Việt Nam học gì từ Giải Nobel Kinh tế 2005
Trong năm thập kỉ ngắn ngủi kể từ các công trình mở ngành của John Nash1, lý thuyết trò chơi (hay lý thuyết tương tác chiến lược)2 đã bành trướng ra hầu hết các ngành khoa học xã hội (từ kinh tế, quản lý, chính trị, luật, xã hội học, khoa học quân sự...) và nhiều ngành tự nhiên (sinh học, tin học).
Giải Nobel kinh tế năm nay lại được trao cho hai đại thụ của lý thuyết trò chơi: Thomas Schelling (Mỹ) và Robert Aumann (Isarel). Trong bài này, tôi sẽ thử nêu ra vài ứng dụng có thể hữu ích cho VN từ các nghiên cứu lý thuyết thuần túy của hai ông.
Chịu ảnh hưởng của chiến tranh lạnh, Schelling quan tâm đến vấn đề tương tác chiến lược (hợp tác, xung đột, mặc cả, đe dọa, trả đũa v.v.) giữa hai chủ thể. Trong khi Aumann có tư duy duy lý cao độ, Schelling là người có trực quan rất mạnh, quan sát tinh tế. (Schelling có gốc Kinh tế trong khi Aumann là nhà toán học "cải đạo”).
Ngoài những bài báo rất phức tạp, Schelling đã để lại hai cuốn sách mẫu mực, góp phần đại chúng hóa lý thuyết trò chơi. Chiến lược và Xung đột 3 là sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nhà nghiên cứu chiến lược, vì các vấn đề mà Schelling đặt ra vài thập kỉ trước đến nay vẫn gợi nhiều hướng suy nghĩ mới.
Tự trói tay để tăng sức mạnh
Schelling là người chỉ ra nghịch lý cam kết trong tương tác chiến lược: tự giới hạn lựa chọn của mình có thể tăng sức mặc cả. Ví dụ, một chính phủ có nhiều cách buộc các doanh nghiệp quốc doanh phải thực hiện những cải tổ đau đớn nhằm tăng hiệu quả. Nhưng các nhóm lợi ích bảo thủ, vì biết chính phủ không dễ dàng bỏ rơi họ, sẽ luôn tìm cách mặc cả lại và trì hoãn các đòi hỏi từ phía chính phủ.
Để đối phó, chính phủ có thể kí các hiệp định quốc tế yêu cầu không bao cấp các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ, mở rộng cạnh tranh. Như thế, các nhóm phản đối cải tổ không còn chỗ để ỷ lại, buộc phải cải tổ. Ở đây, khi tự trói tay, chính phủ đã tăng sức mạnh mặc cả của mình.
Cuốn Động cơ vi mô và Hành vi vĩ mô 4 là một bộ sưu tập hấp dẫn của những hiện tượng vĩ mô kì thú - hình thành "ngẫu nhiên" do kết quả của các tương tác vi mô giữa các cá nhân. Một hiện tượng mà Schelling phát hiện, sự tiến hóa qua thời gian trong phân bố người giàu và người nghèo trong một thành phố, sau này đã được phát triển thành ngành nghiên cứu động học đô thị.
Đô thị hóa chệch hướng
Xin nêu một quá trình động học đơn giản: mặc dù ai cũng thích môi trường sạch và yên tĩnh, nhưng chỉ có người giàu mới chịu được chi phí chuyển nhà. Vì thế họ mua nhà ở một khu đô thị mới mở. Việc chuyển nhà của họ làm thị trường ở khu vực đó mở rộng, tạo ra việc làm mới thu hút người lao động nghèo, nhất là từ nông thôn, đến tìm việc. Nhiều người nghèo chuyển đến sống làm giao thông khó khăn, môi trường ồn ào và ô nhiễm hơn. Nếu bất bình đẳng thu nhập cao khiến tiền thuế thu được từ số đông (là người nghèo) không đủ để cải thiện môi trường, thì những người giàu lại chuyển sang một khu khác.
Trong khi đó, một phần lớn khi người nghèo vì không chịu được chi phí chuyển nhà nên ở lại. Mất sức mua lớn từ người giàu, thị trường của vùng này bị thu hẹp, thu nhập của những người ở lại giảm, tạo ra một khu nghèo.
Mô hình trên đây là sự giản lược quá trình đô thị hóa chệch hướng, tạo ra các thành phố với những khu ổ chuột khổng lồ như ta đã thấy ở Mỹ Latinh. Hiện tượng này hoàn toàn có thể lặp lại ở bất kì nước đang phát triển nào, kể cả VN nếu bất bình đẳng quá mức và đô thị hóa thiếu định hướng.
Robert Aumann
Aumann là nhà toán học và nhà kinh tế lý thuyết người Do Thái, được trao giải Nobel vì các phát kiến về trò chơi lặp lại, lý thuyết “hiểu biết chung”...
Hợp tác thành công nhờ đe dọa
Trước khi tìm hiểu “trò chơi lặp lại”, ta hãy nhắc lại một phát hiện của lý thuyết trò chơi: dù con người có sáng suốt bao nhiêu, họ vẫn có thể không hợp tác được để tăng phúc lợi của nhau.
Ví dụ: nước A và B có một vùng đánh cá chung, và nước nào cũng biết rằng nếu đánh bắt nhiều quá thì mùa sau cá sẽ ít đi, cả hai đều thất lợi. Nhưng bất kể là nước khác đánh bắt bao nhiêu, thì chiến lược tối ưu của nước mình vẫn là đánh bắt cho thật nhiều. Kết quả là ai cũng đánh bắt thật lực, dù mùa sau không còn đủ cá.
Trong các trò chơi lặp lại vô hạn lần mà Aumann đề xướng, người chơi có thể tạo ra các đe dọa đáng tin về sự trả đũa trong tương lai, khiến bên kia vượt qua cám dỗ hiện tại để hợp tác thành công. Chẳng hạn, B dọa rằng khi A đánh bắt quá nhiều, B “trả đũa” bằng cách cũng đánh bắt nhiều lên trong các năm về sau, khiến A cũng bị thiệt hại về tổng thể. Vì A cân nhắc đe dọa của B trong tương lai, nên sẽ tự kiềm chế. Lưu ý rằng đe dọa của B là có đáng tin - tức là nếu A vi phạm thì B, vì lợi ích của mình, sẽ làm đúng như lời đe dọa.
Chống tham nhũng: xây dựng “hiểu biết chung”
Aumann cũng là người phát triển khái niệm “hiểu biết chung” (common knowledge), rất quan trọng trong các phân tích chiến lược. Ta hãy xem xét một ứng dụng của nó trong bài toán thất bại trong phối hợp: Giả sử rằng A và B cùng có thông tin về một vụ tham nhũng. Nếu A và B cùng lên tiếng cùng lúc thì sẽ thắng lợi, còn nếu chỉ có một lên tiếng thì sẽ bị trù dập. Giả sử A sẽ lên tiếng nếu biết B lên tiếng. A cũng biết rằng B sẽ lên tiếng nếu biết A lên tiếng. Nhưng A lại không biết chắc rằng B biết rằng mình sẽ lên tiếng nếu B lên tiếng.
Như thế, A sẽ lo ngại rằng có thể B, vì lo rằng A không lên tiếng trong trường hợp B lên tiếng, sẽ không lên tiếng. Nếu trường hợp đó xảy ra, thì A lên tiếng một mình và sẽ bị trù dập. Vì thế A không lên tiếng. B cũng suy luận tương tự. Cuối cùng thì không ai lên tiếng, dù cả hai đều mong muốn điều đó. Những người có điều kiện tham nhũng, vì hiểu được khó khăn trong phối hợp, sẽ mạnh bạo hơn trong tham nhũng.
Như thế, để chống được tham nhũng, không chỉ đòi hỏi mỗi người phải biết quyết tâm người khác, mà còn phải cho người khác biết rằng mình đang chia sẻ quyết tâm của họ. Tức là xây dựng “hiểu biết chung” về quyết tâm của nhau. Khi đó, các cá nhân sẽ vượt qua thất bại trong phối hợp để lên tiếng trong tất cả các vụ tham nhũng, các quan chức sẽ không liều lĩnh như trước nữa.
Tuy nhiên, việc xây dựng “hiểu biết chung” cho toàn xã hội rất khó khăn. Nó đòi hỏi một lịch sử lâu dài của nhiều cuộc phối hợp thành công trong chống tham nhũng. Điều này giải thích tại sao các nước một khi đã rơi vào "bẫy” tham nhũng thì rất khó thoát ra.
***
Như tuyên bố của Ủy ban xét thưởng giải Nobel, “Aumann và Schelling tiếp cận lĩnh vực này từ các góc độ khác nhau, Aumann từ Toán học, Schelling từ Kinh tế học. Nhưng cả hai cùng chia sẻ tầm nhìn là lý thuyết trò chơi có tiềm năng định hướng lại toàn bộ khoa học xã hội, tầm nhìn mà về đại thể đã thành hiện thực”.
Ở nước ta, lý thuyết trò chơi mới bắt đầu được du nhập. Hi vọng trong tương lai, lý thuyết này cũng sẽ có những đóng góp tương tự cho tư tưởng kinh tế và xã hội Việt Nam.
1. Nhận giải Nobel năm 1993. Khán giả Việt Nam có thể biết đến ông qua bộ phim The Beautiful Mind.
2. Lý thuyết trò chơi nghiên cứu tương tác giữa các chủ thể duy lý (cá nhân, tổ chức, công ty, quốc gia...), mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình, trong các tình huống mà kết quả chung cuộc phụ thuộc vào hành vi của nhiều người.
3. Strategy and Conflict, Harvard University Press. Tái bản 2003.
4. Micromotives and Macrobehaviors, W. W. Norton Company, 1978.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu