoá sạch dấu vết các hành động tội phạm của họ. Ngày nay, do sự bành trướng của nạn tham nhũng tại nhiều quốc gia, nạn buôn bán mà tuý và buôn lậu vũ khí trên toàn cầu với doanh số mỗi năm ước lượng đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đô là Mỹ, thêm vào đó là các tổ chức khủng bố quốc tế với khả năng tài chính và nhu cầu cung cấp tiền cho mạng lưới khủng bố trên toàn thế giới rất lớn, đã khiến cho việc rửa tiền trở thành một dịch vụ béo bở cho một thị trường ngày càng rộng lớn, do đó ngày càng trở nên tinh vi hơn, khéo léo hơn, với kỹ thuật cao cấp hơn. Không những nó giúp cho những “ông hạm”,“ông trùm” thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, ngang nhiên trở thành những ông chủ giàu có, lương thiện mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các mạng lưới khủng bố tại nhiều quốc gia, mang lại những hậu quả khó lường đối với vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế. Do đó, rửa tiền đang là một mối đe doạ nguy hiểm đặt ra cho toàn thế giới, đòi hỏi sự hợp tác cũng mang tính chất toàn cầu của các quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn hiểm hoạ này. Việc đất nước chúng ta ban hành các quy định về chống rửa tiền và triển khai các biện pháp phòng chống hành vi này là điều tất yếu trên tiến trình hội nhập.

Có nhiều hình thức cũng như địa chỉ rửa tiền được giới tội phạm quốc tế chọn lựa. Những công ty ma, những sòng bạc, nàh hàng, tiệm kim hoàn, đại lý mua bán xe ô tô, các nhà môi giới tác phẩm nghệ thuật, các hoạt động xuất nhập khẩu...đều là những địa chỉ rửa tiền quen thuộc. Tuy nhiên, quân cờ được ưu chuộng nhất vẫn là ngân hàng Thuỵ Sĩ, với chất lượng dịch vụ tốt và nguyên tắc tôn trọng bí mật khách hàng nổi tiếng vẫn được xem là điểm đến tốt nhất của các ông trùm, của các tổ chức tội phạm quốc tế, tuy rằng ngay từ thập niên 1980, nhà cầm quyền Thuỵ Sĩ và các ngân hàng đã nhận thức được mối nguy hiểm bị các tổ chức tội phạm quốc tế lợi dụng và do đó đã xây dựng các kênh thông tin và triểu khai các mối liên lạc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng chống rửa tiền quốc tế.

Các ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng của chúng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn, mà còn vì một khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, nó lập tức trở thành một đồng tiến sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn đến bất kỳ đâu, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Do đó, một trong các biện pháp chống rửa tiền thường được hệ thống ngân hàng các nước công nghiệp phát triển áp dụng là kiểm soát ngay từ đầu các khoản tiền mặt được nộp vào hệ thống ngân hàng.

Cũng chính vì lý do đó, Nghị định 74 của Thủ tướng chính phủ đã quy định việc đưa vào danh sách cần theo dõi sát các giao dịch bằng tiền mặt của cá nhân và tổ chức thực hiện trong ngày trên mức 200 triệu đồng (hoặc tương đương) đối với các giao dịch tiền tệ và trên mức 500 triệu đồng(hoặc tương đương) đối với các giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Các nhà làm luật Việt Nam chắc hẳn đã nghĩ rằng mức này đã đủ lớn để phải kiểm soát, so với điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp của nước ta, vì ở Mỹ, với mức thu nhập bình quân đầu người cao bấp 100 lần nước ta, mỗi khi nộp đến 10.000 USD tiền mặt vào ngân hàng là đã phải báo cáo (tại các nước EU, mức này là 15.000 euro).

Tuy nhiên, có một sự khác nhau cơ bản giữa nền kinh tế hầu như không sử dụng tiền mặt ở Mỹ và nền kinh tế tiền mặtcủa nước ta. Trong nền kinh tế của Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác, các giao dịch lớn chủ yếu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch lớn. Họ đã quen gửi tiền vào ngân hàng và giao dịch thanh toán mọi thứ qua hệ thống này. Lâu dần, các chính phủ dựa theo tập quán này để thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát hữu hiệu về thuế bằng cách quy định bắt buộc mọi giao dịch lớn đều phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Hậu quả là toàn xã hội trở nên xa lạ với hiện tượng dùng tiền mặt để mua nhà, mua xe... hoặc những loại tài sản khác có giá trị lớn. Việc dùng một số lượng tiền mặt lớn (vài chục ngàn, vài trăm ngàn USD) để mua bán, giao dịch đều bị xem là những hiện tượng bất thường và không được những người làm ăn đàng hoàng chấp nhận. Không người lương thiệnnào dám bánmột tài sản có giá trị lớn của mình để nhận lại một số tiền mặt lớn. Không người lương thiện nào giám giữ một số lượng lớn tiền mặt trong nhà. Trừ khi chứng minh được là thắng canh bạc lớn tại các sòng bạc, một người tự nhiên có trong tay một số tiền mặt vài chục ngàn, vài trăm ngàn đô la Mỹ chắc chắn sẽ bị nghi ngờ về một nguồn gốc bất minh của số tiền đó. Hầu như chỉ có giới tội phạm, các tay buôn bán ma tuý, buôn lậu vũ khí mới có trong tay những khoản tiền mặt lớn như thế. Ở các nước này, đồng tiền mặt, với số lượng lớn và tập trung được xem là đã bị nhuộm bẩn.

Ngược lại, trong những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiền mặt là phương tiện thành toán phổ biến nhất. Không chỉ tiền mặt bản xứ, vàng, đô la Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi trong việc mua bán các loại hàng hoá, tài sản có giá trị lớn. Việc mua bàn các tài sản, hàng hoá như nhà cửa xe cộ, đất đai với giá trị tương đương hàng tỉ đồng, hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng, hàng trăm ngàn USD không phải là chuyện hiếm. Các giao dịch như thế đều được xã hội mặc nhiên thừa nhận, hơn nữa còn tỏ ra tiện lợi, nhanh chóng. Thử hỏi, trong tổng số các căn nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn được bán ra mà tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đô là Mỹ, dã có bao nhiêu phần trăm được thanh toán qua ngân hàng? Theo luật, đồng bạc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành có hiệu lực thanh toán không hạn chế trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước cũng chưa có quy định nào về việc hạn chế thanh toàn tiền mặt cho các giao dịch có giá trị lớn. Đồng tiền mặt, do vậy, đã hợp pháp và “sạch” ngay từ khi nó còn ở ngoài hệ thống ngân hàng. Một khi nó đã được sạch ngay từ khi nằm ngoài hệ thống ngân hàng, vậy cần gì phải “rửa” nó bằng cách đưa vào trong ngân hàng để rồi có thể bị “lộ tẩy”?

Như vậy, nếu với mục tiêu chống rửa tiền, biện pháp giám sát các lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ở một mức nhất định có thể chỉ ngăn chặn được phần ngọn mà chưa đánh thẳng vào phần gốc, chưa kể có thể gây ra những tác động phụ không mong muốn đối với những người gửi tiền lương thiện nhưng ngại phiền phức và cả đối với hệ thống ngân hàng nước ta đang lỗ lực thu hút nguồn tiền mặt....Việc phân biệt tiền sạch, tiền bẩn cho mục tiêu chống rửa tiền cần phải được thực hiện ngay từ các giao dịch ngoài hệ thống ngân hàng. Chínhcác giao dịch có giá trị lớn ngoài hệ thống ngân hàng mới cần được giám sát và kiểm soát trước nhất. Việc mua nhà, mua đất, mua xe muốn được đóng thuế trước bạ hợp lệ, tức là muốn được công nhận hợp pháp, phải được thanh toán thông qua ngân hàng. Điều này sẽ khuyến khích việc dân chúng gửi tiền vào và thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Cần phải xây dựng cho cộng đồng xã hội tập quán thanh toán không dùng tiền mặt. Một hệ thống giám sát phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm rửa tiền, chỉ có thể trở nên hữu hiệu nếu được xây dựng trên nền móng đó. Chính điều đó mới quyết định kết quả thành công của biện pháp chống rửa tiền, cho dù đó sẽ phải là một nỗ lực lâu dài. Nền kinh tế tiền mặt, từ lâu vốn được xem là thiên đường của bọn rửa tiền, sẽ chỉ kết thúc vai trò đó khi nó không còn là một nền kinh tếtiền mặt.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: