Bóc Lột ngoài kinh tế
I. Sai lầm trong nhận thức hiện nay về bóc lột
K. Marx là người có công rất lớn trong việc chỉ ra cơ chế bóc lột tinh vi của Chủ nghĩa tư bản - đó là bóc lột bằng giá trị thặng dư. Với những phân tích dựa trên quan điểm kinh tế học, Marx kết luận rằng, không chỉ có bóc lột nô lệ và nông nô, mà cả chế độ làm công ăn lương cũng là những hình thức người bóc lột người, mặc dù nó được ngụy trang dưới hình thức của một hợp đồng giữa chủ tư bản và người làm thuê. Trên thực tế, không có luật lệ nào bắt buộc người lao động phải làm việc cho một ông chủ tư bản nhất định, và người lao động có phần được tự do hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là hiện tượng bóc lột không diễn ra. Theo Marx, bản tính lịch sử của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là ở chỗ những người không có tư liệu sản xuất buộc phải bán sức lao động của mình cho người sở hữu tư liệu sản xuất, tức nhà tư bản, để đổi lấy đồng lương.
Lý thuyết về bóc lột của Marx, mặc dù đã từng được chấp nhận thông một giới hạn và một giai đoạn lịch sử nhất định – khi con người chịu ảnh hưởng của tính bất đối xứng về thông tin hay không có khả năng nhận thức - ngày nay đã bộc lộ những thiếu sót.
Sự bóc lột bằng giá trị thặng dư, mà học thuyết của Marx đã phân tích, thịnh hành trên thế giới những năm đầu, và muộn nhất là đến những năm bốn mươi của thế kỷ XX. Sự bóc lột ấy diễn ra trong quan hệ giữa con người với con người, và ở mức độ cao hơn là giữa quốc gia với quốc gia. Giữa con người là sự bóc lột giá trị thặng dư, tức là sự chiếm đoạt thành quả lao động của đồng loại bằng cách đầu cơ cả lao động đơn giản và lao động sáng tạo; giữa các quốc gia là sự bóc lột bằng giá nhân công rẻ mạt, sự khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên của quốc gia khác.
Sự ra đời và phát triển của Chủ nghĩa Marx gắn liền với những điều kiện kinh tế - xã hội nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX - khi lao động giản đơn bằng tay chân và máy móc công nghiệp vẫn đóng vai trò chủ yếu. Trong thời đại ngày nay, khi lao động phát triển thành thị trường, giá trị của nó được xác lập theo tiêu chuẩn của thị trường, thì hiện tượng bóc lột kinh tế theo phân tích của Marx không còn hoàn toàn đúng nữa, tất nhiên phải trừ các quốc gia lạc hậu, nơi người ta vẫn tiếp tục duy trì kiểu bóc lột cũ. Tính chất thị trường hay tính mở, của lực lượng lao động và các dòng tiền vốn chính là nguyên nhân khiến ngày nay, người lao động có quyền và buộc phải lựa chợn, không chỉ các xí nghiệp, mà cả quốc gia để bán sức lao động.
Mặt khác, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, người ta không còn có thể đầu cơ lao động đơn giản nữa. Sự phát triển của khoa học và công nghệ không phải là sáng tạo của riêng một cá nhân mà của cả quá trình đầu tư toàn xã hội. Bản thân khoa học và công nghệ đã chứa đựng trong nó các thành tố xã hội hóa. Do đó, quan hệ giữa người với người trong quá trình lao động đã thay đổi về chất, áp lực bóc lột giảm đi, đồng thời hình thức bóc lột cũng thay đổi.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, sự bóc lột kinh tế mà Marx đã phân tính, không còn đúng trong thời đại ngày nay.
Và hiện tượng bóc lột không chỉ diễn ra trong quan hệ giữa chủ và thợ, mà còn, và khủng khiếp hơn, là giữa nhà nước và xã hội, thông qua các phong trào chính trị phi hiện thực với đời sống con người. Đặc biệt, ở các nước thiếu dân chủ, nơi các quyền của con người về kinh tế, chính trị - xã hội còn bị hạn chế, nói cách khác, ở các quốc gia với thể chế chính trị không minh bạch, quá trình bóc lột con người diễn ra dài hơn, với những hình thức tệ hại hơn. Nhiều khi hàng triệu, hàng trăm triệu, hay thậm chí hàng tỉ nhân công đã bị huy động một cách phi kinh tế và phi công bằng chỉ để phục vụ các cuộc phiêu lưu chính trị - xã hội viển vông, nhằm thỏa mãn ý thích ích kỷ cá nhân của những nhà lãnh đạo.
Cho nên, sai lầm phổ biên hiện nay về bóc lột còn nằm ở chỗ coi sự bóc lột giá trị thặng dư như là mối quan hệ chủ yếu, hay thậm chí là mối quan hệ duy nhất trong đời sống xã hội.
II. Bóc lột ngoài kinh tế là gì?
Bóc lột ngoài kinh tế là vấn đề lớn và vô cùng phức tạp, bởi lẽ ở mỗi thời kỳ lịch sử, di chứng của nó rất khác nhau. Nhưng suy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình.
Bóc lột kinh tế diễn ra hàng ngày, hàng giờ, qua miếng cơm manh áo của người dân, mặc dù nó không bao giờ đơn thuần chỉ là phạm trù kinh tế, mà trái lại, luôn luôn là phạm trù chính trị - xã hội. Nó hiện hữu không chỉ trong các quan hệ kinh tế mà còn trên tất cả các mảng khác nhau của đời sống. Marxim Gorky đã từng viết trong cuốn "Kiếm sống": “Tôi không hiểu tại sao Marx cần đến hàng nghìn trang để viết về bóc lột giá trị thặng dư trong khi tôi cảm nhận nó hàng ngày, hàng giờ trên da thịt của mình". Vì lẽ đó, việc nấn ná với bản chất thuần túy kinh tế học của khái niệm bóc lột cũng có nghĩa là vô tình hoặc cố tình di chuyển sự chú ý sang một đối tượng khác, trong khi, nguồn gốc gây tội ác thông qua các hiện tượng bóc lột đã mở rộng trên quy mô lớn hơn nhiều lần, hay ít nhất là không hề nhỏ so với quy mô theo quan điểm của kinh tế học. Các công trình phòng thủ, các công trình nghỉ ngơi, các đài tưởng niệm thể hiện ý thích phi kinh tế của những kẻ thống trị, là minh chứng rõ ràng cho cái gọi là bóc lột ngoài kinh tế. Di Hòa Viên, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc hay các cung điện của Cesar trên khắp vùng Địa Trung Hải, chẳng hạn, chính là kết quả của quá trình bóc lột ngoài kinh tế hết sức tàn nhẫn ấy.
Rõ ràng, nếu chỉ áp dụng các lý thuyết về kinh tế học cho hiện tượng bóc lột thì không thể giải thích được sự khốn khổ của người lao động. Nếu như bóc lột kinh tế là hiện tượng bóc lột giữa các ông chủ và những "kẻ làm thuê" trong phạm vi một khu vực, thì bóc lột ngoài kinh tế chính là sự bóc lột của những nhà cầm quyền đối với chính đồng bào của họ. ở đây, không phải chỉ một người hay một bộ phận người, mà toàn bộ xã hội bị rơi vào vòng nô dịch và sự trói buộc của tầng lớp thống trị trong xã hội.
Bóc lột ngoài kinh tế sử dụng các biện pháp chính trị, tác động trên quy mô toàn xã hội và kéo dài trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, vì thế nó tàn phá khủng khiếp toàn bộ đời sống xã hội. Nó được thể hiện được nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất, nhưng có lẽ lại ít lộ mặt nhất, là việc các nhà cầm quyền, thông qua quyền cai trị đối với dân chúng, đẩy cả dân tộc vào các cuộc phiêu lưu chính trị viển vông và vô cùng rủi ro, nhằm thỏa mãn khát vọng ích kỷ cá nhân.
Trong thời đại chúng ta, có lẽ sẽ không xuất hiện các công trình mang tính vật lý kiểu như Vạn Lý Trường Thành, nhưng điều đó không hề ngăn cản việc ra đời của những công trình tinh thần phi lý hơn nhiều: những công trình làm trì trệ cả một xã hội, một cộng đồng người hay thậm chí là cả một dân tộc.
III. Những tác động của bóc lột ngoài kinh tế
Tất nhiên, cũng như mọi thứ trên đời, bóc lột không phải chỉ có một phương diện. Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta phải thừa nhận rằng, bóc lột, thậm chí cả hình thức bóc lột dã man dưới thời Trung cổ, cũng đã từng đóng vai trò lịch sử nhất định. Hình thái bóc lột của chủ nô, của chúa đất phong kiến và đặc biệt của nhà tư bản đã từng đóng góp rất lớn vào sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Chúng kế tiếp nhau mở ra và thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ.
Bất kể hình thái bóc lột nào cũng tạo diều kiện để sức lao động kết hợp với công cụ lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Chính sự kết hợp đó đã tạo ra giá trị thặng dư, hay nói chính xác hơn là tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, làm nền tảng vật chất cho sự phát triển của xã hội. Chính nó buộc công cụ lao động phải không ngừng được cải tiến, trình độ quản lý không ngừng được nâng lên. Một hình thái bóc lột nhất định chỉ bị lên án về mặt đạo đức khi nó đã trở thành lỗi thời về mặt lịch sử. Do đó, chúng ta cần phải có quan điểm biện chứng khi đánh giá các hiện tượng bóc lột, không phải bóc lột nói chung mà với từng trường hợp cụ thể.
1. Những tác động đối với đời sống kinh tế
Như đã phân tích ở trên, bóc lột ngoài kinh tế là một phạm trù chính trị - xã hội. Chính trị không bao giờ ổn định thực sự mà thường biến đổi theo sự thay đổi chu kì từ nhà cầm quyền này sang nhà cầm quyền khác. Và mỗi một sự biến đổi của nó đều tác động trở lại cơ sở hạ tầng mà kinh tế là bộ phận quan trọng nhất.
Hãy thử tưởng tượng một quá trình căn bản của đời sống con người như quá trình kinh tế, lại bị chi phối bởi các ý thích điên rồ của một nhà chính trị mắc bệnh hoang tưởng nào đó. Nguy hiểm và rủi ro sẽ lớn biết chừng nào? Như vậy, bóc lột ngoài kinh tế, hay nói cách khác, sự nô dịch con người trong lĩnh vực chính trị - xã hội, sẽ kìm hãm sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Mặt khác, chúng ta biết rằng đối với mỗi hoạt động sản xuất, con người luôn đóng vai trò trung tâm. Yếu tố chính trị trong chất lượng của lực lượng lao động có vai trò rất quan trọng, mang chức năng định hướng. Nếu con người bị lôi kéo, thậm chí bị ép buộc theo các cuộc phiêu lưu chính trị viển vông thì năng lực sáng tạo, không gian tự do sáng tạo sẽ bị tiêu diệt và không còn chỗ cho các hoạt động kinh tế.
2. Tác động đối với sự tồn vong của các giá trị nhân văn
Ngày nay, chính trị càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó trở thành môi trường sống còn của xã hội. Thậm chí, người ta đã chính trị hóa tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống trên phạm vi toàn cầu. Bóc lột ngoài kinh tế, là sự bóc lột không tạo ra sự gia tăng giá trị đối với đời sống con người - cả sự gia tăng các giá trị hữu hình lẫn gia tăng các giá trị vô hình - khiến hầu hết các tầng lớp dân chúng ngày càng nghèo khổ hơn. Sự lạc hậu về mặt tư tưởng của một cá nhân trong một thời gian dài sẽ kéo theo sự lạc hậu của cả xã hội, đến lượt nó, sự lạc hậu của xã hội sẽ cản trở quá trình nhận khác và tìm ra các giá trị mới. Việc bảo vệ các giá trị lỗi thời, lạc hậu của một nền văn hóa, hay sự khuyến dụ con người theo đuổi các giá trị không tưởng đều phản động như nhau, đều là bằng chứng rõ ràng nhất về sự coi nhẹ giá trị con người.
Như vậy, bóc lột ngoài kinh tế hay bóc lột trên phương diện chính trị - xã hội chính là sự nô dịch đời sống con người, khiến con người bị tiêu diệt tất cả các quyền tự do, không chỉ tự do về kinh tế, mà nguy hiểm hơn, nó còn tiêu diệt cả tự do chính trị, tự do sáng tạo và thậm chí cả tự do tâm hồn của con người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt các giá trị nhân văn của nhân loại.
IV. Khắc chế và chung sống với bóc lột ngoài kinh tế
Việc chống bóc lột không thể thực hiện chỉ bằng các biện pháp kinh tế mà cần phải bằng các biện pháp toàn diện và khoa học. Hiện tượng ở mỗi thời một khác, với hình thức cũng rất đa dạng, vì thế các giải pháp cũng phải khác nhau. Tuy nhiên, cần phải ý thức rằng bóc lột là một hiện tượng tự nhiên gắn liền với xã hội loài người mà người ta không thể xoá bỏ. Chúng ta chỉ có thể chế ngự nó bằng những liều thuốc thích hợp. Lựa chọn duy nhất đúng cho vấn đề này là dân chủ hóa đời sống kinh tế - chính trị, đồng thời phải thể chế hóa tất cả các quyền và nghĩa vụ của các nhà lãnh đạo để họ không lạm dụng các quyền đó nhằm nô dịch cả xã hội.
1. Dân chủ hóa đời sống chính trị là giải pháp tối ưu để hạn chế bóc lột ngoài kinh tế
Dân chủ hóa là liều thuốc vạn năng chống lại mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trong đó có hiện tượng bóc lột. Dân chủ hóa đời sống chính trị thực chất là quá trình giải phóng năng lực sáng tạo của con người, và trên bình diện quốc tế là quá trình giải phóng năng lực sáng tạo của mỗi quốc gia. Điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến sự giải phóng con người, với tư cách là một bộ phận tương đối độc lập của thế giới. Dân chủ về chính trị sẽ tạo ra không gian tự do cho con người, cả tự do sáng tạo, tìm kiếm, dịch chuyển và sử dụng các sở hữu của mình sao cho có lợi nhất, cũng có nghĩa là họ có thể mang những lợi thế của mình đến nơi có điều kiện để phát triển. Và mỗi cá nhân con người phát triển tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của toàn xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rằng, đòi hỏi dân chủ về mặt chính trị và kinh tế không phải là đòi hỏi về các quyền tinh thần mà là đòi hỏi làm tăng các giá trị của đời sống.
Đòi hỏi về tự do chính trị không phải là một khát vọng viển vông, không phải là thứ cảm giác về tự do, mà là khát vọng thật để tạo ra sự sống thật. Bấy lâu nay, chúng ta luôn nói đến tự do dân chủ như một thứ quyền hiến định hoặc pháp định, nhưng chúng ta quên mất tự do và dân chủ là các quyền sống, quyền tạo ra sự sống, và tạo ra giá trị vật lý của sự sống. Những tranh cãi bất tận về vấn đề ai bóc lột ai, ai chiến thắng ai, chắc chắn chỉ khiến nhân loại dậm chân tại chỗ. Đây chính là nguyên nhân phá hoại cuộc sống, cũng như phá hoại những giá trị đích thực của nhân loại.
2. Xác lập giới hạn không gian quyền lực của các nhà lãnh đạo
Lâu nay, các nhà cầm quyền dường như dược quyền, hoặc là tự cho mình có quyền làm bất cứ những gì mình muốn, những gì mình thích. Họ dùng quyền lực mà nhà nước, xã hội trao cho họ, và thậm chí cả quyền lực tham nhũng được, để buộc những người dưới quyền phục vụ cho các mục đích hoang tưởng, ích kỷ cá nhân. Điều đó không chỉ tồn tại trong xã hội với số đông dân chúng không có năng lực nhận thức, mà còn ở cả các hình thái xã hội văn minh. Hiện tượng bóc lột ngoài kinh tế đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử và ngày nay phát triển với quy mô lớn hơn nhiều, tinh vi và phức tạp hơn nhiều.
Thử đặt câu hỏi tại sao hầu hết các bộ phận dân chúng lại tin vào các lý thuyết như vậy? Lý do thật đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Người dân, một mặt, bị ru ngủ bằng các lý thuyết mị dân vô trách nhiệm, mặt khác, vì năng lực nhận thức hạn chế, đã trao cho các nhà lãnh đạo rất nhiều quyền lực và những quyền lực ấy ngay lập tức bị lạm dụng để đàn áp trở lại dân chúng, núp dưới những chiếc bóng là các mục tiêu chung vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, cần phải xác lập giới hạn không gian quyền lực của các nhà lãnh đạo có nghĩa là cần phải thể chế hóa tất cả các quyền và nghĩa vụ của họ, buộc các quyền lợi đó vào một không gian nhất định, rõ ràng và minh bạch hơn.
Dĩ nhiên đây là vấn đề khó, thậm chí không thể thực hiện được, nếu khả năng nhận thức của người dân không đồng thời được nâng lên tương ứng. Vấn đề này là trách nhiệm của mọi công dân tiến bộ vì một tương lai tươi sáng hơn và dân chủ hơn.
Trên đây, chúng tôi đã cố gắng vạch ra và bước đầu phân tích một hiện tượng đã tổn tại rất lâu trong lịch sử, song vì lí do này hay lí do khác, chưa được nhận thức đầy đủ và rõ ràng - đó là hiện tượng bóc lột ngoài kinh tế. Bóc lột nói chung và bóc lột ngoài kinh tế nói riêng, là những thuộc tính bản năng của mỗi một con người, mỗi một xã hội. Cần phải thừa nhận rằng, chúng ta không thể loại bỏ được nó nhưng có thể và cần phải tìm cách khắc chế và chung sống với nó. Lời giải đáp cho bài toán về bóc lột hay bài toán phát triển nói chung nằm trong tay mỗi một cá nhân, mỗi một dân tộc. Những phân tích của chúng tôi chắc chắn mới chỉ là những gợi ý. Nhưng trong một thế giới đang thay đổi ngày càng nhanh chóng như thế giới hiện nay, gợi ý phải chăng đã trở thành nhiệm vụ cốt yếu của khoa học?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn